Những giáo xứ mang tên “Kinh Hoa Hồng”
Những giáo xứ mang tên “Kinh Hoa Hồng”
Trong TGP TPHCM có gần hai chục giáo xứ nhận Ðức Mẹ Mân Côi là đấng bổn mạng và đặc biệt, có năm giáo xứ có tên gọi này: giáo xứ Mân Côi (hạt Gò Vấp), giáo xứ Môi Khôi (hạt Xóm Chiếu), giáo xứ Văn Côi (hạt Tân Sơn Nhì), giáo xứ Mai Khôi (hạt Sài Gòn – Chợ Quán) và giáo xứ Mai Khôi (hạt Tân Ðịnh).
Nhà thờ Mai Khôi – hạt Tân Định |
Với nhiều tên gọi – Mai Khôi, Môi Khôi, Mân Côi, Văn Côi, Môi Côi, để phân biệt, nhiều linh mục, nhà nghiên cứu văn hóa hay nghiên cứu Hán Nôm đã có những bài viết thú vị. Tuy nhiên, có thể nói dù đọc bằng cái tên nào thì cũng để nói đến kinh Kính Mừng. Kinh Kính Mừng được ví như đóa hoa hồng dâng Đức Mẹ. Và kinh Mân Côi là việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng. Theo Từ điển Công giáo, kinh Mân Côi là Rosarium, Rosary, Rosaire, Môi Côi kinh. Trong đó kinh là lời cầu nguyện và mân côi là hoa hồng. Mân Côi còn được gọi là Mai Côi, Mai Khôi, Mân Khôi, Môi Côi hoặc Môi Khôi. Theo cha Stêphanô Huỳnh Trụ thì Môi Côi là từ Hán và các từ còn lại là từ Hán Việt đều có nghĩa là hoa hồng. “Ở miền Trung và miền Nam, từ Môi Khôi thông dụng hơn, còn miền Bắc thì quen gọi là Mân Côi hay Văn Côi từ thế kỷ XIX. Những từ này gốc Hán Việt và có thể đọc theo nhiều cách khác nhau: mai (hoặc mân, môi) là hoa hồng, bông hường và côi (khôi) là đá quý”, cha Giuse Phan Tấn Thành, dòng Đa Minh lý giải trong bài nghiên cứu Kinh Mân Côi – Nguồn gốc và sự phát triển đăng trên hdgmvietnam.com.
Theo giải thích trên, tên gọi xứ Môi Khôi có thể do ảnh hưởng nhiều từ gốc Nam bộ. Vì xứ Môi Khôi khi được hình thành vào năm 1966 trực thuộc họ đạo Xóm Chiếu (một xứ cổ gốc Nam). Hay xứ Văn Côi có lịch sử là giáo xứ gốc di dân từ phía Bắc. Hai giáo xứ tên Mân Côi ở hạt Gò Vấp và Mai Khôi thuộc hạt Tân Định thì gắn với tu viện của các tu sĩ dòng Đa Minh, hội dòng có bề dày hình thành và phát triển ở miền Bắc…
Góc cầu nguyện bên Mẹ Maria tại giáo xứ Mân Côi (hạt Gò Vấp) |
Một điểm chung nhất ở cả 5 xứ đạo mang tên Kinh Hoa Hồng là đều có ngày bổn mạng là Mẹ Mân Côi, 7.10. Do đó cả năm giáo xứ Mân Côi (hạt Gò Vấp), giáo xứ Môi Khôi (hạt Xóm Chiếu), giáo xứ Văn Côi (hạt Tân Sơn Nhì), giáo xứ Mai Khôi (hạt Sài Gòn – Chợ Quán) và giáo xứ Mai Khôi (hạt Tân Định)… đều có ngày lễ lớn để mừng kính và sống tâm tình suốt tháng Mân Côi. Đặc biệt năm nay, hai xứ Văn Côi và Mân Côi đều có lễ kỷ niệm long trọng trong ngày 7.10.2022 vừa qua. Xứ Mân Côi mừng 55 năm thành lập xứ và xứ Văn Côi mừng kỷ niệm chặng đường 50 năm. Tại tu viện và giáo xứ Mân Côi đã mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng của cả tu viện và giáo xứ. Đây cũng là cột mốc lịch sử đánh dấu 66 năm thành lập tu viện và 55 năm thành lập giáo xứ. Thánh lễ có sự hiện diện của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Hà Tĩnh; cha Giám tỉnh Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam, và cha Giuse Nguyễn Đức Quang, đại diện Giám mục đặc trách linh mục ở TGP TPHCM. Cùng dòng chảy mừng kính lễ Mân Côi tại xứ Văn Côi, Đức cha Giuse Nguyễn Năng đã đến chủ sự thánh lễ mừng 50 năm thành lập. Giáo xứ cũng mở Năm Thánh ban ơn toàn xá trong năm kỷ niệm.
Tháng 10, trong tâm tình dâng lên Mẹ, dù không phải năm chẵn đánh dấu hành trình hiện hữu, các giáo xứ còn lại đều tổ chức lễ trang trọng… Đầu tháng kính Mẹ Mân Côi, giáo xứ Mai Khôi (hạt Sài Gòn – Chợ Quán) đã thay mặt TGP chầu Thánh Thể. Để chuẩn bị cho tuần chầu lượt, giáo dân trong xứ đã chuẩn bị tâm hồn hướng về Mẹ. Tinh thần chuỗi Mân Côi, kinh Mân Côi như những đóa hồng thơm sống động qua những giờ cầu nguyện riêng, chung khác nhau ở từng cộng đoàn, cá nhân.
Dù cả 5 giáo xứ đều nhỏ nếu tính về quy mô số giáo dân và diện tích nhà thờ, đặc biệt có giáo xứ chỉ có số lượng giáo dân chính thức hơn 100 giáo dân như Mai Khôi (hạt Tân Định), nhưng nhìn chung đều có các sinh hoạt mục vụ sống động. Như tại xứ Mai Khôi (Tân Định), các giờ thánh lễ luôn kín chỗ ngồi và có thánh lễ dành riêng cho cộng đồng nước ngoài. Hay xứ Mân Côi (Gò Vấp) chỉ hơn 1.400 giáo dân nhưng hầu như các đoàn thể đều mạnh và có những nhóm theo chân các cha đi trao Mình Thánh Chúa, xức dầu bệnh nhân ở Bệnh viện 175 phía đối diện nhà thờ, nhóm giới trẻ thường có chương trình đi phát quà giúp người nghèo… Ba giáo xứ còn lại cũng khá khiêm tốn về diện tích, vị trí, và số giáo dân chỉ nhỉnh hơn con số 1.000.
Tháng Mân Côi, một vòng viếng Mẹ Maria tại các giáo xứ mang tên như tràng kinh Mân Côi, để cảm nhận nhiều thêm về bầu khí chiêm ngắm cùng chuỗi kinh dài nối tiếp nhau.
Minh Hải