Mục tử
10/5 Thứ Ba trong tuần thứ Tư Mùa Phục Sinh
Cv 11:19-26; Tv 87:1-3,4-5,6-7; Ga 10:22-30
Mục tử
Nhân kỷ niệm cuộc tẩy uế Đền thờ Giêrusalem và khánh thành bàn thờ mới thời Giuđa Maccabê. Chúa Giêsu cũng có mặt. Trong khi Chúa Giêsu đi bách bộ tại hành lang Salômôn, người Do thái vây quanh và chất vấn Ngài về nguồn gốc của Ngài. Nhân đây, Ngài tuyên bố một chân lý quan trọng: “Tôi với Chúa Cha là một”, nghĩa là Ngài đồng bản tính với Chúa Cha.
Năm 165 TCN, một trong những nhà ái quốc nổi tiếng của Do thái là Giuđa Maccabê đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Do thái chống lại ách thống trị của vua Syria là Antiôkô Epiphane. Chiến công vẻ vang nhất trong cuộc nổi dậy là tái lập và thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem vốn đã bị tục hóa bởi bàn tay thô bạo của ngoại xâm. Từ đó, hàng năm vào khoảng mùa đông, người Do thái tưởng niệm biến cố này trong vòng 8 ngày liền, tuần lễ này được gọi là Cung hiến Đền thờ.
Chúa Giêsu đã có mặt tại Giêrusalem nhân tuần lễ tưởng niệm này. Lễ Cung hiến Đền thờ vốn khơi dậy lòng ái quốc của dân chúng. Chính vì thế nhiều người đã vây quanh Chúa Giêsu và yêu cầu ngài tuyên bố dứt khoát Ngài có phải là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và sai đến như vị cứu tinh của dân tộc không?
Đối với họ, Chúa Giêsu có thể là vị anh hùng dân tộc hay một nhà cách mạng nào đó. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã không trả lời dứt khoát cho câu hỏi của họ. Mối tương quan giữa Chúa Cha và Ngài mà Chúa Giêsu vén mở trong câu trả lời mời gọi người Do thái đi vào mầu nhiệm của Ngài.
Câu hỏi mà họ đặt ra trong lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy tại đền thờ làm ta nhớ đến câu hỏi của thượng tế Caipha trong phiên họp thượng hội đồng: “Nếu ông là Ðấng Kitô thì xin hãy nói thẳng ra đi. Ông có phải là Ðấng Mêsia không?”. Trong câu chất vấn này, Chúa Giêsu đã không phủ nhận. Chỉ có điều Chúa Giêsu trả lời một cách hơi gián tiếp như sau: “Tôi đã trả lời câu hỏi này mà các ông không tin”. Nhưng dù vậy, Chúa Giêsu không bỏ rơi họ để giúp họ tìm thấy sự thật, tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu đã khéo léo làm cho họ chú ý đến quan hệ mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha, mật thiết đến độ Ngài gọi Thiên Chúa là Cha Ngài và làm chứng cho mối quan hệ mật thiết đó bằng việc làm nhân danh Cha Ngài, và việc cao trọng nhất là ban cho kẻ tin Ngài được sự sống đời đời: “Ta sẽ cho họ sống đời đời. Họ sẽ không chết bao giờ và không ai có thể cướp họ khỏi tay Ta”.
Tôi và Cha Tôi là một. Hai câu này đề cập đến mầu nhiệm hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha: “Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”. Những câu này và các câu khác khiến cho chúng ta suy tưởng hoặc có một cái nhìn thoáng qua về mầu nhiệm lớn lao nhất: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9). “Chúa Cha ở trong Ta và Ta ở trong Chúa Cha” (Ga 10:38). Sự hiệp nhất này giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha không phải là một điều gì đó tự nhiên, mà đúng hơn đó là thành quả của sự vâng lời: “Ta hằng làm những điều đẹp ý Chúa Cha” (Ga 8:29; 6:38; 17:4). “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Chúa Cha” (Ga 4:34; 5:30).
Trong thư gửi tín hữu Do Thái của thánh Phaolô viết rằng Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục (Dt 5:8). “Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây Thập giá” (Pl 2:8). Sự vâng phục của Chúa Giêsu không phải mang tính chất kỷ luật, mà đúng hơn đó là điều tiên tri. Người vâng lời để được hoàn toàn minh bạch, và do đó, là sự mặc khải về Chúa Cha. Vì điều này, Người có thể nói rằng: “Chúa Cha và Ta là một!” Đó là một quá trình dài của sự vâng phục và nhập thể kéo dài 33 năm. Nó bắt đầu với lời XIN VÂNG của Mẹ Maria (Lc 1:38) và kết thúc với câu: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19:30).
Nếu đã nhìn nhận mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, thì hẳn những người Do Thái sẽ biết trả lời cho câu hỏi “Ông là ai?” như thế nào rồi. “Ta và Cha Ta, chúng ta là một”. Ðây là mạc khải quan trọng nhất nhắc ta nhớ lại những suy tư mở đầu Phúc Âm thánh Gioan: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời sống với Thiên Chúa ngay từ đầu. Vạn vật do bởi Ngài mà có và nếu không có Ngài thì sẽ không có gì cả”. Tác giả Phúc Âm thánh Gioan đã có những suy tư cao siêu như vậy khi nhìn về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong viễn tượng Chúa Phục Sinh.
Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi. Chúa Giêsu nhắc lại dụ ngôn Mục Tử Nhân Lành biết chiên của mình và chúng biết Người. Sự hiểu biết lẫn nhau này – giữa Chúa Giêsu, Đấng nhân danh Chúa Cha mà đến, và những người mở lòng mình ra với sự thật – là nguồn mạch của sự sống đời đời. Sự kết hợp này giữa Đấng Tạo Hóa và tạo vật qua Chúa Giêsu vượt quá mọi đe dọa của tử thần: “Chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta!” Họ được an toàn và gìn giữ, và vì điều này, họ được bình an và tận hưởng sự tự do hoàn toàn.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi họ đặt ra, nhưng một lần nữa, Chúa cho họ biết Đấng Kitô không phải như quan niệm trần tục của họ, Đấng Kitô không đến để làm thỏa mãn những tham vọng chính trị của họ là giải phóng dân tộc của họ và đem lại thịnh vượng vật chất cho họ. Cho nên, Chúa vượt lên trên quan niệm thiên sai trần thế, và tuyên bố cho họ biết Ngài đồng bản tính với Chúa Cha: “Tôi và Cha tôi là một”.
Chúa Giêsu đã khẳng định rõ Ngài là ai. Ngài không những là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa, mà còn là chính Thiên Chúa nữa. Trong vấn đề này, chỉ trong đức tin, con người mới có thể biết Chúa Giêsu, nhận diện được khuôn mặt đích thực của Ngài và loan truyền một cách đúng đắn về Ngài. Nhiều khi qua cuộc sống và cung cách tuyên xưng niềm tin của mình, người Kitô hữu chỉ trình bày một khuôn mặt, nếu không méo mó về Đức Giêsu, thì cũng giới hạn Ngài trong những quan niệm hoàn toàn trần tục. Biết Chúa Giêsu và đi vào mầu nhiệm thẳm sâu của Ngài thiết yếu là đi vào cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Liền sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Đức Kitô, Chúa Giêsu đã loan báo cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài.
Chúa Giêsu là vị Mục tử nhân hậu và tốt lành. Ngài không những biết rõ và biết từng con chiên mà còn yêu thương chăm sóc và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Ngài sống lại và trở nên nguồn sống của đoàn chiên. Phần tôi, một con chiên trong đàn, tôi cũng được Ngài yêu thương chăm sóc vỗ về, nhưng tôi còn biết quá ít về Ngài và chưa theo Ngài trọn vẹn.
Cuộc sống của người Kitô hữu là lời tuyên xưng và rao giảng về một dung mạo của Chúa Giêsu khi nào họ kết hiệp với Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Người Kitô hữu phải cố gắng để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúng ta nghe lời văn sĩ John Bayer đã khen vợ mình vào giây phút cuối đời ông: “Mình thân yêu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thêm một lần nữa nhìn lại tương quan của chúng ta đối với Chúa. Tương quan của ta với Chúa có thực sự sâu sắc đến độ cho dù ở khoảng cách “xa” và rất “khẽ” ra vẫn nhận ra đó là Chúa không? Độ nhậy bén về sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời ta thế nào?