LỜI XIN VÂNG TRỌN HẢO
8.4 Lễ Truyền Tin
Cv 4:23-31; Tv 2:1-3,4-6,7-9; Ga 3:1-8
LỜI XIN VÂNG TRỌN HẢO
Thiên Chúa Nhập Thể làm người là một mầu nhiệm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Ngôi Hai làm người để cứu chuộc nhân loại, thiết lập Nước Trời. Công trình cứu độ đựơc khởi đầu cách âm thầm, giản dị tại một làng quê nghèo, với một thôn nữ bình thường chẳng mấy người biết tới.
Sứ Thần đến Nazareth và cung kính thưa với người nữ ấy rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1,28). “Ðấng đầy ơn phước” là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ là Ðấng được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn, được tiền định để đón nhận hồng ân quý giá nhất, là Chúa Giêsu, “tình thương nhập thể của Thiên Chúa” (Thông điệp: Thiên Chúa là tình yêu, số 12).
Sau khi đã tuyển chọn và trang điểm cho người nữ ấy với muôn vẻ đẹp và ơn phước, Thiên Chúa đã sai Sứ thần Gabriel đến báo tin và thỉnh ý ngài tại làng quê Nazareth.
Sứ thần cung kính bái chào vì thấy Đức Mẹ cao trọng và trong sạch hơn các thiên thần. Tước hiệu “Bà đầy ơn phước”xác nhận lòng Đức Mẹ không có chổ dành cho tội lỗi vì luôn được đầy tràn ơn phước của Thiên Chúa. “Thiên Chúa ở cùng Bà”: Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó bóng tối của tội lỗi không thể có mặt. Mẹ luôn sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. “Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ”,vì Mẹ là người duy nhất không vướng mắc tội tổ tông.
Đức Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn, ngài đáp tiếng “xin vâng” cách tự do và từ đó Đức Mẹ trở nên thầy dạy tuyệt vời cho nhân loại.
Thiên Chúa không chọn lựa cách độc đoán. Ngài tôn trọng tự do của người đựơc chọn. Ngài sai Sứ Thần đến và muốn Đức Mẹ hoàn toàn ưng thuận theo suy nghĩ và sự tự do của mình. Thiên Chúa “bật mí” cái bí mật từ ngàn đời. Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nổi muốn trở thành một con người giữa nhân loại. Và Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria là để Ngài sai Con Một đến giữa nhân loại, thực hiện chương trình cứu độ. Giây phút Đức Mẹ tự do đáp lời “Xin vâng” là khởi đầu bình mình ơn cứu độ cho thế nhân.
Nếu như Nguyên Tổ bị con rắn cám dỗ bằng lờinghi nan, lừa lọc dối trá, gây cuộc nổi loạn, và Adam và Evà đã sa ngã, đau khổ sự chết tràn vào thế gian; thì Sứ thần Gabriel đề nghị một sự tự do ưng thuận. Đức Maria thưa “Xin vâng”, lời ấy đã làm cho Ngôi Hai làm người. Từ đây, nhờ Đức Maria, tin tưởng và vâng phục, nhân loại được liên kết trở lại với Thiên Chúa.
Thái độ “Xin vâng” của Mẹ hoàn toàn khác với Ađam Evà trong câu chuyện vườn địa đàng. Sau khi ăn quả cấm trái lệnh Chúa, Ađam đã đổ lỗi cho Evà, Evà đổ lỗi cho con rắn. Và đó chính là thảm kịch của con người: không ai nhận lỗi, không ai chịu trách nhiệm, không ai có thiện chí nên xã hội mãi chậm tiến, nên hạnh phúc trở thành khó khăn xa vời. Mẹ Maria đã đáp “Xin vâng” không chỉ một lần mà còn nhiều lần trong đời. Mẹ luôn đảm nhận trách nhiệm và chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Mẹ Maria mãi mãi là tấm gương cho chúng ta soi trong cuộc đối thoại lắng nghe Lời Chúa và đáp trả Lời Chúa. Thiên Chúa đã chứng tỏ nơi Mẹ điều không thể để trở nên điều có thể. Vì “cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9,23).
Đức Mẹ chính là thầy dạy đức tin và lòng yêu mến. Tin và yêu giống như đôi cánh giúp cho Mẹ bay lên rất cao lên tới Thiên Chúa.Tin và yêu giống như chiếc chìa khóa có thể mở được cánh cửa khó mở nhất. Mở được cả cánh cửa Nước Trời.
Đức Maria đã hiện diện trên núi Calvariô vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (Ga19,25) và trong nhà Tiệc Ly vào dịp lễ Ngũ Tuần (Cv1,14), chắc hẳn Mẹ cũng là một chứng nhân ưu tuyển của Chúa Kitô Phục sinh; như vậy là hoàn tất việc tham dự vào hết các giai đoạn chính yếu của mầu nhiệm Vượt qua. Ngoài ra, khi đón tiếp Đức Kitô Phục sinh, Đức Maria là dấu hiệu và điểm chỉ tiên báo cho một nhân loại đang hy vọng vào sự hoàn thành sung mãn của mình với việc kẻ chết được sống lại.
Trong mùa Phục sinh, cộng đoàn Kitô hữu khi hướng về Thân mẫu của Thiên Chúa, đã mời Người hãy vui mừng: “Lạy Nữ Vương Thiên đàng, hãy vui mừng, alleluia!”. Họ nhắc lại niềm vui của Đức Maria vì cuộc Phục sinh của Đức Giêsu, kéo dài qua lời mời gọi của thiên sứ vào lúc Truyền tin “hãy vui lên”, ngõ hầu Mẹ trở thành “nguyên nhân vui mừng” cho toàn thể nhân loại.
Hãy lắng nghe những lời giáo huấn của Đức Mẹ và hãy noi gương giáo dục của Đức Mẹ để sống tốt lành và thánh thiện hơn.
Với chúng ta hôm nay, sự vâng lời luôn luôn cần thiết: Người dưới vâng lời người trên, con cái vâng lời cha mẹ, học sinh vâng lời thầy cô, vợ chồng lắng nghe nhau… Đó không chỉ là nét đẹp của cuộc sống hằng ngày và để gia đình, xã hội có tôn ti trật tự mà còn là điều kiện để gia đình hạnh phúc và xã hội bình yên. Chúng ta thử hình dung: Nếu trong một gia đình mà con cái không vâng lời cha mẹ, vợ chồng không biết lắng nghe nhau; ở nhà trường, học sinh không vâng lời thầy cô; xã hội không có trên dưới… thì gia đình, nhà trường, xã hội đó sẽ như thế nào? Thực tế cho chúng ta thấy, vì không biết vâng lời cho nên con cái hư hỏng, trò đánh thầy, hỗn loạn nhiều nơi trong xã hội chúng ta đang sống.
Trong lĩnh vực tôn giáo, “Đức Vâng Lời” lại còn quan trọng hơn gấp bội phần. Đức vâng lời được thể hiện qua việc lắng nghe tiếng Chúa. Tiếng Chúa qua Lời Chúa và các giới răn. Thực hành lời Chúa và tuân giữ các giới răn của Chúa một cách trọn vẹn là chúng ta đang giữ nhân đức vâng lời.
Đức vâng lời còn được thể hiện qua việc vâng nghe sự dạy bảo của các vị bề trên coi sóc linh hồn chúng ta. Đó có thể là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, linh mục hay cha mẹ anh chị của chúng ta. Đối với các cộng đoàn dòng tu, vâng lời các vị bề trên không chỉ là nhân đức mà còn thực hiện một trong ba lời khấn.
Việc tuân giữ đức vâng lời không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi không hiểu ý bề trên (như trường hợp của Đức Mẹ) hay khi sự vâng lời đó đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận hy sinh, thậm chí là phải đổ máu (như trường hợp các thánh tử đạo). Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng luôn và trong mọi hoàn cảnh hãy thưa với Thiên Chúa như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
Nhờ tiếng xin vâng của Mẹ Maria, nhân loại đã bước sang một trang sử mới là trang sử Cứu Thế. Ngày hôm nay, để viết lên những trang sử đẹp, rất cần nhiều tiếng thưa xin vâng trong gia đình, Giáo Hội và xã hội. Xin Chúa giúp mọi người chúng ta biết noi gương Mẹ, chấp nhận hy sinh để luôn thưa xin vâng trong những điều đẹp ý Chúa