Làm gì nếu bạn hay/và người thân là F0 – mắc bệnh COVID-19?
Làm gì nếu bạn hay/và người thân là F0 – mắc bệnh COVID-19?
Bây giờ dân chúng đã quá quen với từ ngữ F0 nhưng thiết nghĩ vẫn nên nói rõ: F0 là người được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 với kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính.
Tuần cuối tháng 7/2021 tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước và lan rộng trong cộng đồng nhiều tỉnh thành. Số trường hợp F0 tiếp tục tăng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), tương ứng số ca nặng, nguy kịch và tử vong tiếp tục tăng; tính đến hết ngày 27/7/2021 là hơn 70.000 ca F0 với 744 người bệnh nặng đang thở máy, 13 ca ECMO[1], và 817 ca tử vong.[2] Trong bối cảnh khẩn cấp, ngày 27/7 Sở Y Tế TP HCM điều chỉnh kế hoạch tiếp nhận và điều trị người bệnh COVID-19 theo hệ thống 5 tầng điều trị. Theo đó, tầng mới nhất là tầng 1 – là các cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khoẻ các trường hợp F0 không có triệu chứng tại các địa bàn quận, huyện và TP Thủ Đức.
Mô hình tháp 5 tầng trong tiếp nhận và điều trị người mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố[3]
Chỉ hai ngày sau, chiều 29/7/2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp và trầm trọng hơn, với số ca bệnh COVID-19 tại TP HCM vượt 82.000, Sở Y tế chính thức gửi văn bản khẩn về việc ban hành hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người F0, nhằm tránh tình trạng quá tải người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh, để tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.
Bài viết này tập trung đến việc chăm sóc và tự chăm sóc F0 tại nhà theo hướng dẫn của Cơ quan CDC (Centers for Disease Control and Prevention, Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật và Phòng ngừa) Bộ Y Tế và CDC TP HCM (HCDC) và vài điều cơ bản F0 cần biết khi phải đến cách ly tập trung ở các cơ sở Tầng 1.
Có hai loại đối tượng được áp dụng cách ly tại nhà:
1/ F0 không triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7, được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày.
2/ F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Điều kiện được cách ly tại nhà
Phải có phòng riêng dành cho người F0, có cửa sổ thông thoáng, nhà vệ sinh riêng.
Trong trường hợp tất cả người trong hộ gia đình đều là F0, có thể tự chăm sóc sức khỏe lẫn nhau thì không cần điều kiện phòng riêng cho từng người F0.[4]
- Vài số thống kê về triệu chứng của bệnh COVID-19[5]
Cho đến nay, giới chuyên môn ghi nhận
– 80% người bệnh COVID-19 không có triệu chứng. Vì thế, có nhiều bệnh nhân được phát hiện do tình cờ được lấy mẫu xét nghiệm. Điều này đáng mừng là đa số bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ, nhưng đây cũng là điều đáng lưu tâm vì nhiều người F0 trong cộng đồng mà chúng ta không biết. Bộ Y Tế nhắc nhở trong hoàn cảnh đại dịch bùng phát hiện nay “phải cẩn thận vì bất cứ ai cũng có thể là F0”.
– 20% người bệnh có triệu chứng giống như cảm cúm. Các đợt bùng phát trước khi xuất hiện biến chủng Delta, bệnh thường kéo dài từ 2- 3 tuần. Với biến chủng Delta, chu kỳ lây lan ngắn hơn, nhưng thời gian bệnh cũng rút ngắn hơn, khoảng 10 ngày. Như vậy, trừ các trường hợp biến chứng nặng, thông thường các bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 10 ngày.
– 95% người bệnh không phải thở Oxy. Chỉ 5 % người mắc bệnh cần thở Oxy, nằm trong nhóm nguy cơ:
1/ Thừa cân, béo phì;
2/ Người có bệnh nền chưa điều trị ổn định;
3/ Người trên 65 tuổi.
Vì vậy chiến lược quan trọng trong khi chờ đợi việc tiêm chủng vaccine đạt được 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng, thì người trẻ cố gắng nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, để tránh lây nhiễm cho những người thuộc nhóm nguy cơ.
- Giữ gìn sức khỏe thể lý khi còn mạnh khỏe, khi trở thành F0 và sau khi lành bệnh COVID-19[6]
Hiện chưa có sách vở hay hướng dẫn hồi phục chính thức nào cho bệnh COVID-19 như các bệnh khác. Một số bệnh nhân COVID-19 gặp tình trạng bị kéo dài các triệu chứng dù đã khỏi bệnh. May mắn là thống kê cho thấy số người bị di chứng không nhiều. “COVID-19 kéo dài” là hiện tượng đang được các nhà khoa học Đông, Tây nghiên cứu. Nhiều bệnh nhân COVID-19, dù nhẹ hay nặng, sau khi khỏi bệnh (xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2) vẫn bị triệu chứng như khó thở, yếu cơ, tâm thần không ổn nhiều tháng.
Shivdasani, một bác sĩ Ấn Độ, cho lời khuyên “ 6 bí quyết” giúp loại bỏ các triệu chứng và hồi phục nhanh hơn trong cuốn sách “COVID và hồi phục sau COVID”. Các lời khuyên hữu ích về dinh dưỡng và lối sống có thể giúp bệnh nhân COVID-19 chữa dứt các triệu chứng còn sót lại và mau chóng hồi phục. Các cách thức này vẫn có thể áp dụng cả cho người bình thường chưa bị bệnh COVID-19, và đang khi trở thành F0 không có triệu chứng.
- Chọn thực phẩm lành mạnh
Trước hết cần giữ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng. Tăng cường protein (đạm), tránh carbohydrate (bột, đường…). Hạn chế tối đa ăn đường – đây là loại thực phẩm gây viêm và ức chế hệ miễn dịch. Tránh các thực phẩm chế biến. Tăng cường ăn chất béo tốt, chế độ ăn có chất béo sẽ giúp bạn không ăn nhiều. Chất béo bão hòa (xấu) làm tăng phản ứng viêm. Chọn chất béo tốt như dầu oliu, dầu trái nho, dầu trái bơ, dầu mù tạt.
Khi đang bệnh COVID-19, nên ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa. Phải cố gắng ăn dù miệng không muốn ăn do có thể mất vị giác khi bệnh COVID-19.
Uống đủ nước.
- Bảo vệ sức khỏe đường ruột
Giữ đường ruột khỏe mạnh bằng cách nuôi dưỡng hệ vi khuẩn tốt chống lại tác nhân lạ, bao gồm virus gây COVID-19. Ăn chất xơ (như tỏi, dâu, hành tây, táo…) và men vi sinh (như yogurt, kefir) sẽ giúp vi khuẩn tốt sinh sôi. Hãy dùng các loại rau và trái cây có màu sắc khác nhau trong bữa ăn.
- Ngủ ngon
Hãy nghe theo nhịp sinh học của bạn, đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày. Ngủ sớm và thức dậy sớm tốt hơn ngủ trễ dậy trễ. Cần ngủ ngon 6-7 tiếng mỗi đêm để giữ hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Hãy vận động
Tập thể dục giúp giảm tình trạng viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Nếu nhà có chút khoảng sân, hãy ra ngoài để hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời.
- Tư duy lạc quan tích cực, tránh căng thẳng, lo lắng
Căng thẳng sẽ làm cơ thể tiết ra các cytokin gây viêm, khiến hệ miễn dịch phải làm việc quá mức. Ngồi thiền và tập thở sẽ giúp giảm nhịp tim, huyết áp và tình trạng viêm, kích thích tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh tốt như serotonin, dopamine.
Những ngày tháng đại dịch này, tôi thường gặp các bệnh nhân đi khám vì các loại bệnh khác nhau, nhưng một điểm nổi bật chung là tâm trạng lo lắng. Biết rằng nỗi lo chính đáng, với lý trí Thiên Chúa ban cho, con người cần có những lo liệu cho đời sống hiện tại và tương lai. Nhưng sau khi đã làm hết sức, hãy phó dâng cho Thiên Chúa, Cha chúng ta trên Trời. Thiên Chúa có nhiều cách tỏ lộ tình thương của Ngài với chúng ta, nhưng ta cần có sự nhạy cảm tinh tế để nhận ra được sự hiện diện chăm sóc yêu thương gần gũi của Ngài qua từng biến cố, sự kiện nhỏ trong đời sống. Khi tình thân của ta đối với Cha trên Trời ngày càng trở nên sâu đậm qua cầu nguyện, ta dễ nhận ra sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự: một lời hỏi thăm ân cần của người thầy thuốc, một bó rau, vài viên thuốc hạ sốt được chia sẻ trong cơn đại dịch, một ánh nhìn thấu cảm, một bắt tay ấm áp, một bông hoa tươi thắm, tiếng chim hót làm lòng lâng lâng, tia nắng lan tỏa vào phòng, cơn mưa bất ngờ giải nhiệt cho thành phố oi bức…
Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi… Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mt 6, 19-34).
- Đẩy nhanh hồi phục bằng bổ sung vitamin
Vitamin D chống oxy hóa và kháng viêm tốt, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Thiếu vitamin D sẽ khiến phổi hoạt động không tốt. Vitamin C thì giúp giảm protein CRP – dấu hiệu thường gặp khi cơ thể bị viêm nặng do COVID-19.
Tình trạng viêm mãn tính ở những người mắc bệnh nền là nguyên nhân khiến COVID-19 trầm trọng. Cần nâng cao sức khỏe và đề kháng của bạn. Chúng ta chưa thực sự kiểm soát được virus nhưng chúng ta có thể cải thiện sức khỏe bằng nhiều phương thức trong tầm tay.[7]
III. Giữ gìn sức khỏe tinh thần, tâm linh
Trong đời sống, tinh thần và thể xác gắn liền mật thiết với nhau. Sức khỏe tốt là khả năng cảm nhận sự thoải mái về hai phương diện thể xác và tinh thần.[8] Thí nghiệm y khoa, đo EEG (điện não đồ) của một em bé sơ sinh, nếu tách rời khỏi mẹ, EEG của bé xuất hiện những đợt sóng rối loạn; cho bé nằm cạnh mẹ, EEG của bé trở về ổn định. Vì thế, thật đau lòng khi những ngày qua, chứng kiến các clip chụp các bé 2, 3 tuổi, trong bộ bảo hộ rộng thùng thình, một mình lủi thủi lên xe cứu thương vào viện, hay một mình ngồi bơ vơ trong bệnh viện. Nước mắt tôi (có lẽ nhiều người khác nữa) đã rơi khi xem các hình ảnh đó. Có lẽ những người có trách nhiệm phải xem xét lại cách xử trí đối với các bé nhỏ bị nhiễm SARS-CoV-2.
Chúng ta cũng kinh nghiệm gặp ngày buồn phiền thì ăn uống khó tiêu, công việc suy tưởng sẽ bị ngưng trệ, ngay cả cầu nguyện cũng khó khăn. Ngày nay khoa học chứng minh được rằng tinh thần và thể xác ảnh hưởng qua lại lẫn nhau một cách chặt chẽ. Những yếu tố tâm lý cảm xúc tác động mạnh mẽ đến hệ thống miễn nhiễm (cơ chế phòng chống bệnh tật chính của cơ thể). Các tình cảm tích cực như yêu thương, yên ổn, thỏa mãn trong công việc và tin tưởng dường như tăng cường khả năng chống đỡ của hệ thống miễn nhiễm, giúp cơ thể tránh được bệnh. Trái lại các tình cảm tiêu cực, âm tính như lo âu, căng thẳng, thất vọng, chán nản…có xu hướng làm suy yếu hệ thống miễn nhiễm, và do đó giảm khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể.[9]
Giữ vững niềm hy vọng
Bài này được viết vào ngày 22/7, lễ kính Thánh nữ Maria Mađalêna. Vị Thánh chỉ mong tìm được xác Thầy, thì lại gặp được chính Thầy đang sống (Ga 20, 11-18). Bên cạnh những điểm tiêu cực không thể tránh do đại dịch mang đến, hãy tìm ra những điểm tích cực do hoàn cảnh đại dịch mang lại để không bị stress. Chúa là nguồn sức mạnh, là ánh sáng, là lẽ sống, là nguồn vui, là niềm hy vọng của cuộc sống người Kitô hữu.
Mới cách đây vài tuần, tôi và hàng triệu khán giả được đánh động bởi ca sĩ Jane Marczewski, nghệ danh Nightbirde, 30 tuổi, bị ung thư phổi, di căn cột sống và gan. Với vài tháng còn lại cuộc đời và 2% hy vọng được sống, cô ấy vẫn hát ca ngợi Chúa, thi American’s got talent tháng 6/ 2021và được Golden Buzzer của vị giám khảo khó tính Simon. Cô ấy nói: “I have a 2% chance of survival, but 2% is not 0%”. Hy vọng thật sự là nguồn sức mạnh. [10]
- Những điều F0 tại nhà cần làm
“Không may thành F0, việc đầu tiên là phải bình tĩnh” (Bác Sĩ Trương Hữu Khanh)
Các số liệu thống kê nêu ở phần I là chứng cứ khoa học để bạn yên tâm nếu bạn bị nhiễm SARS-CoV-2 trở thành F0, và khi bạn không rơi vào nhóm nguy cơ. Bác Sĩ Trương Hữu Khanh- trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cho lời khuyên thiết thực như sau:
Cần bình tĩnh, đừng hốt hoảng, tránh tưởng tượng hoảng loạn.
Có khả năng cả nhà đều bị nhiễm. Khi ấy phải có người trụ cột- dù người này cũng là F0- để động viên các thành viên gia đình với đầy đủ lý chứng y khoa:
Nên nhớ 95% có thể tự khỏi. Trong 10 người nhiễm bệnh thì 8 người nhẹ có thể tự theo dõi và điều trị ở nhà chỉ có 2 người cần đến chăm sóc y tế, nhập viện. Điều quan trọng là bạn phải biết cách tự chăm sóc bản thân và người nhà. Chỉ có 5% thuộc nhóm nguy cơ là cần rất thận trọng.[11]
Bộ Y Tế, CDC và HCDC hướng dẫn cụ thể như sau
- Chuẩn bị
Phòng cách ly: Phòng riêng, thông thoáng, có cửa sổ, phòng vệ sinh riêng. Sử dụng quạt, không nên dùng điều hoà.
Vật dụng cơ bản: điện thoại riêng, đặc biệt, cần trang bị sẵn số điện thoại của cơ sở y tế, số điện thoại của tổ phản ứng nhanh quận, huyện để liên hệ khi cần thiết. Dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, đồ dùng vệ sinh cá nhân, thùng rác riêng, bình đun nước siêu tốc, khẩu trang y tế, găng tay, bát đũa (có thể dùng loại sử dụng 1 lần), bột giặt…
– Bàn hoặc ghế cá nhân đặt trước cửa phòng cách ly để nhận thức ăn và các vật dụng cá nhân cần thiết.
– Quần áo ngâm xà-bông hoặc nước sôi > 50 độ C là đủ giết virus. Người nhận giặt dùm phải đeo găng tay.
– Mang khẩu trang y tế (không cần khẩu trang N 95) thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang 2 lần/ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi vứt bỏ khẩu trang.
– Thường xuyên khử khuẩn tay, hoặc rửa tay bằng xà bông theo đúng quy cách, khử khuẩn hay lau chùi các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo …
– Chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm tránh ngộ độc rồi gây nhầm lẫn với triệu chứng COVID-19.
Thuốc: Hạ sốt, tiêu hoá, dạ dày, tiêu chảy, chữa đau họng, oresol, nước súc họng hay nước muối sinh lý (0,9%) súc miệng, xịt mũi, các loại tăng sức đề kháng nhất là Vitamin C, Vitamin D3.
Thiết bị y tế: Nhiệt kế, máy đo huyết áp, và máy đo oxy trong máu SpO2. Có thể tải App về điện thoại để đo được nhịp thở, SpO2.
- 2. Đối với F0 là trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền không tự chăm sóc cá nhân được thì cần có người hỗ trợ và chăm sóc khi cách ly tại nhà.
- Kiểm tra, theo dõi: chú ý ngày thứ 5 đến ngày thứ 8 là thời kỳ dễ có biến chứng
Đo thân nhiệt: tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt.
Đếm mạch: Vị trí đặt ba ngón tay như hình, bạn sẽ thấy mạch đập dưới tay mình.
– Người lớn mạch bình thường 60-85 lần/ phút.
– Trẻ sơ sinh mạch khoảng 100-160 lần/phút; 0-5 tháng tuổi 90-150/phút; 6-12 tháng tuổi 80-140/phút; 1-3 tuổi 80-130/phút; 3-5 tuổi 80-120/phút; 6-10 tuổi 70-110 lần; 11-14 tuổi 60-90/phút.
Đo nhịp thở: Nằm thư thái 10 phút, đếm số lần lồng ngực phồng lên xẹp xuống trong 1 phút .
– Người lớn nhịp thở bình thường là 16-20 lần/phút,
– Trẻ em nhịp thở nhanh hơn người lớn: trẻ mới sinh 30-50 lần một phút; 0-5 tháng tuổi 25-40 lần; 6 tháng-5 tuổi 20-30 lần; 6-10 tuổi 15-30 lần; trẻ 11-15 tuổi 12-30 lần.
Đo oxy trong máu (SpO2), tùy theo kết quả mà xử lý
– SpO2 > 94% , người bệnh tiếp tục theo dõi 3-4 lần/ngày.
- Điều trị cơ bản
Nếu sốt < 38oC, có thể dùng paracetamol hạ sốt, liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 g/ngày với người lớn. Dùng thuốc hạ sốt cách nhau 4-6 giờ tùy loại. Thuốc hạ sốt có hiệu quả sau 1 giờ nên tránh nôn nóng mà uống quá liều lượng, có thể ảnh hưởng tới gan.
Khi bị sốt không nên nằm lâu một tư thế, có thể nằm nghiêng, sấp, hoặc ngồi thẳng đứng để thay đổi tư thế 2-3 giờ một lần.
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh. Các loại thuốc kê đơn phải do bác sĩ chỉ định.
- Tập thở: rất quan trọng
Thông thường ta chỉ thở phần trên, ít người thở phần dưới của phổi, chỉ có những người tập khí công hoặc yoga mới tập thở phần dưới của phổi. Khi khỏe mạnh, thở phần trên phổi là đủ trao đổi khí rồi, tuy nhiên khi bị COVID-19 phần trên không đủ trao đổi khí thì phải sử dụng tất cả vùng dưới của phổi.
Theo BS Trương Hữu Khanh, bệnh nhân COVID-19 bị khó thở có thể do hai nguyên nhân: do bệnh nhân quá lo lắng, hay do có tổn thương ở phổi. Nếu khó thở do lo lắng, tập thở sẽ giúp bệnh nhân chú tâm vào nhịp thở nên giảm lo âu, sẽ thở được bình thường. Hơn nữa là khi tập thở, toàn bộ vùng phổi phía gần cơ hoành sẽ nở hết ra, giúp phổi trao đổi oxy tốt hơn.
Phương pháp thở bụng (huy động cả cơ hoành)
Dù còn thở bình thường, vẫn tập thở. Nếu bắt đầu có dấu khó thở (như phải ngồi mới thở được, cảm giác hơi ngộp thở), càng phải tập thở.
– Hít vô thật chậm, cho tới khi bụng phình lên
– Rồi thở ra thật chậm như thổi lửa, cho tới khi bụng xẹp xuống
– Ngày làm 2-3 lần, mỗi lần 15-20 nhịp.[12]
Nằm sấp giảm áp lực phổi cho người bệnh COVID-19
Theo BS Trương Hữu Khanh, các bệnh nhân khó thở liên quan đến COVID-19 thì việc nằm sấp rất hữu ích, sẽ vận dụng được tất cả phần phổi ở ở phía dưới. Nằm nghiêng bên phải 30 phút, rồi nằm nghiêng bên trái 30 phút để tất cả phổi hoạt động.
Hướng dẫn tư thế nằm sấp để cải thiện oxy phổi. Ảnh: Bác sĩ Khanh cung cấp[13]
- Khai báo y tếmỗi ngày ít nhất 1 lần qua ứng dụng Khai báo y tế điện tử
- Cần gọi nhân viên y tế khi có một trong các dấu hiệu:sốt > 38oC, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở (khi không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây), khi nhịp thở > 20 lần/phút, mạch > 100/phút hoặc < 50 lần/phút để được hướng dẫn xử trí phù hợp.
- Cần gọi cấp cứu khi có các triệu chứng sau:
Nhịp thở người lớn > 24 lần/ phút
SpO2 < 94%: dấu hiệu khách quan quan trọng, dễ phát hiện bằng cách đo.
Đau thắt ngực, khó thở khi vận động
Không thể nói đủ câu
Lẫn lộn về thời gian, địa điểm
Da xanh, môi nhợt, choáng váng
Không tự đi, cầm nắm, ăn uống được
Lạnh đầu ngón tay, ngón chân
Gọi 115 hoặc 1900 9095 hoặc 1022
- Người chăm sóc
– Trẻ em, người có bệnh nền nguy hiểm, người trên 65 tuổi không nên ở cùng bệnh nhân COVID-19.
– Người chăm sóc cần mặc đồ bảo hộ, khẩu trang và găng tay.
– Bỏ rác thải vào thùng riêng, và xử lý riêng.
– Rửa tay sạch, súc miệng nước muối.
– Bổ sung thêm vitamin C, B1, B6, B12.[14]
– Đối với người chăm sóc, người ở cùng nhà với người mắc COVID-19, phải cam kết với chính quyền địa phương tuân thủ các điều kiện cách ly tại nhà theo quy định. Đồng thời, khai báo y tế điện tử cho bản thân và cho người mắc COVID-19 khi người bệnh không tự khai báo được 1 lần/ngày và khi có dấu hiệu bất thường cần khai báo.
– Thực hành được các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm, biết phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng qua các tài liệu thông tin truyền thông của ngành y tế.[15]
- Nhóm sắp hết bệnh được cho về nhà
Bệnh thường nặng vào ngày thứ 5 (có khi ngày thứ 3) đến ngày thứ 8. Thường giai đoạn này lượng virus trong người bệnh cũng tăng cao, được chứa nhiều trong các giọt bắn. Sau 8 ngày bệnh thường sẽ ổn và lượng virus trong người bệnh cũng giảm thấp; xét nghiệm RT-PCR dương tính với lượng virus rất thấp sẽ được cho xuất viện, đặc biệt trong tình hình hiện nay số ca bệnh tăng vọt cần giường bệnh cho các ca bệnh mới nặng.
– Đã được về không sợ nặng thêm
– Không được ra khỏi nhà, vì tuy lượng virus thấp không nguy hiểm cho bản thân nhưng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác.
– Giữ cách ly như trường hợp F0 đã nêu trên
– Cách thức ăn uống, nghỉ dưỡng, vận động nhẹ, như đã nói ở phần I.
– Thường người bệnh sẽ được thử test RT-PCR lại vào ngày thứ 14. Thời gian sau đó người bệnh an tâm vì đã có miễn dịch. Nếu test RT-PCR (-) ngày thứ 14 được xem như khỏi bệnh và sinh hoạt bình thường.[16]
- Nhóm F0 cách ly tập trung ở “Tầng 1” theo sơ đồ “5 tầng điều trị”
Đây là nhóm F0 không triệu chứng thì cách thức theo dõi, ăn uống, vẫn như các điều đã nói trên đối với F0 theo dõi tại nhà. Đặc điểm của nhóm này cũng như nhóm F0 triệu chứng nhẹ ở các bệnh viện dã chiến (Tầng điều trị thứ 2) là phải chung sống với nhiều người xa lạ, đủ mọi thành phần xã hội nên khá phức tạp.
– Điều đầu tiên vẫn là cần bình tĩnh.
– Giữ tư duy tích cực như đã nói ở Phần I. Giữ đời sống tâm linh, chiêm niệm, cầu nguyện, lần hạt Mân côi để có thêm sức mạnh.
– Ý thức và giữ gìn vệ sinh chung: Sức khỏe của cá nhân là sức khỏe của cộng đồng và ngược lại.
– Cộng tác với bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ. Các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế đã hy sinh xa cách gia đình để chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19, có người thậm chí hy sinh cả mạng sống, vì thế bệnh nhân không nên gây thêm khó khăn vô lý cho nhân viên y tế.
– Có nhiều bệnh nhân cô đơn, lo lắng, nên bạn, dù là F0, vẫn có thể an ủi họ, đem lại niềm vui, bình an và hy vọng cho họ. Lúc ấy, chính bạn sẽ thấy vui hơn, bình an hơn, và mau khỏe hơn.
TẠM KẾT: Bài viết này hoàn thành vào ngày thứ sáu 30/7, tuần 17 Thường niên với đoạn Tin Mừng Mt 13, 54-58 nói về Chúa Giêsu về quê của Ngài, dân làng Nazarét đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công, con Bác Thợ mộc. Khi xưa các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều kẻ đã không tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa chỉ vì Chúa Giêsu sống như một con người. Cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện trong một xã hội đang đầy dẫy đau thương này, trong một Giáo Hội còn nhiều bất toàn. Dường như Chúa thích ẩn mình, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Xin thêm đức tin cho chúng con, để thấy Chúa tỏ mình thật bình thường khiêm tốn giữa lòng cuộc sống.[17] Xin cho các bệnh nhân có được con mắt đức tin để dù hoàn cảnh nào, vẫn phó thác vào tình yêu quan phòng của Chúa, đón nhận Thánh Ý Chúa, cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa.
BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Những ngày cuối tháng 7/2021
[1] ECMO là phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.vinmec.com
[2] Báo Thanh Niên, “TP.HCM: Thêm 4.353 ca Covid-19 xuất viện, 815 bệnh nhân tử vong; 21.338 ca hồi phục”, youtube.com, (28/7/2021).
[3] Sở Y Tế TP HCM, “Chuyển đổi sang mô hình tháp 5 tầng trong thu dung điều trị các trường hợp F0”, medinet.gov.vn, (24/7/2021).
[4] Hân Hồ, “Sở Y tế hướng dẫn F0 chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà”,thanhnien.vn, (29/07/2021).
[5] BS Trương Hữu Khanh, “ Bị nhiễm Covid-19 phải làm thế nào?” youtube.com >, (21/7/2021).
[6] Phần này được trích lại từ bài viết “Vài điều tản mạn Y Khoa trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam”,giaophanmytho.net>, (25/7/2021).
[7] Phúc Long, “6 lời khuyên giúp hồi phục sức khoẻ sau khi hết COVID-19”,tuoitre.vn, (12/07/2021).
[8] Nguyễn thị Hải Phượng biên soạn, Giảm Stress, (Nhà Xuất bản Tổng hợp Tp Hồ chí Minh, 2005), 4.
[9] Bác Sĩ Anthony J. Suttilaro, Living Well naturally (Houghton Mifflin com. Boston, 1986), bản dịch tiếng việt
[10] American’s Got talent 2021, youtube.com
[11] BS Trương Hữu Khanh, “ Bị nhiễm Covid-19 phải làm thế nào?” youtube.com, (21/7/2021).
[12] BS Trương Hữu Khanh, “Bị nhiễm Covid-19 phải làm thế nào?”
[13] Bác sĩ Trương Hữu Khanh, “Không may thành F0, việc đầu tiên là phải bình tĩnh”,vnexpress.net, (27/7/2021).
[14] “Hướng dẫn F0 cách ly tại nhà”, vnexpress.net; Hân Hồ, “Sở Y tế hướng dẫn F0 chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà”.
[15] Hân Hồ, “Sở Y tế hướng dẫn F0 chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà”.
[16] BS Trương Hữu Khanh, “Bị nhiễm Covid-19 phải làm thế nào?”
[17] Lm. Nguyễn Cao Siêu, S.J, “ Đức Giêsu về quê”, hdgmvietnam.com