Lệnh Truyền Giáo
22 16 X Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên.
Er 9,5-9; Lc 9,1-6.
Lệnh Truyền Giáo
Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.
So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông.
Mỗi thời đại có những cám dỗ riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu thế, cũng như cám dỗ Ngài làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo mình xuống từ nóc Ðền thờ để mọi người thấy và tin. Ngày nay, không thiếu những người chỉ muốn dùng tiền bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để làm cho người khác kinh sợ. Một cám dỗ khác mà người Tông đồ thời nay thường mắc phải, đó là sự thiếu kiên nhẫn, chờ đợi thời giờ của Chúa. Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở, thay đổi công việc.
Cũng có những người Tông đồ không dám nói rõ những sai lầm của người khác cũng như những gì trái ngược với giá trị Tin Mừng. Thái độ chung của con người thời nay là ích kỷ và hưởng thụ, số người sẵn sàng để Chúa sai đi thật hiếm hoi, số các tệ nạn do sự sai lầm thiêng liêng ngày càng gia tăng, trong khi đó cái tôi tự do được thổi phồng.
Khi danh tiếng của Chúa Giêsu được lẫy lừng khắp nơi về lời rao giảng mới mẻ và uy quyền, về các phép lạ Ngài làm, có thể là xưa nay chưa có ai làm được như vậy. Vì thế, có những người đến xin theo làm môn đệ của Ngài, trong đó có cả kinh sư, luật sĩ nữa, nhưng ý hướng muốn theo Chúa của họ mang tính trần tục, họ muốn theo làm môn đệ của Chúa Giêsu vì họ thấy nơi Ngài có thể làm thỏa mãn những tham vọng của họ theo kiểu trần thế : giàu có, danh vọng, địa vị. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nên Ngài thẳng thắn trả lời cho một vị kinh sư rằng: “Con chồn có hang, con chim có tổ, con người không có chỗ tựa đầu”.
Chúa nói như vậy để diễn tả Ngài không có gì để bảo đảm cho cuộc sống trần gian, vì Chúa nghèo đến nỗi thua một con chim, nó có tổ, thua một con cáo, nó có hang, còn Ngài thì không có nơi tựa đầu, không có mái nhà để ở.
Vì thế, theo Chúa mà đặt những tham vọng lớn lao nơi trần thế, đòi hỏi những thỏa mãn theo sở thích riêng, tìm kiếm những tiện nghi trong đời sống hằng ngày thì không phù hợp và không thực tế chút nào. Chúa Giêsu đòi hỏi người muốn theo làm môn đệ của Ngài, phải quyết liệt từ bỏ mọi sự thế gian, mọi tham vọng trần thế, mọi tiện nghi hằng ngày, để có một tâm hồn tự do thanh thoát mà theo Ngài, thuộc trọn về Ngài, thực thi trọn vẹn sứ mạng Ngài ủy thác. Với một người khác, Chúa Giêsu mời gọi: “Anh hãy theo tôi”, anh vẫn có thành tâm thiện chí để theo Chúa, nhưng anh chưa dứt khoát xa lìa sự ràng buộc của gia đình, bổn phận với cha mẹ cản trở anh: “Xin Thầy cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”, tức là phụng dưỡng cha cho tròn chữ hiếu đã rồi mới đi theo Chúa sau. Chúa Giêsu trả lời: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ, còn anh, anh hãy đi loan baó triều đại Thiên Chúa”.
Vậy là Chúa đòi hỏi đi theo Chúa thì phải trọn vẹn cho Chúa, cắt đứt mọi ràng buộc, kể cả sự ràng buộc do mối dây liên hệ tình cảm với gia đình, làm phân tán, cản trở việc theo Chúa, vì: “Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy”(Mt 11, 37), vả lại, loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa là cần thiết và cấp bách, là quan trọng hơn, nên phải ưu tiên hơn. Người thứ ba cũng muốn theo Chúa, nhưng chưa dứt khoát, vì còn phải từ giã gia đình nữa. Chúa Giêsu lấy công việc đi cày của người nhà nông để trả lời cho anh ta về điều kiện theo Chúa: người cầm cày đi cày ruộng thì hướng cày phải thẳng, nên người nông phu không được ngoái cổ về đàng sau, làm cho luống cày vênh vẹo, đất không được cày đều, đất sẽ không tốt đối với hạt giống sẽ gieo xuống.
Cũng vậy, việc theo Chúa không được do dự, ngập ngừng, tính toán, làm cho việc theo Chúa bị cản trở, làm cho việc loan báo Tin Mừng bị chi phối không có kết quả. Những điều Chúa đòi hỏi là dấu chỉ người môn đệ thật lòng theo Chúa, theo Chúa vì yêu mến Chúa, chọn Chúa một cách dứt khoát vô điều kiện vì chỉ có Chúa là hạnh phúc của họ, sống với Chúa thì có giá trị gấp ngàn lần những điều họ từ bỏ. Chính Chúa Giêsu cũng đã từ bỏ mọi sự để phục vụ Nước Trời và cứu rỗi các linh hồn đến mức độ chết khổ nhục trên Thập Giá, vì vậy, những đòi hỏi của Chúa Giêsu là điều kiện để các môn đệ nên giống Chúa và trung thành thi hành sứ mạng của Chúa.
Khi chúa gọi chúng ta hay khi chúng ta muốn theo Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta sống thanh thoát, tự do, thong dong cách tuyệt đối về những sự thế gian không còn bám víu sự gì kể cả gia đình ruột thịt của chúng ta, không còn lo toan việc đòi để hoàn toàn theo Chúa và chăm lo việc của Chúa mà thôi. Sống đời sống tông đồ là sống đức tin, sống tin thần phó thác, chấp nhận bấp bênh gắn liền với thân phận Đức Kitô ở trần gian “Con người không có nơi tựa đầu”, luôn gắn bó với Đức Kitô và sứ mạng của Ngài. Chúng ta thực lòng sống theo Chúa Kitô, làm môn đệ Ngài chúng ta luôn quyết chí, sẵn sàng và dấn thân để bảo vệ sự trung thành với Chúa: chúng ta luôn bảo vệ phẩm chất của chúng ta là muối, là men, là ánh sáng cho thế gian.
Người môn đệ theo Thầy không chỉ tin Thầy, đón nhận Thầy mà còn ở với Thầy, đón nhận sự dạy dỗ của Thầy, nên giống Thầy, thuộc trọn về Thầy, làm công việc của Thầy, trung thành cộng tác với sứ mạng của Thầy cách trọn vẹn. Chúa Giêsu cũng đòi hỏi các môn đệ của Ngài như vậy, và còn đòi hỏi dứt khoát hơn nữa, mới trung thành thi hành sứ mạng Chúa trao phó được. Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhìn lại ơn gọi của mình, và kiểm lại phẩm chất của ơn gọi ấy mà sửa sai để trở nên người môn đệ của Chúa Giêsu cách trung thành và trọn vẹn hơn.
Trên bước đường rao giảng, người môn đệ cũng như Thầy chí thánh luôn quan tâm đến người đau khổ, chữa lành bệnh tật, mang hạnh phúc cho mọi người. Thật thế, người môn đệ của Chúa luôn quan tâm đến những nhu cầu được chữa lành, chia sẻ cho anh em đồng loại như sau này Phaolô đã cảm nghiệm và chia sẻ: “Vui với người vui, khóc với người khóc…” (Rm 12, 15), và ở Cửa Đẹp đền thờ thánh Phêrô thực hành lời dạy của Chúa và đã nói với người hành khất: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!… anh trở nên cứng cáp” (Cv 3, 6-7).
Lời mời gọi các môn đệ ra đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo của Chúa Giêsu ngày xưa cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta trong cộng đoàn tín hữu và nếu tôi, bạn là người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối lời mời gọi ấy nhưng đáp trả như Phaolô đã cảm nghiệm và sống sứ mạng: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16). Với ý thức đó, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc”. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo”.