Lòng tin của người Do Thái – Lòng tin của ta
Thứ Tư Tuần V Mùa Chay
Đn 3, 14-20. 91-92. 95; Ga 8, 31-42
LÒNG TIN CỦA NGƯỜI DO THÁI – LÒNG TIN CỦA TA
Những dân tộc bị đô hộ nhiều năm mới hiểu được giá trị của giải phóng. Những ai bị cầm tù, bị áp bức mới hiểu được giá trị của tự do. Những ai đã từng bị vướng vào ma túy, cờ bạc, rượu chè,mới hiểu nỗi sướng vui của người thoát khỏi vòng nô lệ của chúng. Chế độ nô lệ đã cáo chung, nhưng lại thấy xuất hiện nhiều dạng nô lệ mới. Con người trở nên nô lệ cho chính những sản phẩm tinh tế của mình, và nhất là không thể giải phóng mình khỏi cái tôi ích kỷ.Tự do mãi mãi là khát vọng của con người. Con người vẫn chờ một Đấng Giải Phóng để mình được thật sự tự do.
Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với những người Do Thái mới tin vào Ngài. Lòng tin của họ chưa được trọn vẹn và Ngài đề nghị những biện pháp để củng cố niềm tin đó, như sống theo Lời Chúa, chấp nhận được giải thoát khỏi tội lỗi, phát triển mối tương quan với Ngài. Tuy nhiên, các người Do Thái không đủ khiêm tốn để chấp nhận đề nghị của Chúa, họ tự phụ mình là con cái của Abraham và do đó không cần ai dạy thêm điều gì nữa, cũng chính vì thế họ không thể tiến xa hơn trên con đường đức tin.
Những người Do thái đang tranh luận gay gắt với Đức Giêsu. Họ hãnh diện vì mình thuộc dòng dõi ông Abraham, nên cho mình là người tự do, chưa hề làm nô lệ cho ai bao giờ (c. 33). Đức Giêsu lại nhìn tự do theo một chiều hướng khác Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội, người ấy không có tự do (c. 34). Tự do không bắt nguồn từ việc mình thuộc dòng dõi ông Abraham. Tự do đến từ việc tin vào lời sự thật của Đức Giêsu. “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi… các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ cho các ông được tự do” (c. 32). Tự do đến từ chính con người của Ngài: “Nếu Người Con có cho các ông tự do, các ông mới thực sự tự do” (c.36).
Chúa Giêsu khẳng định với người Do Thái: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. Để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu thì cũng giống như mở lòng mình ra với Thiên Chúa. Lời Chúa Giêsu chính là lời của Thiên Chúa. Chúng thông tri sự thật, bởi vì chúng làm cho mọi việc được biết như chúng đang ở dưới mắt của Thiên Chúa và không phải như dưới mắt của người Biệt Phái. Sau đó, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu sẽ dạy điều tương tự cho các môn đệ.
Người Do Thái phản ứng ngay lập tức: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói ‘Các ngươi sẽ được tự do’?” Chúa Giêsu lặp lại và xác nhận sự khác biệt giữa người con và người nô lệ mà nói rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự.”
Chúa Giêsu là người con và ở mãi trong nhà Chúa Cha. Kẻ nô lệ thì không ở trong nhà Chúa Cha. Sống ở ngoài nhà, ngoài nhà của Thiên Chúa có nghĩa là sống trong tội lỗi. Nếu họ chấp nhận lời của Chúa Giêsu thì họ có thể trở thành con cái và được tự do thực sự. Họ sẽ không còn là nô lệ nữa. Và Chúa Giêsu nói tiếp: “Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi.” Sự khác biệt thì rất rõ ràng ngay tức thì: “Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Chúa Giêsu không cho họ quyền nói rằng họ là con cái của Abraham, bởi vì các hành động của họ khẳng định điều trái ngược.
Những người Do thái cố chấp, chỉ tìm cách giết Đức Giêsu (cc. 37, 40). Họ không muốn nhận lời sự thật mà Ngài nghe được từ Thiên Chúa (c. 40). Khi từ chối sự thật, họ đã trở nên nô lệ cho sự dối trá và sát nhân. Đức Giêsu là Đấng Giải Phóng, Đấng cho người ta được tự do thực sự. Con người bị trói buộc bởi nhiều mối dây, bởi những tính toán ích kỷ hẹp hòi mà tự sức mình không sao thoát ra được. Hãy đến với Giêsu, mở ra với Giêsu, ta sẽ thấy mình được thanh thoát như Ngài.
“Giả như các ông là con cái ông Abraham, hẳn các ông phải làm điều ông Abraham đã làm” (c. 39). Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi đã phát xuất từ Thiên Chúa…” (c. 42). Như thế những kẻ chống đối Đức Giêsu thật ra chẳng phải là con cái thật sự của ông Abraham hay con cái Thiên Chúa. Họ sống trong ảo tưởng về mình khi họ cương quyết loại trừ Đức Giêsu.
Chúa Giêsu lặp đi lặp lại cùng một sự thật nhưng dùng nhiều chữ khác nhau: “Bất cứ ai đến từ Thiên Chúa thì lắng nghe lời của Thiên Chúa”. Nguồn gốc của lời khẳng định này là từ tiên tri Giêrêmia, người đã nói rằng: “Ở trong chúng, Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ‘Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31:33-34). Nhưng họ sẽ không mở lòng mình ra để trải qua kinh nghiệm mới này về Thiên Chúa, và bởi vì điều này, họ sẽ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng đã được Chúa Cha sai đến.
Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng đã tuyên xưng từ bỏ tội lỗi, để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, từ bỏ những quyến rũ bất chính, để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi. Mùa Chay là thời gian để chúng ta trở lại điều mình đã tuyên xưng, để được sống đúng với ơn gọi Kitô hữu mình đã lãnh nhận. Xin Chúa thêm ơn cho chúng ta để chúng ta mãi luôn vững tin vào Chúa.