LỜI KINH TUYỆT HẢO
20.2Thứ Ba trong tuần thứ Nhất Mùa Chay
Is 55:10-11; Tv 34:4-5,6-7,16-17,18-19; Mt 6:7-15
LỜI KINH TUYỆT HẢO
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ý nghĩa, giá trị và thái độ cần có khi cầu nguyện.
Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Kitô hữu là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa.
Khi mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa Tình yêu, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy chính tâm tình phó thác của Ngài. Khi các Tông đồ xin Ngài dạy họ cầu nguyện, Ngài đã dạy họ Kinh Lạy Cha. Đó là trọn tâm tình và cuộc sống vâng phục và phó thác cho Thiên Chúa. Lời cầu xin duy nhất mà Chúa Giêsu không ngừng ngỏ với Thiên Chúa, đó là được xin vâng ý Thiên Chúa.
Kinh Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc âm thánh Mátthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu xin đầu tiên nói về Thiên Chúa và 4 lời cầu xin sau hướng về loài người.
Phần 1, có 3 lời hướng về Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, sau đó xin cho danh thánh Cha được vinh hiển, nước Cha trị đến trần gian, nhất là tâm hồn con người và xin cho thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời.
Phần 2 có 4 lời nguyện: xin lương thực hằng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em. Xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hằng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta lìa xa Chúa. Xin ơn thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong đời sống chúng ta.
Bày tỏ cho chúng ta Thiên Chúa Tình Yêu và mời gọi chúng ta sống phó thác, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta nhìn mọi người bằng cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa. Kinh Lạy Cha không chỉ là tâm tình phó thác của chúng ta dâng lên Thiên Chúa, nhưng còn là niềm tin yêu mà chúng ta dành cho anh em.
Chúng ta không đọc “Lạy Cha của con”, mà đọc Lạy Cha chúng con. Như thế lời kinh này không phải chỉ nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với Thiên Chúa, mà còn nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với nhau. Thiên Chúa là Cha, cho nên tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Kinh Lạy Cha không chỉ tỏ lộ cho chúng ta tình phụ tử, mà còn tỏ lộ cho chúng ta tình huynh đệ.
Chính Chúa nói cần phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ (Mt 6,5-6). Chúa đã đề ra những cách thức phải cầu nguyện làm sao, cho được đắt lời xin: cầu nguyện nơi kín đáo (Mt 6,5-6). Cầu nguyện khiêm nhường (Lc 18,9-14; 11,5-8; 18,1-8), cầu nguyện với lòng tin, cầu nguyện chung nhau hai ba người họp lại (Mt 18,20). Bài Phúc âm hôm nay đây, còn cho chúng ta một điểm nữa khi cầu nguyện là “chớ có lải nhải nhiều lời như dân ngoại” (c.7). Sở dĩ Chúa đưa ví dụ này ra là vì các thầy Biệt phái đã làm sai mục đích việc cầu nguyện, và họ gán cho việc cầu nguyện có một giá trị như cái máy, hễ đọc lên là được ơn, không kể gì đến nội tâm cõi lòng. Nhưng Chúa nhấn mạnh đến tâm hồn.
Cho nên, đọc kinh mà thôi chưa đủ, phải khẩu tụng tâm suy và sống nữa. Chúa Giêsu đã mấy lần cảnh cáo lối con người bên ngoài môi miệng, và miệng đọc “Lạy Chúa” mà lòng cách xa. Cho nên Chúa nói cầu nguyện thì đừng có nhiều lời lải nhải như một con vẹt hay một chiếc máy ghi âm. Chúng ta nên nhớ một điều là đừng hiểu lầm “cầu nguyện lải nhải lắm lời” của người ngoại giáo với kiểu cầu nguyện kiên nhẫn của Chúa đề ra. Xin nhớ rằng không bao giờ Chúa cấm hay lên án cầu nguyện dài hay lâu giờ. Trái lại, Chúa còn dạy cầu nguyện luôn luôn nữa là khác. Nhưng Chúa nói là cầu nguyện phải có miệng lưỡi và tấm lòng đi với nhau (Lc 24,53. Sđcv 1,24.2,42). Vì thế, Chúa cấm lối cầu nguyện lòng rỗng tuếch mà nhiều lời vô ích như người ngoại.
Trong đời sống đạo của chúng ta vẫn thấy có những người cầu nguyện rất dài, nhưng lòng đạo thì lại quá ngắn! Tại sao vậy? Thưa bởi vì họ như con sáo, cuốn băng! Cầu nguyện mà không biết mình làm gì, chỉ mong sao đọc cho hết, nói cho xong là yên tâm! Trong khi đó, không hề thay đổi lối sống khi sứ điệp Lời Chúa đòi hỏi…
Câu kết thúc bài Tin mừng hôm nay là : “Nếu anh em tha tội cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em …”. Chúng ta kêu xin tình thương, nhưng lại đánh nhau vì hòa bình. Chúng ta cần phải cố gắng tìm hiểu người ta. Người ta muốn được tha thứ, được thông cảm, nhưng chúng ta đã làm gì cho họ ?
Tham dự Thánh lễ lúc này là để thông cảm hiểu biết nhau, để chúng ta chân thành nhìn nhận nhau là anh em, đồng bàn với nhau trong bàn tiệc tế lễ hy sinh, bàn tiệc tình yêu của Chúa và của chúng ta.
Mong sao, lời kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu dạy cho các môn đệ hôm nay cũng là lời kinh của chúng ta. Và khi chúng ta cất lên, mỗi người hãy đọc với trọn niềm tin kính, yêu mến và khao khát thực hành điều Chúa dạy. Có thế, đời sống đạo của chúng ta mới thực sự là có Chúa và có tình thương với anh chị em mình.