LÒNG NHÂN
15.7 Thánh Bonaventure, Gmtsht
Is 38:1-8,21-22; Is 38:10-11,12,16; Mt 12:1-8
LÒNG NHÂN
Ai cũng biết lòng nhân trọng hơn lễ vật nhưng lắm kẻ vẫn thích dùng lễ vật để “khuynh đảo” lòng nhân, khiến lòng nhân phải nghiêng ngửa! Hằng ngày chúng ta nghe nói đến biết bao nhiêu vụ tham nhũng hối lộ động trời xảy ra trên mọi lĩnh vực. Tiếp theo đó là biết bao việc làm sai trái được nhắm mắt làm ngơ. Hậu quả là những người thấp cổ bé miệng phải gánh chịu những bất công. Ôi! Phải chi người ta biết trọng lòng nhân hơn lễ vật thì đâu có chuyện người vô tội bị áp bức bất công! Một khi lễ vật bị đặt sai chỗ, bị dùng để mua chuộc, lấy lòng nhau thì lòng nhân sẽ không còn là lòng nhân nữa mà chỉ còn bất nhân.
Tin Mừng hôm nay nằm trong phần đầu của chương 12. Một chương nói nhiều về luật ngày Sabát : không được làm việc trong ngày sabát, ngay cả khi đó là một công việc tốt cho tha nhân. Kế đó, Chúa Giêsu cũng tỏ lộ Người là tôi trung của Thiên Chúa qua việc tiên báo dấu lạ ngôn sứ Giôna. Nhưng người pharisiêu cho rằng Chúa Giêsu dùng quyền lực ma quỷ khi Người xua trừ thần dữ. Chúa Giêsu kết luận : nếu tư tưởng và trong thâm sâu cõi lòng con người chứa đầy sự xấu xa, thì ắt sẽ tràn ra bờ môi, thể hiện trong lời nói và hành động. Cuối chương 12, Chúa Giêsu khẳng định : Ai thi hành ý Chúa Cha, người đó sẽ thuộc về gia đình Chúa Giêsu, thuộc dòng dõi Thiên Chúa… Nhưng ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ một khía cạnh khác ngoài cụm từ “ ngày sabát” nổi cộm ở trên, đó là Lòng Nhân của Thiên Chúa.
Mở đầu bài Tin Mừng chỉ vỏn vẹn trong một câu mà thánh sử đã giới thiệu về: thời điểm “ngày sabát”, về các nhân vật “Chúa Giêsu và các môn đệ”, về địa thế “một cánh đồng lúa” và sự kiện “đói, bứt lúa ăn”. Cùng một vấn đề mà Chúa Giêsu và người Pharisiêu có những quan điểm đối nghịch. Người Pharisiêu nói với Chúa Giêsu “ các môn đệ của ông đã làm điều không được phép”, nghĩa là: các ông ấy đã vi phạm luật; phần ông là thầy của họ, ông đã không dạy đồ đệ của mình giữ luật cho thật tốt. Họ kể cho Chúa Giêsu nghe lỗi của các môn đệ nhưng đồng thời muốn “dằn mặt” ông thầy về việc tuân giữ luật lệ tổ tiên.
Vào lúc này, Chúa Giêsu mới mở tâm trí cho họ hiểu ý nghĩa những điều đã viết trong Sách Thánh, sách mà họ đọc hàng ngày, sách mà họ đeo nơi tua áo, mang vác trên người “các ông chưa đọc trong sách sao? Ông Đavít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng?”. Chúa Giêsu đã dẫn chứng một trường hợp cụ thể, rất gần với hiện trạng đói bụng của các môn đệ. Người nói : “Đavít vào nhà Thiên Chúa và cùng thuộc hạ ăn bánh tiến, thứ bánh chỉ dành riêng cho tư tế mà thôi”.
Thật thế, do lòng nhân từ của Thiên Chúa, Ngài không thể chịu được nỗi khốn cùng của kẻ Ngài tuyển chọn. Họ ăn bánh tiến, họ đã bứt lúa, chỉ vì… họ đói. Ở đây, Chúa Giêsu thể hiện gương mặt Thiên Chúa nhân từ, Người muốn trở nên giống anh em mình trong mọi sự, để cảm nghiệm sự khốn cùng của kẻ mà Người cứu vớt. Vì thế, lời nói và dẫn chứng của Người cũng là cách phô diễn lòng nhân từ của Thiên Chúa, mà đối tượng Chúa ưu đãi luôn là người nghèo. Như thế, tình thương Chúa lan tràn và bao trùm mọi người, không phân biệt, không loại trừ và ơn cứu độ tuôn đổ dồi dào trên khắp mặt đất.
Ở câu 5, Chúa Giêsu còn dẫn chứng rằng “ Trong ngày sabát, các tư tế trong đền thờ vi phạm luật mà không mắc tội”. Người tỏ lộ quyền năng của một vị Thiên Chúa “ở đây còn lớn hơn Đền Thờ và Người làm chủ ngày sabát, làm chủ luật lệ…”. Nếu Đền Thờ là nơi Thiên Chúa ngự, là chỗ con người tụ họp thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa; còn luật lệ là kim chỉ nam hướng dẫn con người tôn thờ Thiên Chúa cho tốt, biết cách đối xử với nhau bằng tình yêu… thì cớ gì Đền Thờ là nơi chúng ta bị “bắt lỗi” hay bị trừng phạt ? Còn luật lệ lại trở thành sợi dây ích kỷ trói buộc tình yêu tha nhân, biến con người trở nên những cỗ máy vô cảm trước sự đói khổ của anh em đồng loại? Chúa Giêsu nhấn mạnh cho họ điều cốt lõi của luật, đó là: Thiên Chúa muốn lòng nhân, chứ không cần lễ tế.
Vua Đavít đã cảm nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa qua thánh vịnh 50: “Lạy Thiên Chúa, Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, Mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm..”và thánh vương đã xin được “rơi vào tay Giavê còn hơn là vào tay con người, vì Giavê có lòng nhân từ vĩ đại..” (2 Sm 24, 14). Phải, điều Thiên Chúa muốn chính là người ta phải vâng giữ giới luật “tình yêu huynh đệ” hơn cả hy lễ toàn thiêu và lễ xá tội (Hs 4, 2) và khi thực hành đức công chính, là ta hoàn tất bằng một tình yêu âu yếm (Mk 6, 8).
Thiên Chúa là Đấng nhân từ và Ngài cũng đòi hỏi con người cần có lòng thương cảm lẫn nhau “anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”.
Đó cũng là điều kiện cần thiết để vào Nước Trời. Tình thương ấy như người Samaritano tốt lành, đến gần và giúp đỡ người khốn khổ, dù không quen biết (Lc 10, 30-37); tình thương ấy là tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình (Mt 18, 23-35), chỉ vì tôi được Thiên Chúa thương xót và tình yêu của Thiên Chúa chỉ có nơi những người thực thi Lòng thương xót (1Ga 3, 17)
Quả thật, nhiều người giữ đạo một cách máy móc. Họ tham gia đầy đủ các nghi lễ, tuân thủ mọi quy định, đóng góp mọi điều khoản. Họ tự hào vì giữ đạo một cách sốt sắng nhiệt tình, và bởi thế, họ chỉ trích những ai không giữ đạo như họ. Đó không phải là đạo thật. Họ chỉ giữ hình thức bên ngoài mà không hiểu ý nghĩa bên trong, giống như những người Pharisêu thưở xưa.
Chúa mời gọi chúng ta hãy hướng về Chúa với một con tim đơn sơ chất phác, Người thích đón nhận tâm hồn hơn là những lời kinh, Người thích chúng ta trao dâng tình yêu hơn là những việc thờ phượng trống rỗng. Người muốn chúng ta yêu thương giúp đỡ tha nhân hơn là tuân thủ lề luật một cách cứng nhắc.
Cũng nhân dịp này Chúa Giê-su hướng họ đến một vấn đề quan trọng mà việc này không nằm nơi việc tuân giữ lề luật một cách câu nệ;. Đó là tấm lòng chân thành, đơn sơ, nhân nghĩa; Đây là của lễ cao trọng, có thể thay thế mọi của lễ khác mà dâng lên Thiên Chúa “ Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ.”