Năm thứ chín triều giáo hoàng Phanxicô trong mười hai ngày
Năm thứ chín triều giáo hoàng Phanxicô trong mười hai ngày
Cách đây 9 năm, ngày 13 tháng 3 năm 2013, hồng y Mario Bergoglio được bầu vào Ngai Thánh Phêrô. Hãng tin I.Media điểm lại năm thứ chín này, năm kết thúc khi chiến tranh bi thảm ở Ukraine bùng nổ.
Ngày 25 tháng 2 – 2022: Đức Phanxicô đến sứ quán Nga tại Tòa Thánh
Hơn 24 giờ sau khi Nga tấn công Ukraine, Đức Phanxicô đến sứ quán Nga tại Tòa thánh để “bày tỏ quan tâm của ngài với cuộc chiến”. Một cử chỉ chưa từng có, tăng thêm nhiều thông điệp và hành động của Tòa thánh bảo vệ hòa bình cho khu vực.
Về mặt ngoại giao, ngài cho biết ngài luôn chủ trương đối thoại để im tiếng súng. Tòa thánh đề nghị tạo điều kiện để có hòa giải. Về mặt nhân đạo, ngài cử hồng y Kraj và hồng y Czerny đến Ukraine để bày tỏ sự gần gũi của ngài với hàng trăm ngàn người tị nạn Ukraine. Về mặt thiêng liêng, ngài có hai ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine – ngày 26 tháng 1, chưa đầy một tháng trước cuộc tấn công của Nga và ngày 2 tháng 3.
Ngày 25 tháng 2 – 2022: Đức Phanxicô hủy chuyến thăm Florence vì lý do sức khỏe
Do bị đau đầu gối, ngài không tham dự cuộc họp của các giám mục và thị trưởng Địa Trung Hải tại Florence ngày chúa nhật 27 tháng 2. Thông báo Vatican cho biết bác sĩ khuyên ngài tỉnh dưỡng. Trước đây, ngài thường nói đến tình trạng đau nhức ở chân phải.
Trong một thời gian dài, ngài bị các vấn đề về hông và khó khăn khi đi lại. Năm 2015, trong chuyến tông du đến Mỹ, phát ngôn của ngài cho biết ngài phải tập vật lý trị liệu thường xuyên.
Tuy nhiên, sự hủy bỏ vào phút chót này lại đi kèm với thông báo chuyến đi của ngài đến Malta ngày 2 và 3 tháng 4. Vài ngày sau có thông báo ngài sẽ đi Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan vào tháng 7. Một cách cho biết, ngài không õ bất động ở Rôma.
Ngày 23 tháng 1 – 2022: Đức Phanxicô thiết lập chức Đọc sách và Giáo lý viên
Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội công giáo, một giáo hoàng ủy thác cho giáo dân nam nữ chức Đọc sách và Giáo lý viên trong một thánh lễ được cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma.
Mục vụ Đọc sách mở ra cho phụ nữ qua tự sắc Spiritus Domine ngày 10 tháng 1 năm 2021. Mục vụ Giáo lý viên qua tự sắc Antiquum ministerium ngày 10 tháng 5 năm 2021. Những mục vụ mới này thể hiện ý muốn của ngài nhằm thúc đẩy sự dấn thân truyền giáo của giáo dân trong một Giáo hội đồng nghị hơn.
Ngày 20 tháng 1 – 2022: Báo cáo của giáo phận Munich liên quan đến Đức Bênêđíctô XVI
Báo cáo độc lập về các vụ lạm dụng được Tổng giáo phận Munich-Freising thực hiện từ năm 1945 đến năm 2019 trực tiếp đưa ra cách xử lý của Đức Bênêđíctô XVI trong bốn trường hợp lạm dụng tình dục của các linh mục khi ngài còn là tổng giám mục giáo phận Munich, từ năm 1977 đến năm 1982. Trong bức thư rất cá nhân ngày 6 tháng 2, giáo hoàng danh dự cho biết ngài “rất xấu hổ, rất đau buồn và chân thành xin thứ lỗi.” Tuy nhiên ngài phủ nhận đã nói dối trong lời khai của mình và không tranh cãi về những sai trái mà ngài bị buộc tội, để cho bốn luật sư tranh luận quan điểm của ngài.
Vài ngày sau, trong một buổi tiếp kiến chung, Đức Phanxicô nhắc lại một đoạn trong bức thư này, trong đó Đức Bênêđíctô XVI nói về cái chết – “Là tín hữu kitô, tôi hiểu, hơn thế nữa, tình bạn với Đấng phán xét đời sống của tôi, cho phép tôi tin tưởng vượt qua cánh cửa tối tăm của cái chết”. Đức Phanxicô nói: “Thật đẹp”, ngài cám ơn giáo hoàng danh dự minh mẫn đặt mình trước “bóng tối” này.
Đức Phanxicô không bình luận trực tiếp về bản báo cáo, các phương tiện truyền thông Vatican loan tin thái độ “ăn năn” của Đức Bênêđíctô XVI và nhắc lại hành động của ngài trong công việc chống lại lạm dụng trong Giáo hội.
Ngày 5 tháng 12 – 2021: Đức Phanxicô trở lại đảo Lesbos
Năm năm sau chuyến thăm Lesbos, Đức Phanxicô đã trở lại một trong những hòn đảo của Hy Lạp bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì cuộc khủng hoảng di cư. Đó là nơi quan trọng của ngài trong chuyến tông du đến Síp và Hy Lạp, từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12. Từ một trại tị nạn, sau khi gặp hàng chục người di cư, ngài tố cáo sự “đắm tàu của nền văn minh” và ngài sợ biển của chúng ta thành biển chết.
Trong chuyến đi đến biên giới Đông Âu, Đức Phanxicô nhắc nhở châu lục già Âu châu không thể tiếp tục quên “một biển đã thấy Phúc âm và sự phát triển của các nền văn minh vĩ đại truyền bá”.
Khoảng năm mươi người di cư được Ý đón nhận trong chuyến đi này.
Ngày 10 tháng 10 – 2021: Đức Phanxicô khai mạc Thượng hội đồng về tính đồng nghị
Đó là một tiến trình rộng lớn, Đức Phanxicô đã khai mạc trong thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô ngày 10 tháng 10. Trong hai năm, người công giáo suy nghĩ về cách làm sao để Giáo hội thành một thực tại đồng nghị hơn. Một ngày trước ngày khai mạc, Đức Phanxicô đề xuất một định nghĩa về Giáo hội này: “Nơi cởi mở, nơi mọi người cảm thấy như ở nhà mình và có thể tham gia”. Trong số các mục tiêu đưa ra, đó là ra khỏi nạn giáo quyền.
Hình thức của thượng hội đồng là chưa từng có, vì sau giai đoạn suy tư đầu tiên ở cấp giáo phận, giai đoạn thứ hai ở cấp lục địa, trước khi họp cuối cùng ở Rôma năm 2023. Thượng hội đồng “thế hệ mới” này là một phần trong cuộc cải cách vĩ đại do ngài khởi xướng năm 2013 nhằm phân cấp quyền quản trị của Giáo hội công giáo.
Ngày 4 tháng 10: Lời kêu gọi chưa từng có của các nhà lãnh đạo tôn giáo đối với khí hậu
Một tháng trước cuộc họp COP26 ở Glasgow, Đức Phanxicô đã tập hợp ba mươi nhà lãnh đạo tôn giáo và mười nhà khoa học để ký một văn bản ngoại thường nhằm tôn trọng môi trường.
Các tôn giáo tham dư gồm có kitô giáo, hồi giáo sunni và shiite, do thái giáo hoặc ấn giáo, đạo sikh, phật giáo, khổng giáo, lão giáo, đạo zô-rô-át và kỳ-na giáo.
Trong một tuyên bố, các nhà lãnh đạo kêu gọi hạn chế gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C, các nước giàu chuyển qua sinh thái hoặc các nhà lãnh đạo tôn giáo dấn thân tích cực để có tác động tích cực cho khí hậu.
Ngày 27 tháng 7 – 2021: Mở phiên tòa xét xử vụ án khổng lồ ở London
Theo một số người, đó là phiên tòa thế kỷ mở ra tại Vatican vào mùa hè năm nay. Trên ghế những người bị buộc tội có hồng y người Ý Angelo Becciu, từng giữ chức vụ cao nhất trong guồng máy Vatican.
Tất cả các bị cáo liên quan đến vụ mua bán tai tiếng một tòa nhà ở London năm 2013. Vụ mua đã thua lỗ, gây thiệt hại hàng chục triệu âu kim cho Tòa thánh.
Qua phiên tòa phức tạp này – hiện nay vẫn đang đình trệ – Tòa thánh muốn chứng tỏ khả năng giải quyết tham nhũng. Vì thế uy tín của công lý Vatican và những cải cách của Đức Phanxicô trong lĩnh vực này cũng bị đe dọa.
Ngày 16 tháng 7 – 2021: Đức Phanxicô hạn chế nghiêm ngặt việc cử hành thánh lễ bằng tiếng la-tinh
Traditionis custodes, Cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng. Traditionis custodes là tên tự sắc của Đức Phanxicô, bãi bỏ tự sắc Summorum pontificum của Đức Bênêđíctô XVI năm 2007, tự sắc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc cử hành thánh lễ theo hình thức đặc biệt của nghi thức Rôma được dùng trước Công đồng Vatican II.
Đức Phanxicô giải thích ngài lo sợ Sách lễ Rôma năm 1962 “bị công cụ hóa” có nguy cơ không những bác bỏ cải cách phụng vụ mà còn cả Công đồng Vatican II. Do đó, việc cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ sẽ rất hạn chế và phụ thuộc vào phân định của giám mục, và trong một số trường hợp là của Rôma.
Đó là nhân danh sự hợp nhất của Giáo hội mà giáo hoàng đưa ra quyết định của mình; một quyết định đặc biệt không được các tín hữu quen với nghi thức này đón nhận.
Ngày 11 tháng 2 – 2021, Đức Phanxicô ban hành sắc lệnh nới lỏng các quy tắc mới của Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô (FSSP).
Ngày 4 tháng 7 – 2021: Đức Phanxicô phẫu thuật ruột kết
Ở tuổi 84, Đức Phanxicô trải qua cuộc phẫu thuật ruột kết ở bệnh viện Gemelli, Rôma vì “chứng hẹp túi thừa có triệu chứng của đại tràng”. Một ca phẫu thuật nặng vì ngài phải ở bệnh viện 10 ngày. Đây là lần đầu tiên ngài vào bệnh viện kể từ khi ngài ở ngôi Thánh Phêrô năm 2013.
Gần hai tháng sau khi xuất viện, ngài nói với đài phát thanh Tây Ban Nha rằng ngài “vẫn còn sống”, gạt tin đồn từ chức sang một bên. “Tôi có thể ăn bất cứ thứ gì. Tôi vẫn phải dùng thuốc sau phẫu thuật, vì não của tôi phải nhớ tôi đã bị mất 33 cm ruột, ngoài ra, tôi có cuộc sống bình thường”, ngài trấn an.
Ngày 1 tháng 7, Đức Phanxicô tổ chức hội nghị thượng đỉnh đại kết rộng về Lebanon
Gần một năm sau vụ nổ ở cảng Beirut, đất nước của rừng thông bá hương, Lebanon tiếp tục chìm trong cuộc khủng hoảng nặng nhất lịch sử. Đức Phanxicô thường xuyên nhắc ngài luôn cầu nguyện cho Lebanon, ngài quyết định tập hợp các nhà lãnh đạo chính của các cộng đồng kitô giáo của đất nước trong một “ngày suy ngẫm về tình hình đáng lo ngại ở đất nước”.
Tiến trình này trước hết là tiến trình thiêng liêng. Đặc biệt chín thượng phụ đã viếng mộ Thánh Phêrô để cầu nguyện với giáo hoàng cho “hòa bình và sự ổn định”.
Vào đầu năm 2022, Đức Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh cho biết Đức Phanxicô mong muốn “sớm đến Lebanon”.
Ngày 1 tháng 6 – 2021: Cải cách sâu rộng giáo luật để chống lạm dụng và tham nhũng
Được Đức Bênêđíctô XVI khởi xướng năm 2007, cuộc cải cách Quyển VI Bộ Giáo luật đã mất mười bốn năm để hoàn thành. 63 trong số 89 quy tắc về các hình phạt trong quyển sách này đã được sửa đổi. Sự thay đổi lớn này nhằm mục đích thích ứng luật Giáo hội với thế giới ngày nay và cân bằng lại mối quan hệ giữa công lý và lòng thương xót “đôi khi bị hiểu sai” dẫn đến bầu khí “khoan hòa” đặc biệt trong một số trường hợp lạm dụng tình dục tình dục trên trẻ vị thành niên của các giáo sĩ.
Một điều khoản rõ ràng về các tội ác tình dục của các linh mục chống lại trẻ vị thành niên – cho đến lúc này chỉ được xem là tội chống lại “các nghĩa vụ đặc biệt” (Quyển V) dành riêng cho chức tư tế, cũng như việc vi phạm lời khấn khiết tịnh.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch