Người Công-giáo nhìn trận chiến “phá thai” tại Mỹ
Người Công-giáo nhìn trận chiến “phá thai” tại Mỹ
Phá thai là một tệ nạn xã hội ở khắp nơi trên thế giới này nhưng sao chỉ ồn ào tại Mỹ, nhất là trong mùa bầu cử này. Vấn nạn phá thai đã bị chính trị hóa. Nhiều người bị cuốn hút vào vong tranh chấp: Hoặc bênh vực hoặc phê bình lên án.
Chúng tôi nghĩ rằng: Sau mùa bầu cử thì cơn lốc chính trị sẽ giảm đi và ta mới có thể bình tâm để suy luận trung thực hơn. Chúng tôi xin chia vấn đề này ra làm hai mặt:
- Hiệu quả của việc phê bình, lên án:Phá thai là giết người, là trọng tội. Mọi người biết thế nhưng việc lên án nặng nhẹ khác nhau tùy theo quan điểm mỗi người, mỗi nhóm, tùy theo mức độ đạo đức hoặc văn hóa.
Xin mở ngoặc: Có lý luận rằng: Thai nhi cũng là một con người có giá trị như mọi người, và giết một thai nhi cũng không khác gì giết người lớn. Nhưng chúng tôi nghĩ đó là kiểu lý luận thuần túy tôn giáo và trên thực tế thì không thể như vậy. Ví dụ một thai nhi bị chết vi phá thai hay bị xảy thai thì nguời ta không thể có xúc cảm thương đau như khi đứng trước một người lớn qua đời.
Hoặc lý luận mơ hồ rằng khi phá thai thì thai nhi cũng đau đớn và biết khóc. Hoặc mọi giúp đỡ cho việc phá thai là tiêu tiền thuế của dân chúng.
Khi nghe những lý luận trên đây, chúng tôi có cảm nhận rằng: Vì e mình không đủ tự tin là mình đang nắm vững được ”Lẽ phải”, cho nên mình phải vơ vét thêm những lý lẽ có tính khích động đến tình cảm và túi tiền người khác. Các cách này thì nhà chính trị vẫn làm nhưng nhà đạo đức thì không thể.
Phê bình chỉ trích là đúng nhưng chưa đủ vì nó chỉ là một vế của phương trình. Vì bao năm nay, việc phê bình chỉ trích chẳng làm thay đổi gì cả.
- Vậy phải tìm xem nguyên nhân nào đã gây nên nạn phá thai để tìm cách sửa chữa:
Nhiều thống kê cho rằng phần lớn các vụ phá thai là do khó khăn về tài chánh và khủng hoảng tâm lý khi biết mình có thai, nhất là người ở tình trạng có thai ngoài hôn nhân, sợ xã hội chê cười, gia đình ghét bỏ. Vào thời kỳ này, đương sự rất cần được sự giúp đỡ: Nâng đỡ tinh thần và cả vật chất.
Khi qua được mấy tháng đầu thì những người nghèo lại lo đến một tương lai dài hạn hơn, là làm sao nuôi con tới ngày khôn lớn, phải nghỉ việc, lấy đâu ra tiền để sống cho toàn thể gia đình…
Nếu ta cảm thông được hoàn cảnh của họ thì ta sẽ dễ dàng thương cảm hơn là lên án.
Có vài cơ cấu tôn giáo đã có những chương trình giúp đỡ họ, ví dụ cung cấp cho một số người nơi ăn ở cho tới ngày sinh nở. Trường hợp này rất ít vì chỉ áp dụng cho những người nhất thời không nơi ăn ở. Cần nhiều cơ sở giúp đỡ họ tại nhà của họ, Không chỉ ở thời kỳ đầu, mà cả thời kỳ nuôi con sau này. Đây mới là chương trình lớn mà Xã-hội và các Giáo-hội vẫn chưa làm gì đáng kể.
Một chuyện mới đây, đó là Công-an tại Vietnam đã bắt được mấy nhóm người buôn bán trẻ sơ sinh.
Họ tổ chức nuôi ăn ở cho một số người mang thai để sau khi sanh thì bán đứa nhỏ cho cha mẹ nuôi…
Nhìn vào hai trường hợp là phá thai và bán con trên đây thì ta thấy có cùng một nguyên nhân, đó là vì nghèo không nuôi nổi con.
Cả hai trường hợp đều có tội, nhưng nếu người mẹ không bán con mà là cho không thì lại không bị tội hoặc trường hợp người “hiến nội tạng” thì lại đáng khen! Nhưng nếu người nhận con nuôi hay nhận nội tạng, rồi sau đó, muốn trả ơn người đã hiến tặng, bằng cách biếu lại quà cáp “đáng giá” gì đó thì ta lại thấy đó là chuyện tự nhiên?
Mỗi người chúng ta có thể có cái nhìn khác nhau và có thể sai lầm ít nhiều chăng!
Và một chuyện nữa là một người vợ vì không có khả năng mang thai nên nhờ một bà khác mang thai giùm mấy tháng đầu rồi sau đó sẽ chuyển cái thai vào bào thai của người vợ. Họ làm theo lời khuyên của bác sĩ. Vậy câu hỏi là: Mang thai giùm có tội không? Mấy ai hiểu được nỗi đau khổ của những người không thể có thai hoặc bị sảy thai nhiều lần, chạy chữa rất tốn phí mà vẫn không được!
Ngày nay, sống đạo theo các tiêu chuẩn cổ truyền thì rất khó khăn. Ví dụ: Phá thai thì đương nhiên là có tội, nên chọn cach ngừa thai, nhưng ngừa thai cũng có tội. Vậy không muốn có thai thì vợ chồng chỉ còn cách là đừng gần nhau, vì giáo lý dạy rằng: khi vợ chồng muốn gần nhau thì phải chấp nhận có con. Và cách độc nhất được Giáo-hội cho phép đó là phải theo phương pháp Oginô (do bác sĩ Ogino người Nhật và được ĐGH Pio X áp dụng), nhưng vẫn có rủi ro. Vậy nếu vợ chồng đi làm xa, lâu lâu mới gặp nhau thì phải làm sao?
Và cuối cùng là giới trẻ ngày nay đã sống xa đạo. hoặc bỏ đạo, Họ có tội không?
Chúng tôi nhớ lại rằng: cách đây vài chục năm, cha Lom-bac-đô, phát ngôn viên của Tòa-thánh đã trả lời rằng: Giáo-hội chưa hề có văn thư nào chính thức về việc cấm ngừa thai.
Chúng tôi cũng lại biết rằng: Trong Hội-nghị Giám-mục thế giới về gia đình, năm 2015-2016, thì các Nghị-phụ cũng đã bất đồng ý về nhiều vấn đề gia đình, với chỉ số ngang ngửa 50/50.
Vậy xin các Đấng nên hợp Ý lại để con cái Giáo-hội khỏi sống trong mặc cảm tội lỗi và rồi sống xa đạo.
Chúng tôi xin mạo muội trình bày rằng: Ngày nay, nhiều tin tức nội bộ Giáo-hội cũng cho thấy có những sự khác biệt giữa các Đấng bậc trong Giáo-hội. Một số các Đấng vẫn còn muốn trung thành với truyền thống cũ, kể cả chối bỏ Công-đồng Vatican II, mà khi khai mạc cộng đồng này, ĐGH Gioan XXIII đã phát biểu rằng Giáo-hội phải mở cửa để thông với thế giới bên ngoài.
Những suy nghĩ của chúng tôi có thể sai sót nhưng đây là lòng thành của chúng tôi khi lo lắng cho đám con cháu và bạn bè của chúng.
Chúng tôi cầu xin các Đấng nhìn đến đám con cái với tình cảm của bậc cha mẹ là biết lắng nghe con cái và chia sẻ sự khắc khoải, khó khăn trong cuộc sống đạo của chúng.
Kết luận: “Nghèo đói sinh đạo tặc”. Vậy nếu giảm được đói nghèo thì tội ác sẽ giảm theo và nạn phá thai vì nghèo đói cũng sẽ giảm bớt chăng?
Và cuối cùng, ta hãy nhìn tổng quát đến nhiều vấn nạn trong xã hội hôm nay, đó là biết bao loại tội lỗi khác như bắn giết hằng ngày, tham nhũng, bất công khắp nơi… Đây là những nguyên nhân gây nên sự nghèo đói. Vậy cần phải có chương trình cải tạo và sửa đổi những nguyên nhân này.
Nguyễn Thất-Khê