Người Tôi Trung Hiền Lành
16.7 Thứ Bảy trong tuần thứ Mười Lăm Mùa Quanh Năm
St 2:1-5; Tv 10:1-2,3-4,7-8,14; Mt 12:14-21
Người Tôi Trung Hiền Lành
Chúa Giêsu biết rõ những người Biệt Phái ghen ghép và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Mátthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Người là ai, mà “nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc tìm cách giết”? Người là ai, mà “dân chúng theo đông đảo” và được chữa lành? Người là ai, mà ngôn sứ Isaia đã báo trước với hình ảnh Người Tôi Trung của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương và rất mực hài lòng? Thưa, Người là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng thực thi sứ mạng cứu thế qua hình ảnh Người Tôi Trung khiêm tốn, hiền hòa: “không cãi vã, không kêu to” và đầy lòng nhân hậu: “cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” “Cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.”
Ðấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài; một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vả, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ðó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.
Thật ra, trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói: “Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Ngài luôn quả quyết: “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại”, và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.
Trong đời sống gia đình ngày nay, một điều khiến người ta trăn trở và đắn đo không ít, đó là kiếm tìm sao được một “Ô sin” trung thành, không phản hoặc bán chủ, không phá hoại hạnh phúc gia đình, luôn quan tâm săn sóc chu đáo mọi công việc… Hôm nay, Thánh sử Matthêu giới thiệu cho chúng ta một người Tôi Tớ trung thành của Thiên Chúa được nói đến trong Cựu Ước. Vì Thánh sử nhằm viết Tin Mừng cho người Do Thái và họ đang mong chờ một Đấng Mêsia, Đấng mà mọi sấm ngôn của Cựu Ước đều ứng nghiệm nơi Ngài. Chúng ta hãy nhìn xem người Tôi Tớ mẫu này.
Mở đầu bài Tin Mừng là một lời cảnh cáo, đe dọa “Ra khỏi hội đường, nhóm Pharisêu bàn bạc tìm cách giết Chúa Giêsu” (c.14) vì Chúa Giêsu đã chữa người bại tay trong ngày sabat, một ngày mà theo luật Môsê không được làm bất cứ công việc gì, dù là chữa bệnh. Thánh sử nói tiếp “biết vậy, Chúa Giêsu lánh khỏi đó” (15a).
Đây là sự khôn ngoan của người rao giảng Tin Mừng: bị bắt ở thành này trốn sang thành nọ, để Tin Mừng được nuôi dưỡng và sống động. Các người cầm quyền thì tìm cách bắt giết Chúa Giêsu, còn dân chúng thì lũ lượt đi theo Ngài và Ngài đã chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền của họ. Chúng ta thấy thái độ hồ hởi, ủng hộ của dân chúng trái ngược với lòng thù hằn, ghen ghét của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Chúa Giêsu tránh né nhóm Pharisiêu, nhưng Ngài cũng không hài lòng về thái độ của dân chúng. Ngài cấm họ không được tiết lộ Ngài là Đấng Mêsia: Tôi Trung của Thiên Chúa như trong sách Isaia đã nói: Đây là một bức tranh đẹp cho những nhà truyền giáo: Một Đấng Mêsia khiêm tốn, âm thầm, giản dị, hòa đồng, thương cảm người nghèo khổ.
Người Tôi Trung: được tuyển chọn – Người yêu dấu – làm hài lòng chủ nhân (c.18a). Đọc câu này ta thấy một tương quan tốt đẹp giữa chủ nhân và người Tôi Tớ trung thành này. Người Tôi Tớ hết lòng hết sức với chủ, còn chủ nhân yêu mến, tuyển lựa và rất hài lòng về người Tôi Tớ của mình. Người Tôi Tờ này được ban Thần Khí.
Sứ mệnh của Người là loan báo công lý cho mọi người, nghĩa là ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Người không cãi vã nói lên tính hiền lành, không kêu to là sự âm thâm khiêm tốn. Danh Ngài không được biết đến nơi phố xá, đô thị. Nhưng Ngài có một lòng thương xót vô bờ bến, nâng đỡ và thương cảm ngay cả những kẻ chống đối, thù nghịch với mình “cây lau bị giập, không đành bẻ gãy; tim đèn leo lét chẳng nợ tắt đi”. Nói tóm lại, người Tôi Trung dùng chính tình yêu thương và lòng khiêm tốn mà loan báo Tin Mừng Nước Trời, làm cho Nước Cha trị đến trên toàn thế giới này. Điều đó đem lại niềm hy vọng cho Israel nói riêng và toàn dân trên mặt đất này nói chung, mỗi khi kêu cầu danh Thánh Ngài.
Người loan báo Tin Mừng hôm nay cần soi chiếu đời mình và cung cách rao giảng theo Người Tôi Trung mẫu này. Phần đông chúng ta vẫn còn thái độ “cha chú” hay tỏ ra “oai phong lẫm liệt” khiến cho Tin Mừng của Đức Kitô không thấm sâu vào lòng người nghe, khiến hình ảnh của Người Tôi Trung bị lệch lạc, méo mó. Bên cạnh đó, có một số nhà truyền giáo đã lao mình vào đoàn chiên, đã “bắt mùi” của chiên và họ đã giúp chiên nhận ra tiếng Tình Yêu và đi theo. Họ là những mục tử tốt lành sống chết cho đoàn chiên, ngăn chặn các sói dữ và nhất là họ có một lòng yêu thương, chăm sóc chữa trị từng con chiên.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên Ðàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương yêu bao la đến mức nào.