Lòng tin
5.12 Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mùa Vọng
Is 35:1-10; Tv 85:9-10,11-12,13-14; Lc 5:17-26
Lòng tin
Ghen ăn tức ở hay không ăn được thì đạp đổ vốn là thói xấu thường trực trong xã hội mọi thời. Bởi vậy, chúng ta không lạ gì vào thời Chúa Giêsu, tình trạng này lại càng rõ nét nơi những người Pharisiêu và các Luật sĩ khi họ thấy Chúa Giêsu được lòng dân và uy tín của Ngài ngày càng lan rộng. Vì thế, họ sinh ra căm phẫn và tức tối, nên muốn loại bỏ Chúa Giêsu ra khỏi cuộc sống và xã hội.
Tuy nhiên, họ khó lòng kết tội cho Chúa Giêsu khi Ngài làm việc thiện, việc tốt hay đứng lên bảo vệ công lý, công bình, giúp đỡ người nghèo, người không nơi nương tựa…. Bởi lẽ, nếu họ chống đối ra mặt những việc Đức Giêsu đã làm trên thì họ sẽ bị dân chúng phản đối và đương nhiên, khuôn mặt giả hình nhân đức của họ bị bại lộ. Như thế, hoàn toàn không có lợi cho bản thân và mưu kế của những người này. Chỉ có một cách là họ ghép Chúa Giêsu vào tội lộng ngôn hay phản động thì sẽ dễ dàng hơn.
Thiên Chúa tình yêu vẫn luôn hiện diện sống động ngay trong thế giới hôm nay, qua mỗi con người và từng biến cố hay qua các dấu chỉ thời đại. Thế nhưng có mấy người biết nhìn ra sự hiện diện thân thương của Ngài.
Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha, Ngài đến trần gian để thi thố lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Lời giảng dạy kèm theo các phép lạ Chúa làm đã chứng minh quyền năng Thiên Chúa luôn ở với Ngài.
Đang lúc Chúa Giêsu ngồi giảng dạy trong nhà, người ta khiêng một người bất toại đến. Vì dân chúng quá đông, họ không khiêng vào được đã dỡ ngói mái nhà rồi thòng chiếc chõng người bệnh xuống trước mặt Người. Chúa thấy họ có lòng tin mạnh mẽ như thế nên nói với người bệnh: “Này anh, anh đã được tha tội rồi”. Nhóm biệt phái và luật sĩ không tin nhận Người là Thiên Chúa nên cho lời nói đó là phạm thượng, vì chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Để chứng tỏ mình là Thiên Chúa có quyền tha tội. Chúa bảo người bất toại trỗi dậy vác giường mà về, tức thì anh trỗi dậy vác chõng ra về trước sự kinh ngạc của mọi người.
Bệnh bất toại hay bại liệt thường do đứt hay tắc mạch máu não do những chứng áp huyết cao, đau màng óc, chấn thương sọ não, sưng bướu óc, sưng cơ tim, kinh phong hay do vi khuẩn phá huỷ tuỷ sống. Y học ngày nay có thể giải phẫu để nối mạch máu, lấy bướu máu, chạy điện trị liệu vật lý để chữa bệnh tê liệt nhẹ. Đối với chứng bất toại nặng thì khoa học hoàn toàn bất lực. Hiện nay có nhiều người bán thân bất toại hay bất toại hoàn toàn chỉ còn chờ chết thôi.
Chúa Giêsu cũng tỏ lòng trắc ẩn đối với những bệnh nhân ấy, nên đã chữa lành cho một người bị bại liệt. Nhưng cách chữa bệnh của Ngài hôm nay hơi khác thường: thay vì chữa bệnh như thường lệ, Ngài lại tha tội cho bệnh nhân trước rồi mới chữa bệnh sau. Việc làm này khiến các luật sĩ và biệt phái rất tức giận.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu làm như thế là ngầm bảo họ rằng: Ngài có quyền tha tội vì Ngài là Thiên Chúa. Việc làm này cũng nhắc nhở chúng ta phải chữa bệnh bại liệt tâm hồn. Phải chú trọng đến sức khỏe phần hồn hơn phần xác.
Ai cũng biết bại liệt là bất lực, vừa là nỗi khổ cho chính mình vừa là gánh nặng cho thân nhân. Chắc chắn Chúa Giêsu thấy nơi người bại liệt nỗi đau khổ về thể xác. Nhưng tại sao câu đầu tiên Ngài nói với anh ta là lời tha tội ? Anh ta có tội gì chăng nên mới bị bại liệt như vậy ? Người Do thái vẫn có quan niệm như thế: bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Ai mắc bệnh là người có tội, trường hợp của ông Gióp đã nói lên điều đó. Bệnh càng nặng tức là lỗi càng nhiều, và càng nặng thì bệnh càng phát ra bên ngoài tương xứng.
Chắc chắn là Chúa Giêsu không đồng ý với quan niệm này. Nhưng chỉ sau này người ta mới tìm ra mầu nhiệm của đau khổ và bệnh tật. Tội lỗi và bệnh tật là hai vấn đề riêng biệt, không liên can gì với nhau; bởi vì có người vừa có bệnh vừa có tội, có người bệnh mà không có tội, có người có tội mà không bệnh. Cho nên khi Chúa nói: “Tội con được tha rồi” là Chúa muốn minh chứng Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội.
Hành động của những người thân của người bại liệt đáng để mỗi Kitô hữu suy nghĩ trong Mùa Vọng này. Họ yêu thương người thân của mình, dù con người ấy không có khả năng hoạt động. Họ tìm cách cứu chữa, không thất vọng, mà công việc ấy chẳng phải dễ dàng. Đám đông không còn là trở ngại không thể vượt qua, bởi tình yêu giúp họ thêm sáng kiến, mở lối đưa người thân của mình đến cùng Đấng chữa lành. Dĩ nhiên, Chúa vẫn luôn đòi hỏi người được chữa lành phải có đức tin. Nhưng ở đây, đức tin của những người thân và sự phục vụ đầy yêu thương của họ nâng đỡ đức tin yếu ớt và làm sống lại niềm hy vọng nơi con người bị bệnh tật chôn vùi trong nhiều năm tháng. Những người thân của anh đã giúp anh gặp lại được Chúa Giêsu.
Qua phép lạ này, chúng ta thấy Chúa thường đáp lại lòng tin và lòng bác ái của người đến kêu xin như Ngài thường nói: “Đức tin của con đã chữa con”. Hôm nay chúng ta phải chân nhận rằng: những người khiêng người bại liệt có lòng tin sâu sắc, lòng tin ấy được biểu lộ qua lòng bác ái chân thật, một tình thương sáng ngời, những việc làm của họ có sức lay động cả trái tim của Chúa Giêsu. Và kết quả hết sức tốt đẹp như Tin mừng hôm nay đã trình bày cho thấy.