Lời mời dự tiệc và lời đáp trả
15.10 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Tám Mùa Quanh Năm
Is 25:6-10; Tv 23:1-3,3-4,5,6; Pl 4:12-14,19-20; Mt 22:1-14; Mt 22:1-10
Lời mời dự tiệc và lời đáp trả
Dụ ngôn nhà vua mở tiệc đãi khách được trích đọc hôm nay gợi lại cho chúng ta một bữa tiệc khác trọng đại hơn rất nhiều. Đó là tiệc Thánh thể.
Thánh lễ là một bữa tiệc thật nhiệm mầu. Bữa tiệc này vô cùng cao quý vì cung cấp cho khách mời thực phẩm đem lại sự sống đời đời, chứ không như tiệc trần gian, dù có ăn bao nhiêu rồi cũng phải chết.
Là tín hữu Công giáo, chúng ta luôn được mời gọi tham dự hai bữa tiệc: Tiệc Lời Chúa và Tiệc Thánh Thể. Thật vậy, trong mỗi Thánh Lễ, linh mục đại diện Chúa Giêsu vẫn tha thiết mời gọi: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.” Thật là diễm phúc nếu chúng ta đón nhận chính Đức Giêsu Kitô vào lòng để được hòa tan vào Ngài, tâm sự với Ngài. Sau rước lễ, nên dành những giây phút quý giá và hiếm hoi để “hòa tan” vào Đức Giêsu Kitô – hòa tan cả linh hồn và thể lý. Chúa Giêsu muốn ở gần chúng ta – không rời dù chỉ trong tích tắc – nên Ngài mới thiết lập Bí tích Thánh Thể, đúng như Ngài đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20)
Tình yêu của Chúa Giêsu quá lớn lao, chúng ta không đủ mức để hiểu thấu. Câu nói đó là lời hứa của Chúa Giêsu, cũng là câu cuối cùng của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, và cũng chỉ có Phúc Âm này ghi lại câu này. Mọi điều Chúa hứa đều ứng nghiệm chính xác: “Ai kính sợ Người, Người ban phát của ăn; giao ước đã lập ra, muôn đời Người nhớ mãi.” (Tv 111,5)
Chúa Giêsu ví Nước Trời giống như chuyện một ông vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai các đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước đến dự tiệc, nhưng họ lấy lý do để từ chối khéo. Ông lại sai đầy tớ đi mời lần hai, họ vẫn không đến. Sau đó, nhà vua liền sai các đầy tớ ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào. Trong số người dự tiệc, có một người không mặc y phục lễ cưới. Nhà vua hỏi: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” (Mt 22,12). Người ấy câm miệng không nói được gì. Cuối cùng, anh ta đã bị quăng ra bên ngoài vì không mặc y phục lễ cưới.
Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính thời sự. Những người từ chối dự tiệc cưới đã viện dẫn nhiều lý do chỉ vì họ không muốn đến. Thời nay, những người tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Thiên Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai… nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu… nhiều người đã bỏ lễ Chúa nhật. Có người nhân danh đạo tại tâm để từ chối dự lễ Chúa nhật. Có người viện lý do ghét người này người nọ để từ chối việc đến nhà thờ. Bên cạnh những người bỏ đạo còn có những người lấp lửng nửa vời. Họ nại vào lý do “có thực mới vực được đạo”.
Họ không đi lễ vì phải lo kế sinh nhai, cơm áo gạo tiền. Khi rãnh mới đi lễ… Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh hoạt xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự thánh lễ. Người ta nại đến nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khó khăn để từ chối gặp gỡ, đón nhận Chúa qua anh chị em chung quanh, khước từ sống giới răn yêu thương của Chúa.
Thánh lễ chính là Tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa thết đãi cho chúng ta hưởng nếm trước hạnh phúc, vinh quang và sự sống thần linh. Mọi sinh hoạt Kitô giáo đều bắt nguồn và đặt nền nơi Thánh lễ ngày Chúa Nhật.Tham dự Thánh lễ Chúa Nhật là một bằng chứng trung thành với Chúa Kitô và với Hội Thánh, đồng thời các tín hữu hiệp thông với nhau trong tin yêu, nâng đỡ và khuyến khích nhau. Thu xếp công việc, dành ưu tiên cho Chúa, hân hoan dự bàn tiệc Thánh Thể. Khi đã vui hưởng Tiệc Thánh, mỗi người sẽ thêm nghị lực, thêm niềm tin, thêm tình yêu.
Theo cốt chuyện dụ ngôn thì tiệc cưới ám chỉ bàn tiệc nước Trời; nhà vua ám chỉ Thiên Chúa; con nhà vua ám chỉ Ðấng Cứu thế; đầy tớ chỉ về các ngôn sứ và các tông đồ; khách từ chối dự tiệc cưới ám chỉ dân được chọn trong Cựu ước; thành phố bị tàn phá ám chỉ Giêrualem bị phá huỷ năm bảy mươi. Cũng như trong dụ ngôn tá điền gian ác, vườn nho được trao cho tá điền khác là dân ngoại, thì trong dụ ngôn tiệc cưới, khách ngoài đường là dân ngoại và người tội lỗi cũng được mời vào dự tiệc cưới.
Y phục lễ cưới ở đây được hiểu theo nghĩa bóng là người được mời dự tiệc cưới nước Trời phải bận quần áo thích hợp cho cơ hội. Người được mời dự tiệc phải tỏ ra dấu hiệu nào đó là họ chấp nhận lời mời gọi một cách nghiêm chỉnh. Họ phải hội đủ những tiêu chuẩn, những đòi hỏi nào đó của Phúc âm. Áo cưới thích hợp họ phải bận là áo đức tin vào Ðức Kitô.
Tiệc cưới nước Trời được dành ưu tiên cho dân được tuyển chọn trong Cựu ước. Tuy nhiên dân được chọn lại coi thường, không đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa qua các ngôn sứ của Người. Gioan tiền hô, vị ngôn sứ cuối cùng trong Cựu ước đến kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối để dọn đường cho Ðấng Cứu thế, thì họ giả điếc. Khi Ðấng Cứu thế đến, thì họ tẩy chay Người. Và khi dân được chọn từ khước, thì lời mời gọi dự tiệc cưới được gửi đến cho hết mọi người ở các ngả đường. Ðiểm này nói lên lòng quảng đại của đức vua. Tuy nhiên không phải vì thế mà việc vào ngồi bàn tiệc cưới không có điều kiện. Ðiều kiện vào ngồi bàn tiệc cưới là bận áo cưới.
Hình ảnh bữa tiệc giúp người tín hữu kiên vững trong đức tin, mặc dù phải trải qua muôn vàn thử thách. Thánh Phaolô là một ví dụ điển hình. Đối với thánh nhân, thử thách, gian nan và thiếu thốn không quan trọng, vì ngày xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng sẽ chu cấp dư dật cho những ai biết quảng đại cho đi.
Lời Chúa hôm nay vừa phê phán những người được mời trân trọng mà lại chối từ, vừa khẳng định: những ai được mời ồ ạt sau này cũng phải có điều kiện cần thiết để dự tiệc. Mặc dù lời mời gọi của Chúa được gửi đến hết thảy mọi người, Nước trời không phải một thứ “dồn toa” tổng hợp ai cũng được vào, nhưng là nơi dành cho những ai thiện chí thực thi Lời Chúa và bền tâm mến Chúa yêu người.
Bữa tiệc tương lai và bữa tiệc hiện tại không phải là một ảo tưởng hoang đường nhằm ru ngủ chúng ta trước thực tại của cuộc sống. Đó chính là niềm hy vọng giúp ta vững bước, đồng thời nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện giữa cuộc đời. Ngài không ngừng mời gọi chúng ta hãy sống thánh thiện và nhân ái, để chuẩn bị cho hạnh phúc vĩnh cửu, là bữa tiệc đời đời Chúa dành cho những ai trung tín với Ngài.
Lời mời gọi dự tiệc cưới nước Trời cũng được tiếp tục gửi đến vô số người từ khi Giáo hội được thiết lập trong những hoàn cảnh và thời điểm khác nhau. Hôm nay mỗi người cần tự vấn lương tâm xem mình đang đáp trả laị lời mời gọi của Chúa như thế nào?