Loan báo Tin Vui Phục Sinh
19.4 Thứ Ba trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
Cv 2:36-41; Tv 33:4-5,18-19,20,22; Ga 20:11-18
Loan báo Tin Vui Phục Sinh
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan cũng thuật lại cho chúng ta câu truyện của một người đàn bà đang u buồn tuyệt vọng, nhưng bỗng nhiên nhận được món quà trao tận con tim, một niềm vui không gì đo lường được, đó là niềm vui của Tin Mừng Phục Sinh.
Ðọc lại đoạn Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy sự tuyệt vọng của Maria Madalena lúc này đến mức nào. Theo Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc chắn bà đã nghe nói, đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm, từ việc chữa lành bệnh tật cho đến việc làm cho kẻ chết sống lại, từ việc khiến gió biển im lặng cho đến chuyện hóa bánh ra nhiều.
Hôm mai táng Chúa Giêsu, vì ít thời gian, người ta đã xức thuốc thơm cách hối hả. Sáng ngày sau, mấy bà đã đưa thuốc thơm đến mồ để làm lại cách chu đáo hơn. Khi đến nơi, các bà thấy ngôi mộ trống vì xác Ngài không còn nữa. Và Chúa hiện ra để củng cố đức tin cho các bà và sai họ đi báo tin cho các Tông đồ. Bài tường thuật của thánh Gioan hôm nay, ghi lại việc Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với bà Maria Madalena.
Khi thấy mồ Chúa mở toang, xác Chúa không còn trong mồ, bà Maria Madalena chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa. Mặc dầu bán tín bán nghi, hai ông Phêrô và Gioan cũng chạy ra mộ xem thực hư thế nào. Maria Mađalêna cũng chạy ra theo, ông Phêrô và Gioan, sau khi quan sát kỹ và thấy rõ xác Chúa không còn, hai ông ra về, một mình bà Maria Mađalêna ở lại mộ, ngậm ngùi, khóc lóc, thương nhớ Chúa, và Chúa đã hiện ra với bà, lúc đầu bà không nhận ra, nhưng sau một vài câu trao đổi, bà nhận ra Chúa và Chúa bảo bà hãy mau về kể lại cho các môn đệ hiện đang ở trong nhà Tiệc ly.
Bà Maria tức tốc chạy về nhà gặp các môn đệ đang nóng lòng chờ đợi. Họ vây quanh bà và hỏi: “Maria, chị hãy nói đi, chị đã thấy gì?” Bà Maria đáp: “Tôi đã thấy Chúa, Chúa đã hiện ra với tôi, Chúa gọi tên tôi và Chúa phán: ‘Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con, về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con’”. Những lời bà Maria nói đã phá tan mọi lo lắng, nghi ngờ nơi các Tông đồ, và lòng các ông tràn ngập vui mừng.
Tất cả đều sụp đổ khi bà đếm từng vết máu và mồ hôi loang vãi trên đường tử nạn, khi theo dõi từng hơi thở thoi thóp của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hay khi xác Ngài được mai táng trong mồ, và hôm nay cả đến thân xác cũng bị đánh cắp mất, chẳng còn gì hy vọng nữa. Như vậy, tất cả chỉ là tuyệt vọng, Nhưng chính trong tận cùng của sự tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy, bà đã được tặng ban một món quà không phải trên đôi tay, nhưng món quà ấy được trao tặng vào chính con tim của bà. Ðó là bà được thấy Chúa Kitô Phục Sinh và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào.
“Gọi tên” đó là một dấu chỉ thân mật giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa những người mục tử tốt lành và đoàn chiên. Người mục tử tốt lành nhận biết từng con chiên của mình, và Ngài gọi tên từng con chiên một và cho chúng vào hưởng niềm no thỏa trong đồng cỏ xanh tươi. Không chỉ riêng Madalena, nhưng mỗi người Kitô hữu đều được tặng ban món quà này. Lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy là họ đã được gọi tên, được đổi mới, được nâng lên hàng con cái dấu yêu của Thiên Chúa, được thông phần vào sức sống Phục Sinh trong nhiệm thể Ðức Kitô.
Sự sống Phục Sinh này không phải chỉ là một đóa hồng tạm bợ, chỉ hồi sinh con người trong thời gian ngắn ngủi, nhưng là đóa hồng vĩnh cửu có thể cho con người sống đúng địa vị làm người, làm con Thiên Chúa đến muôn đời. Con người chỉ trở nên buồn thảm, câm nín là vô hồn khi họ không biết nâng niu, quí chuộng mà bỏ xa sự sống Phục Sinh của Ðức Kitô.
Là con người ai cũng khát khao đi tìm kiếm hạnh phúc, có điều là quan niệm về hạnh phúc nơi mỗi người mỗi khác nhau. Có người cho rằng hạnh phúc là lắm tiền nhiều của, người khác nghĩ hạnh phúc là có chức cao quyền trọng, người khác nữa nghĩ hạnh phúc là thoả mãn được những đam mê. Vì có nhiều quan niệm khác nhau, nên cũng có lắm đường nhiều nẻo đi tìm hạnh phúc.
Tuy nhiên, có điều chắc chắn là khi con người tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc ngoài giới luật của Chúa, thì không bao giờ con người có thể đạt được như lòng mong ước, nếu có thì đó chỉ là một thứ hạnh phúc thoáng qua, rồi sau đó để lại nơi con người một sự cô đơn, trống rỗng, ray rứt và buồn phiền. Các thánh là những người đã có kinh nghiệm về điều này hơn ai hết, bởi nếu không thì chẳng dại gì mà các ngài từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Augustino, Alphongso và hôm nay Maria Madalena là những trường hợp tiêu biểu. Tin Mừng thuật rằng bà đang buồn phiền than khóc, thế nhưng nỗi buồn ấy liền tiêu tan khi bà nghe được tiếng Chúa và gặp được Chúa. Gặp Chúa Phục Sinh không chỉ làm bà hết buồn đau mà bà còn có niềm vui hạnh phúc và trở nên người đem niềm vui Phục Sinh đến cho những người khác.
Từ những suy nghĩ ấy, chúng ta nhìn về bản thân mình để tự hỏi: khi gặp buồn phiền, đau khổ, thậm chí khóc lóc thì chúng ta đã làm gì? Chắc chắn vào những lúc ấy dưới một hình thức nào đó, Chúa Phục Sinh vẫn gọi ta như gọi Maria ngày xưa, thế nhưng liệu ta có nghe được tiếng Chúa gọi và nhận ra Chúa không? Rồi qua cuộc sống, ta có chiếu toả niềm vui và đem niềm vui đến cho người khác, hay trái lại người ta chỉ nghe thấy những lời than vãn, những thái độ bực dọc, cáu kỉnh của ta? Và như thế chúng ta đang trở thành chứng nhân của Tin Mừng hay tin buồn? Tất cả những câu hỏi ấy chỉ nhằm để tra vấn xem chúng ta đã thực sự gặp được Chúa Phục Sinh chưa? Hay chúng ta mới chỉ gặp được người giữ vườn, người giữ mồ Chúa, tức là những ảo ảnh về Chúa mà thôi?
Việc Chúa Giêsu Phục sinh đã biến đổi hẳn ý nghĩa và tình cảm của con người (bà Maria Mađêlêna chính là đại diện) trước cái chết: nếu không tin việc Phục sinh, chúng ta đau buồn than khóc trước cái chết của một người thân và tiếc nuối đi tìm thân xác họ, khi đã có niềm tin Phục sinh, chúng ta sẽ không còn than khóc và sẽ không tìm người sống nơi kẻ chết nữa.
Giữa thế giới đầy bận rội và náo nhiện này, xin cho mỗi người chúng ta biết lắng tai nghe tiếng Chúa. Xin hãy mở rộng đôi tay còn khép kín của con, để con mau mắn thi hành “sứ điệp” Chúa gửi đến cho con trong cuộc sống hằng ngày.