Lãnh đạo nhiều người
Lãnh đạo nhiều người:
Khả năng phát triển và duy trì niềm tin nơi người mà bạn lãnh đạo sẽ làm nên cộng đoàn. Chúa Giêsu đã nêu gương điều này một cách hoàn hảo trong Ga 13:13-14:
“Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”
Chúa Giêsu xây dựng cộng đoàn bằng cách trao quyền cho các môn đệ của Ngài để phục vụ và rồi tin tưởng họ sẽ thực hiện đúng như vậy. Các nhà lãnh đạo hiệu quả nhận ra rằng họ phải là những “quản gia” tốt với nhiệt huyết và nỗ lực của những ai họ lãnh đạo; họ trân quí sức mạnh của sự đa dạng và thừa nhận sức mạnh của làm việc nhóm. Có một câu nói hay, “Không ai trong chúng ta khôn ngoan hơn tất cả chúng ta”. Chúa Giêsu sai các môn đệ của mình đi giảng với hai người một (Mc: 6:7). Làm như thế, Chúa Giêsu trao quyền cho họ để họ thay mặt Ngài hỗ trợ nhau hoàn thành sứ vụ mà Ngài đã đào tạo họ thực thi.
Nếu không có niềm tin, thì không thể phát triển các mối tương quan và sẽ không có cộng đoàn. Các cá nhân trong nhóm sẽ không trao quyền cho nhau để hoàn thành công việc được giao nếu như họ không tin tưởng nhau. Thất bại trong việc trao quyền là một trong những nguyên do chính yếu khiến nhóm không hiệu quả.
Vai trò lãnh đạo trong gia đình thì thật là một thách đố, đặt biệt khi nỗ lực và mong muốn của nhà lãnh đạo để phục vụ lợi ích của các thành viên khác trong gia đình thì mâu thuẫn trực tiếp với những ưu tiên và nhu cầu cấp thiết của bản thân nhà lãnh đạo. Ví dụ, người cha có thể đang trễ giờ đi làm nhưng phải đứng lại để dành thời gian cho việc sửa dạy khi ông nghe thấy cô con gái của mình đang chế giễu cậu em trai của nó. Hoa trái của vai trò lãnh đạo gia đình là khả năng ứng xử tế nhị trong tương quan yêu thương và sự thăng tiến trong nhân cách con người.
Cuối cùng, để trở nên những “quản gia” tốt với nỗ lực của những ai cam kết làm việc với mình, thì các nhà lãnh đạo hiệu quả phải trân quí sức mạnh của sự đa dạng và thừa nhận sức mạnh của làm việc nhóm.
Suy ngẫm:
Bạn nghĩ rằng những người mà bạn lãnh đạo ở công sở và ở nhà sẽ mô tả phong cách lãnh đạo của bạn ra sao trong những tình huống sau:
– Giai đoạn khủng hoảng
– Giai đoạn thất bại
– Gia đoạn thành công
– Giai đoạn thịnh vượng
– Giai đoạn thiếu thốn
Bạn có nghĩ là mình sẽ thích những gì bạn nghe được không? Bạn cho là đâu là những điểm yếu mà bạn sẽ nhận ra? – Và đâu là những điểm mạnh từ những đặc tính đó?