Lên đường thăm viếng
31.5 Đức Mẹ thăm viếng Bà Thánh Isave
Hc 36:1,5-6,10-17; Tv 79:8,9,11,13; Mc 10:32-45
Lên đường thăm viếng
Hôm nay là ngày Lễ Kính Đức Trinh Nữ Maria đi viếng bà thánh Isave, và bài Tin Mừng thuật lại chuyến viếng thăm của Đức Maria đến nhà chị họ Người là bà Isave. Khi thánh Luca nói về Đức Maria, ông nghĩ đến các cộng đoàn vào thời của ấy đã phải sống phân tán ở các đô thị của đế chế La Mã và viết cho họ, Đức Maria là một mẫu mực cho họ phải nên liên kết với Lời Chúa như thế nào.
Một lần, khi nghe Đức Giêsu đang giảng dạy về Thiên Chúa, một người phụ nữ giữa đám đông đã thốt lên: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” để ca ngợi thân mẫu Chúa Giêsu. Ngay lập tức, Đức Giêsu đã đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!” (Lc 11,27-28). Đức Maria là mẫu mực cho cộng đoàn tín hữu học cách sống và tuân giữ Lời Chúa. Trong câu chuyện kể về Đức Maria đi viếng bà Isave, ông dạy cho các cộng đoàn cách nên ứng xử để biến đổi việc viếng thăm Thiên Chúa thành việc phục vụ tha nhân.
Câu chuyện Đức Maria đi viếng bà Isave cũng cho thấy một khía cạnh đặc trưng khác của thánh Luca. Tất cả những lời nói và thái độ, đặc biệt là bài ca “Ngợi Khen” của Đức Maria, tạo thành một bài ca tụng tán dương tuyệt vời. Nó giống như là lời mô tả của một bài Phụng Vụ trọng thể. Do đó, thánh Luca gợi lên một môi trường phụng vụ và tán dương, trong đó Chúa Giêsu được hình thành và trong đó các cộng đoàn phải sống đức tin của mình.
Đức Maria đi thăm bà chị họ Isave. Thánh Luca nhấn mạnh đến sự hối hả của Mẹ Maria để đáp lại sự đòi hỏi của Lời Thiên Chúa. Sứ Thần đã cho Mẹ biết về việc mang thai của bà Isave, và Đức Maria ngay lập tức trỗi dậy đi để kiểm lại điều Sứ Thần đã báo cho biết, Mẹ rời nhà để đến giúp cho một người đang cần được giúp đỡ. Từ làng Nagiarét đi lên miền núi xứ Giuđêa dài khoảng 100 cây số! Không có xe buýt cũng chẳng có xe lửa!
Lời chào của bà Isave. Bà Isave đại diện cho Cựu Ước sắp kết thúc. Đức Maria, đại diện Tân Ước mới bắt đầu. Cựu Ước hoan nghênh, chào đón Tân Ước với lòng biết ơn và niềm tin, nhận ra trong đó là món quà nhưng không của Thiên Chúa đến để thực hiện và hoàn tất những gì người ta đã mong đợi. Trong cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ, được biểu lộ qua món quà của Chúa Thánh Thần khiến cho hài nhi nhảy mừng trong lòng của bà Isave. Tin Mừng của Thiên Chúa mặc khải sự hiện diện của Người tại một trong những điều phổ biến nhất của đời sống con người: hai bà nội trợ, trao đổi việc thăm viếng để giúp đỡ lẫn nhau. Một chuyến thăm viếng, niềm vui mừng, chuyện thai nghén, chuyện con cái, giúp đỡ lẫn nhau, chuyện nhà cửa, chuyện gia đình: thánh Luca muốn cho các cộng đoàn (và tất cả chúng ta) hiểu được và khám phá ra sự hiện diện của Nước Trời. Những lời của bà Isave, cho đến bây giờ, là một phần của bài Thánh Thi nổi tiếng nhất và được đọc lại nhiều nhất trên thế giới, đó là kinh Kính Mừng.
Lời chúc tụng của bà Isave nói với Đức Maria: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”. Đây là lời khuyên của Luca dành cho các cộng đoàn: hãy tin vào Lời Thiên Chúa, bởi vì Lời ấy có dũng lực để thực hiện những gì Lời nói ra. Đó là Lời sáng tạo. Nó tạo ra một sự sống mới trong cung lòng của một trinh nữ, trong cung lòng của những người nghèo khó và bị bỏ rơi, những người chấp nhận Lời với đức tin.
Bài Thánh Thi của Đức Maria. Có lẽ bài ca vịnh này đã được biết đến và được hát trong các cộng đoàn. Nó dạy người ta phải cầu nguyện và hát như thế nào. Luca 1, 46-56: Đức Maria bắt đầu công bố sự thay đổi đã xảy ra trong đời sống của Bà dưới ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa, đầy lòng thương xót. Đây là lý do tại sao Bà lại hát lên một cách vui mừng: “Thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi”. Luca 1,51-53: Đức Mẹ hát khen lòng trung tín của Thiên Chúa đối với dân Người và công bố sự thay đổi là cánh tay của Đấng Giavê đang mang đến cho người nghèo đói.
Khái niệm “cánh tay của Thiên Chúa” nhắc nhớ lại việc giải thoát của thời kỳ Lưu Đày. Chính dũng lực cứu độ này của Thiên Chúa đã ban sự sống cho sự thay đổi: Chúa đã dẹp tan những ai thần trí kiêu căng (1,51); Chúa đã lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ (1,52), Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không (1,53). Luca 1,54-55: Cuối cùng, Mẹ nhắc nhớ rằng tất cả là biểu hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân của Người và sự biểu lộ lòng trung tín của Chúa về những lời hứa với tổ phụ Abraham. Tin Mừng không phải là một sự đáp trả của việc tuân giữ Lề Luật Chúa, mà là biểu hiện của sự tốt lành và trung tín của Thiên Chúa về những gì đã được hứa. Đó là những gì thánh Phaolô đã dạy trong thư gửi các tín hữu Galát và các tín hữu Rôma.
Sách thứ hai của tiên tri Samuel kể về câu chuyện Hòm Bia Giao Ước. Vua Đavít muốn đưa Hòm Bia Thiên Chúa về nhà mình, nhưng vua sợ và nói rằng: “Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?” (2Sm 6,9). Sau đó, vua Đavít đã ra lệnh đưa Hòm Bia Thiên Chúa sang nhà ông Ôvết-Êđôm, và Chúa đã chúc phúc cho ông Ôvết-Êđôm và cả nhà ông (2Sm 6,11). Đức Maria, đang mang thai Chúa Giêsu, giống như mang Hòm Bia Thiên Chúa, trong Cựu Ước, đến thăm nhà người khác để đem lại ơn ích cho họ. Đức Maria đến nhà bà Isave và ở lại đó ba tháng. Và trong khi Đức Mẹ ở trong nhà bà Isave, cả gia đình bà được Thiên Chúa chúc phúc. Cộng đoàn phải nên giống như Hòm Bia Giao Ước Mới. Khi đến viếng nhà của ai, họ nên đem đến những lợi ích và ân sủng của Thiên Chúa cho mọi người.
Ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng hôm nay cho chúng ta nhìn thấy một khía cạnh trong đời sống nội tâm của Đức Maria, đó là tinh thần khiêm nhượng phục vụ và tình yêu vô vị kỷ dành cho những ai cần đến sự trợ giúp của Mẹ. Biến cố trong mầu nhiệm thứ hai Mùa Vui của chuỗi Mân Côi mời gọi chúng ta hãy hiến thân mau mắn, vui tươi, và chân thành cho người chung quanh.
Nhiều khi sự phục vụ tốt nhất chúng ta có thể thực hiện là chia sẻ với họ niềm hạnh phúc trào dâng trong tâm hồn chúng ta. Nhưng chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều này khi chúng ta sống thân mật với Chúa, qua việc trung thành giữ trọn những giờ cầu nguyện trong ngày sống. Việc kết hợp với Thiên Chúa và thực hành các nhân đức siêu nhiên luôn luôn kéo theo niềm hứng thú thực hành các nhân đức nhân bản: Đức Maria đem niềm vui đến cho gia đình bà chị họ, bởi vì Mẹ ‘mang’ Chúa Kitô. Chúng ta ‘mang’ Chúa Kitô trong lòng, và với Người là niềm vui chứa chan, đến bất cứ nơi nào chúng ta đến, dù khi làm việc, hoặc khi viếng thăm bè bạn hoặc những ai đang yếu đau hay không? Sự hiện diện của chúng ta có làm cho người khác vui tươi hay không?