Lời Hằng Sống
22.3 Thứ Tư Thứ Tư trong tuần thứ Tư Mùa Chay
Is 49:8-15; Tv 145:8-9,13-14,17-18; Ga 5:17-30
Lời Hằng Sống
Tin mừng hôm nay nối tiếp đoạn Tin Mừng hôm qua nói về trường hợp Chúa Giêsu chữa cho một người bất toại ở Betsaida trong ngày Sabat, và đã bị các người biệt phái cho rằng lỗi luật ngày hưu lễ.
Chúng ta nên biết rằng luật thời đó ngặt nghèo lắm. Ngày thứ bảy họ cấm 38 việc làm không được làm trong ngày đó. Một trong những việc đó là chữa bệnh. Cấm chữa bệnh, cấm tiếp bệnh nhân, chỉ trừ trường hợp cấp cứu, chứ những trường hợp nặng kinh niên dù gía nào cũng phải kiêng dè ngày sabat. Cho nên khi chữa bệnh như thế thì họ liền hỏi tại sao lại lỗi luật ngày đó. Chúa Giêsu thay vì trả lời trực tiếp, Chúa đã nói: “Cha ta làm việc luôn và ta cũng vậy” (c.17).
Chúng ta biết rằng việc nghỉ ngày Sabat là bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chúa tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày, còn ngày thứ bảy Chúa nghỉ (Stk 2,2-3). Sau này Giáo hội của Chúa đã bắt nguồn từ sự kiện đó để dạy con cái rằng ngày nghỉ đó có mục đích bớt công việc phần xác hầu lo đến linh hồn mình. Đó mới gọi là mục đích việc nghỉ ngơi ngày Sabat.
Cho nên việc thiêng liêng, việc bác ái nói chung, không bao giờ được nghỉ. Chính Chúa nói: “Cha Ta làmviệc luôn luôn và ta cũng vậy” (c.17). Việc làm cho sự cứu rỗi linh hồn không bao giờ nghỉ ngơi được, không bao giờ cách quãng, để dành được. Chính Chúa đã dạy: “Phải cầu nguyện luôn” (Lc 18,1). Không có chỗ nào trong Kinh thánh mà Chúa dạy nghỉ cầu nguyện cả. Chúa nói “Cha Ta làm việc luôn và ta cũng vậy” (c.17) là có ý nói rằng trong việc cứu rỗi các linh hồn, phải làm việc liên lỉ không thể ngưng lại được. Phải làm từ ngày đầu tiên có con người cho đến ngày tận thế, ngày tận cùng của vũ trụ.
Hơn thế nữa, khi nói như vậy là Chúa muốn nói Ngài là Chúa ngày thứ bảy, Ngài đã ra luật thì Ngài có quyền châm chước luật đó là một điều dễ hiểu. Chúng ta đọc (c.19-30) là những bản văn minh chứng rằng Ngài là Thiên Chúa và cùng ngang hàng với Thiên Chúa Cha (c.19), Thiên Chúa Cha tỏ cho Chúa Con biết mọi điều (c.20): quyền tái sinh, quyền xét xử, lên án (c.21-22).
Tin Mừng cho thấy giữa Chúa Giêsu và người Dothái trở nên gây cấn hơn khi Ngài tuyên bố: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”. Nói như thế, Ngài minh định rằng: Thiên Chúa vẫn không ngừng sáng tạo và quan phòng cho con người. Nhưng điều quan trọng hơn là Ngài mặc khải cho biết: Ngài đến để thực thi thánh ý của Cha Ngài. Cuối cùng, điều làm cho người Dothái chói tai, khiến họ không chịu nổi, khi nghe Chúa Giêsu nói: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống”.
Lời Chúa Giê-su không chỉ là lời Thiên Chúa, mà còn là lời nhập thể hoàn toàn. Lời Người nói với chúng ta như anh em, như bạn tri kỷ, như sư phụ hoàn toàn biết rõ thân phận con người xác thịt của chúng ta. Người còn phối hiệp toàn diện với xác thân này ngay từ khi xuống thế. Do đó lời Người nắm bắt được mọi tâm tư nguyện vọng của chúng ta và thấy được tiếng lòng rung động kỳ diệu của con tim, khối óc của những ai nghe lời Người. Người cũng biết rõ những hoàn cảnh của mọi người nam nữ chúng ta trở lại với cái gì.
Lời hằng sống đã được công bố trong bài giảng trên núi chứa đựng toàn bộ kế hoạch của Phúc âm về sự gắn bó của chúng ta vào Đức Kitô và được làm thành bản hiến chương nước-Thiên Chúa. Lời hằng sống đầy thương xót tha thứ làm sáng lên niềm hy vọng và tình yêu cho mọi người và được thốt ra từ miệng lưỡi của Đức Giê-su trước người đàn bà ngoại tình làm cho Ma-đa-lê-na thống hối, phụ nữ Sa-ma-ri bị chinh phục, ông Gia-kêu thấp bé hoán cải và người trộm lành ăn năn trở về. Cũng như Phê-rô khóc lóc vì chối Thầy. Lời hằng sống chứa đựng trong những dụ ngôn đầy hình ảnh tiêu biểu giáo huấn soi sáng, dẫn dắt chúng ta đến với Thiên Chúa.
Tin mừng cho chúng ta thấy chân dung của Chúa Giêsu. Đấng hoàn toàn sống cho Thiên Chúa: “Ta đến không phải để làm theo ý Ta, nhưng là làm theo ý Đấng đã sai Ta”. Nên một với Thiên Chúa, thể hiện sự nên một ấy đến cùng, đó là con đường mà Chúa Giêsu đã chọn lựa và đi cho đến cùng. Thực thế, cái chết của Chúa Giêsu gắn liền với mầu nhiệm Ba Ngôi. Người Do Thái kết án Ngài không những vì Ngài không tuân giữ ngày hưu lễ, mà còn vì Ngài tự cho mình ngang hàng với Chúa Cha. Cái chết của Chúa Giêsu là một mạc khải về Chúa Cha. Qua cái chết ấy, Chúa Giêsu nói lên tiếng xin vâng trọn vẹn với Chúa Cha. Qua cái chết ấy, quyền năng và tình yêu của Chúa Cha được tỏ bày.
Mùa chay thường gợi lại một thực hành có tính truyền thống trong Giáo hội, đó là hãm đẹp thân xác, tức là tham dự vào cái chết của Chúa Giêsu từng ngày qua những hy sinh, quên mình, để cũng được chia phần vinh quang phục sinh của Ngài, nghĩa là mỗi ngày một biến đổi để trở thành con người mới cho đến khi đạt được tầm quan mức viên mãn của Ngài. Đó là bức chân dung mà mỗi Kitô hữu đều mang trong mình và mỗi ngày họ cố gắng hoạ lại bằng cả cuộc sống của họ. Cùng với Chúa Kitô, Đấng đã nên một với Chúa Cha trong tất cả mọi sự cho đến chết, xin cho từng giây phút cuộc sống chúng ta luôn là một thể hiện thánh ý của Ngài.
Lời hằng sống loan báo những đau khổ để chuẩn bị các môn đệ và mọi người biết can đảm mạnh mẽ theo Đức Ki-tô qua mọi thời đại, sẵn sàng chịu vác thập giá khổ nạn như là nguồn hy vọng được sống lại vinh quang. Lời hằng sống nhất là đã trở thành lời hứa hấp dẫn của tế lễ Thánh Thể đưa lại sự hiện diện và tình yêu của Đức Ki-tô tồn tại mãi mãi.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết hướng tới sự sống đời đời. Khi hướng về sự sống đời đời, mọi việc chúng ta làm hay nói đều được tình yêu chi phối chứ không chỉ vì luật mà làm cho chúng ta xa rời tình yêu!
Xin Chúa ban cho chúng ta biết khiêm tốn để tin tưởng vào Chúa Giêsu, yêu mến và trung thành với Ngài. Hãy biết ăn năn sám hối để được tha thứ và đáng hưởng sự sống đời đời. Amen.