Lương thực trường sinh
29.4
Ga 6, 35-40
LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH
Dân Do Thái thường hoài niệm, thường suy nghĩ và nhớ tới manna ngày xưa. Họ chỉ nghĩ rằng đó là thứ bánh vật chất nhưng ngon hơn thứ bánh ngày thường, cho nên họ cầu xin với Chúa Giêsu cho họ thứ lương thực vật chất đó để giúp họ no lâu hơn. Nhiều khi chúng ta đến với Chúa cũng chỉ để xin những nhu cầu thoả mãn cho cuộc sống vật chất như thế.
Lời Chúa hôm nay là một phần trong diễn từ về “bánh hằng sống”. Trong hội đường Caphácnaum, cùng với lời mạc khải “Ta là bánh trường sinh”, Chúa Giêsu cũng mời gọi dân Do Thái đến và tin vào Người để không phải đói, phải khát (Ga 6, 35). Chúa Giêsu Kitô là sự sống mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, là tình yêu mà Thiên Chúa ban cho thế gian. Niềm tin vào Chúa Giêsu chính là điều kiện trước tiên và cần thiết nhất để được cứu độ. Phần thưởng cho niềm tin vào Chúa chính là sự sống đời đời, là việc được sống lại trong ngày sau hết.
Bánh Chúa nói không đến từ đồ ăn và thức uống tự nhiên, nhưng đến từ Ngài: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” Ngài nói điều này với người Do Thái sau khi đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Chỉ có 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ, Ngài đã cho 5 ngàn người đàn ông không kể đàn bà và con trẻ ăn uống no nê, và người ta thu lại được 12 thúng bánh vụn.
Thật ra, phép lạ này là dấu chỉ của phép lạ lớn hơn là phép lạ Thánh Thể, thứ bánh được ban trào tràn cho những ai đặt niềm tin vào Ngài.
“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Trải qua hơn hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã là lương thực nuôi dưỡng nhân loại qua Lời hằng sống của Người. Lời của người ảnh hưởng trực tiếp trên những kẻ tin yêu và lắng nghe, đồng thời dán tiếp ảnh hưởng đến tất cả mọi môi trường có chứng nhân của Lời hiện diện. Lời của người là Lời tình yêu Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại; là Lời có khả năng thỏa mãn cơn đói khát tình yêu của con người; một cơn đói khát quyết định sự sống còn của nhân loại.
Chối bỏ Lời, con người ngày nay đắm chìm trong một nền văn hóa chết chóc, có xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ ích kỷ, chạy theo vật chất, bành trướng cái tôi… là một lối sống làm sói mòn tâm linh và ý nghĩa thiêng liêng cao cả của cuộc sống con người. Chỉ khi nghe và thực hành Lời người – như ‘ăn’ và ‘tiêu hóa’ – thì cuộc sống thế giới mới trở nên phong phú, cuộc đời con người mới có hạnh phúc thật.
“Chính tôi là bánh trường sinh.” Yêu ai thì khát khao muốn nên một với người mình yêu. Tình yêu làm phát sinh sáng kiến – Chúa Giêsu vì quá yêu thương con người nên đã tự nguyện trở nên bánh để ở với con người, nên máu thịt của con người, dưỡng nuôi tâm linh và ban cho họ sự sống bất diệt: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 54-55). Bởi chính thế mà Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể để ở lại với con người, dưỡng nuôi và đồng hành với con người trên đường tiến về quê hương đích thật trên trời.
Ngày hôm nay, như những người Do Thái năm xưa, chúng ta cũng được mời gọi xác tín Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là ơn cứu độ của mỗi người. Tin vào Chúa Giêsu chính là niềm tin căn bản và cần thiết của cuộc đời mỗi người. Từng ngày, niềm tin ấy được mỗi người hình thành, nuôi dưỡng và phát triển trong tương quan tình yêu với Chúa Giêsu. Tương quan với Chúa được ta xây nên từ những lời cầu nguyện thiết tha và chân thành. Mỗi ngày, nhờ tham dự Thánh lễ, viếng Chúa, đọc kinh, ta được thêm cảm nghiệm, tin tưởng và xác tín vào Chúa Giêsu, Đấng là hạnh phúc và sự sống của cuộc đời mỗi người.
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiến mình cho nhân loại qua thánh lễ mà Giáo hội cử hành mỗi ngày khắp nơi trên thế giới. Cảm nhận hồng ân cao cả Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại, Giáo hội trung thành, hân hoan thiết đãi và mời gọi con cái mình đến dự bàn tiệc Lời Hằng sống và Thánh Thể Chúa Giêsu qua thánh lễ hằng ngày.
Vì thế Kitô hữu chúng ta cần ý thức và siêng năng tham dự thánh lễ với lòng vui mừng và biết ơn Chúa, biết ơn Giáo hội. Chúng ta cần tham dự hy lễ tạ ơn này cách sinh động với lòng thành, không câu nệ, không máy móc. Đừng làm người khờ dại chỉ đi dự tiệc cho có mặt mà không ăn tiệc (không chú tâm nghe Lời Chúa, không lãnh nhận Thánh Thể Chúa), chúng ta cần biết lắng nghe Lời hằng sống của Chúa Giêsu và đón rước mình Thánh của người làm của ăn nuôi dưỡng tâm hồn; để đời sống của Chúa Giêsu, tinh thần của Người thấm nhập vào trong con người và cuộc đời của mỗi người chúng ta, hầu chúng ta trở nên cánh tay nối dài của Người trong công cuộc dựng xây vương quốc nước trời nơi trần gian và được sống hạnh phúc muôn đời bên Chúa.
Nói về bánh trường sinh cho người Do Thái năm xưa hay nói về bánh hằng sống cho người thì nay đều khó cả bởi thực tế cuộc sống cho thấy chẳng ai sống mãi trong cuộc đời này. Dù có ăn uống điều độ, chọn thức ăn và đồ uống sạch, dùng đủ thứ thuốc, sự sống tự nhiên vẫn phải qua đi ở một thời điểm nào đó.
Vì thế, để tin vào bánh hằng sống và mở lòng ra đón nhận thứ bánh ấy, con người cần phải có ơn Chúa và lòng khao khát. Chính Chúa soi sáng, mở lòng, và đi vào tâm hồn mỗi người; còn con người thì khao khát tìm kiếm và khi gặp thì khiêm tốn đón nhận.
Lời nói của Chúa Giêsu không phải người Do Thái nào cũng đón nhận. Chỉ những ai được Chúa Cha trao cho Ngài mới đến với Ngài, mới tin vào Ngài, và mới can đảm bước đi theo Ngài. Những người này sẽ không phải chết đời đời, sẽ được Ngài cho sống lại vào ngày tận thế bởi Ngài đến trần gian để thực thi thánh ý của Chúa Cha: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết.”
Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời được ban xuống để lôi kéo con người lên với Chúa Cha. Người tín hữu Kitô tiếp nhận Thánh Thể để được lãnh nhận tình yêu Chúa và từ đó mới trào sang cho tha nhân, đưa mọi người về với Thiên Chúa. Chia sẻ bàn tiệc với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, người tín hữu cũng chia sẻ cơm bánh cho tha nhân hằng ngày. Thật kỳ diệu thay, chính khi chia sẻ tình yêu cho tha nhân, họ lãnh nhận được sự sống trường sinh của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn.
Chúa Giêsu đã ví Người là ‘Bánh’ – Bánh trường sinh – Bánh ban sự sống đời đời – cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của Ngài trong cuộc sống chúng ta. Cũng như sự sống thể lý con người cần cơm bánh, thì trong lãnh vực đời sống tâm linh chỉ Chúa Giêsu mới thỏa mãn được cơn đói khát của con người; và chính đời sống tâm linh là yếu tố chi phối toàn bộ đời sống con người – nếu đời sống tâm linh sung mãn thì cuộc sống con người mới thực sung mãn.