Một vài lời khuyên về cầu nguyện của người thầy cũ
Có thể tôi có nguy cơ đơn giản hóa, nhưng tôi muốn nói điều gì đó về cầu nguyện một cách rất đơn giản.
Trong khi làm luận án tiến sĩ, tôi có một giáo sư là linh mục Dòng Âugutinô lớn tuổi, thầy có thái độ, lời nói và phong cách tỏa ra sự khôn ngoan và trưởng thành. Tất cả nơi thầy là chính trực toàn diện. Bạn sẽ tin tưởng thầy ngay lập tức, thầy là hình ảnh người ông khôn ngoan của các sách truyện.
Một ngày nọ trong lớp, thầy nói về đời sống cầu nguyện của mình. Cũng như các chuyện chia sẻ khác của thầy, thầy không sàng lọc, chỉ có trung thực và khiêm tốn. Tôi không nhớ chính xác các lời của thầy, nhưng tôi nhớ rõ cốt tủy của những gì thầy nói và những lời này vẫn còn ở trong lòng tôi sau bốn mươi năm tôi được may mắn ở trong lớp của thầy.
Và đây là những gì thầy chia sẻ: cầu nguyện không dễ dàng vì chúng ta luôn mệt mỏi, chia trí, bận rộn, chán nản và bị cuốn vào đủ chuyện, khó có thể tìm thì giờ và năng lực để tập trung về Chúa dù chỉ trong vài phút. Vậy thì tôi làm như sau: dù ngày hôm đó là ngày như thế nào, dù hôm đó tôi đang nghĩ gì, dù hôm đó tôi bị chia trí hay bị cám dỗ như thế nào, tôi luôn trung thành với điều này: Mỗi ngày một lần, tôi đọc Kinh Lạy Cha sốt sắng nhất tôi có thể lúc đó. Bên trong những gì đến với tôi ngày hôm đó và chung quanh tôi ngày hôm đó, tôi cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, xin Chúa nghe lời tôi cầu nguyện trong tất cả sự chia trí và cám dỗ đang bủa vây tôi lúc đó. Đó là điều tốt nhất tôi có thể làm. Có thể đó là cái tối thiểu nhất và tôi phải làm nhiều hơn, cố gắng tập trung hơn, nhưng ít nhất tôi cũng làm được điều đó. Và đôi khi, đó là tất cả những gì tôi làm, nhưng tôi làm mỗi ngày và tốt nhất có thể. Đó là lời cầu nguyện Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.
Lời của thầy nghe có vẻ như đơn giản, quá đơn giản là đàng khác. Thật vậy, Giáo hội đặt Thánh lễ là trọng tâm đời sống chúng ta, tạo cho chúng ta thói quen suy gẫm và cầu nguyện riêng. Thêm nữa, nhiều nhà văn thiêng liêng cổ điển nói rằng mỗi ngày chúng ta phải dành ra một giờ để cầu nguyện riêng và nhiều nhà văn thiêng liêng hiện đại còn thách thức chúng ta, mỗi ngày phải đặt suy nghĩ hoặc mọi hình thức cầu nguyện chiêm ngắm vào trọng tâm. Vậy thầy Dòng Âugutinô và lời khuyên trung thành đọc Kinh Lạy Cha mỗi ngày, sốt sắng nhất có thể thì sao?
Dĩ nhiên không có gì trong các chuyện này đi ngược với những gì thầy khiêm tốn chia sẻ. Thầy sẽ là người đầu tiên đồng ý Thánh lễ là trọng tâm đời sống cầu nguyện của chúng ta, và thầy cũng sẽ đồng ý với các tác giả thiêng liêng cổ điển khuyên chúng ta mỗi ngày dành ra một giờ để cầu nguyện riêng và các tác giả đương đại thách thức chúng ta mỗi ngày nên có hình thức cầu nguyện chiêm ngắm hay ít nhất là quen làm như vậy. Nhưng thầy sẽ nói như sau: một trong những giây phút này trong ngày (lý tưởng là Thánh lễ, hay khi đọc phụng vụ giờ kinh, hoặc ít nhất vào một lúc nào đó trong ngày của chúng ta) khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta chân thành và tập trung nhất có thể, biết rằng dù chia trí lúc đó, nhưng đó là những gì Chúa xin chúng ta, như thế là đủ.
Lời khuyên này vẫn còn trong tâm trí tôi qua bao nhiêu năm tháng và dù tôi đã đọc nhiều Kinh Lạy Cha mỗi ngày, tôi vẫn phải cố gắng đọc sốt sắng nhất có thể, ý thức đầy đủ cách tôi đã đọc trước đây là không tốt. Thật là cả một thách thức nhưng cũng là cả một an ủi!
Thử thách là đọc Kinh Lạy Cha mỗi ngày, sốt sắng nhất có thể. Như chúng ta biết, Kinh Lạy Cha mang tính cộng đoàn một cách sâu đậm. Lời kinh ở số nhiều – “chúng con”, “chúng con”, chúng con” – không có “con” trong Kinh Lạy Cha. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều là linh mục qua phép rửa và ở trong giao ưóc mà chúng ta đã làm, mỗi ngày chúng ta được yêu cầu để cầu nguyện cho người khác, cho thế giới. Cho những ai mỗi ngày không thể tham dự thánh lễ, cho những ai không đọc phụng vụ lời kinh, đọc Kinh Lạy Cha là cầu nguyện với Thánh Thể, lời cầu nguyện trong chức linh mục của chúng ta cho người khác.
Và đây là niềm an ủi: không một ai trong chúng ta là thần thánh. Không tránh được, chúng ta là người, điều này có nghĩa trong nhiều lần, có thể là đa số mọi lần, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta bị bủa vây đủ mọi chuyện, từ mệt mỏi đến chán nản, từ thiếu kiên nhẫn đến bận lo ấn định lịch làm việc ngày mai, vượt lên các chuyện đau khổ trong ngày, suy nghĩ để nói gì với người làm mình tức giận, để đối diện với các hoang tưởng khiêu dâm. Lời cầu nguyện của chúng ta hiếm khi phát xuất từ một trái tim trong trắng, nhưng thường là từ trái tim rất trần tục. Nhưng đây là điểm chính, tích chất trần tục cũng có sự trung thực của nó. Quả tim chúng ta bồn chồn và chia trí cũng là quả tim hiện sinh của chúng ta, quả tim hiện sinh của thế giới. Khi chúng ta cầu nguyện phát xuất từ đây, chúng ta nâng tâm trí chúng ta hướng về Chúa (như định nghĩa cổ điển của cầu nguyện).
Chúng ta hãy cố gắng mỗi ngày, trung thành cầu nguyện Kinh Lạy Cha! Và sốt sắng nhất có thể!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch