LÀM CHỨNG CHO TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA
THÁNG 2
1/2 Thứ Hai trong tuần thứ Tư Mùa Quanh Năm
Dt 11:32-40; Tv 31:20,21,22,23,24; Mc 5:1-20
LÀM CHỨNG CHO TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA
Người Do thái thời Chúa Giêsu có một cái nhìn rất miệt thị đối với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống dưới ách nô lệ của ma quỷ, do đó cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém gì bãi tha ma. Nhưng đối với Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại không còn nữa. Ngài không chỉ đến với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa. Chính cho dân ngoại mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn cứu độ ấy được thánh Marcô mô tả bằng những hình ảnh rất sống động: Chúa Giêsu trục xuất cả một đạo binh ma quỉ ra khỏi người bị quỉ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển. Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.
Tin mừng cho biết: Người bị quỷ ám, không những bị nó hành hạ, mà còn gây kinh hoàng cho bao người khác. Chúa Giê-su đã giải thoát người bị quỷ ám khỏi các thần ô uế. Cũng thế, ma quỷ không chỉ hành hạ người tội lỗi, người buông theo sự dữ, mà còn gây nên bao hỗn độn bất nhất trong gia đình, trong cộng đoàn.
Để chứng tỏ Chúa Giêsu có một sức mạnh vô song, trước tiên Marcô nhấn mạnh đến tính cách trầm trọng của cơn bệnh mà người bị quỷ ám đã phải chịu. Rõ ràng là bệnh tật, sự ác càng trầm trọng thì người chữa trị càng phải cao tay. Tên quỉ đã bẻ cong được gông cùm và xiềng xích, thì Đấng chế ngự được nó nhất định là phải mạnh hơn. Chúa đã trừ khử được tên quỉ đó, chứng tỏ sức mạnh của Chúa là sức mạnh vô địch.
Hơn nữa việc xua đuổi cả một bầy quỉ cho nó nhập vào đàn heo, làm cho đàn heo chừng hai ngàn con nhảy xô xuống biển và chết ngộp dưới đó, thì đó là dấu chỉ một người được ơn giải thoát đã có ảnh hưởng tới người xung quanh. Vì đối với người Do Thái, heo là con vật biểu tượng của sự ô uế. Sự chết chìm bi thảm của cả bầy heo cũng ngụ ý sự chấm dứt quyền lực của sự ác vốn ngự trị trên miền đất này và càng làm sáng tỏ hơn ảnh hưởng phấn khởi của ơn giải thoát do Chúa Kitô mang lại vậy.
Việc Chúa Giêsu làm phép lạ này ở miền đất của dân ngoại, chứng tỏ sứ mạng của Chúa Giêsu không còn đóng khung trong miền đất của người Do Thái nữa. Ngài đến để cứu vớt tất cả mọi người. Và sau khi Phục Sinh, Chúa còn sai các Tông Đồ đi rao giảng cho muôn dân. Rồi khi các người Kitô hữu đầu tiên ở Jêrusalem bị bắt bớ thì họ đã chạy sang tận bên kia bờ Địa Trung Hải. Tại đây họ cũng đã bắt đầu rao giảng về Chúa cho những cư dân ở đó. Rồi từ đó, Tin Mừng được loan đến cho những nơi khác.
Thế nhưng, sự thành công của Chúa Giêsu dưới cái nhìn của Marcô thật là yếu ớt. Dường như tất cả những người mà Ngài tìm đến đều có thái độ dè dặt đối với Ngài. Chỉ có ma quỉ là kẻ duy nhất biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa Giêsu chiến thắng được ma quỉ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài. Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đương thời của Ngài là một tiên báo vê cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một con người triền miên bị khước từ.
Sau khi được chữa lành, người trước kia đã bị quỷ ám nài xin Chúa cho được ở với Người. Nhưng Người đã không đồng ý và bảo anh trở về nhà loan truyền và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa những người thân yêu của mình.
Chúa Giêsu đã làm ơn cho anh nhưng không muốn giữ anh lại với Người để kẻ chịu ơn phải suốt đời đền ơn đáp nghĩa. Người chỉ muốn ơn ban chảy tràn đến mọi người, qua trung gian của những kẻ đã một lần được yêu thương và chữa lành.
Suy nghĩ về số phận của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại thân phận của người Kitô hữu chúng ta trong trần thế. Là môn đệ Chúa Giêsu, là chấp nhận lội ngược dòng. Không thể đi theo Chúa Giêsu mà lại sống theo triết lý: người ta sao, tôi vậy. Làm chứng cho Ðấng đã từng bị khước từ, người Kitô hữu bị khước từ đã đành, mà ngay cả khi phục vụ một cách vô vụ lợi, họ cũng không hẳn được người đời thương mến. Nói như thánh Phaolô: bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, đó là số phận của người Kitô hữu trong trần thế này.