Lời xin vâng
20.12 Thứ Ba trong tuần thứ Tư Mùa Vọng
Is 7:10-14; Tv 24:1-2,3-4,5-6; Lc 1:26-38
Lời xin vâng
Trình thuật Tin Mừng kể lại việc Đức Maria được Sứ Thần Gabriel báo tin việc cưu mang Đấng Cứu Thế, người mà muôn dân đang mong đợi, Đấng sẽ đến giải thoát dân khỏi cảnh lầm than, khỏi ách nô lệ. Cuộc gặp gỡ định mệnh nhưng cũng thật diệu kỳ, kịch tính. Đức Maria, một thôn nữ hiền lành, hoàn toàn chưa chuẩn bị gì cho cuộc thăm viếng này. Lời chào của Sứ thần: “Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” đã mang lại cho Mẹ chút bối rối khi tìm câu trả lời. Mẹ cũng băn khoăn trước sứ điệp của Thiên Chúa: “Sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”, ý thức mình chỉ là một thôn nữ như bao thôn nữ khác, Mẹ …trước thánh ý của Thiên Chúa, nhưng Mẹ muốn biết, muốn hiểu sự việc dưới ánh sáng của một người có lòng tin mạnh mẽ vào Chúa. Mẹ không hoài nghi trước ơn trọng đại mà mình sắp đón nhận: “Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” nhưng một lòng tín thác vào Chúa.
Đức Maria luôn đặt ý mình trong thánh ý Chúa, Mẹ vâng theo ý Chúa vơi lòng tin tưởng và tín thác: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Với lời thưa xin vâng, Mẹ phó thác trong tay Chúa cuộc đời của mình, không biết ngày mai sẽ ra sao và sẽ thế nào. Nhìn lại cuộc đời của Mẹ, chúng ta thấy từ lúc Mẹ đáp lời xin vâng Mẹ đã hoàn toàn phó thác trong tay Chúa với lòng tin tưởng mạnh mẽ. Trên đường thập giá và khi đứng dưới chân thập tự, Mẹ luôn lặng lẽ, âm thầm đón nhận thánh ý Chúa trong đức tin và để thánh ý Chúa được thể hiện. Thái độ xin vâng của Mẹ thể hiện lòng vâng phục tuyệt đối. Mẹ, chấp nhận vâng theo thánh ý của Thiên Chúa chứ không theo ý riêng của mình. Vì thế, Mẹ là người nữ luôn luôn “đẹp lòng” Thiên Chúa.
Chuyến thăm viếng của Thiên Thần Gabriel với Đức Maria nhắc nhớ chúng ta cuộc thăm viếng của Thiên Chúa với những người phụ nữ khác trong Cựu Ước: bà Sarah, mẹ của ông Isaác (St 18, 9-15), bà Anna, mẹ của ông Samuel (1Sm 1, 9-18), mẹ của Samson (Tl 13, 2-5). Đến với tất cả các bà để loan báo việc ra đời của một người con trai với một sứ mệnh quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa.
Câu chuyện bắt đầu với khái niệm “vào tháng thứ sáu”. Đây là tháng thứ sáu của thai kỳ của bà Êlisabéth. Nhu cầu cụ thể của bà Êlisabéth, một phụ nữ luống tuổi lại có mang con so với nguy cơ khó khăn lúc sanh nở, đây là bối cảnh của cả câu chuyện này. Bà Êlisabéth được nhắc đến tại đầu câu chuyện (Lc 1, 26) và tại cuối chuyến thăm viếng của thiên thần (Lc 1, 36,39).
Thiên thần chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà!” Những lời tương tự cũng đã được nói với ông Môisen (Xh 3, 12), với tiên tri Giêrêmia (Gr 1, 8), với ông Ghít-ôn (Tl 6, 12) và với những người khác có một sứ vụ quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa. Đức Maria đã ngạc nhiên khi nghe lời chào và cố gắng để hiểu ý nghĩa của những lời ấy. Bà là người thực tế. Bà muốn hiểu rõ. Bà không muốn chỉ chấp nhận bất kỳ một sự linh ứng nào.
Thiên thần thưa: “Đừng sợ!” Cũng giống như đã xảy ra trong lần thiên thần đến viếng ông Giacaria, đây cũng luôn là lời chào đầu tiên của Thiên Chúa: “Đừng sợ!” Ngay lập tức thiên thần nhớ lại các lời hứa của quá khứ sẽ được hoàn thành nhờ người con trai sẽ được sinh ra và sẽ được đặt tên là Giêsu. Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao và trong Người sẽ cai trị Nước Thiên Chúa. Đây là lời giải thích của thiên thần Chúa theo một cách mà Đức Maria không sợ hãi.
Đức Maria nhận thức được về nhiệm vụ mà Bà sắp sửa nhận lãnh, nhưng Bà vẫn tiếp tục là người thực tiễn. Bà không để cho mình bị lôi cuốn bởi sự cao trọng của lời đề nghị, và nhận xét tình trạng của mình. Bà phân tích lời đề nghị theo một số tiêu chuẩn mà Bà sẵn có. Nói một cách khiên nhường, việc đó không thể được: “Nhưng việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần Chúa giải thích rằng Chúa Thánh Thần, hiện diện trong Lời Chúa kể từ khi Tạo Dựng (St 1:2), có khả năng thực hiện những việc mà dường như không thể nào. Đây là lý do tại sao, Đấng Thánh sẽ được sinh ra bởi Đức Maria sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Mầu nhiệm tự nó lặp lại cho đến cả ngày nay. Khi Lời Chúa được chấp nhận bởi người nghèo khó, điều gì đó mới mẻ sẽ xảy ra, nhờ vào quyền năng của Chúa Thánh Thần! Điều lạ lùng và ngạc nhiên như việc một bé trai được sinh ra bởi một trinh nữ hay một bé trai được sinh ra bởi một người phụ nữ luống tuổi, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, rằng bà không thể nào có con! Và thiên thần Chúa cho biết thêm: “Và này, Êlisabéth chị họ Bà, cũng đã thụ thai con trai, trong lúc tuổi già, người mà thiên hạ gọi là son sẻ nay đã mang thai được sáu tháng, vì không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được.”
Câu trả lời của thiên thần đã làm tỏ tường mọi việc cho Đức Maria, và Bà đã phục lệnh: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.” Đức Maria dùng danh xưng Nữ Tỳ, Tôi Tới Chúa. Danh xưng này của ngôn sứ Isaia, người đại diện cho sứ vụ của dân chúng không phải là một đặc quyền, mà đúng hơn là việc phục vụ cho những người khác (Is 42, 1-9; 49, 3-6). Về sau này Chúa Giêsu sẽ xác định sứ vụ của mình như là việc phục vụ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ!” (Mt 20, 28). Chúa đã học được điều này từ Mẹ Người!
Trước những biến cố xảy ra trong cuộc đời mỗi người, chúng ta lo ngại về thái độ và lời đáp trả của chúng ta trước thánh ý của Thiên Chúa. Có nhiều người luôn coi trọng ý Chúa và sống tâm tình xin vâng theo ý Chúa, nhưng cũng có không ít người, không ít lần chính mỗi người chúng ta cũng có thái độ chống lại ý Chúa, coi thường ý Chúa. Cũng có những lúc chúng ta vô tình hay hữu ý hiểu sai ý Chúa.
Không ít lần chúng ta gắn cho ý Chúa những ý riêng của mình và chúng ta tự an ủi vỗ về, tự mê hoặc chính mình và bảo đó là ý Chúa hay chúng ta cho rằng ý Chúa thật trùng khớp với ý mình, hợp với ý mình. Qua những dấu chỉ của thời đại, những biến cố xảy ra trong cuộc đời mỗi người, nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa, nhạy bén đọc ra thánh ý Chúa ta sẽ thấy Chúa không ngừng nói với chúng ta, không ngừng thể hiện ý Chúa qua những dấu chỉ và biến cố ấy. Như Đức Maria đã nhận ra thánh ý Chúa qua biến cố Truyền tin, chúng ta cũng sẽ nhận ra thánh ý Chúa qua cá biến cố xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Thế nhưng, chúng ta không thể đáp trả hai tiếng xin vâng cách thờ ơ và lạnh nhạt. Thưa lên hai tiếng xin vâng thì dễ nhưng để sống điều ấy lại là một thách đố cho mỗi người chúng ta.
Trong hành trình theo Chúa, mỗi ngày chúng ta hãy tập đáp lại lời xin vâng bằng việc cầu nguyện với chuỗi Mân Côi. Chúng ta cũng noi gương Mẹ sống âm thầm lặng lẽ, đón nhận những biến cố trong cuộc đời với lòng tín thác và mến yêu. Mỗi ngày ta tập làm những điều nho nhỏ phục vụ tha nhân để lời xin vâng của ta được hoà quyện với tâm tình yêu mến như Mẹ Maria. Mỗi ngày chúng ta cũng tha thiết xin với Mẹ để Mẹ giúp ta biết lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa với tâm tình con thảo. Nhờ đó, chúng ta cũng vượt thắng được những gian nan thách đố, những khó khăn trong cuộc sống của mình để chia sẻ với tha nhân những ân sủng của Thiên Chúa.
Là người con của Mẹ, chúng ta hãy noi gương Mẹ sống phó thác với lời xin vâng để những khi gặp thử thách trong cuộc đời, những lúc lời mời gọi của Chúa gây xáo trộn cuộc đời mình, chúng ta cũng được Chúa nâng đỡ, được diễm phúc mang lấy Chúa vào tâm hồn với lòng tin kính, mến yêu và phó thác và lúc đó chúng ta là những người mang Chúa đến cho người khác nữa.