Lạm dụng tình dục: Các chuyến đi kiểm tra của Rôma ở các giáo phận sẽ diễn ra như thế nào?
Lạm dụng tình dục: Các chuyến đi kiểm tra của Rôma ở các giáo phận sẽ diễn ra như thế nào?
Các giám mục Pháp xin Đức Phanxicô cử một hoặc nhiều đặc sứ đến kiểm việc xử lý lạm dụng ở mỗi giáo phận Pháp. Một quy trình quy mô chưa từng có, dù Tòa Thánh đã có các thủ tục để can thiệp, kiểm tra hoặc phân xử việc xử lý hành vi lạm dụng trong các giáo phận.
Lần can thiệp gần đây của Vatican ở một giáo phận diễn ra từ ngày 28 tháng 5 đến 16 tháng 6 là ở tổng giáo phận Cologne (Đức). Khi đó Đức Phanxicô cử hồng y Anders Arborelius, giáo phận Stockholm, và giám mục Johannes van den Hende, giáo phận Rotterdam làm đặc sứ tông đồ. Nhiệm vụ của họ: “Có được một khái niệm đầy đủ về tình trạng mục vụ phức tạp của tổng giáo phận”.
Được hồng y Rainer-Maria Woelki, tổng giám mục giáo phận Cologne yêu cầu, hai giám chức Vatican đi trước hết là để đánh giá hành động của tổng giám mục và các phụ tá của ngài trong việc xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục của các linh mục. Dù có một báo cáo độc lập đã minh oan rất nhiều cho các giám chức giáo phận Cologne, nhưng giáo phận vẫn bị chỉ trích nhiều, hồng y Woelki khó dập tắt được các cuộc tranh luận. Sau khi điều tra, giáo hoàng đã quyết định minh oan cho hồng y, nhưng chấp nhận để hồng y rút lui vài tháng.
Một thủ tục bất thường và tạm thời
Chuyến đi tông đồ theo dạng này là một thủ tục bất thường và tạm thời do Tòa Thánh quyết định và luôn do một cơ quan có thẩm quyền, ngoài nhóm liên hệ, thực hiện. Chuyến đi có thể nhắm một mục đích cụ thể như lần đi kiểm tra Binh đoàn Chúa Kitô năm 2010, lần đến một đền thánh như chuyến đi Đức Mẹ Mễ Du năm 2018, đến một quốc gia như trường hợp năm 2005 đến các chủng viện Mỹ, hoặc năm 2010 đến Ai-len. Chuyến đi không nhắm đến một cách có hệ thống các vấn đề lạm dụng tình dục, nhưng có thể nhắm đến các vấn đề quản trị khác.
Trong trường hợp nước Pháp, một thủ tục như thủ tục áp dụng ở tổng giáo phận Cologne có thể không phù hợp, nước Pháp có tổng cộng 93 giáo phận mà các giám mục Pháp mong được “viếng thăm” tất cả.
Khi được cử đến, các đặc sứ do Vatican chỉ định – một bộ hoặc chính giáo hoàng chỉ định – và có tất cả các quyền lực cần thiết để thực hiện sứ mệnh của họ một cách đúng đắn. Hơn nữa, tất cả những người của giáo phận hoặc của các cộng đồng liên hệ phải hoàn toàn cộng tác với các đặc sứ, không cố tình cản trở công việc điều tra của họ.
Không có “lực lượng đặc nhiệm”
Trong trường hợp nước Pháp, một thủ tục như thủ tục áp dụng ở tổng giáo phận Cologne có thể không phù hợp, nước Pháp có tổng cộng 93 giáo phận mà các giám mục Pháp mong được “viếng thăm” tất cả.
Khi được hỏi, linh mục Dòng Tên Hans Zollner, chuyên gia trong việc chống lạm dụng tình dục ở Rôma cho biết, cha không biết sự can thiệp của Tòa thánh chính xác thực hiện dưới hình thức nào. Ngài hình dung việc thành lập một “nhóm bên ngoài” có khả năng “kiểm tra” xem các quyết tâm có phù hợp và được thực hiện tốt hay không.
Linh mục Zollner, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên cho biết, Đức Phanxicô sẽ không cần đến một thủ tục can thiệp khác như “Lực lượng đặc nhiệm”. Nhưng nhóm can thiệp đặc biệt này, chống các trường hợp lạm dụng, gần đây đã can thiệp vào Ba Lan và Mexicô sau khi các vụ bê bối được phát hiện ở hai quốc gia này.
Nhưng, như linh mục Zollner giải thích, thực thể này chỉ can thiệp vào các hội đồng giám mục chưa “cập nhật hướng dẫn của họ về việc bảo vệ trẻ vị thành niên”, có nghĩa là các tiêu chuẩn do Đức Phanxicô thiết lập trong tự sắc Các con là ánh sáng thế gian, Vos estis lux mundi năm 2019. “Tự sắc” này của giáo hoàng chính thức thiết lập tất cả các thủ tục mà các giám mục phải thực hiện trong trường hợp có các vụ lạm dụng. Trên điểm này, với báo cáo Ciase và những thông báo gần đây, linh mục Zollner cho rằng “người Pháp đã làm xong việc của họ”.
Được một hồng y hoặc một giám mụcgiám sát
Do đó, sự can thiệp có thể sẽ do một “nhóm độc lập, nhằm đảm bảo các kết quả mang tính khách quan và đáng tin cậy”. Và tiến trình nên được một hồng y hoặc một giám mục giám sát như những lần có chuyến thăm tông đồ đến một giáo phận. Chuyến đi gần đây nhất có lẽ là chuyến đi tông đồ đến Ai-len do Đức Bênêđictô XVI làm năm 2010. Lúc đó ngài đã chỉ định bốn vị “đặc sứ”, hồng y Cormac Murphy-O’Connor, tổng giám mục danh dự giáo phận Westminster, hồng y Sean Patrick O’Malley, tổng giám mục giáo phận Boston. Tuy nhiên, chuyến đi chỉ đến bốn giáo phận Armagh, Dublin, Cashel-Emly, và Tuam để “điều tra sâu hơn” các vấn đề liên quan đến lạm dụng trẻ em.
Cho đến nay chưa ai biết Đức Phanxicô sẽ quyết định chi tiết nào cho nước Pháp và cũng chưa biết khi nào bắt đầu cuộc “kiểm toán” này. Trong trường hợp tổng giáo phận Cologne, hồng y Woelki đã chờ vài tháng trước khi Đức Phanxicô quyết định cử các đặc sứ đi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch