Làm chứng cho Chúa trong bối cảnh khủng hoảng môi sinh thời đại dịch Covid-19
LÀM CHỨNG CHO CHÚA TRONG BỐI CẢNH KHỦNG HOẢNG MÔI SINH THỜI ĐẠI DỊCH COVID-19
Lm. Giuse Bùi Công Trác
DẪN NHẬP
Chúng ta đang đối diện với đại dịch Covid-19, một cuộc khủng hoảng toàn cầu gây kinh hoàng và lo lắng. Kinh hoàng vì virus Corona đang hoành hành gần như khắp các quốc gia trên thế giới khiến số người nhiễm bệnh và tử vong không ngừng gia tăng. Lo lắng vì đại dịch đã tác động một cách tiêu cực đến mọi mặt của đời sống con người, kéo theo hàng loạt khủng hoảng trong nhiều lãnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường…
Khởi đi từ những gợi ý trong Thông điệp Laudato Si’, Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta hãy lắng nghe tiếng than khóc của trái đất và tiếng rên siết của những người bị bỏ rơi, đồng thời, dấn thân chăm sóc ngôi nhà chung, bằng việc suy tư và hành động “cho một nền sinh thái học toàn diện và cho sự phát triển toàn vẹn của nhân loại”.[1] Lắng nghe, suy tư và dấn thân hành động là những từ khóa được Đức Thánh Cha gợi ý trong Thông điệp Laudato Si’ cũng được nhắc lại trong bài viết này để phác thảo đôi nét chấm phá bức tranh làm chứng cho Chúa trong bối cảnh khủng hoảng môi sinh thời đại dịch.
I. LẮNG NGHE THẾ GIỚI ĐANG THAN KHÓC
Trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta lắng nghe tiếng than khóc của Mẹ Trái Đất,[2] vì con người chẳng những đã sử dụng thiếu trách nhiệm mà còn lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng[3] khi gây ra biến đổi khí hậu, tàn phá thiên nhiên, gây ô nhiễm chẳng những nguồn nước, đất đai mà còn không khí và sự sống… Đó là một tội ác, vì khi chống lại thế giới tự nhiên, con người chống lại chính mình và Đấng Tạo Thành.[4]
Cuộc khủng hoảng môi trường do chính con người tạo ra càng ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tình trạng này càng ngày càng tồi tệ với nền văn hóa loại trừ và vứt bỏ,[5] việc suy giảm phẩm chất đời sống con người và suy thoái xã hội,[6] lối sống thực dụng và tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân và coi con người là trung tâm.[7]
Trong nhãn quan ấy, một nền thần học môi sinh giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện về thiên nhiên như một thiện ích chung, là gia sản của toàn thể nhân loại,[8] về mối liên hệ mật thiết giữa con người với Thiên Chúa và với môi sinh,[9] và về trách nhiệm của mỗi người để bảo vệ gia sản đã được Thiên Chúa trao ban. Trong chiều hướng ấy, để bảo vệ, phát triển và hoàn thiện môi trường sinh thái, cần đưa con người trở lại đúng vị trí và nhấn mạnh vai trò của Người Cha – Đấng Tạo Hóa và chỉ mình Người làm chủ thế giới này.[10] Một nền sinh thái học toàn diện và bền vững phải được xây dựng trên nền tảng tôn trọng phẩm giá con người, dấn thân cho công ích, quan tâm đến những người nghèo nhất và bảo đảm chất lượng cuộc sống con người. Với các tổ chức chính trị, xã hội hay tôn giáo, hai yếu tố cần thiết là việc đối thoại cách chân thành, minh bạch, đồng thời cùng nhau hợp tác hành động bằng những chiến lược phù hợp. Bên cạnh đó, cần giáo dục để mọi người thay đổi não trạng cũ và dấn thân xây dựng một lối sống mới, lối sống hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với toàn thể thụ tạo và thiên nhiên.
II. VÀI SUY NGHĨ VỀ NGUỒN GỐC ĐẠI DỊCH COVID-19
Khi dịch Covid bùng phát vào cuối tháng 11 năm 2019 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc,[11] không ai ngờ rằng đại dịch sẽ nhanh chóng tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, thị trường tài chính biến động, tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp cao chưa từng có trong lịch sử… Ban đầu, các nhà khoa học rất lạc quan vì cho rằng virus Corona ổn định, ít đột biến nhanh nên việc điều trị sẽ không quá khó khăn. Tuy nhiên trên thực tế, virus Corona đã khiến các nhà khoa học đau đầu với những biến thể càng ngày càng mạnh và nguy hiểm hơn.
Theo các nhà khoa học, biến thể SARS-Cov-2 được phân làm ba loại:
– Biến thể đáng quan tâm với các loại: Iota, Kappa, Eta, Lambda và Mu;
– Biến thể đáng lo ngại với các loại: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron;
– Biến thể có hậu quả nghiêm trọng: các nhà khoa học chưa ghi nhận biến thể nào.
Tại Việt Nam, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, biến thể Delta đã làm mưa làm gió khắp nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Về nguồn gốc, phần lớn các nhà khoa học cho rằng virus bắt nguồn từ dơi và lây sang người thông qua một vật chủ trung gian, song vẫn chưa xác định vật chủ đó là gì. Giả thuyết thứ hai cho rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cụ thể là Viện Virus học Vũ Hán. Những cuộc tranh luận này vẫn chưa có hồi kết, bất chấp những cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay truy lùng của tình báo một số quốc gia. Như thế, khủng hoảng đại dịch Covid có thể mang màu sắc chính trị nếu virus không bắt nguồn từ nguồn gốc tự nhiên.
Trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích lại lời của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về các loại vũ khí hóa học, vi sinh và sinh học sẽ gây ra chiến tranh tàn phá môi trường: “Bất chấp các thỏa thuận quốc tế ngăn cấm chiến tranh hóa học, vi trùng và sinh học, thực tế trong phòng thí nghiệm, người ta vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí tấn công mới có thể làm thay đổi sự cân bằng tự nhiên”.[12] Như thế, nếu giả thuyết virus Corona được nghiên cứu như một vũ khí sinh học thì việc rò rỉ virus ra môi trường tự nhiên là một thảm họa, chẳng những cho sinh thái mà còn cho tương lai của con người trên trái đất. Nơi khác, Đức Thánh Cha nói đến năng lượng nguyên tử, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kiến thức về ADN đem lại cho con người sức mạnh vô song và ngài chất vấn: “Tất cả sức mạnh này nằm trong đôi tay ai và sẽ có kết cục thế nào? Thật khủng khiếp khi một bộ phận nhân loại đang sở hữu sức mạnh ấy”.[13]
Cuộc tranh luận về nguồn gốc của virus Corona chưa có hồi kết, nhưng những tác hại do đại dịch gây ra đang ảnh hưởng trên nhiều lãnh vực trong đời sống xã hội khiến chúng ta phải để tâm suy nghĩ.
Khủng hoảng môi sinh do đại dịch gây ra
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thế giới và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Những tác động này sẽ còn ảnh hưởng thế giới trong một thời gian dài, ngay cả khi đại dịch chấm dứt.
Tác động trước hết là đại dịch ảnh hưởng đến cách chúng ta sống và làm việc. Lối sống náo nhiệt với nhiều mối tương quan trước kia được thay thế bằng lối sống khép kín, lo âu và căng thẳng. Thế giới như một ngôi làng toàn cầu với những mối tương quan cởi mở và thân thiện nay được thay thế bằng những cụm từ “phong tỏa”, ‘“cách ly”, ““giãn cách xã hội”, “đóng cửa biên giới”… những cụm từ hiếm khi được sử dụng trước khi đại dịch bùng phát. Theo các nhà tâm lý học, về lâu dài, khi các mối tương quan xã hội bị hạn chế, con người dễ bị căng thẳng, lo âu, hay rối loạn tâm thần, trầm cảm.
Khi thực hiện phong tỏa hay giãn cách xã hội, chất lượng môi trường được cải thiện theo chiều hướng tích cực: không khí trong lành hơn, tỷ lệ lượng khí thải carbon dioxide trở về con số lý tưởng, nồng độ bụi mịn trong không khí không còn là mối nguy cơ đối với sức khỏe con người nữa, mức độ ô nhiễm tiếng ồn thấp chưa từng có, suy giảm hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, những chỉ số lý tưởng này chỉ mang tính cách tạm thời, vì khi hết giãn cách xã hội, chấm dứt phong tỏa, mọi sự sẽ trở lại như trước kia, có khi còn tệ hơn trước.
Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu, tác động đến nhiều lãnh vực. Khi dịch bệnh lan rộng đến đâu thì hệ thống sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa bị đứt gãy đến đó, dẫn đến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đây là một trong những tác nhân gây nên khủng hoảng và suy thoái kinh tế, kéo theo số người thất nghiệp gia tăng, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng xã hội càng nghiêm trọng. Theo dự đoán của các nhà kinh tế, do ảnh hưởng của đại dịch, tăng trưởng thế giới sẽ tiếp tục suy giảm, dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, với nhiều hệ lụy và nợ xấu gia tăng tại nhiều quốc gia.
Một tác động tiêu cực đến môi trường được kể đến trong thời gian hạn chế đi lại và giãn cách xã hội là việc gia tăng sử dụng nhựa và các sản phẩm sử dụng một lần. Bên cạnh đó, trong thời đại dịch, các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp sản xuất và tiêu thụ không bền vững cũng góp phần ảnh hưởng đến môi trường trong thời gian dài. Những vấn đề này có liên hệ cách nào đó với nền văn hóa vứt bỏ mà Đức Phanxicô đề cập đến trong Thông điệp Laudato Si’.[14]
Trong lãnh vực dự phòng và chữa trị, nếu dịch lây lan nhanh với số người bị nhiễm lớn thì hệ thống y tế, ngay tại các nước giàu có và phát triển, sẽ trở nên quá tải, gây khủng hoảng y tế trầm trọng. Những nước nghèo hay đang phát triển, với hệ thống y tế và tiềm lực hạn chế, sẽ khó có thể đương đầu khi dịch bùng phát mạnh. Một vấn đề khác cũng làm đau đầu chính quyền các quốc gia là việc xử lý nguồn rác thải y tế bị nhiễm virus vì là nguồn lây nhiễm đe dọa trực tiếp đến môi trường sống của con người. Chẳng hạn tại thành phố Hồ Chí Minh, rác thải y tế từ các bệnh viện điều trị Covid-19, khu cách ly, bệnh viện dã chiến… trong thời gian cao điểm chống Covid là rất lớn, lên đến cả trăm tấn mỗi ngày, chưa kể khối lượng lớn rác y tế tại các cơ sở y tế địa phương và F0 tại nhà.
Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A, nên việc xử lý thi thể người bị nhiễm bệnh được thực hiện với quy trình nghiêm ngặt nhằm hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm và không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của con người. Thông thường, việc diệt khuẩn, khâm liệm và hỏa táng hay mai táng được thực hiện càng sớm càng tốt, trong vòng 24 giờ kể từ khi người bệnh tử vong. Khi số ca tử vong quá nhiều sẽ gây ra khủng hoảng trong quy trình xử lý. Trong trường hợp này, có khi tử thi bị lưu giữ một thời gian dài hay được xử lý thiếu chặt chẽ ảnh hưởng đến môi trường và có nguy cơ gây lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc khan hiếm quan tài, thiếu nhân viên mai táng và nhiều vấn đề khác phát sinh trong quá trình xử lý, khiến cho khủng hoảng này chưa có hồi kết.
III. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRONG CƠN ĐẠI DỊCH
Chỉ sau vài tháng từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán, virus Corona mau chóng lây lan và hoành hành tại nhiều quốc gia. Ca nhiễm đầu tiên tại Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng Giêng năm 2020, tại Việt Nam ngày 23 tháng Giêng, tại Ý ngày 31 tháng Giêng, tại Vatican ngày 05 tháng 03 năm 2020… Đứng trước mối nguy hiểm, nhiều nước phải áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm cắt đứt nguồn lây nhiễm. Ngày 23 tháng Giêng năm 2020, chính quyền Trung Quốc phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán. Ngày 09 tháng 03 năm 2020, Thủ tướng nước Ý, Giuseppe Conte ra sắc lệnh phong tỏa toàn quốc. Ban chiều cùng ngày, Hội đồng Giám mục Ý đã ra thông báo về việc ngưng toàn bộ thánh lễ trên khắp nước Ý, từ ngày 10 tháng 03 đến ngày 03 tháng 04 để ngăn ngừa virus Corona lây lan. Cứ như thế, hết nước này đến nước khác, chính quyền dân sự thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội. khiến cho các sinh hoạt, từ đời sống xã hội đến tôn giáo, đều bị đảo lộn, gián đoạn hay hạn chế. Nếu nhìn dưới con mắt đức tin, dịch Covid-19 như một dấu chỉ thời đại nhắc nhớ rằng thế giới này đang bị bệnh, nên cần phải được chữa lành.
Khi cả thế giới đang hoang mang lo lắng, chiều thứ Sáu ngày 27 tháng 03 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự giờ cầu nguyện nài xin Chúa gìn giữ nhân loại trước sức tàn phá kinh hoàng của virus Corona. Hình ảnh Đức Thánh Cha cầu nguyện trong Quảng trường thánh Phêrô trống vắng vừa minh chứng đại dịch đã tác động mạnh mẽ thế nào trong đời sống phụng vụ và mục vụ của Giáo hội, vừa là một lời mời gọi mở ra để nên chứng tá trong thế giới, “để đồng hành, nâng đỡ niềm hy vọng, trở thành dấu chỉ hiệp nhất… xây những cây cầu, phá vỡ những bức tường, và gieo rắc những hạt giống hòa giải”.[15]
1. Sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng
Khi các sinh hoạt phụng vụ và mục vụ bị hạn chế, Giáo hội đã sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền tải Tin Mừng cứu độ, nâng đỡ đức tin đoàn chiên và giúp họ vượt thắng cuộc khủng hoảng. Trên khắp thế giới, nhiều linh mục đã sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để cử hành thánh lễ, chia sẻ Lời Chúa hay dạy giáo lý. Trong các tình huống ngoại thường hay đặc thù như trong thời dịch bệnh, nếu sử dụng các phương tiện kỹ thuật trực tuyến và truyền thông xã hội theo đúng chỉ dẫn của huấn quyền, sẽ là cách thế hữu hiệu giúp người tín hữu kín múc dồi dào ân sủng từ suối nguồn Thánh Thể và nâng đỡ họ trong cơn thử thách gian nan. Tại Việt Nam, các giáo phận đều tổ chức thánh lễ trực tuyến, thậm chí cả các thánh lễ bằng tiếng nước ngoài, thánh lễ cho thiếu nhi, chầu Thánh Thể hay lần chuỗi trực tuyến.[16] Ngược lại, nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc dâng lễ hay cử hành phụng vụ trực tuyến có thể sẽ làm mất đi phần nào tính linh thánh của cử hành phụng vụ và không đem lại ơn ích thiêng liêng liêng cho người tham dự.[17]
Trong thời đại công nghệ thông tin, khi xã hội bị phong tỏa, thì các phương tiện truyền thông lại là nơi nối kết mọi người. Trong chiều hướng ấy, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng mời gọi: “Những ngày tháng này, hơn lúc nào hết, chúng ta cần sự hiệp thông cụ thể với nhau. Quý cha và cộng đoàn giáo xứ, các đoàn thể, hãy sử dụng mạng xã hội để kết nối, chia sẻ thông tin, khích lệ nâng đỡ nhau. Mỗi người hãy là dụng cụ cho lòng thương xót của Chúa, hãy là môi miệng của Chúa, đôi tay đôi chân của Chúa”. [18]
Khi tình trạng phong tỏa kéo dài, thiệt hại về đức tin sẽ rất lớn, chẳng hạn tại Việt Nam, dựa vào con số truy cập trên trang Youtube của các giáo phận, số người tham dự thánh lễ trực tuyến ngày thường, nhất là ngày Chúa nhật, không cao nếu so sánh với tổng số giáo dân trong giáo phận. Bên cạnh đó, sinh hoạt giáo lý của giới trẻ và thiếu nhi bị gián đoạn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống đức tin của các em. Trong bối cảnh ấy, có giám mục mời gọi quý cha trong giáo phận cùng suy nghĩ cách thế nào giúp nâng đỡ đời sống đức tin cho Dân Chúa, cách riêng cho thiếu nhi và giới trẻ, khi các sinh hoạt phụng vụ và mục vụ vẫn chưa trở lại bình thường.
2. Canh tân đời sống cầu nguyện
Tại giáo xứ, các sinh hoạt mục vụ đầy ắp trước kia nay bị xáo trộn vì dịch bệnh. Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng nhắn nhủ các linh mục: “Quý cha hãy sử dụng thời gian giãn cách xã hội này như một cơ hội quý báu để canh tân đời sống nội tâm, tựa như một cuộc tĩnh tâm dài ngày tại nhà: dành nhiều thời gian để sống bên Chúa Giêsu Thánh Thể, dâng thánh lễ sốt sắng hơn, đọc Giờ kinh Phụng vụ nghiêm trang hơn, nguyện gẫm lâu giờ hơn, xét mình về lối sống, về tính tình cũng như về các hoạt động mục vụ, đọc một quyển sách, xem một cuốn phim hay… Trong những ngày này, chúng ta không thể nói là không có giờ. Việc phục vụ cộng đoàn vẫn tiếp tục nhưng bằng một hình thức khác: nhớ tới từng cá nhân hay từng gia đình trong giáo xứ và cầu nguyện cho họ, nhất là những cá nhân hay gia đình đang gặp khó khăn. Phục vụ cộng đoàn bằng cách cầu nguyện để nài xin ân sủng cho Dân Chúa chắc chắn còn hữu hiệu hơn các hoạt động với khả năng của con người”.[19]
Quả thật, giữa cơn bão dịch bệnh, hơn lúc nào hết người mục tử cần phải lắng nghe Lời Chúa với một con tim rộng mở, nhìn nhận sự nghèo hèn của chính mình và để Chúa chiếm hữu. Có như thế, khi các sinh hoạt mục vụ bị đảo lộn, người mục tử vẫn có thể nói như thánh Phêrô: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây” (1Pr 3, 6). Có thể nói rằng trong mọi hoàn cảnh, Chúa muốn sử dụng chúng ta như những con người sống động, tự do và sáng tạo, những con người được Chúa chiếm hữu để loan truyền sứ điệp cứu độ cho người khác,[20] có khi không bằng những sinh hoạt mục vụ bên ngoài nhưng là lời cầu nguyện hay những hy sinh âm thầm trong tâm hồn.
Các mục tử cũng có bổn phận giúp cho các tín hữu sống đức tin trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong thời gian dịch bệnh. Khi các cử hành phụng vụ bị hạn chế thì việc cử hành các việc đạo đức bình dân, “một kho báu của Giáo Hội Công giáo”, lại nuôi dưỡng đức tin và mở ra sứ mạng truyền giáo.[21] Chẳng hạn, trong đầu tháng Hoa kính Đức Mẹ, mùng 01 tháng 05 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự giờ lần hạt Mân Côi tại đền thờ thánh Phêrô, khai mạc “Marathon cầu nguyện”, mời gọi mọi người cầu nguyện cho đại dịch mau kết thúc. Tại Việt Nam, có cha xứ tổ chức lần chuỗi Mân Côi hay lần chuỗi lòng Chúa thương xót mỗi ngày vào giờ cố định và mời gọi cả giáo xứ cùng tham gia. Có giáo xứ khi chuông vang lên báo hiệu giờ kinh tối, mọi người ai ở nhà nấy cùng nhau đọc…
Quả thật, khi hoang mang lo lắng, việc cầu nguyện là cần thiết, cấp bách và quan trọng. Cần thiết vì là linh dược chữa lành: “Lạy Đức Chúa, xin cứu chữa con, để con được chữa lành, xin cứu thoát con, để con được giải thoát, vì vinh dự của con chính là Ngài!” (Gr 17,14). Cấp bách “vì con đang lâm cảnh ngặt nghèo” (Tv 31, 10). Quan trọng vì “Không có thầy các con không làm được gì” (Ga 15, 5).
3. Tình liên đới trong đại dịch
Đại dịch đã khiến nhiều triệu người tử vong, đủ mọi hạng người, mọi lứa tuổi, mọi tôn giáo. Bóng đen u ám bao phủ nơi thành thị hay vùng thôn quê, ngoài đường phố hay trong gia đình bằng sự trống rỗng thê lương gây choáng váng và lo sợ. Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã cho thấy tình cảnh thê lương trong giáo phận như sau: “Đã có những linh mục bị nhiễm và tử vong. Nhiều cộng đoàn dòng tu đã có các tu sĩ lây nhiễm, đến nay nhiều người đã khỏi, nhưng cũng có nhiều tu sĩ đã lặng lẽ ra đi. Nhiều giáo xứ có 10, 20 người tử vong. Riêng giáo xứ Bình An trong hai tháng qua đã có 70 người qua đời vì Covid-19. Có khi 2, 3 người trong một gia đình đã chết, có gia đình 2 người chết trong một ngày, có gia đình không còn một ai! Làm sao lòng chúng ta không quặn đau khi chứng kiến những cảnh đau thương này. Làm sao chúng ta có thể cầm lòng khi nhìn thấy trẻ thơ còn lại một mình vì cha mẹ anh chị đã mất vì Covid!”.[22]
Đối diện với bầu khí đen tối ấy, có biết bao nhiêu người đang vẽ nên bức tranh hy vọng bằng sự hy sinh âm thầm, bằng dấn thân không mệt mỏi vì cộng đoàn: từ các bác sĩ đến nhân viên y tế, từ nhân viên công lực đến chính quyền dân sự, từ các nhân viên cung ứng hàng hóa đến đội ngũ chuyên chở, từ các nhân viên vệ sinh đến các nhân viên mai táng, từ các linh mục, tu sĩ đến các tình nguyện viên…
Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Phanxicô cho thấy chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, là một phần của nhau, là anh chị em với nhau,[23] nên phải liên đới và giúp nhau chiến thắng dịch bệnh. Đức Thánh Cha muốn Giáo Hội phải là một “bệnh viện dã chiến” để gần gũi và giúp đỡ các anh chị em đang bị tổn thương thể chất và tâm lý, xã hội và tinh thần.
Tại Việt Nam, ngày 02 tháng 06 năm 2021, Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi mọi người liên đới với nhau, chung tay góp sức, san sẻ công việc với mọi thành phần trong xã hội và Giáo Hội để phòng chống đại dịch.[24] Quả thật, khi các hoạt động mục vụ bị hạn chế, lại là lúc nhiều sáng kiến bác ái đem đến an ủi và niềm hy vọng, lôi kéo nhiều đoàn thể, tổ chức và cá nhân tham gia, như lời Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng nói: “Chúng ta đóng cửa nhà thờ, chứ không đóng cửa lòng”.[25] Tình liên đới nối kết nhiều tấm lòng quảng đại phần nào làm nhẹ bớt những nỗi khốn cùng của anh chị em nghèo khổ, nhất là những người bị bỏ rơi.
4. Làm chứng cho Chúa bằng các hoạt động bác ái
“Việc phục vụ bác ái là yếu tố cấu thành sứ mạng của Giáo hội và là một biểu hiện thiết yếu của chính sự hiện hữu của Giáo hội”.[26] Vì thế, với tấm lòng hiền phụ, Đức Thánh Cha, ngoài việc trợ giúp bác ái nhân danh Tòa Thánh, nhiều lần kêu gọi chính quyền và các tổ chức phi chính phủ cùng chung sức trong cuộc chiến chống Covid. Trong sứ điệp Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên, 01 tháng 09 năm 2020, ngài còn kêu gọi các nước giàu xóa nợ cho các nước nghèo, nhất là các nước đang gặp khủng hoảng về y tế, kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.[27]
Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, nhiều chiến dịch bác ái được tiến hành, từ cấp Hội đồng Giám mục đến các Giáo phận, nhằm hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Việt Nam đã qua bốn lần dịch bùng phát trong cộng đồng.[28] Tuy nhiên, đợt bùng phát thứ tư, với biến chủng Delta đã gây tổn thất nặng nề, chẳng những tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội mà còn khiến nhiều người khốn đốn, nhất là giới lao động nghèo. Khi Sài Gòn trở nên tâm dịch với số lây nhiễm cao nhất nước, ngành y tế quá tải, sản xuất bị đình trệ… Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phát động thư kêu gọi: “Thương quá Sài Gòn ơi!” để mọi người, trong nước cũng như hải ngoại, cùng góp phần thực thi bác ái theo Lời Chúa: “Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10, 8b).[29]
Đứng trước những nhu cầu cấp bách của đoàn chiên, Caritas các giáo phận, các đoàn thể, giáo xứ và dòng tu đã có nhiều sáng kiến mục vụ hữu hiệu và uyển chuyển, nối kết những tấm lòng quảng đại để sẻ chia khó khăn với anh chị em nghèo, đặc biệt các công nhân nhập cư. Những sáng kiến như “Hạt gạo yêu thương”, “Chung tay lan tỏa yêu thương”, “Hạt gạo cho người nghèo”, “Siêu thị mini 0 đồng”, “ATM gạo”, “Đặc sản ATM lướt ống”… đã trở nên những điểm sáng trong vô vàn sáng kiến bác ái nhằm chia sẻ gánh nặng mưu sinh với người nghèo, bất kể lương giáo. Tại các giáo xứ, mạng lưới Caritas hay các đoàn thể công giáo trong giáo xứ trở nên nhân lực nòng cốt để thực hiện các chương trình bác ái, lan tỏa yêu thương, do cha xứ là người điều phối và chịu trách nhiệm. Mỗi xứ mỗi vẻ, mỗi dòng tu một cách thế, tùy theo tài lực, nhân lực hay vật lực mà quy mô bác ái lớn hay nhỏ. Tất cả đều nhằm xoa dịu phần nào nỗi khốn khổ của anh chị em và liên đới với họ trong khó khăn.
Tại Sài Gòn, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng yêu cầu các cha phải biết những gia đình nghèo trong địa bàn giáo xứ mình, đồng thời cố gắng tổ chức và huy động nguồn lực để giúp đỡ họ, bất kể lương giáo. Ngài nói: “Người nghèo khó vẫn có đó, nhưng âm thầm ẩn khuất đâu đó, khó nhận ra nếu không tinh ý; tiếng kêu của họ thều thào yếu ớt, khó nghe được nếu ta không thính tai”.[30]
Bên cạnh các hoạt động bác ái, một số linh mục đã thành lập nhóm “đồng hành thiêng liêng” để lắng nghe, tư vấn và cầu nguyện cho những người bị nhiễm bệnh hoặc làm trung gian để báo tin cho các đoàn thể bác ái giúp đỡ, nếu có ai cần trợ giúp vật chất. Có nhóm quy tụ cả các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, linh mục và tình nguyện viên với mục đích “hỗ trợ người F0 tại nhà”, khi cung cấp các loại thuốc hay thiết bị hỗ trợ, hoặc đồng hành thiêng liêng nhằm nâng đỡ đời sống đức tin của những người đang gặp khó khăn hay khủng hoảng.
5. Dấn thân hỗ trợ ngành y tế
Chứng từ Kitô giáo còn được thể hiện nơi những người đang ở tuyến đầu phục vụ: họ chẳng những là các tín hữu, với ngành nghề chuyên môn, đang vắt kiệt sức mình tại các bệnh viện, các khu cách ly, mà còn là những thiện nguyện viên len lỏi vào tận khu dân cư để góp phần ngăn chặn dịch bệnh. Có những doanh nhân công giáo, dù công việc kinh doanh bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, vẫn quảng đại chia sẻ trong khả năng có thể, cả tài lực lẫn nhân lực, để vẽ nên bức tranh chứng tá tuyệt vời.
Bên cạnh đó tại Việt Nam, chương trình tu sĩ thiện nguyện đã bắt đầu được thực hiện tại các giáo phận, nhất là các giáo phận có nhiều người bị nhiễm, để trợ giúp ngành y tế. Số người tham gia thiện nguyện đã phong phú hơn: linh mục, phó tế, chủng sinh, tu sĩ nam nữ, tu sinh và thỉnh sinh…
Dù thời gian phục vụ của các tu sĩ thiện nguyện chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, nhưng nhìn chung đã có tiếng vang rất lớn cũng như được xã hội nhìn nhận và trân trọng. Về công việc phục vụ hỗ trợ ngành y tế chống dịch, có thể được phân làm hai loại: Phục vụ trực tiếp như chăm sóc các bệnh nhân nặng hoặc hỗ trợ công tác điều dưỡng tại các bệnh viện; Phục vụ gián tiếp như đảm nhận các công tác hậu cần, cấp phát nhu yếu phẩm, lái xe hay những công tác hỗ trợ khác. Nhìn chung, xã hội sẵn sàng đón nhận sự góp phần, dù nhỏ bé và âm thầm, của các tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo. Sau thời gian phục vụ, các tu sĩ thiện nguyện sẽ được cách ly hai tuần tại các cơ sở tôn giáo, trước khi trở lại cộng đoàn. Đây vừa là thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, vừa là cơ hội lắng đọng tâm hồn, lượng giá công việc và bảo đảm không trở nên mối nguy cơ lây nhiễm khi hòa nhập trở lại với cộng đoàn.
TẠM KẾT
Trên đây chỉ là vài suy nghĩ đơn sơ, cùng với mọi người, góp phần vẽ nên bức tranh toàn cảnh của sứ mạng làm chứng cho Chúa trong bối cảnh khủng hoảng môi sinh thời dịch bệnh. Đó cũng là góp phần truyền đi thông điệp hy vọng như lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, vì “Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2Cr 1, 3-5). Niềm hy vọng ấy được thể hiện bằng lời cầu nguyện, bằng sự hiệp thông yêu thương, bằng những giúp đỡ cụ thể… Như thế, dù trong đêm tối cuộc đời, chúng ta vẫn là những chứng nhân sống động của niềm hy vọng, của đức tin và của lòng mến, [31] để mọi người thấy những công việc tốt lành chúng ta làm mà nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên trời (x. Mt 5, 16).
Tôi sẽ tái sinh, bạn sẽ tái sinh.
Khi mọi sự qua đi
Chúng ta lại cùng nhau ngắm sao trời.
Tôi sẽ tái sinh, bạn sẽ tái sinh
Khi giông tố ập xuống trên chúng ta
Khiến ta lung lay nhưng không làm ta gục ngã.
Chúng ta được sinh ra để chiến đấu với số phận Và chúng ta luôn luôn thắng.
Những ngày này, ngày sống của chúng ta bị xáo trộn Nhưng lần này, chúng ta sẽ học hỏi thêm được một chút. Tôi sẽ tái sinh, bạn sẽ tái sinh.
Bầu trời bao la ôm lấy chúng ta
Chúng ta lại xác tín vào Chúa
Nhưng trong thinh lặng, chúng ta hít thở không khí mới
Nhưng thành phố của tôi làm tôi hoảng sợ.
Chúng ta được sinh ra để chiến đấu với số phận
Và chúng ta luôn luôn thắng.
Tôi sẽ tái sinh, bạn sẽ tái sinh… (Roby Facchinetti)[32]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 128 (Tháng 3 & 4 năm 2022)
[1] Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 62: AAS 107 (2015), 871.
[2] x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 1: AAS 107 (2015), 847.
[3] x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 2: AAS 107 (2015), 847.
[4] x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 8: AAS 107 (2015), 850.
[5] x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 22: AAS 107 (2015), 855-856.
[6] x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 43-47: AAS 107 (2015), 863-865.
[7] x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 116: AAS 107 (2015), 894.
[8] x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 95: AAS 107 (2015), 885.
[9] x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 66: AAS 107 (2015), 873.
[10] x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 75: AAS 107 (2015), 877.
[11] Ca nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán ngày 17 tháng 11 năm 2019. Ngày 31 tháng 12 năm 2019, Trung Quốc báo cáo tình hình cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sau đó, dịch lan mạnh sang Châu Âu và Bắc Mỹ khiến Tổ chức Y tế Thế giới, ngày 31 tháng giêng năm 2020 chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp và công bố Covid-19 là “đại dịch” ngày 11 tháng 03 năm 2020.
[12] Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 57: AAS 107 (2015), 870.
[13] Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 104: AAS 107 (2015), 889.
[14] x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’, 22: AAS 107 (2015), 855-856. Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha còn trình bày sâu sắc hơn về nền “văn hóa vứt bỏ” khi con người không chỉ hoang phí thực phẩm hay những đồ vật dư thừa mà còn loại trừ chính con người, với nhiều cách thế, từ thai nhi đến các cụ già, từ người tàn tật đến các hình thức bóc lột và lạm dụng. vì họ không coi nhân vị là một giá trị cao nhất phải được quan tâm và kính trọng (x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Fratelli Tutti, 18-21).
[15] Đức PHANXICÔ, Thông điệp Fratelli Tutti, 276.
[16] Chẳng hạn tại Giáo phận Sài Gòn, ngoài thánh lễ trực tuyến tiếng Việt mỗi ngày, còn có thánh lễ trực tuyến Chúa Nhật bằng tiếng Hoa (giáo xứ Thánh Phanxicô – Chợ Lớn), tiếng Anh (giáo xứ Chánh Tòa Sài Gòn), tiếng Pháp (nhà thờ Mai Khôi dòng Đaminh) và thánh lễ dành cho thiếu nhi. Ngoài ra, còn có Chầu Thánh Thể trực tuyến hai lần trong tuần tại nhà thờ Chánh Tòa.
[17] Tại Việt Nam, ngày 27 tháng 03 năm 2020, Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra thông báo lưu ý những chỉ dẫn cần thiết về trực tuyến Thánh lễ, cả về kỹ thuật truyền thông lẫn kỷ luật phụng vụ, cả về người cử hành lẫn người tham dự, cả về nơi chốn cử hành lẫn những chuẩn bị xứng hợp cho việc cử hành phụng vụ thánh…
[18] Đức TGM GIUSE NGUYỄN NĂNG, Thư mục vụ gởi quý cha và cộng đồng Dân Chúa Tổng Giáo phận, 27.07.2021, 5.
[19] Đức TGM GIUSE NGUYỄN NĂNG, Thư mục vụ gởi quý cha trong Tổng Giáo phận, 31.05.2021, 3.
[20] x. Đức PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, 151: AAS 105 (2013), 1083. Trong thư Mục vụ ngày 31 tháng 05 năm 2021, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng cũng viết: “Quý cha hãy tập cho các tín hữu sống đức tin trong mọi hoàn cảnh: cầu nguyện với Lời Chúa, chầu Thánh Thể cá nhân, lần hạt Mân Côi, lần hạt Lòng Chúa Thương Xót,… Đôi khi ngưng thánh lễ trong thời gian ngắn cũng tốt, vì nhờ đó các tín hữu khao khát Thánh Thể hơn, để sau này khi được dự lễ, sẽ tham dự cách ý thức hơn” (Đức TGM GIUSE NGUYỄN NĂNG, Thư mục vụ gởi quý cha trong Tổng Giáo phận, 31.05.2021, 3).
[21] x. Đức PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, 122-126: AAS 105 (2013), 1071-1073.
[22] Đức TGM GIUSE NGUYỄN NĂNG, Thư gửi gia đình Tổng Giáo phận “Hãy nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta” (Dt 6, 18), 31.08.2021.
[23] x. Đức PHANXICÔ, Thông điệp Fratelli Tutti, 32.
[24] x. Đức TGM GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH, Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch, 02.06.2021.
[25] Đức TGM GIUSE NGUYỄN NĂNG, Thư mục vụ gởi quý cha và cộng đồng Dân Chúa Tổng Giáo phận, 27.07.2021, 4.
[26] Đức PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, 179: AAS 105 (2013), 1095.
[27] x. Đức PHANXICÔ, Sứ điệp Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên, 01.09.2020, 4. Đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha, nhân cuộc họp của các nước G7, bắt đầu ngày 11 tháng 06 năm 2021 tại Vương Quốc Anh, Tổ chức Caritas Quốc tế kêu gọi các nước trong G7 (Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ) tạo điều kiện giảm nợ, xóa nợ hay tài trợ để các nước chậm phát triển có khả năng ứng phó khủng hoảng và phục hồi đất nước sau đại dịch Covid-19.
[28] Lần đầu tiên (23.01-16.04.2020) có 415 người nhiễm, trong đó 309 ca nhập cảnh. Lần thứ hai (25.07-01.12.2020) cao điểm xảy ra tại Đà Nẵng, với 1.136 ca nhiễm và 35 ca tử vong. Lần thứ ba (28.01-25.03.2021) bùng phát mạnh tại Hải Dương. Tổng cộng số người nhiễm là 1.301 người. Lần thứ tư (27.04. 2021) với biến chủng virus mới mau chóng lan rộng gần khắp cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt này.
[29] x. Đức TGM GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH, Thương quá Sài Gòn ơi!, 09.07.2021.
[30] Đức TGM GIUSE NGUYỄN NĂNG, Thư mục vụ gởi quý cha và cộng đồng Dân Chúa Tổng Giáo phận, 27.07.2021, 3.
[31] x. Đức TGM GIUSE NGUYỄN NĂNG, Thư gửi gia đình Tổng Giáo phận “Hãy nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta” (Dt 6, 18), 31.08.2021.
[32] Bài hát “Rinascerò rinascerai” do nhạc sĩ Roby Fachinetti sáng tác khi chứng kiến cơn bão dịch Covid khiến nhiều cư dân thành phố Bergamo bị nhiễm bệnh và qua đời. Trong bầu khí ảm đạm và thê lương ấy, tác giả vẫn thấy ánh sáng hy vọng: khi tin tưởng cậy trông vào Chúa, chúng ta sẽ luôn chiến thắng. Dịch bệnh này chỉ khiến chúng ta dao động nhưng không thể làm chúng ta gục ngã.