Năm chìa khóa để hưởng được ân sủng của Thiên Chúa
Năm chìa khóa để hưởng được ân sủng của Thiên Chúa
Thư Êphêsô 2: 8 viết: “Vì chính nhờ ân sủng mà bạn được cứu bởi đức tin. Ân sủng đó không đến từ bạn, đó là một món quà từ Chúa.”
Qua câu Kinh thánh này và nhiều câu Kinh thánh khác, chúng ta hiểu rằng rõ ràng có sự song hành giữa ân sủng, ơn cứu độ và đức tin. Chúng ta có thể nói rằng đây là những nguyên tắc cơ bản trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là con cái của Thiên Chúa. Nhưng nền tảng vẫn là ân sủng của Chúa Cha dành cho con người.
Ân sủng hoạt động như thế nào? Ân sủng đó tự biểu hiện như thế nào? Làm thế nào để ân sủng ban ơn cứu độ cho chúng ta?
Ân sủng, một ân huệ thiêng liêng
Ân sủng là ơn Chúa ban cho những kẻ đáng bị phán xét. Nhờ ân sủng, tình yêu thương của Thiên Chúa nghiêng về phía chúng ta một cách thuận lợi để lôi kéo chúng ta về phía Ngài. Ân sủng của Thiên Chúa không thể kiếm được bằng nỗ lực của chúng ta hoặc bằng việc làm tốt lành của chúng ta, và thậm chí ân sủng của Thiên Chúa lại càng không thể kiếm được bằng những quyết tâm tốt đẹp của chúng ta. Ân sủng đơn giản chỉ là quà tặng của một người Cha, vốn là Tình yêu. Chúng ta không xứng với quà tặng đó, vì vậy ân sủng không phải là do chúng ta, chúng ta chỉ đáng hưởng ân xá dành cho những người bị kết án.
Vì tội lỗi Ađam, chúng ta đã bị giáng xuống tình trạng bị kết án, như đang chờ đợi tử hình. Bởi vì Kinh Thánh nói trong Rôma 6:23: “Tiền công mà tội lỗi phải trả là sự chết.” Đây là lúc Thiên Chúa tỏ hiện.
Ngôi Lời đã hóa thành xác phàm và hủy bỏ mọi sự kết án đang đè nặng lên cuộc sống của chúng ta. Kinh Thánh nói rằng Ngôi Lời đã trở thành Tội lỗi và do đó chúng ta được cứu khỏi sự chết đang chờ đợi chúng ta! Vâng, ân sủng thì ở nơi Chúa Giêsu : “…Còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Chúa Giêsu Kitô mà có.” (Gioan 1:17).
Nói cách khác, ân sủng là “ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không, là sự sống đời đời trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rôma 6:23).
Chúng ta có thể hiểu ân sủng thiêng liêng như một loại quà tặng được Cha trên trời ban cho một cách ân cần. Làm thế nào để ân sủng này hoạt động có lợi cho chúng ta? Quà tặng của Chúa Giêsu có đủ làm cho chúng ta được hưởng ơn ích từ ân sủng không?
Những gì chúng ta có là nhờ Ơn Chúa
Trước đó chúng ta đã nói rằng ân sủng là một quà tặng từ Thiên Chúa nhờ sự kết hợp của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô. Ân sủng được phản ánh bằng nhiều cách trong đời sống của con cái Thiên Chúa. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là đạt được ơn cứu độ.
Sự cứu rỗi là kế hoạch của Thiên Chúa Cha để đưa con cái Ngài trở về với chính Ngài. Kinh Thánh trong Galát 1:15 cho biết: “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Ngài.”
Vâng, chính trong ân sủng của Ngài mà Thiên Chúa, biết trước chúng ta, đã gọi chúng ta đến với chính Ngài. Chúng ta được Chúa Thánh Thần thúc đẩy tin tưởng rằng Ngài đã ân cần ban ân sủng cho chúng ta và chúng ta bắt đầu tiến trình ăn năn hoán cải. Từ nay, chúng ta không còn bị ô uế bởi tội lỗi nữa mà là những người thừa kế của Thiên Chúa, là con cái của Ngài. Do đó, chúng ta được Thiên Chúa tái sinh và nhận làm dưỡng tử. Thư Rôma 8:16-17: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Chúa Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Ngài, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Ngài.”
Một quà tặng khác được ban bởi ân sủng là sự công chính hóa. Rôma 8:30 cho biết: “Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Ngài cũng kêu gọi; những ai Ngài đã kêu gọi, thì Ngài cũng làm cho nên công chính; những ai Ngài đã làm cho nên công chính, thì Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang.”
Theo Thiên Chúa sự công chính hóa là sự tha thứ tội lỗi của chúng ta. Từ giờ trở đi, dưới mắt Thiên Chúa, chúng ta là những người công chính. Không phải bởi công đức của chúng ta mà bởi ân sủng của Ngài.
Một lợi ích khác của ân sủng được ghi lại trong Hípri 4:16: “Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” Do đó, chúng ta có sự đảm bảo được giúp đỡ trong những nhu cầu của chúng ta. Chúng ta đừng đến gần Chúa Cha với thái độ bị lên án nữa. Dĩ nhiên, chúng ta đến với Chúa Cha bằng sự tin tưởng, bằng sự khiêm hạ, bằng sự tin tưởng an bình của đứa con nói chuyện với Cha mình.
Cuối cùng, ân sủng ban cho chúng ta một sự biến đổi vinh quang. Sứ đồ Phaolô là một mẫu gương rất đáng kể về sự biến đổi mà ân sủng của Thiên Chúa mang lại trong chúng ta. Phaolô làm chứng điều này trong I Côrintô 15: 9-10 khi ngài nói: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Ngài ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.”
Từ một người bắt bớ những người theo Chúa Giêsu Kitô, Phaolô đã trở thành một người bảo vệ Chúa Kitô trung thành đến mức sẵn sàng trả giá bằng mạng sống của mình! Phaolô nhận ra rằng sự biến đổi này chỉ có thể thực hiện được nhờ ân sủng của Thiên Chúa qua ân ban của Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, Kinh Thánh có các trường hợp về các nhân vật được Thiên Chúa ban ân sủng, nhưng không ở lại trong ân sủng – ví dụ như Anania và Saphira:
“Một người tên là Anania, cùng với vợ là Saphira, đã bán ruộng và anh ta rút một phần số tiền bán được, vợ anh ta cũng biết điều này, và số còn lại anh ta mang đến đặt dưới chân các Tông Đồ. Phêrô nói với anh ta: “Anania, sao anh lại để cho Satan chiếm giữ lòng mình để rồi phải nói dối với Chúa Thánh Thần, và giữ lại cho riêng mình một phần trong số tiền đó? Bao lâu anh còn sở hữu mảnh ruộng ấy thì nó là của anh, và sau khi bán nó rồi anh vẫn toàn quyền sử dụng tiền đó, phải không? Vậy tại sao anh lại đang tâm làm như thế? Không phải anh đã dối trá với con người nhưng là dối trá với Thiên Chúa!” Nghe những lời ấy, Anania gục xuống tắt thở; tất cả những ai nghe biết câu chuyện đều cảm thấy rất sợ hãi. Những thanh niên đứng lên, bọc lấy xác anh ta, và đem đi chôn.
Khoảng ba tiếng đồng hồ sau đó, chị vợ anh ta đến và vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Phêrô hỏi chị: “Chị hãy nói đi: có phải đấy là cái giá mà vợ chồng chị đã bán ruộng của mình không?”. Chị bảo: “Vâng, chúng tôi bán với giá ấy”. Phêrô nói thêm: “Tại sao vợ chồng chị lại đồng lõa với nhau để mà thử thách Thần Khí của Chúa như thế? Kìa, dấu chân của những người vừa mang chồng chị đi chôn vẫn còn ngoài cửa; họ sắp khiêng chị đi luôn”. Ngay lúc đó, chị gục xuống chân ông và tắt thở. Những thanh niên đi vào thấy chị đã chết, và họ đưa chị đi chôn bên cạnh chồng chị. Toàn thể Hội Thánh và những người nghe biết tin ấy đều rất sợ hãi.” (Công vụ Tông đồ 5: 1-11).
Điều này khiến chúng ta băn khoăn về cung cách sống và hưởng dùng ân sủng của Thiên Chúa.
Làm thế nào để nhận được lợi ích từ Ân sủng của Thiên Chúa?
Chúng ta đã đọc thấy trong Kinh thánh rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài, một cơ nghiệp qua Chúa Thánh Thần. Hãy tưởng tượng rằng một người họ hàng xa đã để lại cho chúng ta một mảnh đất thuộc về người đó. Di sản đã có sẵn nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không muốn nhận nó? Chà, vậy thì chúng ta sẽ không hưởng dùng được di sản đó. Chúng ta tự tước bỏ di sản đó khỏi chính mình. Với ân sủng của Thiên Chúa cũng vậy.
Quả thật Kinh thánh nói trong Hípri 12:15 “Anh em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người.” Nếu Thiên Chúa để ân sủng của Ngài theo sự chọn lựa của chúng ta, thì chúng ta có trách nhiệm phải nắm lấy và làm cho ân sủng đi vào cuộc sống của chúng ta. Làm thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ xem xét năm chìa khóa để nắm lấy ân sủng của Thiên Chúa.
- Chết cho chính mình và sinh ra trong Chúa Kitô.
Trong Êphêsô 1: 13-14 có chép: “Trong Chúa Kitô, cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Chúa Kitô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.”
Giống như Phaolô, chúng ta có thể nói, “Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Chúa Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” Galát 2: 19-20.
Đây là điểm khởi đầu để hưởng được ân sủng. Bây giờ chúng ta được sinh ra trong Chúa Kitô và cho Chúa Kitô. Việc tin vào Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta sống Ân sủng đó.
- Biết những gì ân sủng mang lại cho chúng ta.
Để sở hữu tài sản thừa kế, cần phải nhận biết sự tồn tại của nó. Thư I Côrintô 2:12 nói: “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.”
Đúng thế, nếu chúng ta đã dâng cuộc đời mình cho Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận được nhiều lợi ích. Chúng ta phải nhận biết những lợi ích ấy bằng cách tiếp nhận sự mặc khải bởi Thánh Thần của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều người, vì không nhận ra điều này, nên đang lãng phí tinh thần. Nhiều Kitô hữu hoàn toàn không biết về những lợi ích của ân sủng cũng như sự tha thứ hoàn toàn tội lỗi của chúng ta, các ân huệ thánh thiêng, sự tràn đầy dư dật của Chúa Thánh Thần, v.v. Họ sống một đời sống Kitô hữu khó khăn, nhạt nhẽo với những đấu tranh và thất vọng cá nhân.
Chúng ta có thể làm cho lời cầu nguyện này của Sứ đồ Phaolô trong Êphêsô 1: 3; 17-18 thành của riêng mình: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Chúa Kitô, từ cõi trời, Ngài đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần… Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Ngài. Xin Ngài soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Ngài kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh.”
- Bỏ đi những gì là cay đắng!
Cay đắng là một chướng ngại cản trở sự tỏ lộ của ân sủng trong cuộc đời chúng ta. Thật vậy, Hípri 12:15 nói: “Anh em phải coi chừng, … kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn ….” Sự cay đắng và thiếu sự tha thứ cản trở đời sống cầu nguyện của chúng ta và làm xáo trộn sự bình an, không chỉ trong bản thân mình, nhưng trong thân mình của Chúa Kitô. Sự cay đắng gần giống như một loại rào cản mà chính chúng ta đặt vào bàn tay của Thiên Chúa và cản trở Ngài.
- Làm cho đức tin của chúng ta hoạt động.
Nếu chúng ta đã công nhận Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ, thì chúng ta có thể nói đó là bởi vì chúng ta có đức tin. Và đó là sự thật. Nhưng chúng ta phải làm cho đức tin đó hoạt động thì mới có thể hưởng được những ơn ích của ân sủng.
Thư Giacôbê 2:17-20 viết: “Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn nói đúng. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ.” Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không?”
Niềm tin là một cách hành động để nắm lấy di sản. Chúng ta phải tin rằng món quà này là dành cho chúng ta và nó là thật. Nếu điều này là sự thật đối với chúng ta, chúng ta sẽ bỏ đi bất cứ hình thức nào chỉ sống theo luật. Vì thêm một lần nữa, chúng ta sẽ không bao giờ làm được gì để xứng đáng với những gì mà Thiên Chúa trao ban: không kỹ thuật, không phương pháp. Chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận ân sủng của Thiên Chúa như đứa con nhận được món đồ chơi từ cha mình.
Chúng ta hãy khước từ sự kiêu ngạo khiến chúng ta nghĩ rằng chính những “nỗ lực” của chúng ta làm cho chúng ta xứng đáng có được ân sủng. Đây cũng là một cám dỗ của kẻ thù, vì đoạn Tin Mừng Gioan 4: 6 nói: “…Thiên Chúa chống lại kẻ iêu ngạo, nhưng Ngài ban ân sủng cho kẻ khiêm nhường.”
- 5. Chúng ta hãy có lòng kính sợ đối với Thiên Chúa.
Hípri 12:16 trích dẫn những thái độ có thể lấy mất ân sủng của Thiên Chúa: “Đừng có ai gian dâm hoặc phàm tục như Êsau, kẻ đã vì một món ăn mà bán quyền trưởng nam.”
Sự thiếu tôn kính đối với Thiên Chúa, sự khinh miệt đối với những điều thánh thiêng là một sự xa lìa nghiêm trọng! Thật vậy, sự xa lìa đó khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa và loại bỏ ân sủng của Ngài. Cầu mong điều này không bao giờ là trường hợp của chúng ta!
Ân sủng không phải là một phần thưởng. Nhưng, nếu chúng ta chấp nhận ân sủng vào cuộc sống của mình, ân sủng sẽ trở thành một khả năng siêu nhiên giúp giải cứu sự yếu đuối của con người chúng ta. Bạn có nhớ tên trộm cướp trên thập giá bên cạnh Chúa Giêsu không? Hãy xem cuộc nói chuyện trong Luca 23: 42-43:
Tên tên trộm cướp nói với Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Ngài nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
Chỉ bằng một vài từ trên thập tự giá, Chúa Giêsu đã nói được nhiều hơn và hay hơn là một bài diễn văn dài. Tên trộm cướp này không cầu xin Ngài, không khẩn cầu Ngài, không cầu nguyện dài dòng, không ăn chay, mà chỉ nói với lòng chân thành và khiêm tốn, “Xin hãy nhớ đến tôi”. Anh ta nhận ra rằng ân sủng đang ở bên cạnh anh ta trên thập giá, anh ta đã đón nhận ân sủng đó và được cứu độ.
Có thể tôi đã có một cuộc sống phóng túng trước khi đến với Chúa Kitô, thậm chí có thể tôi lại sa ngã sau khi đến với Ngài, có thể tôi lùi bước, có thể tôi quay ngược lại lối sống xưa kia, mà tôi biết sẽ làm buồn lòng Cha trên trời của tôi … Hãy biết rằng không có gì bị hư mất. Không có ai là quá xa đến độ nằm ngoài tầm với của tình yêu Thiên Chúa.
Hãy tin tưởng đến trước ngai Ân sủng và nhận lấy bàn tay của Cha các bạn. Tuy nhiên, không bao giờ, không bao giờ ân sủng của Thiên Chúa tỏ lộ ngược lại với sự công chính của Ngài. Thật vậy, thư Titô 2: 11-12 nói: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.”
Ân huệ của Chúa Thánh Thần là một phần trong những ân ban của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần dạy con cái Thiên Chúa bước đi trong tình yêu thương – đối với Thiên Chúa và người chung quanh – nuôi dưỡng lòng kính sợ và sự gắn bó với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết cách vui hưởng những ân sủng của Thiên Chúa. [1]
Lễ Giáng Sinh nhắc các Kitô hữu nhớ rằng mọi lĩnh vực trong cuộc sống của họ đều là cơ hội để đón nhận ân sủng, kể cả những yếu đuối, sa ngã và tội lỗi, vốn không phải là ân sủng trong bản chất của nó, nhưng nhờ thống hối và ăn năn, tội lỗi lại có thể là cơ hội để nhận được ơn thứ tha từ Thiên Chúa. Khi người ta xưng thú tội lỗi của mình và khi xin ơn tha thứ, là người ta nhận biết sự lầm than khốn khổ của mình và người ta không còn dám kiêu căng tự phụ. Chính trong ý thức tin tưởng và phó thác mọi sự, tốt lành cũng như yếu đuối tội lỗi, vào lòng từ ái của Chúa mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói khi sắp lâm chung: “Tout est grâce – Tất cả đều là ân sủng.”
Lễ Giáng Sinh là dịp nhắc nhở về Mầu nhiệm Nhập thể, Con Thiên Chúa mặc xác phàm để chia sẻ mọi thứ với nhân loại, ngoại trừ tội lỗi, qua thần tính của Ngài. Thánh Augustinô, Giám mục thành Hippone, đã viết rằng “Với những ai yêu mến Thiên Chúa, mọi sự đều hợp tác vào sự lành, kể cả các tội lỗi.” Thực ra, lời nói đó là sự nhắc lại lời nói của thánh Phaolô trong thư gửi các tín hữu Rôma: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rôma 8,28). Chính thánh nhân cũng thú nhận: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn […], không còn phải là chính tôi, nhưng là tội vẫn ở trong tôi làm điều đó” (Rm 8,15-17). Khi nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình, thánh nhân đã không thất vọng, nhưng còn tuyên xưng rằng “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa gấp bội” (Rm 5,20). Như thế, ân sủng mà Thiên Chúa ban cho là yếu tố quyết định.
Lễ Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu, vốn dĩ là Ngôi Hai Thiên Chúa, giáng sinh nơi trần thế trong bản tính người phàm, là biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự hiện diện đó chính là ơn ban nền tảng – Ơn Thánh Sủng. Do đó, mỗi giây phút trong cuộc sống và mỗi hành động của thân xác và linh hồn chúng ta đều có thể biểu lộ sự hiện diện thánh thiêng – Thánh Sủng – của Thiên Chúa. Mỗi khoảnh khắc đó đều là cơ hội để nhân tính của chúng ta trở nên hoàn thiện nhờ việc chúng ta sẵn sàng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, và để ân sủng đó tỏ hiện ra, qua bản tính phàm nhân của chúng ta, đối với mọi người, đối với mọi thụ tạo của Thiên Chúa nơi trần thế này.
Phêrô Phạm Văn Trung biên tập
[1] frequencechretienne.fr