Một số nhận định của Đức Hồng y Müller về các vấn đề thời sự
Một số nhận định của Đức Hồng y Müller về các vấn đề thời sự
Đức Hồng y Gerhard Müller, người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, nhận định rằng tình trạng Công giáo tại Đức hiện nay không những là một nguy cơ ly giáo, nhưng còn là một cuộc bội giáo từ từ.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người đưa tin chiều” (Corriere della sera), số ra ngày 19 tháng Sáu tại Ý, trả lời câu hỏi: “Đức Hồng y có thấy những cuộc ly giáo ở chân trời không?”, ngài đáp:
“Hơn là một cuộc ly giáo, tôi nhận thấy nguy cơ một sự bội giáo từ từ. Người ta đã thấy một số yếu tố tại Đức, với xu hướng chấp nhận chức linh mục nữ giới hoặc các cặp đồng tính luyến ái. Và tại Đức, người ta ghi nhận có sự suy sụp lớn của Giáo hội, và điều này làm cho người ta hiểu rằng đó không phải là một kiểu mẫu cho tương lai”.
Được hỏi về hiệp định ngầm giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, “Đức Hồng y có nghĩ điều này cho thấy một Giáo hội ngày càng nhìn về Đông phương hay không”? Đức Hồng y Müller đáp: “Người Trung Quốc được kêu gọi trở nên môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, nhưng họ đang sống dưới một chế độ độc tài, trong đó không có sự tôn trọng các quyền con người và các quyền tôn giáo. Cuộc đối thoại với đảng cộng sản Trung Quốc không thể chỉ bảo vệ các tín hữu Công giáo mà thôi. Cần giải thích cho giới lãnh đạo Trung Quốc rằng con người không phải là tài sản của Nhà nước, và họ đừng chỉ nghĩ đến quyền lực, nhưng cần nghĩ đến thiện ích của dân chúng. Ngoài điều đó, Giáo hội là hoàn vũ. Trong lịch sử, chúng ta đã có một sự hiện diện mạnh mẽ ở Âu châu và Mỹ châu. Nhưng lịch sử chưa chấm dứt. Tôi thấy trong tương lai sự dấn thân loan báo Tin mừng tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản”.
Về viễn tượng của Giáo hội Công giáo, Đức Hồng y Müller cảnh giác rằng: “Chúng ta phải chú ý để không trở thành như một N.G.O, một tổ chức xã hội tôn giáo. Giáo hội phải ăn rễ sâu nơi Chúa Kitô và các bí tích, duy trì chiều kích siêu việt của mình. Chúng ta phải quan tâm đến sự cứu độ con người, không phải chỉ đời sống trần thế. Sứ mạng của Giáo hội là giúp sự kết hiệp của con người với Thiên Chúa. Chúng ta có thể là một đoàn chiên lớn hay nhỏ, nhưng trong hoàn cảnh nào, chúng ta phải theo đường hướng của Tin mừng. Trước tiên vâng phục Chúa Kitô, và trong ánh sáng của Chúa, vâng phục thế giới”.
Đáp câu hỏi: “Trên bình diện quốc tế, Giáo hội và Đức Giáo hoàng khó có thể làm trung gian giữa ông Putin và Tây phương. Phải chăng đó là điều không thể được?”, Đức Hồng y Müller đáp:
“Chúng ta có thể đối thoại với Giáo hội Chính thống, chứ không thể đối thoại với ông Putin. Ông Putin đã năm lần nói chuyện với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Nhưng thật khó đối thoại với một người coi mình là một Phêrô Đại Đế (thời Nga hoàng). Ông nghĩ đến vinh quang của mình hơn là thiện ích của dân nghèo. Làm sao đối thoại với những người cộng sản đế quốc? Chúng ta phải rõ ràng và mạnh mẽ với Giáo hội Chính thống, không phải là điều dễ dàng, cả khi chiến tranh sẽ là một thảm họa đối với Nga”.
(Corriere della sera 19-6-2022)
- Trần Đức Anh, O.P.