Mô tả dung mạo Đấng Phục Sinh
23.4 Thứ Bảy trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
Cv 4:13-21; Tv 118:1,14-15,16-18,19-21; Mc 16:9-15
Mô tả dung mạo Đấng Phục Sinh
Trong mầu nhiệm Giáng Sinh Ngôi Hai trở thành Đấng Emmanuen, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Ngài không chỉ đến viếng thăm con người trong chốc lát mà còn ở lại, chia sẻ trọn vẹn kiếp người, gánh lấy tội lỗi nhân loại, để chết thay, để đền bù cho nhân loại. Nếu chỉ có thế mà thôi thì chưa đủ, Ngài đã Phục Sinh để chúng ta cùng sống lại với Ngài nữa. Phúc Âm Gioan hôm nay tường thuật chính lúc các tông đồ vất vả chài lưới, từ bờ biển Tibêria, Ngài đứng dõi theo, hướng dẫn để các ông bắt được nhiều cá. Chẳng những thế Ngài còn nướng sẵn bánh và cá và ân cần thân ái gọi các ông “Hãy đến mà ăn đi!”
Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc.
Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.
Câu chuyện Tin Mừng mở ra cho thấy dấu hiệu của một cuộc đánh bắt thất bại, lạc lõng và thất vọng. Một hậu cảnh tối đen, xám xịt. Tuy nhiên, từ đó chúng ta đã có thể nhìn thấy những nét tươi sáng của cuộc gặp gỡ đầy ngạc nhiên với Thiên Chúa và niềm vui của một mẻ cá dồi dào nổi lên như một sự tương phản.
Các môn đệ là những ngư phủ kinh nghiệm. Họ có sẵn công cụ, kĩ thuật, kiên trì trước những mệt mỏi, sự hiểu biết về hướng gió và luồng nước, khôn ngoan trong việc phán đoán đúng thời điểm, đúng vị trí để đưa thuyền ra đến nơi có độ sâu thích hợp để thả lưới. Bất chấp nhiều kinh nghiệm và mọi nỗ lực, lưới cá vẫn trống không, giống như một chiếc giẻ cũ ướt mèm. Để trả lời cho câu hỏi của Đức Giêsu “Này các chú, không có gì ăn ư ”, họ đã đáp lại cộc lốc, pha chút chua xót “Không”.
Người ta chỉ có thể nhận ra những bàn tay trống rỗng khi xòe ra nhận lấy quà tặng. Đó dường như là phong cách giáo dục thường xuyên của Đức Giêsu để dẫn người ta đến với sự thật trần trụi về chính họ, không thể bào chữa và không có lối thoát. Người phụ nữ Samari, trong cuộc đối thoại với Ngài đã được dẫn đến việc thừa nhận “chị không có chồng” (Ga 4,17).
Trước khi được Đức Giêsu chữa lành, người bại liệt tại hồ nước ở Bedatha nhận biết rằng anh đã phải chờ đợi trong vô vọng suốt 38 năm và thành thật tự thú về sự bất lực và cô đơn của mình: “Thưa Ngài, không có ai…” (Ga 5,7). Ở giữa đám đông nhưng không một ai giúp anh vào đúng thời điểm cần đến. Với chàng thanh niên giàu có, Đức Giêsu đã nói: “Anh chỉ còn thiếu một điều…” (Mc 10:21). Tại tiệc cưới Cana, chính Đức Maria đã nhận thấy tình trạng hết rượu và cảnh báo với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2:3)
Đó là một phần của sự tăng trưởng nhân bản và thiêng liêng khi chúng ta thành thật nhận ra có điều gì đó thật đáng tiếc, khi nhận ra những yếu kém của chúng ta. Trong bối cảnh này, mẻ lưới trống trông vì không có Chúa. Chỉ với sự hiện diện và lời của Chúa Giêsu mới có thể biến đổi sự thất vọng thành niềm hy vọng, sự thất đảm của các môn đệ trở thành kinh ngạc. Sự kiện này minh họa cách sống động cho những gì Đức Giêsu đã nói trong diễn từ cuối cùng “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy….Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15: 4-5).
Từ hậu cảnh buồn bã nổi lên sự tương phản của một sự dư dật đáng kinh ngạc: 153 (50*3 + 3, dấu chỉ của sự tròn đầy) những con cá lớn. Sự dồi dào là một trong những đặc tính “kì diệu của món quà” mà Đức Giêsu thực hiện, hóa bánh ra nhiều làm thỏa mãn đám đông với những chiếc rổ đựng đầy bánh. Tại Cana, 6 chum đựng nước lã đã hóa thành rượu, mỗi chiếc chứa từ 80 đến 120 lít nước. Hơn thế nữa, toàn là rượu ngon hảo hạng, nhiều hơn mức cần thiết để giải quyết tình huống khẩn cấp.
Tin Chúa Giêsu phục sinh đòi hỏi một điều khác nữa cần thiết hơn điều tai nghe mắt thấy. Đó là cảm nghiệm được sự sống lại và được giải thoát. Điều đó đòi hỏi sống cảm nghiệm tích cực, không giới hạn và cởi mở vô cùng.
Tóm lại, đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh chỉ phát sinh từ lòng trông cậy riêng đối với tôi, riêng đối với mỗi người. Trông cậy có thể được sống lại cho chính bản thân chúng ta trong sự hợp nhất với Người và duy trì được sự hiện diện sâu xa với Người ngay ơ đời này.
Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh.