Nhật ký tu sĩ từ bệnh viện Covid-19: “Nếu như không vào bệnh viện…”
Nhật ký tu sĩ từ bệnh viện Covid-19: “Nếu như không vào bệnh viện…”
Nữ tu Maria Phạm Thị Nhung, dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn tâm tình với Công giáo và Dân tộc từ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) về những ngày phục vụ ở tuyến đầu.
“Nếu như không vào bệnh viện, mình mãi mãi không biết được, siêu vi Corona có thể hủy hoại cơ thể bệnh nhân nhanh chóng như vậy. Hôm nay người bệnh có thể vui cười, nói chuyện với mình thì ngày mai họ đã nằm bất động mê man và ngày mốt thì ra đi vĩnh viễn. Hôm nay họ còn may mắn gọi điện được về cho người thân, nhưng ngày mai người thân gọi vào thì họ không còn nghe điện thoại được nữa. Họ rời xa người thân mà không một lời từ biệt, không một lời trăn trối, không một nén nhang…
Nếu như không vào bệnh viện, mình mãi mãi không biết được, khí trời mà Thiên Chúa ban tặng cho con người lại quý giá đến như vậy. Trong hoàn cảnh bình thường, chúng ta tự nhiên hít thở được không khí, thì không cảm thấy quý giá. Khi Covid-19 ập tới giành lấy ôxy thì chúng ta đành bất lực. Thiếu ôxy, người bệnh phải chịu đựng một nỗi đau rất lớn, cảm giác khó thở không thể nào diễn tả được. Dù họ được máy móc hiện đại hỗ trợ, được bác sĩ giỏi cứu chữa nhưng cũng có lúc phải chịu thua. Bệnh nhân vừa phải chiến đấu về thể xác, vừa phải gồng mình chiến đấu về tinh thần khi hay tin trong gia đình có 3, 4 người ra đi…
Nếu như không vào bệnh viện, mình mãi mãi không biết được, tiền bạc lúc này là vô nghĩa. Có những bệnh nhân mang theo rất nhiều tiền, thường hay nói với tình nguyện viên chúng mình là: ‘Các con cầm tiền đi mua ít đồ cho mọi người cùng ăn, hay mua giùm cô cái này, mua giùm cô cái kia…’, nhưng chúng mình đều từ chối. Không ai dám cầm một đồng tiền trong bệnh viện ra ngoài, vì tất cả điều nhiễm khuẩn. Trong bệnh viện, ai cũng như ai, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt chức quyền, ai cũng có cùng một chế độ chăm sóc tùy theo mức độ bệnh của mỗi người. Rơi vào hoàn cảnh này, con người chỉ còn lại thân xác bệnh tật thôi chứ vật chất ngoài thân đều vô nghĩa.
Nếu như không vào bệnh viện, mình mãi mãi không biết được, còn được ăn uống bình thường là điều vô cùng quý giá. Bởi bệnh nhân trong viện ăn uống rất khổ sở. Trên người họ gắn rất nhiều dây nhợ, họ bị tổn thương cả về thể xác lẫn tâm hồn, chỉ cần cựa mình đón lấy một muỗng cháo thôi đều rất mệt nhọc. Với những bệnh nhân đeo mặt nạ ôxy, mỗi lần đút cháo, mình phải tháo mặt nạ ra, đút cho họ ăn rồi sau đó lại ụp uống để họ thở. Mỗi lần SpO2 của bệnh nhân tụt xuống dưới 90 là mình thót tim, phải kêu họ dừng nhai để hít thở nếu không sẽ nguy hiểm. Bệnh nhân vừa ăn vừa thở nên rất chậm, mình phải kiên nhẫn đợi họ ăn và nuốt xong, ôxy ổn định mới đút muỗng thứ hai. Cũng có nhiều bệnh nhân mất tinh thần không chịu ăn, sức khỏe kém không thể tiếp nhận kháng sinh. Bệnh nhân càng mất tinh thần, không chịu ăn uống thì lại càng dễ bị nguy kịch. Vì thế, việc chăm bệnh nhân, kiên nhẫn thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần phải có tình thương nữa, mình vừa đút cháo, vừa động viên, vỗ về, để họ phấn chấn ăn cho có sức chống chọi với bệnh tật.
Nếu như không vào bệnh viện, mình mãi mãi không biết được, còn được nói chuyện với người khác là điều quý giá. Vì có những bệnh nhân phải đặt nội khí quản, dù tâm trí họ còn tỉnh nhưng không thể nói chuyện. Mình thấy trong lòng họ rất thao thức, rất khao khát muốn nói với mình một điều gì đó nhưng họ không thể cất lời. Cảm giác lúc đó mình thấy rất khó chịu, thấy rất thương bệnh nhân nhưng không thể hiểu bệnh nhân muốn nói gì. Mình chỉ biết im lặng hiện diện bên họ, đồng cảm, chia sẻ nỗi đau với họ.
Nếu như không vào bệnh viện, mình mãi mãi không biết được, bình an là điều quý giá nhất. Phục vụ ở khoa cận nặng, ngày ngày chứng kiến bệnh nhân phải cố gắng giành lấy từng hơi thở để có đủ lượng ôxy trong máu một cách rất mệt nhọc, đau đớn, thì đâu là niềm vui, là động lực thúc đẩy mình cố gắng làm việc hơn 40 ngày qua? Đó là khi mình nhìn thấy các bệnh nhân được chuyển về khoa nhẹ hơn. Điều đó chứng tỏ họ có cơ hội sống sót cao hơn. Họ có thêm niềm hy vọng hồi phục để trở về với gia đình.
Nếu như không vào bệnh viện, mình mãi mãi không biết được, mỗi sớm mai thức dậy còn được gặp người thân quen là điều quý giá. Đại dịch cho mình thấy được sự mong manh của kiếp người. Khi tiễn bệnh nhân vô viện, người nhà còn nhìn thấy bệnh nhân lành lặn, nhưng có khi vài ngày sau chỉ nhận lại nắm tro tàn. Vì thế, mình mong mọi người biết quý trọng hơn những mối quan hệ tương quan của mình, biết gạt bỏ những giận hờn, sẵn sàng tha thứ khi còn có cơ hội gặp nhau, biết nhẫn nhịn, biết nói lời yêu thương xây dựng hơn những ghen tương, đố kị. Con người bỏ quá nhiều thời gian để tham, sân, si, tìm kiếm tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp nhưng khi cái chết ập đến thì chẳng mang theo được gì.
Nếu như không vào bệnh viện, mình mãi mãi không biết được, tất cả rồi sẽ qua đi… chỉ có tình yêu thương là ở lại!”.
Ngọc Lan (ghi)