Linh mục Roman Krat: “Sự tàn ác của người Nga là chưa từng thấy”
Linh mục Roman Krat: “Sự tàn ác của người Nga là chưa từng thấy”
Câu chuyện của linh mục Ukraine Roman Krat về việc quân Nga chiếm Kherson: “Sự tàn ác của người Nga là chưa từng thấy”
Cha Roman Krat, 40 tuổi, đã sống ở thành phố bị rơi vào tay quân xâm lược xác nhận người dân ở đây là nạn nhân của nạn đói, cướp bóc và bắt bớ.
Một ngôi trường bị phá hủy ở Zelenyi Hai, giữa Kherson và Mykolaiv. (Ảnh của BULENT KILIC / AFP) BULENT KILIC – AFP
Odessa – Hôm qua, nhân vật số hai của chính phủ do Mátxcơva bổ nhiệm ở Kherson – thành phố lớn duy nhất của Ukraine bị Vladimir Putin chiếm đóng trong hai tháng rưỡi chiến tranh-, đã tuyên bố họ sẽ xin sáp nhập vào Liên bang Nga vì “Kherson là nước Nga”, nhưng ở Odessa người dân họ không nghĩ như vậy.
“Lời xin sát nhập là hoàn toàn tuyên truyền”, linh mục Krat nói với báo La Nación, linh mục sống cả đời ở Kherson và có liên lạc với hai linh mục công giáo khác vẫn ở lại vùng này, cách đó khoảng 200 cây số về phía đông của Odessa.
Cha Roman Krat, Giáo hội công giáo Odessa – Elisabetta Piqué
Cha giải thích: “Trong những ngày đầu chiếm đóng, khi vẫn còn một số dấu hiệu của dân chủ và tự do, khi binh lính Nga chưa được lệnh đàn áp các cuộc biểu tình, đã có những biểu hiệu rõ rệt về những gì người dân Kherson muốn. Mặc dù không có vũ khí, nhưng với lòng dũng cảm cao độ, người dân đã lao ra để hét vào mặt người Nga: “Cút đi!”
Cha nói tiếp: “Người Nga muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để thành lập một nước ‘Cộng hòa Nhân dân Kherson’ nhưng gặp nhiều phản đối nên họ loại bỏ ý tưởng này.”
Người công giáo là dân tộc thiểu số ở Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên xô trước đây là chính thống giáo kitô. Ở Odessa có hai nhà thờ công giáo và ba nhà nguyện, có 2.500 tín hữu công giáo; và ở Kherson, một thành phố từng có khoảng 400.000 cư dân, nay chỉ còn ít hơn một nửa.
Trong số hàng ngàn người đã tìm cách trốn khỏi Kherson có mẹ của linh mục Krat. Cha cho biết: “Ngày chiến tranh bắt đầu, tôi lái xe đi tìm bà và bây giờ mẹ tôi đang tị nạn ở Wolfsburg, Đức. Tôi được tin căn nhà của mẹ tôi vẫn còn nguyên vẹn, trong khi nhiều nhà khác đã bị lính Nga cướp phá và phá hoại một cách dã man. Cho đến hai tuần trước người dân vẫn có thể rời thành phố nhưng bây giờ thì họ gặp nhiều khó khăn, hiện thành phố đã bị phong tỏa.”
Đối với cha Krat, tuyên truyền của Nga là hoàn toàn sai sự thật, rằng hơn một nửa người dân của Kherson là thân Nga: “Nếu nó là sự thật thì đã có những người tham gia biểu tình ủng hộ người Nga. Nhưng hầu như không bao giờ có ai đi, người Nga phải đưa người từ các vùng khác đến bằng xe buýt như người ở vùng Crimea. Và chắc chắn tuyên bố sát nhập là tuyên truyền, ở Kherson không ai muốn sát nhập.” Linh mục đặt câu hỏi: “Vậy thì với luật quốc tế nào việc sáp nhập có thể được biện minh?”.
Linh mục lặp lại: “Nước Nga có một trí nhớ rất ngắn vì lúc đầu họ nói họ không muốn chiếm các vùng lãnh thổ mới, họ nói họ không phủ nhận nền độc lập của Ukraine. Và bây giờ đã hai tháng trôi qua, lời nói này đã hoàn toàn thay đổi. Trên thực tế, họ không nói chính người Nga muốn thôn tính Kherson, họ nói chính phủ Kherson đã quyết định, rằng đó không phải là một chính phủ hợp pháp, không đại diện cho bất kỳ ai. Đó là lý do vì sao việc thôn tính này hoàn toàn là tuyên truyền”.
Cách đây vài ngày, người dân khu vực Kherson, những người tị nạn ở Mykolaiv, đã tố cáo các hành động tàn bạo với báo La Nación, linh mục Krat cũng nói về một cuộc đàn áp dã man đối với các nhà hoạt động Ukraine, những người từ chối người Nga. Ngài cáo buộc: “Không phải tất cả những người bị bắt trong các cuộc biểu tình bị trấn áp bằng hơi cay và bạo lực đều được trở về nhà. Sự tàn ác của người Nga là chưa từng có và có hơn 500 người bị giam giữ và thẩm vấn, những người mất tích và có lẽ là tù nhân trong tầng hầm của cung điện thành phố.”
Một vòng hoa trên đường phố khi các binh sĩ của Quân đội Nga đứng gần xe tải của họ trong cuộc biểu tình chống lại sự chiếm đóng của Nga ở Kherson.
Thêm nữa, những người lính Nga chiếm thành phố trong những ngày đầu tiên tháng 3 bị đói. Cha cho biết: “Họ cướp phá mọi thứ có trong các cửa hàng và siêu thị làm cho người dân không có thức ăn và bắt đầu bị đói. Họ cũng cướp máy ATM, vì vậy người dân không còn tiền để mua ngoài chợ, thẻ tín dụng không còn hoạt động và điều đáng kinh ngạc nhất là, vài tuần sau, người Nga bắt đầu phân phát viện trợ nhân đạo từ các sản phẩm của Ukraine.”
“Nhưng sự thật là người Nga đã ngừng viện trợ nhân đạo bởi vì không ai ở Kherson nhận viện trợ đó. Tôi đã xem một đoạn video với các tình nguyện viên trẻ của chúng tôi, họ rất dũng cảm đề nghị mọi người giúp đỡ, thay vì để người Nga giúp… Họ nói với tôi, có những người Nga quay phim những người lính Nga tốt bụng đã giúp đỡ người dân Kherson như thế nào, và dĩ nhiên người dân Kherson chưa bao giờ xuất hiện để cộng tác với tuyên truyền của Nga.”
Tìm giải thoát
Trong hai tháng, các lực lượng quân sự của Nga từ Kherson đã cố gắng tiến về Mykolaiv, một thành phố quan trọng để sau đó chiếm Odessa. Nhưng ở đó các lực lượng Ukraine không chỉ kháng cự mà còn cố gắng tiến về Kherson để giải phóng, trong một trận chiến tiêu hao đã gieo rắc sự tàn phá và chết chóc cho các thị trấn còn lại ở giữa.
Dù tình trạng có vẻ trì trệ này, Cha Krat vẫn lạc quan: “Tôi không nghi ngờ gì, rõ ràng binh lính chúng tôi đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn để chiếm lại Kherson. Theo chỗ tôi biết, Kherson sẽ được giải phóng vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Ukraine không muốn giải phóng Kherson bằng vũ lực, mà muốn bao vây thành phố để binh lính Nga phải đầu hàng, điều này sẽ khả thi nhờ có thêm các loại vũ khí mới và tốt hơn từ nước ngoài.”
Một binh sĩ Ukraine đứng trước trường học bị trúng tên lửa của Nga ở làng Zelenyi Hai, miền nam Ukraine, giữa Kherson và Mykolaiv. BULENT KILIC – AFP
Linh mục cho biết: “Khi bắt đầu cuộc chiến, không ai ở phương Tây muốn cung cấp vũ khí cho chúng tôi vì họ nghĩ người Nga sẽ chinh phục đất nước chúng tôi trong hai ngày, họ sợ người Nga sẽ giữ tất cả vũ khí… Và họ đã sai, họ đã không tính toán, rằng tuyên truyền Nga nói lính của họ sẽ nhận hoa ở Ukraine, chuyện này hoàn toàn khác thực tế. Bây giờ phương Tây tin tưởng chúng tôi, mọi thứ đã thay đổi, tinh thần chúng tôi lên cao và người Nga sẽ không đến được Odesa và chúng tôi sẽ chiếm lại Kherson và Mariupol.”
Và đó không phải là tất cả. Ngoài những cái chết, sự tàn phá và hàng trăm ngàn người tị nạn, theo cha Krat, cuộc chiến của Putin có hai tác động tích cực. Tác động tích cực đầu tiên là người lính Nga đến Kherson thấy những lời tuyên truyền cho rằng chúng tôi sống nghèo khổ dưới chế độ đức quốc xã, chúng tôi đang chết đói, là không đúng sự thật. Họ thấy chúng tôi có mức sống cao hơn nhiều so với người Nga. Nhiều đến mức có những người lính phát hiện ra ở Kherson chúng tôi có Internet. Thậm chí có người lính còn leo lên cột ăng-ten, anh muốn lấy Internet để đem về nhà. Họ đến để giải thoát chúng tôi khỏi cái gì? Khỏi dân chủ và hạnh phúc ư?”
Tác động tích cực thứ nhì là cuộc chiến bất ngờ này ở trung tâm châu Âu đã làm thế giới đảo lộn, “người dân Ukraine đoàn kết hơn bao giờ và Ukraine-hóa Ukraine”. Mặc dù gần như tất cả chúng tôi đều nói được hai tiếng Nga và tiếng Ukraine nhưng hiện nay nhiều người, đặc biệt là người trẻ tuổi không muốn nói tiếng Nga nữa.
Cha Krat nói tiếng Ý giỏi vì đã sống ở Rôma bảy năm, cha không thấy giải pháp ngoại giao nào trong ngắn hạn: “Kết thúc thực sự nhất cho xung đột đã thành vũng lầy này với Nga, là một cái gì giống như một Afghanistan mới, hoặc là thay đổi chế độ ở Mátxcơva, hoặc bằng cách nào đó Putin phải bị loại bỏ, như một số câu nói vẫn hay nói – cuối cùng tôi không biết… Tôi không thấy lối thoát nào khác.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch