Mục tử của các tín hữu sắc tộc
Mục tử của các tín hữu sắc tộc
Chung tay kiến tạo giáo xứ từ những ngày đầu tiên, linh mục Antôn Vũ Thanh Hòa trở thành vị chánh xứ tiên khởi của giáo xứ Thánh Phaolô (giáo hạt Madagui, giáo phận Ðà Lạt), đứng đầu một giáo xứ rộng lớn với gần 2.000 tín hữu.
Tình cha bao la
Theo tuyến đường quốc lộ 20 về hướng Đà Lạt, đến địa bàn xã Phước Lộc, rẽ trái vào khoảng chừng 3 cây số, chúng tôi đến giáo xứ Thánh Phaolô. Cha sở Antôn Vũ Thanh Hòa đang khệ nệ vận chuyển đồ đạc, nồi niêu, hoa kiểng. Tự tay sắp xếp mọi thứ lên chiếc xe ô tô do ngài cầm lái, cha niềm nở tiếp khách với nụ cười thật tươi: “Mình cùng các em lễ sinh đang chuẩn bị vào giáo họ Bình An, cách đây 7 cây số, để trồng cây, khiêng đá làm đường đi cho những nhà chòi xung quanh suối và sẽ dùng bữa trưa ở đó. Nhà chòi là nơi các em học giáo lý, vừa là nơi tham quan và ở đó cũng có nhà máy nước phục vụ cộng đồng”.
Trải dài suốt xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, giáo xứ Thánh Phaolô (trước đây là một trong 6 giáo họ của giáo xứ Đạm B’Ri) được thành lập vào ngày 7.8.2019 với 465 hộ gia đình Công giáo, đa phần là đồng bào Châu Mạ. Do kết cấu địa hình nhiều đá, rất khó khoan giếng nên bà con thiếu nước dùng quanh năm. Hiểu được tình trạng này, cha Antôn đã cho khoan giếng sâu 120 mét, đào ao gần suối khe và làm nhà máy nước sạch đáp ứng nhu cầu thiết thực của bà con, bất kể lương giáo. Hiện tại, nhà máy nước sạch ở giáo xứ và giáo họ Bình An đang là hai “địa chỉ” cung cấp nước sử dụng cho các gia đình với giá 5.000đ/bình 20 lít.
Chu đáo chăm lo cho đoàn chiên bằng tình thương của một người cha, ngài giới thiệu việc làm cho người trẻ, lo việc cho người lớn, giúp đỡ những gia đình đơn thân, khuyến khích trẻ đến trường… Bên cạnh chương trình khuyến học của giáo phận trợ giúp 40 em, cha Antôn nhận giúp thêm 20 em và đỡ nâng những em có hoàn cảnh đặc biệt, đau ốm, kém may. Thương những gia đình chưa có nơi ở tươm tất, ngài mời gọi ân nhân góp sức xây nhà tình thương (50 – 80 triệu đồng/căn), hoặc tu sửa nhà cũ giúp các hộ dân có nơi an cư.
Bà con giáo dân chuẩn bị quà cứu trợ mùa dịch |
Là một trong số các gia đình này, vợ chồng anh Giuse K’Joan vui mừng vì không còn những ngày tháng sống trong ngôi nhà cũ 25 mét vuông, mái dột chắp vá. Nhà Joan cũng có vườn tược, nhưng lao động quanh năm cũng chỉ đủ chi dùng cho gia đình 5 thành viên, chưa bao giờ dám nghĩ đến việc có được ngôi nhà mới khang trang hơn 50 mét vuông như hiện tại. Nam giáo dân 28 tuổi xúc động: “Cảm ơn cha và các ân nhân đã thương giúp, gia đình tôi mới có được nơi ở tốt đẹp. Chẳng biết làm gì hơn, mỗi ngày chúng tôi cầu nguyện Chúa ban ơn lành cho cha xứ cùng các mạnh thường quân”.
Quan tâm đến đời sống của bà con trong bối cảnh 5 năm liên tục canh tác cây điều bị mất mùa, cha Antôn chủ động chia sẻ với buôn làng lúc gặp khó khăn, khi giao mùa; giúp thực phẩm, chi phí thuốc men cho người già cả đau ốm, người kém may… Không chỉ lo cho những nhu cầu thức thời, ngài còn trăn trở tìm phương cách lưu giữ nghề truyền thống dệt thổ cẩm của bà con, khuyên nhủ người trẻ lập gia đình khi đủ tuổi. Cùng giáo dân chăm sóc khu vườn sầu riêng của giáo xứ, ngài những mong sẽ có thêm nguồn chăm lo các nhu cầu mục vụ trong những tháng ngày sắp tới.
Còn nhớ khi dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM và Bình Dương vào năm 2021, cha sở và bà con giáo dân lại cùng chung tay chia sẻ yêu thương đến tha nhân. Bảy xe rau củ và nhu yếu phẩm đã nhanh chóng lăn bánh về nơi cần giúp. Đến lúc “dịch ghé thăm” giáo xứ vào đầu tháng 12.2021, những giáo dân thiện nguyện kín mít trong những bộ đồ bảo hộ giúp cha xứ trao 6 tấn gạo, hơn 600 thùng mì, rau củ đến các gia đình, không phân biệt lương giáo. Phối hợp với địa phương trong mùa dịch và cùng với giáo dân của ngài, cha Antôn chủ động hướng dẫn cộng đồng cách phòng bệnh và cách chăm sóc người bệnh, người cao niên; hỗ trợ thuốc men cho những người có nhu cầu; khuyến khích người dân tiêm vắc xin và ngài là người tiên phong tiêm trước.
Nguyện đường giáo xứ Thánh Phaolô nhìn từ bên ngoài |
10 năm hồng phúc
Dịch bệnh qua đi, đời sống dần đi vào ổn định, cha Antôn Vũ Thanh Hòa cùng cộng đoàn Dân Chúa hăng say tỏa lan tinh thần Hiệp hành theo lời mời gọi của giáo hội, qua những buổi học hỏi về Hiệp hành trong giáo xứ; qua các bài giáo lý về Hiệp hành mà ngài sẻ chia; bằng vũ điệu vui nhộn trong bài ca Hiệp hành của giới trẻ; logo của Thượng Hội đồng Giám mục về con đường Hiệp hành cũng được gắn trang trọng trên vách nứa của nguyện đường. Vào trung tuần tháng 5.2022, giáo xứ tổ chức buổi thỉnh ý hiệp hành với sự hiện diện của Ban thư ký và cha đặc trách về Hiệp hành của giáo phận nhằm hun đúc thêm tinh thần hiệp thông nơi cộng đoàn tín hữu.
Ngày 24.11.2022, cha Hòa kỷ niệm tròn 10 năm lãnh nhận thánh chức linh mục. Khẩu hiệu “Thiên Chúa là tình yêu” trong đời thánh hiến không ngừng thôi thúc ngài trở nên khí cụ tỏa lan tình yêu Thiên Chúa trên mọi nẻo đường. Trong tinh thần hiệp hành với Giáo hội, ngài góp phần chăm lo cho đời sống đức tin của cộng đoàn Dân Chúa ngày thêm sốt mến, trong đó có đồng bào tín hữu sắc tộc.
Như một cơ duyên, từ khi là thầy giúp xứ, cho đến khi làm linh mục phụ tá xứ Đạm B’Ri trong 7 năm liền, cha Antôn luôn gắn bó với giáo hữu sắc tộc. Trong khoảng thời gian giúp xứ Đạm B’Ri, ngài đến coi sóc giáo họ Phaolô, lập ca đoàn, giáo lý viên, giáo lý cho thiếu nhi. Khi trở thành chủ chăn, cha tiếp tục thành lập các hội đoàn, đào tạo huynh trưởng, ca trưởng, người đánh đàn nhà thờ… Nhận thấy nhiều em sắc tộc có khả năng cảm âm tốt, ngài mua đàn organ và trao tặng cho mỗi em mang về nhà tập luyện. Được các sơ dòng Phaolô và anh chị trong xứ hướng dẫn, nhiều em sau 2 – 3 tháng đã có thể đánh đàn ở nhà thờ.
Điểm phục vụ nước sạch cho bà con tại giáo xứ Thánh Phaolô |
Dày công kiến tạo giáo xứ hơn 3 năm tuổi, cha Antôn Vũ Thanh Hòa chăm chút cho ngôi nguyện đường là căn nhà cấp 4 thêm tươm tất bên trong, thú vị bên ngoài bởi những họa tiết đậm chất văn hóa sắc tộc. Để đủ chỗ cho bà con tín hữu dự lễ, ngài cơi nới nguyện đường thêm rộng rãi bằng mái tôn, vách tôn, vách nứa. Bên cạnh việc chăm lo đời sống đức tin, ngài còn đặc biệt lưu tâm đến việc bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào tín hữu. Tuần tự mỗi ngày Chúa nhật, các em thiếu nhi được học giáo lý và tham dự thánh lễ bằng tiếng bản địa hoặc tiếng Việt, nhằm giúp các em gìn giữ tiếng mẹ đẻ, vừa hòa nhập với cộng đồng xã hội.
Nhằm tạo sự hài hòa giữa văn hóa truyền thống và tôn giáo trong đời sống thường nhật, những lễ hội truyền thống của bà con sắc tộc cũng được bảo tồn trong tinh thần hội nhập cách khéo léo tại giáo xứ non trẻ. Trong đó, tục dựng cây nêu vào ngày lễ Noel, Phục Sinh, ngày Tết, lễ hội vẫn được duy trì với nét mới là cây thánh giá nhỏ trên đầu cây nêu. Những vũ điệu, tiếng chiêng trống truyền thống bên cây nêu xưa, nay được kết hợp với những bài Thánh Vịnh hát mừng Chúa vào những dịp lễ Tết, lễ trọng trong năm. Mỗi khi Xuân về, bà con trong xứ lại cùng nhau gói bánh nếp, loại bánh truyền thống của đồng bào với hình thù bên ngoài như chiếc bánh tét quen thuộc.
Kính mến người mục tử hết lòng vì đoàn chiên, nữ giáo dân Maria Ka Nhội cảm nhận: “Cha Antôn là cha sở và cũng là người cha yêu thương trong đại gia đình giáo xứ rộng lớn”. Người phụ nữ 43 tuổi, thỉnh thoảng phụ giúp nấu cơm trong nhà xứ khẳng định đồng bào thêm yêu kính ngài bởi sự hy sinh, khiêm nhường: “Giáo dân lao động, cha cũng chung tay. Ngài sống giản đơn, bữa cơm có khi chỉ với ít thịt kho, canh đọt mây hoặc rau rừng, nhưng luôn quan tâm nâng đỡ người cần giúp”.
Cha Antôn Vũ Thanh Hòa cảm nhận từng ngày trong cuộc đời mục vụ là niềm hạnh phúc bên đoàn chiên được trao phó. Trên bước đường sắp tới, ngài ao ước: “Mong rằng khi điều kiện cho phép, giáo xứ sẽ làm được nhà giáo lý để các em có nơi học tươm tất. Và đặc biệt là ngôi thánh đường khang trang sẽ hiện diện nơi đây, giúp cộng đoàn có nơi thờ phượng xứng hợp, ngõ hầu hun đúc đời sống đức tin ngày càng thêm sốt mến và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng”.
BÍCH VÂN