LÊN ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG
18 13 Đ Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên.
THÁNH LU-CA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG, lễ kính.
Có thể cử hành lễ an táng.
2Tm 4,10-17; Lc 10,1-9.
LÊN ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Thánh Luca là một trong 4 tác giả Tin mừng, lễ kính ngày 18-10. Thánh Luca sinh tại Bithynia, là dân Hy Lạp cổ đại, thuộc thành phố Antiôkia ở Syria cổ. Các giáo phụ thời Giáo Hội sơ khai nói rằng ngài là tác giả của Tin Mừng theo Thánh Luca và sách Công vụ Tông đồ, mới đầu chỉ là tác phẩm văn chương bình thường. Về sau, quyền tác giả của Thánh Luca mới được tái xác nhận bởi các vị uy tín của Kitô giáo như Thánh Giêrônimô và Eusêbiô, mặc dù các học giả đời cũng như vẫn chưa nhất trí về các chứng cứ xác thực về tác giả.
Trong Tân ước, Thánh Luca chỉ được nhắc tới vài lần, và được Thánh Phaolô gọi là “thầy thuốc” trong thư gởi giáo đoàn Côlôsê. Như vậy, ngài được coi là thầy thuốc và môn đệ của Thánh Phaolô.
Giáo Hội Công Giáo tôn kính Thánh Luca là Thánh sử, và một số giáo phái lớn tôn kính ngài là bổn mạng các họa sĩ, y bác sĩ, học sinh sinh viên, người bán thịt.
Trong thư gởi Philêmôn, Thánh Phaolô có nhắc tới các cộng sự viên là Máccô, Arístakhô, Đêma và Luca (câu 24). Thánh Luca cũng được nói tới trong Cl 4,14 và 2 Tm 4,11.
Thánh Luca không phải là người Do Thái, nghĩa là không được cắt bì. Là người Hy Lạp nên ngài viết Tin Mừng bằng Hy ngữ. Khác với ý kiến của Thánh Êpiphaniô, Thánh Luca ở trong nhóm 72 môn đệ (Lc 10,19), vì ngài nói rõ rằng ngài chưa hề gặp mặt Đức Kitô (x. Lc 1,14). Như vậy, việc Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng trong lễ Thánh Luca hôm nay nói về việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ, đi theo từng cặp là việc khá lạ. Hơn nữa, Thánh Luca không được Chúa Giêsu hoán cải, mà được Thánh Phaolô hoán cải sau khi Chúa Giêsu về trời.
Rất có thể Thánh Luca học nghề thuốc ở Tarsus, trường y cạnh tranh với Alexandria và Athens, và là trường y lớn nhất Hy Lạp cổ đại. Có thể Thánh Luca đã gặp Thánh Phaolô vào thời điểm này.
Không ai biết Thánh Luca là người mới theo Do Thái hoặc trực tiếp gia nhập Kitô giáo, nhưng chúng ta biết rằng ngài có kiến thức uyên bác về Cựu ước. Hơn nữa, rõ ràng Thánh Luca không chỉ biết Thánh Phaolô, mà còn biết nhiều Tông đồ và các môn đệ. Chính ngài đã chứng minh điều đó, khi ngài soạn thảo Tin Mừng, ngài đã “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” (Lc 1, 3) với các nhân chứng biết rõ cuộc đời Chúa Giêsu. Trong các nhân chứng đó không chỉ có một mình Thánh Phaolô mà còn nhiều người khác.
Còn nữa, Thánh Phaolô thường kết hợp Thánh Luca với Thánh Máccô. Chúng ta biết rằng Thánh Máccô là người gần gũi với Thánh Phêrô, do đó chúng ta có thể nói rằng Thánh Luca cũng quen thân với Thánh Phêrô và các Tông đồ khác.
Thánh Luca giúp Thánh Phaolô nhiều trong khi thực hiện sứ vụ. Khi bị tù ở Rôma, Thánh Phaolô rất tin tưởng và quý mến Thánh Luca nên đã căn dặn Thánh Timôthê: “Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi. Anh hãy đem anh Máccô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi” (2 Tm 4, 11). Người ta tin rằng, sau khi Thánh Phaolô qua đời, Thánh Luca rao giảng Tin Mừng tại Ý, Gaul (Galát), Dalmatia, Macêdonia, và có thể cả ở Ai Cập.
Một số Giáo phụ cho rằng Thánh Luca chịu tử đạo, có thể bị đóng đinh vào cây ôliu ở Elaea, thuộc Peloponnesus gần Achaia. Cách hiểu này có từ Thánh Hippolytus. Các Thánh Gregory Nazianzen, Paulinus, và Gaudentius thành Grescia cũng nói rằng Thánh Luca chịu tử đạo. Mặt khác, nhiều người khác (kể cả Thánh Bede và nhiều vị tử đạo) chỉ nói rằng “Thánh Luca chịu đau khổ nhiều vì đức tin và chết già ở Bithynia”.
Thánh Luca sống độc thân để phục vụ Thiên Chúa, không vợ không con, đầy Thần Khí Chúa, và qua đời lúc 84 tuổi. Thi hài ngài được đưa tới Constantinople và an táng tại Nhà thờ Các Tông Đồ, nhà thờ này do Hoàng đế Constantinô xây dựng. Đầu ngài được đưa tới Rôma, đặt tại Tu viện Thánh Anrê. Các phần khác được đặt tại Tu viện Grecian trên Núi Athos.
Hôm nay lễ kính thánh Luca, chúng ta hãy cám ơn ngài vì đã để lại cho chúng ta một di sản cao quý là các sứ điệp Tin Mừng. Ngài không phải là môn đệ của Chúa Giêsu, mà là thế hệ sau các Tông đồ: không phải là chứng nhân mắt thấy tai nghe. Ngài là kitô hữu lương dân trở lại, là thành phần giai cấp cao trong xã hội. Phúc âm của ngài nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa, và tình yêu của Chúa Cứu Thế đối với người nghèo và tội nhân, thích hợp với người Kitô giáo lương dân và những ai chưa nhận biết Chúa.
Noi gương Thánh Luca, khi phục vụ Lời Chúa, tôi xin chia sẻ vài cảm nghiệm về hình ảnh của người môn đệ qua sứ điệp Tin mừng hôm nay.
Đoạn Tin mừng cho thấy viễn cảnh cả một hành trình của người môn đệ, những người được Chúa sai đi. Bảy mươi hai người được sai đi là một con số biểu trưng, điều này cho thấy việc rao giảng Tin Mừng không phải chỉ dành riêng cho các tông đồ mà là tất cả những ai muốn dấn bước theo Chúa Giêsu. Họ được sai đi để rao giảng về “Triều Đại Nước Thiên Chúa đã gần đến”, nhờ đó những ai nghe – tin thì được thông hiệp vào ơn cứu độ.
Lời mời gọi thật cao trọng, vì họ được cộng tác vào công trình thời cánh chung của Thiên Chúa: như Chúa Giêsu qủa quyết “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Tuy vậy, để làm tốt sự mạng cao trọng ấy, người môn đệ phải lưu tâm đến lời giáo huấn của Chúa Giêsu:
Khi ra đi “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…vào nhà nào ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.” Đó chính là lời mời gọi, sống khó nghèo và tín thác, cần có một hành trang gọn nhẹ nhất để thi hành sứ vụ mà không bị vật chất quyến luyến. Ngài còn nhắc thêm: “đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” như lời cảnh báo để họ biết chấp nhận hiện tại, không vì khó khăn mà tìm nơi tiện nghi hơn.
Khi ra đi, điều trước tiên cần làm không phải là nói thật nhiều để chúng minh cho mọi người thấy tôi là người môn đệ, tu sĩ nhưng là “lời chúc bình an”. Nhưng muốn làm được điều đó, họ cần có bình an và sự bình an đích thực ấy là kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu. Khi trao ban bình an ấy xong, rồi hãy chữa lành người đau yếu, nâng đỡ người đang cần nâng đỡ.
Khi ra đi, điều thật quan trọng khác là người môn đệ họ cần phải có lòng can đảm, kiên trung vì Nước Trời, vì sự khó khăn của sứ vụ mà chính Chúa Giêsu cảnh báo: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Họ đi vào thế gian, như những con chiên đi vào giữa bầy sói; sẽ bị bắt bớ và ngược đãi. Điều này chúng ta có thể cảm nhận qua hình ảnh các tông đồ, các anh hùng tử đạo được ghi lại trong các thánh thư và lịch sử Giáo Hội. Nhưng đừng vì thế mà sợ hãi, vì ơn Chúa thì luôn đủ cho mỗi người.
Khi suy niệm những điều ấy, chúng ta hãy nhìn lại mình với ơn gọi Kitô hữu, hay chuyên biệt hơn là ơn gọi của một giáo sĩ, một tu sĩ. Tôi đã thực sự là người “vô sản” của Chúa, lúc này và cho sứ vụ tương lai ? Tôi có sẵn sàng đối diện cách “kiên dũng” với mọi khó khăn trên bước đường truyền giáo ? Để rao truyền và làm chứng tá cho Chúa Giêsu, Đấng giàu lòng xót thương đối với kẻ đơn sơ, khó nghèo và nhất là các tội nhân. Lạy Chúa, xin thêm sức cho mỗi chúng con trên bước đường rao giảng Tin Mừng.