Nhìn lại một số sự kiện nổi bật của đời sống Giáo hội trong năm qua
Chỉ còn 10 ngày nữa là chúng ta sẽ kết thúc năm 2023 và bước sang Năm Mới 2024. Vatican News Tiếng Việt xin kính mời quý vị cùng nhìn lại một số sự kiện nổi bật trong đời sống Giáo hội trong một năm qua.
Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI qua đời
Trước hết, cách nay gần một năm, vào ngày cuối cùng của năm 2022, Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI đã được Chúa gọi về với Người, hưởng thọ 95 tuổi. Phòng Báo chí Toà Thánh thông báo ngài đã qua đời vào lúc 9:34 sáng giờ Roma tại đan viện Mater Ecclesiae, nơi ngài đã chọn làm nơi cư trú sau khi từ nhiệm vào năm 2013, sau 8 năm lãnh đạo Giáo hội trong sứ vụ chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ.
Từ một vài ngày trước đó, tình trạng sức khỏe của Đức cố Giáo hoàng đã trở nên xấu đi rất nhiều do tuổi cao sức yếu. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn chia sẻ công khai tin tức về tình trạng sức khoẻ xấu đi của vị tiền nhiệm vào cuối buổi tiếp kiến chung cuối cùng của năm, hôm 28 tháng 12, khi mời gọi cầu nguyện cho Đức cố Giáo hoàng, để xin Chúa an ủi và nâng đỡ ngài “trong chứng tá tình yêu dành cho Giáo hội cho đến cùng”. Và ngay lập tức, tại tất cả các châu lục, nhiều chương trình cầu nguyện đã được nhân rộng với các sứ điệp liên đới và gần gũi, ngay cả từ những người ngoài Giáo hội.
Năm ngày sau khi Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI qua đời, thế giới đã nói lời từ biệt với ngài vào ngày 5/1 trong Thánh lễ an táng đơn sơ nhưng long trọng tại quảng trường Thánh Phêrô với khoảng 50.000 tín hữu tham dự. Trong số rất nhiều khách quốc tế đến dự tang lễ có Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier, Chủ tịch liên bang của Đức Bärbel Bas và Thủ tướng Liên bang Đức Olaf Scholz.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi sự nhạy bén, khôn ngoan và dịu dàng của vị tiền nhiệm. Vào cuối bài giảng, ngài nói: “Thưa Đức Biển Đức, người bạn trung thành của Chàng Rể, ước gì niềm vui của ngài được trọn vẹn khi nghe tiếng của Chàng Rể, bây giờ và mãi mãi!”.
Như lời chào cuối cùng, Đức Thánh Cha đã đến quan tài của vị tiền nhiệm, chúc lành, đặt tay lên quan tài và cúi đầu một lúc.
Tông du đến CHDC Congo và Nam Sudan
Mở đầu cho những chuyến tông du nước ngoài của Đức Thánh Cha trong năm 2023 là chuyến viếng thăm CHDC Congo và Nam Sudan, từ ngày 31/1 đến 5/2. Tại hai nước đang có những cuộc nội chiến, Đức Thánh Cha cổ võ hòa bình và đối thoại.
Ngày 1/2, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ tại sân bay N’dolo ở thủ đô Kinshasa của CHDC Congo với một triệu tín hữu. Trong bài giảng ngài kêu gọi họ hạ vũ khí, đón nhận lòng thương xót và trở thành những nhà truyền giáo của hòa bình.
Đức Thánh Cha nói với người dân Congo: “Chúa biết những vết thương của chúng ta, Người biết những vết thương của đất nước của anh chị em, của dân tộc anh chị em, của miền đất của anh chị em!…Chúa Giêsu đau khổ với anh chị em, Người nhìn thấy những vết thương anh chị em mang trong lòng và muốn an ủi và chữa lành cho anh chị em bằng cách trao cho anh chị em trái tim thương tích của Người. Cùng với nhau, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu luôn ban cho chúng ta khả năng được tha thứ và bắt đầu lại, và cũng có sức mạnh để tha thứ cho chính mình, cho tha nhân và cho lịch sử!”
Đức Thánh Cha nói với người dân Congo rằng Chúa đang nói với họ: “Hãy hạ vũ khí xuống, hãy đón lấy lòng thương xót”, nói với tất cả những người bị thương và bị áp bức của dân tộc này: “Đừng sợ chôn cất các vết thương của anh chị em trong vết thương của Ta”.
Và ngài mời gọi các tín hữu Congo tháo Thánh giá khỏi cổ và lấy ra khỏi túi, cầm Thánh giá trên tay và đặt gần trái tim để chia sẻ những vết thương của họ với những vết thương của Chúa Giêsu. Ngài nói: “Chúng ta hãy nhận lãnh ơn tha thứ của Chúa và đến lượt chúng ta hãy tha thứ cho nhau!”
Ngày 4/2, trong buổi cầu nguyện đại kết tại Lăng “John Garang” ở Nam Sudan, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu cầu nguyện và làm việc vì sự hiệp nhất huynh đệ giữa các Kitô hữu và hãy giúp nhau truyền bá thông điệp hòa bình trong xã hội, truyền bá phong cách bất bạo động của Chúa Giêsu, để nơi những người tự xưng là tín hữu không còn chỗ cho một nền văn hóa dựa trên tinh thần báo thù.
Trước hết Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau hãy hiệp nhất với nhau, như một gia đình duy nhất, có trách nhiệm cầu nguyện cho mọi người; hãy chuyên cần và đồng tâm cầu nguyện (x.Cv 1, 14) để Nam Sudan, giống như dân Chúa trong Kinh Thánh, ‘có thể đến được miền đất hứa’”.
Tiếp đến ngài mời gọi làm việc là vì hoà bình, vì Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành “những người kiến tạo hòa bình” (Mt 5, 9). Đức Thánh Cha lưu ý rằng “những ai gọi mình là Kitô hữu đều phải biết chọn đứng về phía nào. Ai theo Chúa Kitô thì luôn chọn hoà bình; ai gây chiến tranh và bạo lực là phản bội Chúa và chối bỏ Tin Mừng của Người”.
Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023
Trong năm 2023 Đức Thánh Cha còn viếng thăm các nước Hungary, Bồ Đào Nha, Mông Cổ, thành phố Marseille, và lẽ ra cả Dubai vào đầu tháng 12 nhưng theo lời khuyên của bác sĩ, ngài đã hủy chuyến đi này vì lý do sức khỏe.
Vào đầu tháng 8, Đức Thánh Cha đã đến thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha nhân Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023. Thánh lễ bế mạc Đại hội vào Chúa Nhật ngày 6/8 được xem là một trong những sự kiện giới trẻ đông người tham dự nhất khi có khoảng 1 triệu 500 ngàn bạn trẻ hiện diện.
Trong bài giảng, dựa trên đoạn Phúc Âm tường thuật sự kiện Chúa biến hình, Đức Thánh Cha chia sẻ về ba điều mà các bạn trẻ mang trở về cuộc sống đời thường sau Đại hội giới trẻ. Trước hết là tỏa sáng. Đức Thánh Cha khuyến khích: “Các bạn trẻ thân mến, hôm nay chúng ta cũng cần một vài tia sáng, tia hy vọng để đối diện với bao nhiêu bóng tối đang tấn công chúng ta trong cuộc sống, bao nhiêu thất bại hằng ngày, để đối diện với chúng bằng ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta không tỏa sáng dưới ánh gương phản chiếu, nó không làm chúng ta chiếu sáng. Chúng ta không trở nên chiếu sáng khi thể hiện mình với một hình ảnh hoàn hảo, trật tự, hoàn thiện, hay khi chúng ta cảm thấy mình mạnh mẽ và thành công. Không. Chúng ta trở nên tỏa sáng khi chào đón Chúa Giêsu, khi chúng ta học cách yêu như Người. Hãy trở thành ánh sáng trong việc thực hiện những hành động của tình yêu”.
Ngài cũng nhắc nhở các bạn trẻ rằng tất cả những gì chúng ta phải làm trong đời sống Kitô hữu chính là hãy lắng nghe Người. Hãy lắng nghe Chúa Giêsu. Có thể người trẻ nói: “Con không biết Chúa nói gì với con”. Đức Thánh Cha khuyên “Hãy cầm lấy Tin Mừng và đọc những gì Chúa Giêsu nói và lòng của con mách bảo”, vì Người có những lời ban sự sống đời đời cho chúng ta và mặc khải rằng Thiên Chúa là Cha. Hãy lắng nghe Người vì Người sẽ cho bạn biết thế nào là con đường tình yêu.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha khích lệ: đừng sợ. Ngài nói: “cha muốn nhìn vào mắt mỗi người trong các con và nói rằng: Đừng sợ! Đừng sợ! Nhưng cha nói với các con một điều tuyệt vời hơn nhiều: Không phải là cha, nhưng là Chính Chúa Giêsu đang nhìn các con, Người biết lòng mỗi người các con, Người biết cuộc đời của mỗi người, Người biết những niềm vui, Người biết những nỗi buồn, những thành công và thất bại, Người biết trái tim của các con. Và hôm nay Người nói với các con, tại Lisbon, vào Ngày Giới trẻ Thế giới này: đừng sợ, đừng sợ, hãy can đảm lên, đừng sợ”.
Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16
Một sự kiện đặc biệt và quan trọng của Giáo hội trong năm 2023 là Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 về chủ đề: “Hướng tới một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Sau hai năm chuẩn bị, phiên họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 16 đã được khai mạc trọng thể sáng ngày 4/10, lễ thánh Phanxicô Assisi. Thánh lễ này trùng vào lễ tạ ơn của 21 Hồng Y mới với Đức Thánh Cha, nên số người tham dự càng đông đảo hơn: hơn 300 Hồng Y, Giám mục và linh mục tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục này với tư cách là thành viên, hoặc chuyên gia, với hàng trăm linh mục khác, cùng với sự hiện diện của khoảng 20 ngàn tín hữu.
Trong bài giảng, nhắc đến bối cảnh bài Tin Mừng (Mt 11, 25-30) đọc trong Thánh lễ: Chúa Giêsu dâng lời cảm tạ Chúa Cha đã mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn, thay vì những người khôn ngoan thông thái, và Chúa mời gọi những ai mệt mỏi và bị áp bức hãy đến cùng Người để được bổ dưỡng, Đức Thánh Cha khai triển hai cái nhìn của Chúa Giêsu: cái nhìn chúc lành và cái nhìn đón tiếp để áp dụng vào cho Giáo Hội nói chung và đặc biệt là Thượng Hội đồng Giám Mục này.
Ngài nói: “Anh chị em, Dân thánh của Chúa đang đứng trước những khó khăn và thách đố đang chờ đợi chúng ta, cái nhìn chúc lành và đón tiếp của Chúa Giêsu ngăn chúng ta đừng rơi vào những cám dỗ nguy hiểm, đó là một Giáo Hội cứng nhắc, võ trang chống lại thế giới và ngoái nhìn lại đằng sau: một Giáo Hội nguội lạnh, đầu hàng trước những thời trang của thế gian; một Giáo Hội mệt mỏi, co cụm vào mình”.
Do đó, ngài khích lệ: “Chúng ta hãy bước đi cùng nhau: khiêm tốn, nhiệt thành và vui tươi. Chúng ta tiến bước theo vết chân thánh Phanxicô Assisi, vị thánh của khó nghèo và an bình, ‘người điên’ của Thiên Chúa”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Thượng Hội đồng không phải là một nghị viện có những phe khác nhau, nhưng là một nơi ân phúc và hiệp thông. Và Chúa Thánh Linh thường phá tan những mong đợi của chúng ta để kiến tạo cái gì mới mẻ, vượt lên trên những tiên đoán và những thái độ tiêu cực của chúng ta. Chúng ta hãy cởi mở và khẩn cầu Chúa Thánh Linh, là vị giữ vai chính. Chúng ta hãy tiến bước với Chúa trong tín thác và vui tươi”.
Báo cáo Tổng hợp của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành
Tối thứ Bảy 28/10/2023, Báo cáo Tổng hợp của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành đã được công bố, trong đó phác thảo các đề xuất chính được thảo luận trong các cuộc đối thoại trong Đại hội kéo dài gần 4 tuần. Tài liệu dài 42 trang, được Vatican công bố bằng tiếng Ý, đã được các đại biểu của Thượng Hội đồng chấp thuận bằng cách bỏ phiếu, sẽ là nền tảng cho phiên họp thứ hai của Đại hội Thượng Hội đồng hiệp hành sẽ diễn ra vào tháng 10/2024.
Được soạn thảo bởi các “chuyên gia” được mời tham dự Thượng Hội đồng và được giám sát bởi một ủy ban gồm 13 đại biểu Thượng Hội đồng, tài liệu nhắm trở thành “một công cụ phục vụ cho việc phân định liên tục”. Tài liệu được chia thành ba phần chính về các yếu tố của một Giáo hội hiệp hành, sự tham gia vào sứ vụ và các tiến trình cho phép đối thoại với thế giới.
Tài liệu bao gồm 20 chủ đề, từ “phẩm giá của phụ nữ” đến “giám mục Roma trong Giám mục đoàn”. Đối với mỗi chủ đề, “sự hội tụ”, “các vấn đề cần xem xét” và “các đề xuất” được liệt kê.
Hơn 80 đề xuất đã được phê chuẩn trong cuộc bỏ phiếu của Thượng Hội đồng, bao gồm việc thiết lập một “thừa tác vụ mới, theo bí tích rửa tội, để lắng nghe và đồng hành”, khởi xướng các tiến trình phân định liên quan đến việc tản quyền của Giáo hội, và củng cố Hội đồng Hồng y thành một “hội đồng hiệp hành để phục vụ sứ vụ Phêrô”.
Các đề xuất khác bao gồm việc trao cho các thừa tác viên đọc sách thừa tác vụ giảng dạy “trong bối cảnh thích hợp”, thực hiện các cơ cấu và quy trình để tăng cường trách nhiệm giải trình của các giám mục trong các vấn đề quản lý kinh tế, hỗ trợ “các nhà truyền giáo kỹ thuật số” và thúc đẩy “các sáng kiến cho phép phân định chung về các vấn đề gây tranh cãi, giáo lý, mục vụ và các vấn đề đạo đức dưới ánh sáng Lời Chúa, giáo huấn của Giáo hội, suy tư thần học và đánh giá kinh nghiệm hiệp hành”.
Tài liệu cũng khuyến khích các giáo hội thử nghiệm phương pháp lắng nghe và suy tư mà các đại biểu Thượng Hội đồng đã sử dụng trong các cuộc thảo luận của họ và các hình thức phân định trong đời sống của Giáo hội; kêu gọi thực hiện “việc thực hiện tính hiệp hành ở cấp khu vực, quốc gia và lục địa”.
Trong báo cáo tóm tắt không có những kết luận dứt khoát về việc chúc lành cho các cặp đồng tính, việc truyền chức cho phụ nữ và một số chủ đề nóng khác đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong Đại hội năm nay.
Tài liệu liệt kê các lĩnh vực bất đồng giữa các tham dự viên Thượng Hội đồng như là “các vấn đề cần xem xét”. Trong số đó có việc phụ nữ có thể lãnh nhận thừa tác vụ phó tế, vấn đề độc thân linh mục, cho phép rước lễ đối với các cặp vợ chồng liên tôn, và giao việc xử lý các trường hợp lạm dụng cho một cơ quan khác thay vì các giám mục.
Báo cáo tổng hợp này là đỉnh điểm của phiên họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 và đặt nền tảng cho phiên họp thứ hai của Đại hội sẽ diễn ra vào tháng 10/2024.
Kết thúc phiên họp thứ nhất Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành
Vào lúc 10 sáng Chúa Nhật ngày 29/10, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật thứ 30 thường niên, kết thúc phiên họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng giám mục lần thứ 16.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha nhấn mạnh hai động từ: thờ lạy và phục vụ:
Yêu mến là thờ lạy. Thờ lạy là lời đáp trả đầu tiên của chúng ta cho tình thương vô vị lợi và lạ lùng của Thiên Chúa. Thờ lạy có nghĩa là nhìn nhận trong đức tin rằng chỉ có Thiên Chúa là Chúa, và cuộc sống chúng ta, hành trình của Giáo hội và số phận của lịch sử tùy thuộc tình thương dịu dàng của Chúa… Đúng vậy, khi thờ lạy Chúa, chúng ta khám phá mình tự do. Vì thế, lòng kính mến Chúa trong Kinh thánh thường gắn liền với cuộc chiến đấu chống mọi điều thờ thần tượng.
Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải luôn chiến đấu chống lại sự tôn thờ thần tượng, tôn thờ thế tục. Nó thường xuất phát từ sự háo danh, ham mê thành công, thành đạt cho bản thân bằng mọi giá, tham lam tiền bạc, ham hố công danh sự nghiệp; và cả những thứ tôn thờ thần tượng được che đậy bằng tâm linh, như những ý tưởng tôn giáo của tôi, tài năng mục vụ của tôi. Vậy, chúng ta hãy cảnh giác để đừng rơi vào tình trạng đặt mình ở trung tâm thay vì Chúa”.
Sang đến động từ thứ hai là phục vụ. Yêu thương là phục vụ. Đức Thánh cha nói: “Trong giới răn cao trọng, Chúa Kitô gắn liền Thiên Chúa và tha nhân, vì hai điều ấy không bao giờ tách rời nhau. Không có kinh nghiệm tôn giáo chân chính nào mà lại giả điếc trước tiếng kêu của thế giới. Nếu có lòng mến Chúa mà lại không chăm sóc tha nhân, thì ta có nguy cơ trở thành biệt phái giả hình…
“Giáo hội mà chúng ta được kêu gọi mong ước trở thành là một Giáo hội nữ tỳ của tất cả mọi người, của những người rốt cùng. Một Giáo hội không bao giờ đòi hỏi bảng điểm hạnh kiểm tốt, nhưng đón tiếp, phục vụ, yêu thương. Một Giáo hội có những cánh cửa mở rộng trở thành cảng của lòng thương xót.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: Anh chị em rất thân mến, Thượng Hội đồng chấm dứt. Trong “cuộc trò chuyện trong Thần Khí” này, chúng ta đã có thể cảm nghiệm sự hiện diện dịu dàng của Chúa và khám phá vẻ đẹp của tình huynh đệ. Chúng ta đã lắng nghe nhau và nhất là trong lịch sử phong phú, với những nhạy cảm khác nhau của chúng ta, chúng ta lắng nghe Thánh Linh. Ngày hôm nay, chúng ta không thấy thành quả đầy đủ của tiến trình này, nhưng với sự nhìn xa trông rộng, chúng ta có thể hướng về chân trời đang mở ra trước chúng ta; Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta và giúp chúng ta thành một Giáo hội đồng hành và thừa sai hơn, tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ những người nam nữ thời đại chúng ta, đi ra ngoài để mang cho tất cả mọi người niềm vui an ủi của Tin mừng”.
Nguồn: vaticannews.va