Nhà giáo dục Công giáo Việt Nam hôm nay: Người khơi dậy tiềm năng – niềm tin và hy vọng
Ngày 14-9-2015, lễ Suy tôn Thánh Giá, Bộ Giáo dục Công giáo của Toà Thánh đã ký Sắc lệnh cho phép thành lập Học viện Công giáo Việt Nam. Ngày 21-10-2015, Bộ Giáo dục Công giáo đã trao Sắc lệnh này cho Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trước đó, ngày 06-08-2015, Hội đồng Giám mục nhận được quyết định của Ban Tôn giáo Chính phủ chấp thuận cho Giáo hội Công giáo Việt Nam mở Học viện Công giáo.[1] Một bước ngoặt lớn cho Giáo Hội Việt Nam: từ nay Giáo Hội Việt Nam có thể đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thần học như các học viện, đại học công giáo ở các nước khác, và như thế, có thể mở rộng sứ vụ đào tạo và nghiên cứu. Trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang gặp nhiều khủng hoảng, thì đây là một tín hiệu của hy vọng. Bài viết này suy tư về vai trò của nhà giáo dục Công giáo Việt Nam hôm nay, đó là người khơi dậy tiềm năng, niềm tin và hy vọng.
“Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10, 15- 17). Lời của ngôn sứ Isaia được Thánh Phaolô trích dẫn, cũng diễn tả vai trò của nhà giáo dục, những người mang sự khôn ngoan minh triết và hướng dẫn học trò tìm về Chân, Thiện, Mỹ.
I. Thách đố của nền giáo dục Việt nam
Bản phúc trình của Đại Học Harvard về “Hiện Trạng của Nền Gíáo Dục Cao Đẳng – Đại Học tại Việt Nam” nhìn nhận mức độ nghiêm trọng của sự khủng hoảng trong hệ thống giáo dục cao đẳng, đại học Việt Nam. Việt Nam chưa hề có một đại học nào xuất hiện trên các bảng xếp hạng phổ thông thường kỳ nào của các đại học có phẩm chất tại Á Châu. Đại học Việt Nam chưa đào tạo được một lực lượng lao động có khả năng đáp ứng cho nhu cầu kinh tế và xã hội. Có một sự cách biệt to lớn giữa việc học ở trường lớp và thị trường công việc.[2]
Bạo lực, tệ nạn xã hội Việt Nam ngày càng tăng nhanh và lan sâu rộng đến mức báo động khẩn cấp. Điều cơ bản là cần phải nhìn lại nền giáo dục. Nền giáo dục Việt Nam gặp khủng hoảng toàn diện: Khủng hoảng về một triết lý giáo dục, một chính sách – đường lối giáo dục đúng đắn, và một phương thế giáo dục phù hợp, thiếu một đội ngũ giáo dục là tấm gương sáng và khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ …. Canh tân các thể chế của hệ thống giáo dục là yếu tố tối cần để làm nền tảng cho sự phát triển, thăng tiến đất nước và con người toàn diện.
Từ năm 2007, Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã khẩn thiết kêu gọi: “Giáo dục Kitô giáo là một sứ mạng cấp bách. Sự thay đổi choáng ngợp của nền văn minh thời đại không cho phép chúng ta chần chừ trì hoãn, nếu không muốn bị đẩy vào nguy cơ tụt hậu. Hơn bao giờ hết phương châm mà chúng ta phải nêu cao là: ‘Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai’”.
II. Phương pháp tiếp cận của bài viết
Đời sống luân lý và đức tin người Công giáo liên kết thống nhất với nhau. Nói cách khác, đời sống và tri thức khoa học của người Công giáo được soi dẫn bởi đức tin. Vì thế, bài viết dựa trên yếu tố đức tin, mặc khải làm nền tảng, từ đó, suy tư thực tiễn trong đời sống.
III. Bản chất của nền giáo dục Công giáo
Triết lý Giáo dục
Chức năng thuần túy giáo dục là giáo dục con người trở thành những người có nhân cách lành mạnh, trí tuệ sáng suốt, nhận biết sự vật chung quanh, biết các quy luật sự vật hiện tượng chung quanh và từ đó không ngừng phát huy sáng tạo và hoàn thiện kỹ năng sống, đóng góp xây dựng một xã hội, một thế giới tốt đẹp hơn, nhân bản hơn, xứng đáng hơn.[3]
Triết lý Giáo dục Công giáo
Nền giáo dục đích thực phải bảo đảm việc huấn luyện toàn diện con người, chiều kích nhân bản, hướng về thiện ích chung của xã hội và chiều kích thần linh, hướng về mục đích tối hậu của con người. Bởi đó, thanh thiếu niên phải được giáo dục làm sao để có thể phát triển điều hòa về mọi tài năng thể lý, luân lý và trí tuệ; đạt được một ý thức toàn hảo về trách vụ và biết sử dụng tự do cách hợp lý; và được huấn luyện để tham gia tích cực vào đời sống xã hội và Giáo Hội (x. Giáo Luật s.795)
Bản chất và căn tính của nền giáo dục Công giáo
Đức Thánh Cha Benedict XVI trong “Bài Diễn Văn với các Nhà Giáo dục Công giáo” đã tóm kết bản chất và căn tính của nền giáo dục Công giáo như sau:
Giáo dục là toàn diện đối với sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Mục tiêu trước hết, từng học viên phải gặp gỡ được Đức Giêsu Kitô trong môi trường học tập. Thiên Chúa mặc khải tình yêu và chân lý của Người trong Chúa Giêsu Kitô (x. Spe Salvi, 4 ). Những ai gặp Đức Kitô đều được lôi cuốn bởi chính sức mạnh của Tin Mừng để bước vào một đời sống mới, hướng về Thiên Chúa, Đấng là Chân, Thiện, Mỹ.
Động lực cho sự gặp gỡ cá nhân, học biết tri thức và làm chứng cho Chúa Kitô là phục vụ Chân Lý mà Giáo Hội đang thực hiện giữa nhân loại. Mặc khải của Thiên Chúa trao cho con người để khám phá chân lý tối hậu về chính đời sống và mục tiêu của lịch sử. Nhiệm vụ này thôi thúc những nhà giáo dục Kitô giáo phải bảo đảm rằng sức mạnh của chân lý về Thiên Chúa phải thấm nhập vào hết mọi bình diện giáo dục. Như vậy, Tin Mừng của Chúa Kitô mới bắt đầu hoạt động, dẫn dắt cả giáo sư và sinh viên hướng về chân lý khách quan, giúp họ vững tin công bố niềm hy vọng (x. Rm 5, 5).
Căn tính của một trường Công giáo hệ tại ở vấn đề của sự xác tín rằng chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể mà mầu nhiệm về con người mới thật sự được chiếu sáng (x. Gaudium et Spes, 22). Chúng ta có sẵn sàng dấn thân hết mình – lý trí và ý chí, trí năng và tâm hồn – cho Thiên Chúa không? Đức tin có được thể hiện trong môi trường học tập không? Đức tin ấy có được diễn đạt trong phụng vụ, trong các Bí tích, qua việc cầu nguyện, qua dấn thân cho công bình bác ái, và hoạt động tôn trọng công trình sáng tạo của Thiên Chúa không? Chỉ khi trả lời khẳng định các câu hỏi trên, chúng ta mới thật sự làm chứng cho ý nghĩa căn tính: chúng ta là ai và chúng ta xác tín gì.[4]
IV. Sáu đặc tính của nhà giáo dục Công giáo
Đức tin và nguồn nhân bản là hai chiều kích thiết yếu cấu thành nền đạo đức. Cộng đoàn có quyền trông đợi những người làm sứ vụ giáo dục sẽ suy tư đầy đủ về cả đặc quyền và giới hạn của sứ vụ của họ. Các nhà giáo dục có bổn phận đặc biệt là đạo đức trong cả tính cách và hành động. Mặt khác, như những người chuyên nghiệp, người thầy cô có các trách nhiệm thêm vào, ngoài những đòi hỏi luân lý thông thường.[5]
Đức Giêsu Kitô là mẫu gương NGƯỜI THẦY tuyệt hảo
Đức Giê-su nói:
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6)
“Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29b)
Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và các môn đệ ngày xưa là gương mẫu cho tương quan thầy – trò trong giảng dạy. Người môn đệ được mời gọi sống thân mật với Chúa, càng ngày càng trở nên gần gũi Chúa nhiều hơn, chia sẻ những tâm tình, những hành động của Chúa. Chúa Giêsu đã dùng lời nói và gương sáng, cùng với các bài học trong đời thường mà huấn luyện các môn đệ.
Đức Giêsu đã huấn luyện 12 tông đồ từ những người tính khí và hoàn cảnh khác nhau, người thì chậm hiểu, kẻ ham địa vị, yếu tin, nhát đảm, thậm chí chối bỏ Thầy…trở thành những con người hăng say rao giảng Tin Mừng và cuối cùng hiến dâng mạng sống vì Nước Trời. Từ con số 12 ban đầu, các tông đồ đã có khả năng thay đổi thế giới và ảnh hưởng gần hai tỷ người Kitô giáo trong đó khoảng hơn một tỷ người công giáo ngày nay và còn mở rộng hơn nữa.
1. Con người chân chính, có TÂM, ĐỨC và TRÍ
Giáo dục là một ơn gọi và là một chuyên môn nghề nghiệp
Ơn gọi: Một sự đáp trả tự do đối với tiếng gọi của Thiên Chúa, trong và thông qua cộng đoàn để dấn thân phục vụ tha nhân. Chiều kích cộng đoàn của một ơn gọi nghĩa là tiếng gọi sứ vụ được nghe thấy trong lòng Giáo Hội, được duy trì bởi Giáo Hội, và là để phục vụ sứ vụ của Giáo hội.
Bản chất tự nguyện của một ơn gọi có nghĩa là người thầy cô bắt buộc phải tự kỷ luật để đặt lợi ích cá nhân dưới lợi ích học trò. Chiều kích siêu việt của một ơn gọi chỉ ra người thầy cô đại diện cho một điều gì đó hơn nữa: đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự đón nhận, chữa lành, nhận định yêu thương.[6] Cái ĐỨC của người thầy cô phải tỏa sáng.
Là một nghề nghiệp: Cần huấn luyện trường kỳ về chuyên môn, kỹ năng và tính cách. Thực sự trong lịch sử phát triển của các nghề nghiệp cho thấy rằng tính cách ơn gọi và nghề nghiệp nối liền chặt chẽ. Từ ngữ “nghề nghiệp”, “profession” có nghĩa là đại diện cho điều gì, những gì chúng ta “profess” (tuyên xưng) xác định dấn thân cơ bản cho cộng đoàn. Là một nghề nghiệp, người thực hành cần đạt đến kiến thức chuyên môn, kỹ năng và để phục vụ nhu cầu nhân loại với các đặc tính luân lý tốt lành. Một cách lý tưởng, người chuyên nghiệp phải phản ánh được mức độ cao của sự đồng quy giữa những gì họ tuyên xưng công khai và cách thức họ thực hiện công việc đó. Họ phải đáp ứng nhu cầu con người và không tìm kiếm lợi ích riêng tư. Ý nghĩa tích cực của “being professionals” là kiến thức chuyên môn hóa, dấn thân cho điều tuyệt hảo, tính toàn vẹn, dấn thân vô vị lợi cho cộng đoàn và giữ gìn sự tin cậy quần chúng.[7]
Người thầy cô tốt kết nối chính mình với môn học và với học trò thành công trình của cuộc sống. Bởi vì người thầy cô tốt dạy từ chính nhân cách thống nhất và thực tế của mình. Người thầy cô tốt diễn tả chính cuộc sống của mình, và gợi cảm hứng cho học trò. Đây là năng lực của sự kết nối. Những kết nối được tạo bởi người thầy cô tốt, không chỉ hệ tại ở các phương pháp mà quan trọng hơn, ở cái TÂM của người thầy. Tức là sự hội tụ của TRÍ TUỆ, cảm xúc, tâm linh và ý chí trong NHÂN CÁCH người thầy.[8]
Đức Thánh Cha Benedict XVI dạy rằng các thầy cô giáo và các nhà quản trị, trong các trường học, đều có bổn phận làm chứng cho con đường của Chúa Kitô, như Tin Mừng đã công bố và Huấn Quyền giảng dạy. Điều này sẽ hình thành mọi khía cạnh của đời sống học viên.[9]
Thiền sư Thích Nhất hạnh đã nói “Đời sống của chính chúng ta phải là sứ điệp của chúng ta”. Dù tri thức của người thầy cô là điều không thể thiếu, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng người ta sẽ không quan tâm tầm hiểu biết của bạn cao rộng bao nhiêu cho đến khi họ biết được mức độ sâu xa bạn quan tâm chăm sóc họ. Đặc biệt, trẻ em học hỏi tốt nhất khi chúng yêu thích người thầy cô của chúng và chúng nghĩ rằng người thầy cô của chúng yêu thích chúng. Đối với trò, thầy cô phải là người “Dẫn dắt đường đi, Mở mang trí tuệ, Lay động con tim biết yêu thương”.[10] Sự ảnh hưởng của một người thầy cô tốt lành không bao giờ có thể bị xóa nhòa.
2. Sống NGHỀ GIÁO như một GIAO ƯỚC với Thiên Chúa
Ý niệm Giao Ước trong Kinh Thánh có thể gợi mở cho sự hiểu biết về mô hình giao ước trong các tương quan giảng dạy:
Đặt Thiên Chúa làm trung tâm các giá trị, điểm quy chiếu cho các hành động. Nhìn các hành động như là đáp trả lại Thiên Chúa thi ân và được điều khiển bởi những gì chúng ta biết được về Thiên Chúa. Các bên của giao ước sẵn sàng đi bước thêm để làm cho công việc được trôi chảy.
Trong giao ước cũng có các ranh giới, nhưng các giới hạn này được giải thích tùy theo sự trung tín yêu thương thúc đẩy. Để biết yêu thương thực sự đòi hỏi những gì trong thi hành sứ vụ, cần có những biện phân luân lý, tầm nhìn, sự nhạy cảm của một con người nhân đức thánh thiện.
Tôn trọng nhân vị, và phẩm giá của mỗi học sinh vì tương quan của học sinh như một nhân vị với Thiên Chúa.
Tình yêu vững bền của Thiên Chúa nhấn mạnh đến tính trung thành, tin cậy, và công chính (x.Xh 34,6). [11]
3. Người khơi dậy TIỀM NĂNG để học trò được phát triển TÀI NĂNG, LỚN LÊN và trở nên có “QUYỀN LỰC”
Cách thức Chúa Giêsu sử dụng quyền lực:
Chúa Giêsu không tìm cách phấn đấu cho sự vĩ đại cá nhân, không tìm trở thành trung tâm cho sự chú ý. Con đường lãnh đạo của Chúa Giêsu là “con đường tôi tớ”, lãnh đạo mà không thống trị kẻ khác, và mời gọi người ta biến đổi mà không ép buộc họ phải suy nghĩ giống mình. Ngài sử dụng quyền lực để làm cho người khác trở nên vững mạnh, giải phóng con người tự do nội tâm, mở rộng cho mọi người được tham dự vào quyền lực của Ngài. Quyền lực Ngài sử dụng làm triển nở điều thiện, phát huy tính sáng tạo, xây dựng và phục hồi những tương quan đổ vỡ, tha thứ và chữa lành, kiến tạo không gian đón tiếp, làm cho người yếu trở nên mạnh, thách thức những thái độ tìm sự thống trị. Trong cuộc thương khó và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu vận dụng duy nhất một loại quyền lực mà Ngài biết – tình yêu Thiên Chúa – quyền lực kiến tạo sự sống, ban tặng sự tha thứ.[12]
Định nghĩa quyền lực: là khả năng ảnh hưởng lên người khác.
Mỗi học sinh sẽ trở nên có “ quyền lực” ảnh hưởng trên người khác nếu được khơi dậy tiềm năng của chính mình. Người thầy cô cần tìm ra phương thế giáo dục phù hợp với đặc tính riêng, “kho tàng” riêng của từng học sinh.
Albert Einstein tin tưởng vào tài năng riêng của mỗi người: “Mỗi người là một thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây, thì cả đời của nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc”. Einstein nhìn sự khác biệt, tính đa dạng con người theo lăng kính bổ sung hỗ tương cho nhau: “Mỗi người chúng ta chiếu sáng theo một cách thức khác nhau. Nhưng điều này không làm cho ánh sáng của chúng ta kém sáng hơn”.
Như thế, nhìn cách tích cực “Quyền lực của bạn hệ tại ở sự khác biệt của bạn”.
Phương thức giảng dạy: Đây là một đề tài lớn mà bài viết không có tham vọng đi sâu, không đưa ra một mô hình giảng dạy nào, chỉ nêu ra vài minh họa mang tính gợi mở.
13 tuổi, cậu bé Đỗ Nhật Nam đã gặt hái được rất nhiều thành tích học tập tầm vóc quốc tế. Cậu bé hai lần được trao kỷ lục Việt Nam với danh hiệu dịch giả nhỏ tuổi nhất và người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất. Nhật Nam giành được giải cao trong các kỳ thi tiếng Anh, hùng biện, nhiều lần đứng trên diễn đàn hội thảo quốc tế. Anh Đỗ Mạnh Hà, bố của Nhật Nam chia sẻ cách nuôi dạy con cái của mình: “Tôi luôn hướng cháu đến sự phát triển tự nhiên, không dạy chữ trước khi vào lớp một và cháu chỉ đạt học sinh trung bình. Thế nhưng tôi dạy con về cách ứng xử, chăm lo cho bản thân và em gái ba tuổi, biết tự qua đường, nấu cơm giúp mẹ”. Khi Nam còn bé, bố mẹ rèn luyện cho con tư duy phản biện. Điều này giúp Nam thể hiện chính kiến của mình trong đời sống và học tập mà vẫn thể hiện tốt chuẩn mực văn hóa giao tiếp.[13]
Sơ đồ sau diễn tả Giáo dục kết hợp ba khía cạnh: 1/ Kiến thức: Biết điều gì; 2/ Kỹ năng: biết như thế nào; 3/ Thái độ: biết tại sao. Bộ Ba tạo thành tài năng hay năng lực, tố chất của người học trò.[14]
Giáo dục phương Tây chú ý đến sự hòa nhập xã hội, các học sinh từ nhỏ đã đươc rèn luyện để chơi đùa, học hỏi và lớn lên cùng nhau. Các kiến thức trong lớp học được ứng dụng thực hành trong cuộc sống. Câu chuyện sau minh họa khá dí dỏm:
THẦY GIÁO DẠY TOÁN:
Nếu a=b và b=c vậy thì a=c
Bây giờ, hãy cho thầy ví dụ thực tiễn về nguyên tắc này trong đời thật
HỌC TRÒ:
Con yêu thầy và thầy yêu con gái của thầy.
Điều đó có nghĩa là con yêu con gái của thầy.
Từ bài học toán khô khan, học trò nhỏ đã ứng dụng thành bài học yêu thương trong cuộc sống!
Hiện nay, phần lớn các trường học mà giới tu sĩ Công Giáo có thể vận hành là giáo dục mầm non, bài viết đưa ra một mô hình giáo dục mầm non Nhật Bản. Sau thế chiến II, nước Nhật gần như kiệt quệ. Giáo dục Nhật Bản tiếp thu giáo dục Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nay Nhật Bản đã vươn lên thành cường quốc châu Á nhờ hệ thống giáo dục thích hợp.
11 Điều Hay của Giáo Dục Mầm Non Nhật Bản[15]
1. Học biết sự thật.
2. Dạy lòng trung thực , tính tự trọng.
3. Dạy sắp xếp thứ tự ngăn nắp và gọn gàng đồ đạc.
4. Huấn luyện tự lập, tự phục vụ không cần sự giúp đỡ của bố mẹ.
5. Ít quan tâm đến dạy kiến thức.
6. Tập luyện thân thể khỏe mạnh, các môn thể dục, thể thao thích hợp.
7. Dạy cách “mỉm cười” và nói “cảm ơn”.
8. Phương pháp giáo dục toàn diện, thân thiện với thiên nhiên.
9. Hệ thống giáo dục mang tính hòa nhập xã hội.
10. Tổ chức tất cả các ngày lễ: để khơi dậy tính sáng tạo, năng động.
11. Năng lực tuyệt vời của giáo viên.
Và, điều đáng chú ý, nền giáo dục tại Nhật bản huấn luyện:
Yêu quê hương nhưng phi chính trị: Nhật Bản, sau thế chiến II, đã tiến hành cải cách giáo dục. Điều trước tiên là họ đã thực hiện phi chính trị hóa giáo dục. Môn Tu Thân thời đó bị bãi bỏ vì nhắm truyền bá tư tưởng phải thần phục tuyệt đối Nhật hoàng và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Những người dân bị thao túng lý trí và cưỡng bách ý chí đã trở nên tự tôn, hung hăng gây chiến khắp thế giới, để rồi nhận lấy sự thất bại chua cay và thù hận. Nay vẫn những người Nhật ấy, sống dưới một chế độ mới, một nền giáo dục mới, đã trở nên hiền hòa cùng nhau dựng xây nên một nước Nhật tươi đẹp, thanh bình và giàu mạnh như hôm nay.[16]
4. Người khơi dậy NIỀM TIN
Vài đoạn Tin Mừng cho ta thấy cách thức Chúa Giêsu Kitô khơi dậy niềm tin cho các môn đệ của mình.
Lc 24, 36-43: Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các Tông Ðồ.
Các tông đồ chưa tin Chúa Giêsu đã phục sinh. Đức Giêsu đã làm nhiều cách để họ tin rằng Ngài đã sống lại: mời nhìn, mời rờ, rồi Ngài ăn một khúc cá.
Ga 20, 24-29: Câu chuyện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với Tôma và các môn đệ.
Hãy xem Chúa Giêsu Kitô giúp Tôma tin như thế nào: khiêm hạ đến với ông, như thể cho một mình ông; cho ông những điều ông đòi: thấy dấu đinh, xỏ ngón tay, đặt bàn tay. Ngài chinh phục ông để ông tin.
Mt 14, 24-33: Chúa Giêsu giúp Phêrô đi trên mặt biển
Đức Giêsu bắt họ qua hồ một mình, vào lúc chiều. Ngài để họ một mình chống chọi với sóng gió. Khi Phêrô xin được đi trên nước để đến với Thầy, Ngài đã đồng ý ngay, cho Phêrô thấy ông có khả năng như Thầy, nếu có lòng tin vững…
Để xây dựng Hội Thánh, Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ, các tông đồ, huấn luyện họ về lòng nhân ái và niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa. Chúa Giêsu hướng dẫn con thuyền Giáo Hội và con thuyền cuộc đời mỗi người chúng ta để mỗi lúc gặp khó khăn chúng ta và cả Hội Thánh tin tưởng: “Hãy an tâm, có Thầy đây đừng sợ”.
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI khẳng định không trẻ em nào bị khước từ quyền được giáo dục trong đức tin, để rồi chính việc giáo dục này nuôi dưỡng trở lại linh hồn của một đất nước.[17]
Người thầy cô cần khơi dậy nơi học trò niềm tin vào Chân, Thiện, Mỹ, tạo ra một môi trường học tập bình đẳng và nhân văn, giúp học trò tự tin, tư duy độc lập, đam mê và sáng tạo.
NIỀM TIN: là nhìn thấy ánh sáng bằng con tim của bạn, khi những gì mắt bạn nhìn thấy chỉ là bóng tối.[18]
Đức Benedict XVI nhận định chân lý mở rộng hơn tri thức: chân lý dẫn con người khám phá sự thiện. Với lòng vững tin, các nhà giáo dục Công giáo có thể giải phóng người trẻ khỏi các hạn chế của chủ thuyết thực chứng, và khơi dậy khả năng tiếp nhận chân lý, đón nhận Thiên Chúa và sự thiện hảo của Người. Như thế, người thầy cô cũng sẽ giúp đào luyện lương tâm học trò, mà nhờ được đức tin nuôi dưỡng, sẽ mở ra một con đường an toàn dẫn đến sự bình an nội tâm và lòng tôn trọng người khác.[19]
Đức Benedict XVI nói về tính khẩn trương của việc thực hiện điều “bác ái trí thức”: “Diện mạo của lòng bác ái này mời gọi các nhà giáo dục nhận thức rằng trách nhiệm nặng nề trong việc dẫn dắt người trẻ đến với chân lý không hệ tại điều gì khác hơn là thực hành bác ái. Thật vậy, phẩm giá của giáo dục nằm ở việc nuôi dưỡng sự hoàn hảo và hạnh phúc đích thực của những người thụ huấn. Trong thực hành, ‘bác ái trí thức’ nhìn nhận sự thống nhất căn bản của tri thức, trái ngược với sự rời rạc là điều xảy ra khi người ta tách biệt lý trí ra khỏi việc truy tìm chân lý. Một khi lòng đam mê tìm kiếm sự toàn vẹn và sự duy nhất của chân lý được đánh thức, chắc chắn các bạn trẻ sẽ thích thú khi phát hiện ra rằng điều họ biết cũng mở ra một cuộc tìm tòi sâu rộng đối với những điều họ phải làm. Tại đây các học trò sẽ cảm nghiệm được rằng các em có thể hy vọng ‘vào cái gì’ và ‘nhờ ai’, các em sẽ được thúc đẩy để đóng góp cho xã hội theo cách có thể tạo nên niềm hy vọng nơi người khác.”[20]
Steve Jobs – một tượng đài công nghệ của thế giới. Những điều ông nói, những gì ông làm vẫn luôn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Bài diễn văn mà Steve Jobs phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford, Hoa Kỳ, đã “để đời” nhiều điều gợi hứng cho sinh viên và cả những người đang phấn đấu trong cuộc sống và nghề nghiệp:
“Hãy luôn đam mê và hãy luôn dại khờ” (Stay Hungry, Stay foolish)
“Bạn phải có niềm tin vào một thứ gì đó. Đó có thể là lòng can đảm, định mệnh, cuộc sống … sẽ giúp bạn có đủ tự tin để theo đuổi những gì trái tim mách bảo, kể cả khi nó khiến bạn kiệt sức. Điều đó mới làm nên mọi sự khác biệt.”
“Đôi khi cuộc sống sẽ đánh vào đầu bạn bằng một viên gạch, nhưng đừng đánh mất niềm tin.”[21]
5. Có khả năng trao cho các thế hệ sau những lý do để HY VỌNG
Thách đố lớn lao của thời đại hôm nay là khơi lên niềm hy vọng.
Đức Hồng Y Phanxi cô Xavie Nguyễn Văn Thuận: “chỉ có một thất bại, đó là không còn hy vọng nơi Chúa”
Lc 24, 21-32: Câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra giảng giải từng chút một cho hai môn đệ trên đường Emmau. Đức Giêsu đã cho trái tim họ bừng cháy lên niềm hy vọng, đang khi lòng họ chán nản buồn bã, thất bại ê chề.
Trong nhãn quan Kitô giáo, hy vọng luôn luôn là niềm cậy trông vào ơn cứu độ được Thiên Chúa hứa ban cho những ai tin vào Ngài, sống theo luật Ngài. Abraham vẫn tin vào lời hứa của Thiên Chúa rằng ông sẽ có con nối dõi. Dù bên ngoài là thực tế đầy thất vọng, không có dấu hiệu cụ thể nào ủng hộ ông cả: bản thân ông đã già, bà Sara vợ ông cũng thế. Thánh Phaolô diễn tả về Tổ phụ Abraham: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin; do đó, ông trở thành tổ phụ nhiều dân tộc” (Rm 4, 18).
Đức Hy Vọng không ảo tưởng mong chờ thiên đàng trần thế và loại trừ mọi khổ đau khỏi cuộc sống thế gian, nhưng là thái độ bình tâm đón nhận thử thách và đau khổ trần thế nhờ đức tin dựa vào chính Thiên Chúa, cắm rễ nơi Đức Giêsu Kitô (Dt 6,19-20), và vững mạnh nhờ Thánh Thần.
Đức Hy Vọng hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu trên Quê Trời, cho nên “bảo vệ chúng ta khỏi sự nản chí, nâng đỡ khi bị bỏ rơi, mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu, gìn giữ chúng ta khỏi tính ích kỷ và đưa chúng ta đến với vinh phúc của đức mến” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo s. 1818).
Những ai sầu khổ, hãy nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Ta chẳng lìa con, chẳng bỏ con bao giờ” (Hr 13,5). Thật ra, Thiên Chúa chẳng bao giờ muốn có sự đau khổ, mà Ngài muốn sự sống của con người: một sự sống triển nở ngay trong những thử thách đau khổ.
Chính Đức Ki-tô, để chiến đấu và vượt thắng những cơn cám dỗ, đã phải chay tịnh suốt 40 ngày trong hoang mạc, hầu đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Để đến được miền Đất Hứa chan hòa sửa mật, dân Israel đã phải 40 năm trường gian khổ trong Sa Mạc. Cũng vậy, thế giới có nhiều người thành đạt xuất thân thấp hèn. Anh khuyết tật cả hai tay hai chân Nick Vujicic đã phải phấn đấu với bao thử thách từ trong chính tâm hồn tới môi trường xã hội, chiến thắng những cơn cám dỗ thất vọng muốn tự tử, khi biết lắng nghe tiếng Thiên Chúa để tìm được hy vọng và ý nghĩa cuộc sống, đứng vững, vươn lên và thăng tiến.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định khi một người hoàn toàn tín thác vào Chúa – người ấy có thể chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ thất vọng. Gian truân làm cho chúng ta đau khổ, nhưng niềm tin nơi Chúa đem lại cho chúng ta hy vọng, và điều này dẫn đến bình an.
Đức Benedict XVI mời gọi các giáo chức Công giáo: “Hãy làm chứng cho niềm hy vọng. Hãy nuôi dưỡng việc làm chứng bằng lời cầu nguyện. Hãy luôn chú tâm đến niềm hy vọng là đặc điểm đời sống của quý vị (x. 1 Pr 3, 15) bằng cách sống chân lý mà quý vị đề ra cho các sinh viên”.
Albert Einstein: “Học hỏi từ ngày hôm qua; Sống cho ngày hôm nay; HY VỌNG nơi ngày mai”.
Steve Jobs, bị sa thải khỏi Công ty Apple do chính mình thiết lập, đã chia sẻ: “Tôi bị cự tuyệt, nhưng tôi vẫn yêu mọi thứ. Vì vậy tôi quyết định bắt đầu lại từ đầu. Khi đó tôi không nhận ra rằng, hoá ra việc bị Apple bị sa thải lại là việc tốt nhất tôi từng có. Thay thế cho áp lực buộc phải thành công là tinh thần nhẹ nhõm khi bắt đầu lại từ đầu và không còn chắc chắn về mọi thứ. Nó giải phóng tôi để từ đó tôi bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời.” Và cuối cùng Steve Jobs lại thành công sáng chói. Thành lập mới công ty NeXT và Pixar, giờ đây là trái tim trong công cuộc phục hưng Apple.[22]
Thành công dường như kết nối với hành động. Những người thành công tiếp tục tiến bước. Họ gây ra lỗi lầm, nhưng họ không từ bỏ tháo chạy.[23] Giáo dục con người thành những con người lành mạnh thể chất và tinh thần đã là một thành công mang tính học thuật.[24]
Vâng, niềm hy vọng thay đổi tất cả mọi thứ. Nhìn cách lạc quan, nhưng không kém thực tế, “Khi bầu trời tối đủ, thì bạn có thể nhìn thấy các vì sao”.[25] Khi người thầy cô khơi dậy NIỀM TIN, HY VỌNG, và YÊU THƯƠNG, người thầy cô có thể nuôi dạy thành công những đứa trẻ tích cực hướng thiện trong một thế giới đầy tiêu cực.[26]
Trong lịch sử, thông qua các trường Công giáo, Giáo Hội đã nâng đỡ nhiều thế hệ vươn lên từ nghèo khó và tìm được chỗ đứng trong xã hội. Đó là sứ vụ nổi bật của niềm hy vọng trong việc tìm cách đáp ứng nhu cầu vật chất và thiêng liêng cho hàng triệu trẻ em và sinh viên.
Có thể tóm tắt chu trình của sự thành công của đào tạo con người[27] như sau:
6. Châm ngôn “Thành công của Trò là thành công của Thầy”
“Thất bại của Trò là Thất bại của Thầy”
Tôi từng học Đại học sư phạm, Đại học y khoa tại Việt Nam, có nhiều bậc Thầy Cô rất đáng kính, tôi vẫn tri ân trong lòng. Tuy nhiên, chỉ khi đi học tại Trường Dòng Tên Hoa Kỳ, tôi cảm nghiệm được một điều nổi bật nơi các Thầy của tôi, các vị đã sống điều mà bây giờ tôi vẫn ấp ủ và cố gắng sống như thế đối với học trò của mình: “Thành công của Trò là thành công của Thầy”, “Thất bại của Trò là Thất bại của Thầy”. Mỗi lần tôi có điều gì hay, thành công, là Thầy tôi vui mừng thốt lên: “I am proud of you!” Tôi gây ra lầm lỗi, Thầy tôi khoan dung và cùng với tôi tìm cách sữa chữa. Chính điều này động viên và khởi hứng cho tôi rất nhiều trên quãng đường giảng dạy sau này, và nay, tôi luôn cố gắng làm điều tốt cho học trò của mình, một phần là trách vụ, đáp trả ơn nhưng không từ Thiên Chúa (bao gồm nhà Dòng), một phần là để đáp trả công ơn Hai Đấng sinh thành, và đáp trả lại mong đợi của các Thầy nơi tôi.
V. Bốn điều nhà giáo dục phải đào tạo nơi học sinh của mình
1. Giáo dục toàn diện con người: trí thức, thân xác, tinh thần để họ trở thành người “có uy quyền” qua việc thực thi tài năng và nhân đức.
2. Đào luyện lương tâm trong sáng, chân thực.
Ngày nay, lương tâm con người dễ bị mờ tối bởi hoàn cảnh xấu đang lan rộng, nên càng lúc sẽ càng khó phân biệt giữa thiện và ác, đặc biệt trong những gì liên quan đến phẩm giá và sự sống con người. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh việc huấn luyện lương tâm “cần phục hồi mối liên kết giữa tự do và chân lý… Công việc giáo dục cần nối kết với việc huấn luyện lương tâm để giúp cá nhân vẫn mãi là người hơn, .. dẫn dắt họ đi đến chân lý một cách trọn vẹn hơn, làm thấm nhập trong họ lòng tôn trọng ngày càng tăng đối với sự sống và huấn luyện họ trong các tương quan liên vị đúng đắn”. (X. Tin Mừng Sự Sống, s. 97).
3. Trở thành con người có trí phán đoán, tư duy phản biện, con tim thương cảm, và bàn tay hành động.
Câu chuyện người Samaritan nhân hậu được dùng làm kiểu mẫu của người dấn thân tông đồ. Liên quan về rèn luyện tư duy phản biện, tôi nhớ lại câu chuyện của chính mình. Một ngày trước hôm bảo vệ luận án tiến sĩ thần học luân lý tại Hoa Kỳ, tôi gọi điện thoại về cho Mạ tôi, và nói với Mạ tôi: “Mạ cầu nguyện cho con nghe, con sắp bảo vệ luận án, mà lập trường của con khác với cả bốn giáo sư trong ban giám khảo.” Vốn từng là một giáo viên trung học nhiều năm, Mạ tôi phản ứng ngay: “Con, con là học trò mà răng lại không nghe theo Thầy?” Vâng, các giáo sư của tôi ở Mỹ rất tôn trọng ý kiến của học trò, chẳng những chấp nhận mà còn khuyến khích ý kiến học trò khác với Thầy, và khơi dậy tính sáng tạo. Điều quan trọng là học trò tư duy logic, chặt chẽ và bảo vệ vững chắc được lập trường chính mình.
4. Trở thành những người có khả năng “thay đổi thế giới”
Nhà giáo dục Công giáo sẽ thất bại nếu học sinh sau đó không đi ra ngoài và thay đổi xã hội, thay đổi thế giới tốt đẹp hơn, biến thành thế giới lành mạnh yêu thương của Thiên Chúa.
KẾT
Bài viết kết bằng hai câu chuyện trong đời sống
Bài học cảm động từ một cậu bé chín tuổi ở Nhật trong trận động đất Fukushima
Cậu bé nhỏ nối đuôi sau một hàng dài chờ phát thực phẩm, mặc chiếc áo thun và quần đùi giữa trời giá rét. Cha của em đã bị sóng thần cuốn trôi. Mẹ và em của em chắc cũng không chạy kịp. Một người lính cho cậu bé túi lương khô, cậu ôm túi lương khô để chung vào thùng thực phẩm đang được phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Cậu giải thích: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để phát chung cho công bằng”.
Đứa trẻ chín tuổi trong cơn gian nan thử thách đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác. Đất nước Nhật sau những giờ phút nguy cấp nhất, đã hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ nhờ những công dân được giáo dục có lòng tự trọng, thực thi công bằng bác ái, biết hy sinh tư lợi, ngay từ trẻ thơ.[28]
Câu chuyện Thomas Edison:
Nhà sáng chế ra bóng đèn điện. Edison đã sở hữu hơn 1.000 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ Anh, Pháp và Đức.
Xưa kia, thầy giáo của Edison đã nói về Edison rằng: “Trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”. Thư Thầy viết cho cha mẹ Edison: “… trò Edison, con trai ông, là một trò dốt, lười và hư. Tốt nhất là nên cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi thấy rằng, trò ấy có học nữa thì sau này cũng không làm được trò trống gì…”
Mẹ Edison đáp trả: “Không phải con tôi ngu dốt, mà là giáo viên không biết cách dạy con tôi”. Bà không chỉ dạy Edison về học vấn mà còn rèn luyện cho cậu một phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Edison được mẹ dạy bảo các nhân đức thật thà, ngay thẳng, tự tin, cần cù cộng với lòng yêu quê hương và tình yêu nhân loại. Từng là giáo viên, Mẹ Edison quyết định dạy con học tại nhà.
Thế giới đã may mắn vì Mẹ Edison đã yêu thương, tin tưởng và thấu cảm con mình. Sau này, Thomas Edison đã tỏ lòng tri ân với mẹ: “Mẹ tôi đã tạo ra tôi. Bà luôn tin tưởng tôi. Tôi cảm thấy rằng mình có một lý do gì đó để sống, một ai đó để không thể làm thất vọng”. Quả thật, ông đã không khiến cho gia đình, đặc biệt là người mẹ kính yêu của mình phải thất vọng. Thomas Edison được coi là nhà sáng chế giàu ý tưởng nhất trong lịch sử. Ngày Thomas Edison qua đời, nước Hoa Kỳ tắt toàn bộ đèn điện trên toàn lãnh thổ trong một phút để tưởng nhớ bậc vĩ nhân, “người bạn của nhân loại” đã mang đến cho con người một thứ ánh sáng quý giá, một “mặt trời thứ hai”.[29]
Vâng, các nhà giáo dục Công giáo hôm nay, hãy ra đi, đào tạo những thế hệ có khả năng thay đổi thế giới thành một thế giới nhân bản hơn, yêu thương hơn, xứng với phẩm giá con người hơn.
Tất cả những cánh hoa ngày mai
là nằm trong những hạt giống
chúng ta gieo hôm nay.[30]
[1] Theo Website HĐGMVN, <http://hdgmvietnam.org/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-nhan-sac-lenh-thanh-lap-hoc-vien-cong-giao-viet-nam/7394.63.8.aspx>
[2] “Phúc Trình của Đại Học Harvard về Hiện Trạng của Nền Gíáo Dục Cao Đẳng-Đại Học tại Việt Nam: Khủng Hoảng Suy Sụp và Phản Ứng,” Hồng Lĩnh tổng lược, <http://vietcatholic.org/News/Html/70794.htm>
[3] X. Thành Lê, “ Giáo dục Việt Nam: Chính sách ngu dân?” http://vietcatholic.org/News/Html/140736.htm
[4] “Bài Diễn văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI với các nhà giáo dục Công Giáo” <http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/DienVan/01VoiCacNhaGiaoDuc.htm>
[5] X. Trần Như Ý-Lan, Đạo Đức “Nghề Nghiệp” trong Mục vụ Tông Đồ: Tương Quan và Trách Nhiệm của Người Thi Hành Sứ Vụ Tông Đồ.” Chủ yếu trích dịch từ Richard Gula, Ethics in Pastoral Ministry (New-York, Paulist Press), 1996.
[6] X. Trần Như Ý-Lan, Đạo Đức “Nghề Nghiệp” trong Mục vụ Tông Đồ: Tương Quan và Trách Nhiệm của Người Thi Hành Sứ Vụ Tông Đồ.” Chủ yếu trích dịch từ Richard Gula, Ethics in Pastoral Ministry (New-York, Paulist Press), 1996.
[7] X. Trần Như Ý-Lan, Đạo Đức “Nghề Nghiệp” trong Mục vụ Tông Đồ: Tương Quan và Trách Nhiệm của Người Thi Hành Sứ Vụ Tông Đồ.”
[8] Parker J. Palmer, “Teaching Beyond Technique” trong cuốn sách: A Jesuit Education Reader, Edited by George W. Traub, S.J., (Chicago: Loyola Press, 2008), tr. 313-317.
[9] “Bài Diễn văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI với các nhà giáo dục Công Giáo” <http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/DienVan/01VoiCacNhaGiaoDuc.htm>
[10] <http://www.bcbe.org/Domain/982>
[11] X. Trần Như Ý-Lan, Đạo Đức “Nghề Nghiệp” trong Mục vụ Tông Đồ: Tương Quan và Trách Nhiệm của Người Thi Hành Sứ Vụ Tông Đồ.”
[12] X. Trần Như Ý-Lan, Đạo Đức “Nghề Nghiệp” trong Mục vụ Tông Đồ: Tương Quan và Trách Nhiệm của Người Thi Hành Sứ Vụ Tông Đồ.”
[13] X. Phan Dương, “Con đường trở thành thần đồng của cậu bé Việt 13 tuổi”,
< http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/con-duong-tro-thanh-than-dong-cua-cau-be-viet-13-tuoi-3105927.html>
[14]<http://d4nations.com/webpubl/articles/competence—what-does-the-word-competence-mean.html>
[15] X. Nguyễn Thảo (Theo Asia One) “12 điều ngạc nhiên về giáo dục mầm non Nhật Bản.” <http://vnn.vietnamnet.vn/giaoduc/201004/12-dieu-ngac-nhien-ve-giao-duc-mam-non-Nhat-Ban-904104/>
[16] X. Thành Lê, “ Giáo dục Việt Nam: Chính sách ngu dân?” http://vietcatholic.org/News/Html/140736.htm
[17] “Bài Diễn văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI với các nhà giáo dục Công Giáo”
[18] <https://princessofthelight.wordpress.com/2015/01/27/faith-close-your-eyes-to-the-darkness-and-leapfrog-to-the-light-inspiration/>
[19] “Bài Diễn văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI với các nhà giáo dục Công Giáo”.
[20] “Bài Diễn văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI với các nhà giáo dục Công Giáo”
[21] “Bài phát biểu của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp ở ĐH Stanford” (2005)
<http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/bai_phat_bieu_cua_steve_jobs_tai_le_tot_nghiep.html>
[22] <https://en.wikipedia.org/wiki/Steve_Jobs>
[23] <http://www.quoteswave.com/picture-quotes/23282>
[24] <http://www.healthyeating.org/Schools/Classroom-Programs.aspx>
[25] < http://picture24gallery.blogspot.com/2012/11/quote-on-hope-quote-hope.html>
[26] <http://www.quoteswave.com/picture-quotes/23282>
[27] <http://visihow.com/How_to_Define_Success_Regarding_your_Career_Direction>
[28] “Bài học cảm động từ một cậu bé 9 tuổi ở Nhật”, < http://dantri.com.vn/the-gioi/bai-hoc-cam-dong-tu-mot-cau-be-9-tuoi-o-nhat-1300647928.htm>, Bài viết gửi từ địa chỉ [email protected]
[29] Trung Hiếu – Minh Anh, “Câu chuyện về nhà phát minh vĩ đại vượt lên số phận”, <http://cstc.cand.com.vn/Tam-guong-cuoc-song/Cau-chuyen-ve-nha-phat-minh-vi-dai-vuot-len-so-phan-317121/>
[30] <http://www.lifetasteswell.com/all-the-flowers-of-tomorow-are-in-the-seeds-we-sow-today/>