Một Ca Đoàn hiệp hành trong một Giáo Hội hiệp hành
Tổng Giáo phận Sàigòn – Tp.HCM
1. Ca đoàn – Ban hát – Ban hợp xướng: là một Đoàn thể Tông Đồ hiệp thông hiệp hành với nhau tạo nên một tập thể “Đồng tâm nhất trí hay Đồng thanh nhất trí” trong một giáo xứ.
“Ca đoàn như một Cộng đoàn trong Cộng đoàn các tín hữu hay Cộng đoàn Dân Chúa – Giáo Hội – Thân mình Đức Kitô. Là một hội đoàn, một hội hát, một ban hợp ca, đồng ca…, một “đoàn thể tông đồ” trong Cộng Đoàn Dân Chúa, trong Giáo xứ… có nhiệm vụ hay sứ mạng hát lễ, cất hát… những bài ca, các thánh thi, thánh vịnh, vinh tụng ca… trong nhà thờ, trong các cuộc cử hành phụng vụ…” (Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 29).
Ca đoàn được mời gọi, quy tụ lại với nhau như một Cộng đoàn, một lối sống Tin Mừng trong Cộng đoàn các tín hữu được các Kitô hữu, như các chi thể hợp thành Thân Mình Đức Kitô. Theo dòng lịch sử cứu độ Thiên Chúa tự tỏ lộ, mặc khải chính mình như là Đấng yêu thương con người, muốn kề cận gặp gỡ con người, nên đã mời gọi quy tụ, tuyển chọn, thánh hóa và thánh hiến con người bằng cách quy tụ con người vào một Cộng đoàn Dân Chúa, Cộng đoàn Giáo Hội.
Hay nói cách khác, Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết trong lịch sử Thiên Chúa tìm mọi cách để cứu độ con người, không như những cá nhân lẻ loi, đơn độc, nhưng đưa con người vào trong một Cộng đoàn, kết giao thành một Cộng đoàn. Cộng đoàn các tín hữu là những người đã được rửa tội, được mời gọi, được quy tụ lại nhân danh Đức Kitô, để sống với nhau như một Giáo Hội.
Và Giáo Hội được thiết lập như một Cộng đoàn, nên được gọi là “Dân Thiên Chúa”, dân được thánh hiến cho Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa, dưới sự che chở phù trì, bảo trợ của Chúa – Giáo Hội cũng là “Thân Mình Đức Kitô”: Người là Đầu và tất cả đều là các chi thể hiệp thông cùng một sự sống và tình yêu, cùng hoạt động với nhau, hài hòa liên đới với nhau như các bộ phận mang trách nhiệm tương tác với nhau, hiệp thông với Đức Kitô và với nhau.
Và Giáo Hội là “Đền Thờ Chúa Thánh Thần”, để các tín hữu là một dân tư tế, tôn thờ, chuyên lo việc phụng tự, cử hành các mầu nhiệm thánh, hy lễ cứu độ, chúc tụng, ngợi khen, tạ ơn và cầu khấn.
Ca đoàn sống hiệp hành giữa lòng Cộng đoàn Giáo Hội, “đồng tâm nhất trí”, một lòng một ý với nhau (đồng nghị), cùng nhìn về một hướng, hiệp thông với nhau và đồng hành, cùng một dự án sinh hoạt, cùng nhau đi tới để thi hành sứ vụ thánh nhạc, thi hành ý Chúa, đúng với ơn gọi của mình.
Như chứng từ của các tín hữu tiên khởi trong Công Vụ Tông Đồ (Cv 4, 32); như trong từ ngữ hiệp hành, từ cội nguồn và lịch sử Giáo Hội, luôn hàm ý: Cùng nhau quy tụ – Cùng nhau hội nghị, trao đổi ý kiến, bàn luận và phân định – Để cùng tham gia, cộng tác và đồng hành với nhau, cùng nhau đi tới đích điểm – hướng tới Thiên Chúa, cùng đi với Đức Kitô, Đấng đã kêu mời và tập hợp chúng ta, để chúng ta cùng hành trình, đồng hành với Người và với nhau. Người cũng chính là con đường cho chúng ta đi, là “Đạo” của chúng ta. Người như ngọn đèn soi cho chúng ta bước nhờ sức mạnh thúc đẩy linh hứng của Chúa Thánh Thần.
Vì hiệp hành bởi tiếng hay nguyên ngữ “Synodos” = gồm “Syn”: cùng nhau, và “hodos”: con đường.
Ca đoàn sống đúng với định nghĩa, bản chất đích thực và lý do hiện hữu của mình, chẳng phải là “hiệp hành” đó sao? Như mọi thành viên được kêu mời và tập hợp lại trong cùng một lối sống Tin Mừng cách riêng biệt, đặc thù, hay ơn gọi chuyên biệt, đặc biệt, hay như là “đặc sủng”, là lòng yêu mến thánh nhạc và phụng vụ. Các Kitô hữu, các thành viên được tuyển chọn giữa Cộng đồng dân Chúa nhờ vào khả năng chuyên môn về âm nhạc để thi hành thừa tác vụ hát thánh ca trong các thánh lễ và các nghi lễ cử hành Phụng vụ. Ca đoàn hiệp hành sống động giữa lòng Cộng đoàn Dân Chúa, dùng lời ca tiếng hát mà thánh hóa chính mình và giúp thánh hóa các tín hữu khác.
2. Ca đoàn – Hiệp hành – “Hiệp nhất và Đa dạng”
Như thế, Ca đoàn được thiết lập, sinh hoạt và hiện hữu, hiện diện trong Cộng đoàn Giáo Hội như một hội đoàn, một đoàn thể Tông đồ với cùng một dự án thánh nhạc phụng vụ, cùng một tâm tình, một chí hướng trong sự “hợp nhất và đa dạng”.
Bởi lẽ, Ca đoàn như một Ban hợp xướng, có nghĩa là cùng hát, cùng xướng lên một ca khúc, gồm nhiều giọng ca, nhiều bè hát khác nhau, có các ca viên có chuyên môn, năng khiếu tự nhiên hay chịu khó luyện tập… Hợp xướng được cất lên bởi một “hội hát” mang sắc thái trình bày, diễn tả bằng giọng ca gồm nhiều bè, nhiều giọng cùng với tiếng đàn, nhịp trống.
Thánh nhạc là một loại hình diễn tấu tập thể, một môn nghệ thuật có khả năng liên kết thống nhất, tình cảm, ý chí và tư tưởng của con người, “hiệp nhất trong đa dạng” và “đa dạng trong sự hiệp nhất” các giọng ca bè hát trầm bổng, cao thấp để “hiệp hành” cùng nhau thể hiện sự hòa điệu, hợp âm và đi tới nội dung ý nghĩa đích thực của âm nhạc là siêu thoát, rung động, chạm tới cõi siêu việt, mênh mông vô biên vô tận, vào “trái tim” con người hay “nâng cao tâm hồn” lên tới Thiên Chúa qua một tác phẩm âm nhạc. Hợp xướng như thế được nhìn nhận như là “đỉnh cao” của nghệ thuật hát bè, hòa hợp với các cung giọng nam cao và nữ cao, hay nam trung và nam trầm, nữ trung và nữ trầm v.v…. làm phong phú màu sắc hòa âm, tấu lên các giai điệu truyền cảm khác nhau.
Ca đoàn như một ban hợp xướng, một “hợp âm” mỗi khi vang lên thì các thành tố trong hợp âm phải chuẩn xác về cao độ và âm thanh, dung hòa về âm lượng và đồng nhất về âm sắc. Hay có thể nói, các âm thanh và nốt nhạc giữa các giọng phải hòa quyện với nhau, sự đồng đều, hòa hợp.
Như các bè phải cân bằng dung hợp, bè này không lấn át, đè nén bè kia (còn phải biết nhường nhau). Tất cả mọi ca viên trong từng bè, mọi ca viên trong bản hợp xướng phải hiệp thông, tương tác, tương hợp với nhau, nghĩa là cho tiếng hát của mình “hiệp hành” với các ca viên khác để cùng hướng tới một sự thống nhất, hài hòa, đồng thanh tương ứng tuân theo những quy định của tác giả và tác phẩm, để hát đúng các yêu cầu… tạo nên bản hợp xướng
Để đạt tới nghệ thuật diễn tả và thể hiện, truyền cảm hứng và “nâng tâm hồn” con người lên tới chân trời mênh mông siêu thoát của thế giới tinh thần rộng mở, vẻ đẹp đích thực của thánh nhạc, là “gặp gỡ” với Thiên Chúa trong hợp xướng cần có những hiểu biết về kỹ thuật thanh nhạc, hiểu biết về thánh nhạc, phụng vụ…, phải có thời gian luyện tập cùng nhau thì mới có thể hát hay, hát đẹp và hòa điệu. Nói khác đi, đó chẳng phải là “hiệp hành” sao? Vì phải cùng nhau khởi hành, cùng nhau bước đi với, cùng nhau hòa chung một nhịp điệu, cùng hòa ca, cùng hòa âm, phối kết.
Như thế các thành viên trong Ca đoàn phải có tai nghe tốt để không hát sai, không hát chênh phô, không làm hỏng giai điệu… Lắng nghe nhau hát và để cho nhau hát những gì được phân chia hay từng phần hay đồng ca cũng là “hiệp hành” trong lời ca tiếng hát, cùng nhìn về một hướng…. Ca đoàn làm nên các ca viên và các ca viên làm nên Ca đoàn vì tinh thần và tính hiệp hành này.
Như từng người tín hữu, bất kể chức năng nhiệm vụ hay trách nhiệm của mình trong Giáo Hội đều là một chủ thể làm nên Giáo Hội và là con người của Giáo Hội, cùng nhau bước đi theo Đức Kitô và cùng đi trên một con đường là Đức Kitô, ca đoàn cũng thế.
Giáo Hội là Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô, các ca viên trong một Ca đoàn trong Cộng đoàn Giáo Hội cũng diễn tả mầu nhiệm ấy, diễn tả không những bằng việc quy tụ quanh Đức Kitô nhưng còn bằng sự hiệp nhất nên một trong Người, trong Thân Mình của Người.
Nhờ tham dự Thánh Lễ, cử hành phụng vụ bí tích Thánh Thể, chúng ta được nâng lên đến sự hiệp thông với Người và với nhau, đó cũng là được “hiệp hành” với Người và với nhau mà chúc tụng ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa.
Sự hiệp hành của Ca đoàn làm phát sinh và phát triển đức mến giữa các ca viên. Đức mến là dây liên kết trọn hảo. Đức mến chính là tâm điểm của “hiệp hành” làm nên Ca đoàn hiệp hành, đưa Ca đoàn thăng tiến và tới được đích điểm của thánh nhạc là “nâng tâm hồn” lên tới Chúa, làm vinh danh Chúa; là ra khỏi chính mình, xuất thần, vào cõi siêu việt, vào chân trời vô biên của Thiên Chúa…. Sự hiệp hành này sẽ chiến thắng mọi chia rẽ phàm nhân, để tất cả được nên một trong Chúa.
Thư 1Cr 12, 4-11: Đặc sủng tuy nhiều, nhưng chung một cội nguồn.
Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người….
Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận …
…. Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả…. (1Cr 12, 14-31)
… “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13, 1-13).
3. Ca đoàn – Hiệp hành để xây dựng, kiến tạo sự hiệp hành trong Cộng đoàn Dân Chúa.
“Vậy, thưa anh em, phải kết luận thế nào? Khi anh em hội họp, người thì hát thánh ca, người thì chỉ huy, người thì đệm đàn, người thì giảng dạy, người thì nói lời mặc khải, người thì nói tiếng lạ, người thì giải nghĩa: tất cả những điều ấy đều phải nhằm xây dựng Hội Thánh” (x. 1Cr 14, 26-27). … “Nhưng hãy làm mọi sự cách trang nghiêm và có trật tự…” (1Cr 14, 40).
Vai trò và nhiệm vụ của Ca đoàn trong thời điểm này là hiệp hành để xây dựng, kiến tạo tinh thần hiệp hành trong Cộng đoàn Dân Chúa.
Vì góp phần trong công việc cử hành phụng vụ, thờ phượng Thiên Chúa, nên Ca đoàn có một vai trò và nhiệm vụ cao cả linh thánh như một đặc sủng. Mỗi ca viên đảm nhận tác vụ âm nhạc trong cử hành thánh như các tác viên không có chức thánh khác (đọc sách, giúp lễ, trao Mình Thánh Chúa trong thánh lễ …)
Ca đoàn thể hiện, diễn tả những hình thể nghệ thuật thánh nhạc sao cho thật hay, thật đẹp, theo các giai điệu cung giọng cung bậc xứng hợp, trang trọng để tôn vinh thờ phượng Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu – đây chính là “Hiệp hành” với hết tâm tình và lời cầu nguyện, vừa cảm động, vừa có lòng yêu mến, có hồn, có lửa sống động, có sức nâng tâm hồn các tín hữu lên cùng Thiên Chúa, lên tới đỉnh thiêng của sự gặp gỡ và hiệp nhất với Thiên Chúa.
Ca đoàn tỏa chiếu trên cộng đoàn các tín hữu họp nhau lại, nhân danh Đức Kitô và Giáo Hội, một nguồn sáng rực rỡ “như thấy được dung mạo” gương mặt “vinh quang” của Đấng Phục Sinh ngay “ở đây và lúc này” trong cuộc cử hành Thánh Lễ.
Nhờ sức mạnh “siêu hình” thanh thoát của nghệ thuật thánh nhạc, Ca đoàn có thể vươn lên, hiệp hành hướng tới vẻ đẹp rạng ngời của Phụng Vụ và đích điểm của cầu nguyện là khát mong tìm về gặp gỡ Thiên Chúa và kết hợp với Người. Đó chính là hiệu quả và đích điểm của ơn cứu độ. Như thế, họ có thể giúp cộng đoàn cử hành mầu nhiệm cứu độ trong những điều kiện thuận lợi khi chính họ thông phần mật thiết vào các ơn ích của mầu nhiệm đó.
“Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một Tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).
4. Ca đoàn – Hiệp hành là tham gia và hòa nhập vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội
Sự hiệp thông hiệp hành trong Ca đoàn là dấu chứng nói lên rằng Đức Kitô là con đường dẫn tới Thiên Chúa – Vì hiệp hành là hiệp thông với nhau và đồng hành cùng nhau đi tới, hướng tới Thiên Chúa. Hiệp hành là con đường vươn tới, và đích điểm của hiệp hành chính là sự hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa.
Ca đoàn làm chứng cho Đức Kitô, đóng vai trò thâu kết và liên kết muôn người trong Giáo Hội, trong giáo xứ, trong gia đình, xã hội và thế giới. Ở bất cứ nơi đâu, người có tinh thần hiệp hành sẽ lan tỏa hiệp hành và thu hút người khác vào hiệp hành, vào Đạo, vào với chính Thân Mình Đức Kitô là Giáo Hội. Ca đoàn thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng tinh thần hiệp hành và hiệp lực khi hát trong nhà thờ, trong gia đình, trong xã hội… để tất cả mọi người được trở nên con cái Thiên Chúa trong gia đình của Chúa, để tất cả mọi người được nhận biết chân lý và được ơn cứu độ… (1Tm 2, 3-4).
Qua đặc sủng hát thánh ca với tâm tình hiệp hành, Ca đoàn có thể như tiếng hát ngân lên trong thế giới, như tiếng mời gọi muôn dân tham gia vào con đường của Giáo Hội, vào Đạo dẫn đến sự sống vĩnh hằng, tới hạnh phúc đời đời, tới Thiên Chúa là Tình Yêu và là Sự Sống… là Chân Thiện Mỹ, là Quê Hương, là Cùng Đích…
Tiếng hát ngọt ngào của Ca đoàn có sức thu hút và có hiệu quả tỏa lan ảnh hưởng của sự hiệp hành ra thế giới chung quanh mình…
Muốn chạm tới tâm hồn người nghe, tiếng hát của Ca đoàn cần phải chất chứa tinh thần hiệp hành, hiệp lực, người hát cần phải có tâm hồn đạo đức và tâm tình cầu nguyện, yêu mến Chúa, có lòng thương yêu con người và biết rung cảm để diễn đạt tất cả bằng lời ca tiếng hát của một đời sống đức tin đích thực.
Ca đoàn cũng thi hành sứ mạng “Phúc âm hóa” âm nhạc, thánh hóa bài ca giọng hát trong phụng vụ, để thờ phượng, chúc tụng cảm tạ Thiên Chúa. Vì thế, Ca đoàn phải biểu lộ sự thánh thiện và diễn tả được đỉnh cao và vẻ đẹp nghệ thuật thánh nhạc. Để đạt được những điều đó, yếu tố quan trọng chính là tinh thần hiệp hành, không độc diễn, không lẻ loi đơn độc, độc điệu cá nhân, nhưng hài hòa phối kết, hòa điệu hiệp thông với mọi người đề hiệp hành cùng với mọi người hướng tâm hồn lên với Chúa.
Như hoa hướng dương… hướng về mặt trời, Ca viên cùng nâng tâm hồn lên, hiệp hành trong lời ca tiếng hát…như đưa cả nhân loại và muôn loài thụ tạo lên Thiên Chúa, là Đấng sáng tạo, thánh hóa và cứu độ muôn người.
Sứ mạng của ca đoàn là loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Khởi đi từ cuộc cử hành phụng vụ trong nhà thờ ra đến xã hội, Ca đoàn hiện diện ở bất cứ nơi đâu có những con người hiệp hành và phát huy sự hiệp hành ấy. Ca đoàn loan báo và cổ vũ ý nghĩa của hiệp hành cũng là ý nghĩa căn bản của cuộc sống trên đời này, ý nghĩa và bản chất của Giáo Hội, của con đường Đức Kitô…. để trong Người mà tất cả có thể đạt tới sự hiệp nhất chung cuộc… Sự hiệp nhất vạn thể trong Thiên Chúa là tất cả mọi sự cho mọi người. Và như thế, mọi người được ở cùng Thiên Chúa, được tháp nhập vào mối tương quan tương thuộc cấu thành bản tính duy nhất của Người, nghĩa là được thông phần vào một sự sống đích thực với Thiên Chúa.
Thư Ep 1, 1- 11:
Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Cũng trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người…
Chúng ta có thể tìm thấy yếu tố cốt lõi làm nảy sinh căn tính và chân tính của Giáo Hội, cũng như bản chất của Đạo Kitô, đó chính là hiệp thông đồng hành, là “hiệp hành” cùng nhau đi tới Thiên Chúa, đạt tới Thiên Chúa. Và có Chúa là có Thiên Đàng và sự sống đời đời. Mất Chúa là mất tất cả.
Tất cả được quy tụ trong chân trời hiệp thông hoàn vũ của Nước Thiên Chúa, nơi Đấng là Cội Nguồn Sự Sống hiển trị và Tình Yêu siêu vượt tiếp đón tất cả để “vĩnh viễn ở cùng tất cả mọi người” (Kh 4,21).
Vì cuộc cử hành Thánh Lễ lôi kéo chúng ta vào hiệp hành, mà tự bản chất, hiệp thông đồng hành hay “hiệp hành”, cùng nhau đeo theo Đạo đến với Chúa, là truyền giáo, là Phúc Âm hóa.
Ca đoàn có thể tỏ cho mọi người thấy Đức Kitô một cách cụ thể nơi hoạt động thánh nhạc của Ca đoàn, nơi cuộc sống bản thân trong Cộng đoàn Giáo Hội. Hiệp hành và rao giảng Tin Mừng cứu độ là hai hoạt động luôn gắn kết mật thiết với nhau, tựa như sự thống nhất giữa truyền thống sống động giữa “quy luật đức tin” (lex credendi) với “quy luật cầu nguyện” (lex orandi) với nhau, giữa “quy luật cử hành” (lex celebrandi) với “quy luật sống” (lex vivendi) – tất cả hợp nhất trở thành một thực tại… Để rồi khi dân Thiên Chúa được quy tụ lại với nhau thành một Cộng đoàn đồng tâm nhất trí, hiệp hành với nhau, thì lúc đó mới có được sự khả tín thực sự, mới có thể thuyết phục được thế giới… và mời gọi được thế giới vào sự hiệp hành trong Giáo Hội…
Vì thế, chúng ta chẳng “mắc nợ gì ai ngoài món nợ tình yêu tương thân tương ái” (Rm 13,8). Tình yêu mời gọi tình yêu, nên sau khi được Thánh Thể biến đổi, chúng ta đi góp phần biến đổi thế giới xung quanh bằng chính ân huệ hiệp thông mà chúng ta lãnh nhận trong cuộc cử hành phụng vụ. Chúng ta vui mừng bước đi với niềm xác tín rằng mình đang theo chân Đức Kitô đến với mọi người để xây dựng tình hiệp thông như một lễ vật ngát hương trong Nước Thiên Chúa. Vì “điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1Ga 1,3)
Ca đoàn có thể kiến tạo và loan báo tình hiệp thông, hiệp hành như một lễ vật ngát hương dâng lên Thiên Chúa và như tiếng mời gọi mọi người tìm đến Nước Thiên Chúa. Vì “điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông… (hiệp hành) … với chúng tôi” (1Ga 1,3).
Ngày 14.05.2022
Trích: Tập san Hương Trầm của Ủy ban Thánh nhạc / Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 34