LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA
18.3 Thứ Hai trong tuần thứ Năm Mùa Chay
Đn 13:1-9,15-17,19-30,33-62; Tv 23:1-3,3-4,5,6; Ga 8:1-11; Ga 8:12-20; Ga 13:41-62
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay diễn ra trong khung cảnh Lễ Lều. Khi nói đến Lễ Lều, là nhắc lại cho dân về hành trình trong Samạc suốt bốn mươi năm trường. Đây cũng gọi là lễ tạ ơn sau mùa gặt. Lễ này được dành cho mọi người không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, địa vị trong xã hội. Vì thế, không ai bị loại trừ, cho nên người ta gọi lễ này là lễ của Vui Mừng.
Vì là lễ hội vui mừng nhất của người Dothái, nên người ta hứng khởi và vui tươi khi về dự lễ. Vì vậy, nó cũng cuốn hút lượng người có lẽ là đông nhất trong các dịp lễ của năm. Đây cũng là cơ hội để họ hẹn hò, tâm sự, chia sẻ…
Nhân có hội này, các Kinh Sư và Pharisêu cố tìm ra cho được một lời tố cáo Đức Giêsu nhằm hạ uy tín của Ngài, bởi vì đây là dịp đông người, hơn nữa, nếu thắng thế, họ có đủ lý do thuận tiện để giết Ngài.
Và cơ hội ngàn năm một thủa đã đến khi họ bắt được quả tang một người phụ nữ đang ngoại tình, và họ dẫn nàng đến với Đức Giêsu.
Họ dẫn đến để xin Ngài xét xử. Họ nói: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môisê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”.
Tuy nhiên, vì biết rõ lòng họ độc, nên Đức Giêsu phản ứng bằng việc bình tĩnh lấy tay viết trên đất! Hành động này của Đức Giêsu khiến cho họ sinh thêm bực bội và nóng lòng sốt ruột.
Họ sốt ruột là vì cái bẫy đã giăng, chỉ chờ Đức Giêsu mắc phải là ra tay đối với Ngài! Thật thế, nếu Đức Giêsu tuyên bố tha thì Ngài rơi vào bẫy chống luật Môsê, còn nếu tuyên án tử cho chị phụ nữ thì sẽ bị mất uy tín và đi ngược lại đường lối của Thiên Chúa cũng như những lời rao giảng của Ngài.
Sự thinh lặng và viết trên đất là cách thế Đức Giêsu thức tỉnh lương tâm những người Pharisêu khi chuyển phiên tòa dành cho chị phụ nữ, rồi đến Đức Giêsu, giờ đây sang phiên tòa lương tâm của chính họ khi nói: “Ai trong các ông không có tội, hãy ném đá chị này trước“. Bị bại lộ ý đồ và xấu hổ vì thấy mình tội lỗi, nên họ đã dần dần bỏ đi.
Cuối cùng, Đức Giêsu lên tiếng với chị phụ nữ: “Không ai lên án chị sao?”; “tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.
Ngày nay cũng không thiếu gì những con người có lòng bỉ ổi, hẹp hòi, tàn nhẫn, nên đã đẩy anh chị em mình vào chỗ chết như vậy.
Điều đau buồn hơn cả là nhiều khi lại nhân danh Thiên Chúa để hạ uy tín anh chị em mình. Không phải vì tình yêu, cũng chẳng phải lòng tốt, càng không phải vì sự công chính hay phẫn nộ tội lỗi, mà là do ghen tỵ mà tìm dịp thuận tiện để gài bẫy và đẩy đưa anh chị em chúng ta đến chỗ chết. Những người này thuộc hạng: “Miệng tụng lời nam mô nhưng bụng chứa đầy bồ dao găm”.
Sự tha thứ của Thiên Chúa không đồng nghĩa với sự dung túng thường tình. Ngài không tha thứ sự dữ, nhưng tha thứ cho người tội lỗi biết ăn năn.
“Ta không kết tội “. Khi nghe những lời trên, làm sao chúng ta không cảm nghiệm được một niềm tín thác trào dâng trong tâm hồn chúng ta? Sao không nhìn thấy nơi đó một “Tin Vui” cho cả và nhân loại ở thời đại chúng ta, những con người đang mong chờ khám phá lại ý nghĩa đích thật của lòng nhân từ và sự tha thứ.
Thời đại chúng ta đang cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa, một sự tha thứ làm phát sinh niềm hy vọng và phó thác, mà không làm yếu đi cuộc chiến chống lại sự dữ.
Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đại diện cho tất cả chúng ta, những tội nhân. Cách nào đó, chúng ta cũng là những người ngoại tình trước mặt Thiên Chúa, là những kẻ phản bội lòng trung tín của Ngài. Thiên Chúa không kết án chúng ta nhưng cứu độ chúng ta nhờ Ðức Giê-su. Ngài đã lấy ngón tay viết trên đất, trên cái bụi mà từ đó con người được tạo dựng nên (x. St 2,7). Phán quyết của Thiên Chúa là: ‘Ta không muốn con phải chết, nhưng muốn con được sống”. Chúa không cứ tội ta mà trách phạt, cũng chẳng đồng nhất ta với những lỗi lầm trót phạm. Chúa muốn giải thoát chúng ta.
Trong Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Đối với nhân loại ngày nay, không còn niềm hy vọng được cứu rỗi nào khác, ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa.” Và cũng từ niềm xác tín mãnh liệt vào mầu nhiệm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót (x. Tông sắc Dung nhan Lòng Thương Xót, số 11).
Phần chúng ta, chúng ta là con cái của ảnh sáng, được mời gọi làm chứng cho sự thật trong gia đình, trong giáo xứ và trong môi trường xã hội mà mình được Chúa sai đến. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để trong chay tịnh, cầu nguyện và làm việc bác ái, chúng ta nhận ra một điều là: “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta”, và khi nhận ra chúng ta được Thiên Chúa thương xót và giải thoát chúng ta bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài thì Người cũng mời gọi chúng ta hãy làm chứng và rao truyền về lòng thương xót của Chúa bằng trọn cuộc sống hằng ngày của chúng ta