LÒNG MỤC TỬ
18 09 X CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN.
Ca vịnh tuần IV.
Chúa Nhật III trong tháng. Ngày truyền giáo của giáo phận.
Xứ Đại Phú, họ Hoà Mục và họ Khánh Thôn chầu Mình Thánh.
Thánh Đa-minh Đinh Văn Đạt, Quân nhân (U1839), Tử đạo.
Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34.
LÒNG MỤC TỬ
Một mục tử được dùng trong Kinh Thánh như một hình ảnh chăm sóc con người. Vì thế Thiên Chúa được mô tả như vị Mục Tử của dân Người. Và Thiên Chúa đã chỉ định những thủ lãnh. Họ sẽ trở thành những người chăn dắt dân Thiên Chúa.
Như chúng ta đã biết dân Do Thái, một phần sống bằng nghề chăn nuôi, nên hình ảnh mục tử, người chăn dắt đoàn chiên, là một hình ảnh thật quen thuộc và gần gũi. Đavít ngày xưa, khi còn là một em bé chăn chiên, đã được Samuel xức dầu đặt làm vua. Sau này, trên ngai vàng, Đavít đã hướng dẫn dân Chúa tới một thời đại hoàng kim. Các ngôn sứ đã dùng hình ảnh mục tử, không phải để chỉ các vua mà còn ám chỉ chính Thiên Chúa, Ngài sẽ đích thân chăn dắt dân Ngài.
Mục tử và đàn chiên là một hình ảnh rất quen thuộc đối với dân Do Thái, vốn là dân du mục. Trong Cựu ước, các ngôn sứ thường dùng hình ảnh này để diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Chẳng hạn trong bài đọc thứ nhất hôm nay, ngôn sứ Giêrêmia cho thấy Thiên Chúa hết lòng yêu thương chăm sóc dân, Ngài lên án những hành vi ngang trái của những mục tử xấu và hứa đặt những mục tử tốt lành khác để lãnh đạo dân. Hơn nữa, Chúa còn hứa ban cho dân một vị mục tử xuất thân từ dòng dõi Đavid để lãnh đạo dân Ngài trong công bình chính trực, đem lại cảnh thái bình thịnh vượng. Rồi Chúa Giêsu đến, các sách Tin Mừng cho biết: Ngài chính là vị mục tử tốt lành mà các ngôn sứ đã loan báo. Như thế, lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện.
Lời tiên báo của các tiên tri đã được Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc sống của Ngài, bởi vì Ngài chính là vị mục tử nhân lành. Thái độ nhân lành ấy đã được biểu lộ qua việc ân cần chăm sóc mà đoạn Tin Mừng ngắn ngủi sáng nay đã ghi lại.
Là Mục tử tốt lành, Chúa Giêsu hôm nay vẫn luôn chăm sóc chúng ta. Ngài tập họp chúng ta xung quanh Ngài để nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và bằng Bánh ban sự sống. Hãy tìm đến với Ngài để lãnh nhận nguồn sinh lực mới. Tìm đến với Ngài, chúng ta sẽ tìm gặp anh em cùng với Ngài: không thể tránh né anh em để chỉ tìm một mình Ngài. Tập họp chung quanh Ngài, chúng ta cùng cộng tác với Ngài để chiến đấu với tội ác, ích kỷ, bất công, hận thù, để cho Tin Mừng cứu độ giải thoát loài người.
Những vị mục tử ngày hôm nay, những cánh tay nối dài của Chúa Giêsu, những con người được Chúa tin tưởng trao phó cho sứ mệnh cứu thế, cần phải học cho mình những bài học căn bản này để tâm hồn chúng ta luôn được thảnh thơi và an bình.
Thường thì mục tử nào cũng có ý ngay lành muốn đàn chiên của mình được đoàn kết, yêu thương và gắn bó nhưng thực tế cuộc sống có nhiều phức tạp khó lường. Những thị phi và hoạ phước của con người có thể gây những phiền hà trong đời sống cộng đoàn.
Chúng ta biết rằng nếp sống chung luôn là một sự thách đố. Người ta thường nói “trăm người trăm ý”. Ý kiến của ai cũng hay và cũng có lý, nhưng có thể không luôn thích hợp. Chính những sự khác biệt và mâu thuẫn này đã tạo nên những hố sâu ngăn cách và tị hiềm lẫn nhau. Các mục tử cần có sự khôn ngoan với lòng bao dung và biết lắng nghe để giúp khai thông những bế tắc. Các mục tử cần sự thinh lặng cầu nguyện và tìm sự hướng dẫn qua lời chỉ dạy của Chúa và Giáo Hội. Chúng ta hãy học theo gương của Thánh Phaolô Tông đồ sống khiêm hạ và phó thác. Thánh Phaolô đã tự khoe mình: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12,9). Linh mục như những bình sành dễ bể, chúng ta phải cậy dựa vào tình thương và ân sủng của Chúa để thắng vượt các cơn cám dỗ.
Điều quan trọng hơn hết là Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy lui về nghỉ ngơi một chút. Chúa Giêsu bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Mỗi mục tử hãy dùng thời gian để kiểm điểm và suy xét lại đời sống dâng hiến của chính mình.
Người mục tử thực sự phải có một trái tim nồng nàn và cái nhìn xuyên suốt. “Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương.” (Mc 6:34) Trái tim Người không thể nghỉ yên bao lâu đám đông còn chìm trong cảnh thương tâm vì lầm lạc, nô lệ, tội lỗi. Người biết rõ tất cả chỉ vì thiếu một khuôn mặt lãnh đạo, nghĩa là không có ai đủ khả năng vạch ra một đường hướng mới cho dân tộc và nhân loại. Người biết rất rõ nhu cầu đám đông, nên Người càng muốn hi sinh tất cả cho quần chúng. Chính Người đã nói: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hi sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10:14-15) Từ khi Chúa Giêsu xuất hiện, bầy chiên thực sự đã có người chăn dắt, không còn lo lạc đàn và bị lâm nguy vì sói dữ nữa. Tất cả nhờ sự hi sinh lớn lao của người chủ chiên là Chúa Giêsu.
Muốn trở thành chủ chiên như Chúa Giêsu, các Tông đồ cũng phải có một tâm hồn và cái nhìn như Chúa Giêsu. Nhưng nếu thực sự muốn thế, các ông phải biết lánh xa quần chúng. Thật là diệu kỳ. Người lãnh đạo ở một vị trí vừa gần vừa xa quần chúng mới đạt được mục đích lớn lao. Quá lánh xa không thể hiểu quần chúng. Quá gần không thể thấy được vấn đề vì những ồn ào đám đông. Bởi thế, trong khi các ông hí hửng báo cáo “cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”, thì “Người bảo các ông: ‘Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút’.” (Mc 6:30-31) Các ông hiểu ý nên “Thày trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.” (Mc 6:32) Thầy trò đều muốn có những giây phút thoải mái nghỉ ngơi và bồi dưỡng trước khi tiếp tục công tác. Chắc chắn trong nơi hoang vắng đó, Thày trò có thể cầu nguyện dễ dàng. Các Tông đồ cũng có thể đón nghe những mạc khải mới. Nhờ đó tâm hồn và trí óc có thể sáng suốt hơn, phục vụ đắc lực hơn.
Ý thức trong mọi suy tư, lời nói, hành động, trách nhiệm và bổn phận của mình. Biết rằng Chúa không đòi chúng ta phải nên giống người này hay người nọ, nhưng hãy chu toàn sứ mệnh được trao ban. Đây là một thách đố trường kỳ đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn và khiêm hạ. Thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức để phục hồi năng lực rất quan trọng. Nghỉ ngơi để xả bớt những gánh nặng lo âu và căng thẳng. Chúng ta thường tò mò tìm hiểu những thế giới bên ngoài, sao không dùng đôi phút để tìm hiểu con người bên trong của mình. Tìm nơi thanh vắng nghỉ ngơi sẽ làm tâm hồn chúng ta được thư giãn để kết hợp với Chúa trong nguyện cầu.
Ước gì mọi mục tử – là những người muốn noi gương Chúa Giêsu một cách đặc biệt và triệt để hơn những Kitô hữu bình thường khác – cũng có khả năng «chạnh lòng thương» trước những nỗi cùng khốn của những «con chiên» mình chăn dắt. «Chạnh lòng thương» để sẵn sàng hy sinh cho họ: chẳng hạn hy sinh giấc nghỉ trưa, giờ đọc kinh nguyện, thậm chí cả giờ nghỉ đêm… khi họ cần mình giúp đỡ.