NGƯỜI LỚN NHẤT LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ THA NHÂN
27 21 Tr Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên.
Thánh Vi-xen-tê Phao-lô [Vincent de Paul], Linh mục, lễ nhớ.
Dcr 8,1-8; Lc 9,46-50.
NGƯỜI LỚN NHẤT LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ THA NHÂN
Vincent de Paul sinh ngày 24 tháng 4 năm 1581 tại Pouy miền Ranquine, Gascony, nước Pháp. Ngay từ nhỏ, ngài đã tỏ ra có một lòng bái ái cao cả đối với người nghèo khó. Năm 1596, ngài học thần học tại Toulouse và chịu chức linh mục năm 20 tuổi.
Tháng 7 năm 1605, trong chuyến tàu từ Marseille tới Narbonne, tàu của cha Vincent bị hải tặc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và bị bắt giam giữ để bán làm nô lệ tại Phi Châu nhưng cha Vincent được cứu ra nhờ hoán cải người chủ mua người và được trở về Pháp. Tại Pháp, cha Vincent phục vụ cho một xứ đạo gần Paris. Cha nhiệt thành với các linh hồn và được nhiều người tín nhiệm.
Nhìn cảnh một người hầu hấp hối xưng tội trên giường bệnh như đã mở mắt cha Vincent để nhìn thấy nhu cầu tâm linh của vùng quê nước Pháp thời bấy giờ. Ðó là giây phút quan trọng trong cuộc đời của một người xuất thân từ nông trại nhỏ ở Gascony, nước Pháp, mà việc đi tu làm linh mục không có gì lớn lao hơn là có được một cuộc sống tiện nghi.
Chính nữ Bá Tước de Gondi (có người đầy tớ được cha Vincent giúp đỡ) đã thúc giục chồng bà cung cấp tiền bạc và hỗ trợ một nhóm truyền giáo có khả năng và hăng say muốn hoạt động cho người nghèo, người hầu và tá điền. Ngay lúc đầu cha Vincent thừa khiêm tốn để nhận làm người lãnh đạo cho nhóm này, nhưng sau một thời gian hoạt động cho các tù nhân khổ sai ở Balê, ngài trở nên nhà lãnh đạo thực sự của tổ chức mà bây giờ được gọi là Hội Thừa Sai hay tu sĩ Dòng Thánh Vinh Sơn (the Congregation thành Priests thành the Mission – Lazarists). Các linh mục này, với các lời thề khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và bền vững, tận tụy làm việc cho dân chúng ở các thành phố nhỏ hay làng mạc.
Sau này cha Vincent tổ chức các nhóm bác ái để chữa trị tinh thần cũng như thể xác của những người nghèo trong mỗi xứ đạo. Từ sinh hoạt này, với sự trợ giúp của thánh nữ Louis de Marillac, xuất phát tổ chức Nữ Tử Bác Ái (the Congregation thành the Daughters thành Charity) “mà tu viện là bệnh xá, nhà nguyện là nhà thờ của giáo xứ và khuôn viên là đường phố.” Ngài huy động các bà giầu có ở Paris để quyên góp tài chánh cho chương trình truyền giáo, xây bệnh viện, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và chuộc lại khoảng 1,200 người nô lệ da đen. Ngài hăng hái tổ chức tĩnh tâm cho giới tu sĩ khi sự sao nhãng, lộng hành và ngu dốt lan tràn trong giới này. Ngài là người tiên phong trong việc huấn luyện tu sĩ và thúc đẩy sự thiết lập các chủng viện.
Ðáng để ý nhất, cha Vincent là một người hay cáu kỉnh — ngay cả bạn hữu của ngài cũng công nhận điều ấy. Ngài cho biết, nếu không có ơn Chúa ngài sẽ “rất khó khăn và lạnh lùng, cộc cằn và gắt gỏng.” Nhưng ngài trở nên một người dịu dàng và dễ mến, rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác.
Cha Vincent qua đời ngày 27 tháng 9 năm 1660 tại Paris, nước Pháp. Đức Giáo Hoàng Benedictus XIII đã tôn phong Chân Phước cho cha Vincent đệ Phaolô ngày 13 tháng 8 năm 1729. Tám năm sau, Đức Giáo Hoàng Clement XII đã nâng cha Vincent đệ Phaolô – vị tông đồ của lòng bác ái lên hàng hiển thánh ngày 16 tháng 6 năm 1737. Ðức Giáo Hoàng Leo XIII ngày 12 tháng 5 năm 1885 đã đặt ngài làm quan thầy của mọi tổ chức bác ái. Nổi bật nhất trong các tổ chức này, dĩ nhiên, là Dòng Thánh Vinh Sơn, được thành lập năm 1833 bởi Chân Phước Frederic Ozanam, là người rất ái mộ thánh Vinh Sơn.
Sau nhiều cuộc di dời, hài cốt thánh nhân được đặt trong một bức tượng bằng sáp để trong một chiếc hòm xinh đẹp tại nguyện đường nhà mẹ dòng thánh Vinh Sơn đường Rue de Sèvres, thành phố Paris. Phần đầu của pho tượng giống hệt như đầu thánh nhân.
Tuy nhiên trái tim còn toàn vẹn của ngài được đặt trong một chiếc hòm bằng vàng được bày kính trên bàn thờ đài vị kính ngài trong nguyện đường trụ sở nhà mẹ của dòng Nữ Tử Bác Ái tại số 140 đường Rue du Bac, Paris. Cách xa thánh tích thánh Vinh Sơn một chút, bên dưới bàn thờ cạnh là thi hài nguyên vẹn của người con thiêng liêng của ngài là thánh nữ Catherine Labouré, người được Đức Mẹ hiện ra và ban cho chiếc ảnh Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ. Cũng trong nguyện đường này, trên bàn thờ cạnh còn có một chiếc hòm kính có tượng sáp trong có xương của thánh nữ Louise de Marillac, vị đồng sáng lập dòng Nữ Tử Bác Ái.
Dọc theo các tranh Thánh Kinh, ta nhận thấy các môn đệ bộc lộ bản tính trần tục, nặng tính ích kỷ, hẹp hòi của các ông khi băn khoăn tính toán xem ai là người lớn nhất. Trong lòng các ông còn chất chứa những tham vọng, ghen tương, khi thấy những người khác nhân danh Chúa mà làm phép lạ. Với tất cả những điều đó, mỗi chúng ta hãy cùng suy niệm 2 ý tưởng sau:
Chúa muốn xóa tan những suy nghĩ của các môn đệ còn mang nặng tính toán trần thế. Ngài không khiển trách các ông về việc tranh giành ngôi thứ, vì Ngài đã gọi đã chọn các ông với tất cả thực chất những con người đầy tham vọng và yếu đuối, để rồi Ngài sẽ giúp các ông thắng vượt những thái độ tầm thường đó. Ngài nhẹ nhàng dạy các ông biết đâu là giá trị đích thực, đâu là cái làm cho con người trở thành người lớn trong Nước Trời, và cũng là cách sống của Ngài là khiêm tốn và phục vụ: “Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.
‘Em bé’ là hình ảnh những người người bé mọn, yếu thế, tầm thường, bị người đời khinh rẻ. ‘Em bé’ cần được bao bọc chở che và nâng đỡ, cần được đón tiếp, yêu thương, trân trọng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy.” Như vậy, đối với Chúa, người làm lớn phải là người sống khiêm nhường và biết phục vụ người khác, và đối tượng để phục vụ và yêu thương là những người bé nhỏ, nghèo hèn thấp kém trong xã hội.
Ta thấy các môn đệ học được bài học “khiêm tốn và phục vụ” nơi Chúa Giêsu, khi Ngài yêu thương những người bé nhỏ, người bị khinh khi, người nghèo khổ, đặc biệt, khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các ông và khi Ngài hiến thân mình chịu chết trên thánh giá.
Gioan thưa với Chúa Giêsu: ” Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con”.
Thái độ của Gioan là một thái độ tự ái, bảo vệ một độc quyền của mình. Cả các môn đệ cũng có cùng tư tưởng cục bộ như vậy. Họ muốn giữ độc quyền. Họ độc quyền về Thiên Chúa, về Đức Kitô, độc quyền về đạo thật, về chân lý, về bác ái,… Họ muốn bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của nhóm.
Thế nhưng rồi ta nhìn thấy nơi Chúa Giêsu có quan điểm hoàn toàn khác với các môn đệ: “Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con”. Ngài không chấp nhận thái độ của các ông. Ngài thật bao dung và cởi mở hơn nhiều. Ngài có cái nhìn lạc quan về người đã nhân danh Ngài mà trừ quỷ.
Thái độ cởi mở của Chúa Giêsu cảnh báo người Kitô hữu hôm nay cần nhìn lại sự khép kín và độc đoán của mình.
Không nên tách biệt những người theo Chúa và những kẻ không theo, Kitô hữu và dân ngoại. Vì, đâu chỉ người có đạo Chúa mới sống bác ái, làm từ thiện,…
Thái độ khép kín và độc quyền thường bắt nguồn từ lòng ích kỷ chứ không phải từ lòng đạo đức chân thật. Cần loại bỏ thái độ ích kỷ, ghen tương để cùng nhau chung xây thế giới và xã hội loài người tốt đẹp hơn.
Và với tất cả những điều đó, ta thấy trang Tin Mừng hôm nay mời gọi người Kitô hữu hãy đi theo con đường của Chúa. Con đường của Chúa khác hẳn cách sống của người đời; đó là sống khiêm tốn và phục vụ tha nhân; đó là cởi mở, quảng đại và cộng tác, đối thoại với mọi người để xây dựng thế giới ngập tràn ánh sáng văn minh của tình thương, đề cao nhân phẩm của con người, đặc biệt quan tâm giúp đỡ những người bị đối xử bất công, những người nghèo khổ, yếu đuối.
Ta hãy cùng nguyện xin Chúa dạy cho mỗi chúng ta biết bỏ đi những tính toán nhỏ nhen, ghen tương ích kỷ. Xin Chúa dạy chúng ta biết sống quảng đại và vị tha. Xin Chúa dạy chúng ta trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày để phục vụ yêu thương hết mọi người.