Một số tu sĩ dòng Salêdiêng bị bắt giữ ở Ethiopia đã được trả tự do
Một số tu sĩ dòng Salêdiêng bị bắt giữ ở Ethiopia đã được trả tự do
Một số tu sĩ dòng Salêdiêng truyền giáo ở Ethiopia bị lực lượng quân đội chính phủ bắt giữ cùng với một số giáo dân ngày 05/11, đã được trả tự do hôm thứ Bảy 13/11. Mười bốn người khác vẫn còn bị giam giữ.
Khủng hoảng ở Ethiopia
Ngày 05/11, lực lượng quân đội chính phủ Ethiopia đã tấn công một trung tâm giáo dục ở khu vực Gottera của thủ đô Addis Ababa và bắt giữ không lý do một số linh mục, tu sĩ và nhân viên của trung tâm và đưa họ đến một nơi không xác định.
Sau 10 ngày bị giam giữ, hôm thứ Bảy vừa qua một số người đã được trả tự do. Trước khi được tự do, các nhà truyền giáo đã bị cảnh sát thẩm vấn với các câu hỏi liên quan đến tài chính của trung tâm. Một số người cho rằng dường như lý do chính họ giam giữ các nhà truyền giáo là vì lợi ích kinh tế.
Vụ bắt giam các nhà truyền giáo diễn ra trong bối cảnh đất nước đang bị đánh dấu bởi một cuộc nội chiến trong một năm qua, đã khiến hàng ngàn người chết và hơn 2,5 triệu người phải di dời.
Chính phủ đang thúc đẩy việc kiểm soát các thực thể có sự hợp tác với quốc tế, và Giáo hội Công giáo. Các hoạt động của Gia đình Salêdiêng cũng bị nằm trong số này. Mục đích của việc kiểm soát là để đảm bảo các thực thể này không thúc đẩy các hoạt động chính trị, không ủng hộ các nhóm nổi dậy.
Nhưng thực tế, trong bối cảnh xã hội rất khó khăn, xung đột vũ trang kéo dài trong một năm qua ở vùng Tigray giữa quân đội Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, các tu sĩ Salêdiêng tiếp tục hỗ trợ những người trẻ và các gia đình. Cho tới nay đã có 80 ngàn gia đình được các tu sĩ hỗ trợ.
Tình hình ngày càng khẩn cấp nghiêm trọng, nhưng nhờ viện trợ đến từ khắp nơi trên thế giới, các nhà truyền giáo Salêdiêng, các giáo dân và các tình nguyện viên tiếp tục cung cấp giáo dục cho những người trẻ và các gia đình của họ. Các nhà truyền giáo kêu gọi: “Mọi người thuộc mọi hoàn cảnh xã hội đang gõ cửa nhà chúng tôi. Người giàu và người nghèo đến xin thức ăn để sống còn. Nhu cầu thực phẩm tăng lên mỗi ngày và bất kỳ sự giúp đỡ nào cũng sẽ cứu sống nhiều người đang bị suy dinh dưỡng. Chúng tôi biết ơn vì tình liên đới đã nhận được từ các nhà tài trợ trên thế giới. Chúng tôi cố gắng mang lại hy vọng cho nhiều người bao nhiêu có thể”.
Ethiopia là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới với hơn 38% dân số sống trong cảnh nghèo đói và 75% không được tiếp cận với giáo dục.
Ngọc Yến