Nhìn lại đời sống đức tin của ta
16/09/2020
Thứ Tư Tuần XXIV Mùa Thường Niên
Lc 7, 31-35
NHÌN LẠI ĐỜI SỐNG CỦA TA
Chúa Giêsu đến, Ngài có thái độ như ngược hẳn với Gioan Tẩy Giả “cũng ăn, cũng uống” – Một hành vi rất “người”, sống dung hòa với con người và chính Ngài cũng là một con người như chúng ta- “thì họ lại bảo: Đây là tay ăn nhậu, bạn với thu thuế và người tội lỗi” (c.34). Đức Giêsu có mục đích của Ngài. Không phải Ngài từ chối việc “ăn chay, kiêng khem” hoặc đời sống khổ hạnh nhiệm nhặt của Gioan Tẩy Giả. Nhưng Ngài không chay tịnh ý nói lên niềm vui của bữa tiệc thời Mê-si-a.
Và đây, thời Mêsia đã tới “Chẳng lẽ các ông lại bắt khách dự tiệc ăn chay khi chàng rể đang ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi, lúc đó họ mới ăn chay” (5,33-34) . Hành động “ăn uống” của Chúa Giêsu cũng bị người Do Thái chối từ. Họ lên án Chúa kết bạn với những tay ăn nhậu và tội lỗi. Ôi! Lưỡi không xương, ngươi muốn uốn theo đường nào cũng được, để chỉ nhằm biện minh cho tâm địa “chối từ”‘ của chủ ngươi mà thôi.
Ta thấy những người Biệt Phái là những người như thế nào trong thời của Chúa Giêsu. Với họ và luật sĩ Chúa Giêsu nói: vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Lời nói của Chúa Giêsu biểu lộ tâm trạng xót xa của Chúa, trước sự cứng tin của những kẻ không chấp nhận giáo huấn của Ngài, đồng thời Ngài cũng tạo nên một ý thức cho người nghe.
Để diễn tả sự cố chấp đó, Chúa Giêsu mượn trò chơi hát đối của trẻ em Do Thái ngồi chơi ngoài chợ làm dụ ngôn. Trò chơi này được chia làm hai phe để xướng đáp phù hợp. Phe một hát những bài ca bi ai, thì phe hai hát đáp lại bằng cử điệu đấm ngực than khóc: phe một cất giọng ca vui vẻ giả làm đám cưới, thì phe hai phải vui mừng nhảy nhót. Nhưng nhiều khi gặp những trẻ khó tính theo ý riêng hay có sự cố bất hoà với nhau, thì chúng không đối đáp theo lệ đã quen của trò chơi, khiến cho trò chơi mất ý nghĩa và mất vui “ phe một thổi sáo mà phe hai không nhảy múa”.
Chúa Giêsu áp dụng ý nghĩa trò chơi: ông Gioan tẩy giả sống khổ hạnh, nêu cao tinh thần sám hối, và rao giảng sự sám hối , thì những kẻ chống đối cho ông là người điên, bị quỷ ám, nên họ không đón nhận lời ông rao giảng và không ăn năn sám hối. Còn Đức Giêsu sống hoà đồng, bình dị với mọi người, cùng ăn cùng uống với mọi người, diễn tả tình thương cứu độ nên được dân chúng mến phục, thì họ lại bảo Ngài sống bê tha, buông thả, tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và người tội lỗi, nên họ đã không tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, không đón nhận lời giáo huấn của Ngài. Nhưng đức khôn ngoan đã được tất cả con cái biện minh cho.
Con cái của đức khôn ngoan là những người tin nhận Đức Giêsu Kitô, là người thể hiện ý định của Thiên Chúa, họ là con cái Thiên Chúa. Chính việc họ tin nhận Đức Kitô đã biện minh rằng Đức Giêsu chính là Đấng cứu thế, và những người cố chấp là sai lầm. tuy ông Gioan và Chúa Giêsu có hai đường lối khác nhau nhưng cả hai đều cùng chung một mục đích là loan báo thời cứu độ đã đến, cả hai cùng phục vụ thánh ý của Thiên Chúa qua sứ vụ tiền hô của Gioan và sứ vụ cứu thế của Đức Kitô. Chúa Giêsu khiển trách và vạch rõ sai lầm của những người cố chấp, đặc biệt là nhóm biệt phái kinh sư. Chúa Giêsu đã áp dụng một phương pháp sư phạm khôn khéo và một cách thức tế nhị, đúng như người ta thường nói: “với người khôn thì nói mánh với người dại thì đánh đòn”.
Trong Hội Thánh, trong một cộng đoàn, trong một công việc, tuy chúng ta có những hình thức khác nhau, nhưng cùng chung một lý tưởng là phục vụ nước Cha trị đến, chúng ta cần phải biết thống nhất trong đa dạng và hiệp nhất trong khác biệt trong đời sống chung và trong công việc chung.
Qua việc Chúa Giêsu than trách những người Dothái, chúng ta cũng nghe Chúa dạy chúng ta rằng: khi chúng ta làm bất cứ việc gì trong sứ vụ nào, chúng ta cũng không tránh khỏi những sự chê bai chống đối của người khác, làm cản trở công việc của chúng ta, chúng ta cần bình tĩnh và can đảm chịu đựng, vượt qua để trung thành với sứ vụ như Gioan tẩy giả, như Đức Kitô đã nêu gương cho chúng ta. Chúng ta cũng bắt chước Chúa Giêsu luôn yêu thương tôn trọng, tế nhị với người khác khi chúng ta cần sửa sai cho họ một điều gì. Khi đi làm tông đồ, và bản thân chúng ta cần khổ chế như Gioan tiền hô và cũng cần sống hoà đồng như Đức Kitô để tạo tình thân với mọi người, thuận lợi cho việc rao giảng.
Cái tôi của con người được xem như là điều chính yếu khẳng định rằng người đó hiện hữu. Và cái tôi cũng nói lên ý riêng của bản thân người đó trước những biến cố, hành vi, lời nói của người khác. Khi con người không hiểu nhau, trách cứ nhau và có thể dẫn đến xung đột, chia rẽ…. đều xuất phát từ cái tôi ích kỷ, coi ý riêng là trên hết hoặc đề cao “cái rốn vũ trụ” của mỗi người.
Mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế; trông đợi Ðấng Cứu Tinh, nhưng phải là Vị Cứu Tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta”. Chúng ta mang danh hiệu Kitô, chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa từ bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo huấn của Ngài.
Ta nghe Chúa Giêsu kết luận: “Đức Khôn Ngoan đã được con cái mình biện minh cho” (c.35). Thật thế, dân chúng và người thu thuế đã chấp nhận ý đinh của Thiên Chúa (x.c.29). Sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang hoạt động để thực thi ý định này được nhìn nhận là công chính, vì tất cả những ai là con cái Người- con cái của Đức Khôn Ngoan- là những người nhỏ bé, nghèo hèn, khiêm hạ, là các tội nhân đã nhận ra điều ấy
Và rồi ta cần nhìn lại bản thân trong cách sống khó hoà nhập với người khác, với Lời Chúa, với lời khuyên của Hội Thánh, đôi khi chúng ta cũng có thái độ sống khó đồng tình, khó cộng tác, không hiệp thông để tương trợ lẫn nhau làm cho bản thân, cộng đoàn không thăng tiến. Có khi làm hỏng việc chung nữa. Trong đời sống chung chúng ta cũng tránh sự phê phán lên án người khác theo khuôn mẫu tiêu chuẩn, thước đo của mình, để tránh bớt sự sai lầm của mình, cản trở đời sống, công việc của người khác và sự thăng tiến cũng như lợi ích chung.