Nhà thờ Công giáo lịch sử Chan Thar ở Myanmar bị đốt cháy san bằng
Nhà thờ Công giáo lịch sử Chan Thar ở Myanmar bị đốt cháy san bằng
Ngày 15/01/2023, nhà thờ Công giáo lịch sử ở làng Chan Thar, quận Shwe Bo của Myanmar đã bị quân đội Tatmadaw đốt cháy và san bằng.
Gần 500 năm qua kể từ khi các nhà truyền giáo Công giáo đến Giáo phận Mandalay, ngôi làng Chan Thar là nơi sinh sống của nhiều thế hệ người Công giáo Bồ Đào Nha. Và từ khi đất nước châu Á này rơi vào khủng hoảng, ngôi làng đã bị quân đội Tatmadaw đốt bốn lần.
Theo thông tin từ Giáo phận Mandalay, Nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu ở làng Chan Thar được xây dựng cách đây 129 năm (1894), có một giá trị lịch sử dài. Gần đây, nhà thờ, tháp chuông, nhà xứ và tu viện hàng trăm năm tuổi của các nữ tu đã được trùng tu, nhưng ngày 15/01 vừa qua đã bị phóng hoả và phá huỷ hoàn toàn. Đây là hành động phá huỷ gần đây nhất của quân đội. Trước đó, quân đội đã thực hiện tấn công ngôi làng bốn lần. Tối 14/01, sau khi phá huỷ các ngôi nhà trong làng, quân đội tấn công các khu vực xung quanh nhà thờ và sau đó phóng hoả san bằng tất cả.
Chan Thar là một ngôi làng lớn với lịch sử lâu đời. Ở đây người dân đa số là Công giáo, nơi con cháu người Bồ Đào Nha sinh ra và lớn lên. Có 800 gia đình giáo dân chung sống hòa thuận với 2 khu phố Phật giáo. Với sự “đi qua” của quân đội Tatmadaw, toàn bộ ngôi làng đã biến thành tro bụi.
Nhà thờ là niềm tự hào của Giáo hội Công giáo Myanmar. Giám mục bản xứ đầu tiên đã được rửa tội tại nhà thờ này. Giáo xứ đã trao cho Giáo hội 3 Tổng Giám mục và khoảng 30 linh mục và nhiều nữ tu. Trong số 800 căn nhà chỉ còn khoảng 60 căn, số còn lại đã cháy rụi. Mọi người đang chạy trốn. Giáo dân ở đây nói, họ có thể chịu đựng bất cứ điều gì ngoại trừ ngôi nhà thờ lịch sử bị mất.
Trong sứ điệp cuối năm, 31/12/2022, Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangon và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Myanmar đã đưa ra lời kêu gọi hoà bình cho đất nước. Đặc biệt, ngài yêu cầu một “thoả thuận ngừng bắn trong tháng 01/2023”. Đức Hồng Y cũng đề xuất các bên thiết lập và tôn trọng các hành lang nhân đạo trong các khu vực khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất, cho phép các cơ quan quốc gia và quốc tế tiếp cận tự do. Sau cùng, trong sứ điệp, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Myanmar kêu gọi nối lại tiến trình hoà bình đã được bắt đầu trong năm 2020 bởi Hội nghị hoà bình của Panglong và đưa đại diện các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số, chính phủ và quân đội Tatmadaw cùng thảo luận. (Sir. 17/01/2023)
Ngọc Yến