KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
6.3Thứ Tư trong tuần thứ Ba Mùa Chay
Đnl 4:1,5-9; Tv 147:12-13,15-16,19-20; Mt 5:17-19
KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định Ngài đến không phải để bãi bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn. Không có tài liệu nào cho thấy Chúa Giê-su ngồi để chỉnh sửa văn bản luật, vậy phải hiểu sự kiện toàn lề luật của Ngài cách nào? Trước tiên, Chúa Giê-su đến để làm cho tất cả những gì mà lề luật và lời các ngôn sứ loan báo về Ngài được trở nên ứng nghiệm, nghĩa là được kiện toàn ở nơi chính đời sống của Ngài. Tiếp đến, Chúa Giê-su không hoàn thiện lề luật theo nghĩa văn bản, nhưng hoàn thiện về tinh thần, làm cho luật thấm nhuần tình bác ái yêu thương – luật luôn khởi đi từ con tim. Như thế, Chúa Giê-su vừa kiện toàn, vừa là gương mẫu, vừa chỉ cho các môn đệ của Ngài phương thế để sống và chu toàn lề luật.
Thánh Gioan Bosco nói với các môn sinh của ngài rằng: “Hãy trung thành giữ luật, luật sẽ gìn giữ con”.
Thật vậy, lề luật nó như cái bản lề để giúp cho cánh cửa cuộc đời được đứng vững.
Chính Đức Giêsu đã trung thành giữ luật cách yêu mến và trung thành. Chỉ khi nào luật không làm cho con người ta tốt hơn, mà ngược lại, nó đè bẹp con người, thì lúc đó Ngài lên tiếng chống đối.
Hai lối hiểu và hai cách giữ luật khác nhau, nên những nhà lãnh đạo Dothái và Đức Giêsu có sự đối kháng kích liệt. Họ cho rằng Đức Giêsu đến để bãi bỏ lề luật, còn Đức Giêsu thì khẳng định: “Các người đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ các lề luật hay các tiên tri. Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Nói cách khác, Đức Giêsu vẫn rất tôn trọng luật Cựu Ước, mà cụ thể là trong Ngũ Kinh, vì ở đó chứa đựng ý muốn và lệnh truyền của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lúc, vì họ đã giữ luật theo kiểu mặt chữ, nên không còn tình thương, lòng mến, và luật đã trở thành phương tiện cho người ta hà hiếp, bóc lột và kết án nhau.
Khi phản đối lối gán ghép tội của các Luật Sĩ và Pharisêu gây ra cho mình, Đức Giêsu khẳng định không những không phá bỏ, mà còn kiện toàn và làm cho luật trở nên nhân nghĩa hơn.
Luật cơ bản nhất, quan trọng nhất trong đời sống con người là luật bác ái. Mọi thể hiện của việc giữ luật không đặt đức bác ái làm nền tảng, thì hành động giữ luật có khi trở nên tàn nhẫn, có khi chỉ là một thứ phương tiện để loại trừ đồng loại quanh mình.
Những người biệt phái, nhất là các luật sĩ, vốn là những người trung thành với lề luật. Họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng phía sau sự trung thành ấy hàm chứa thái độ tự mãn chính mình và soi mói tha nhân.
Tự mãn: Họ cho rằng, trung thành với lề luật là đương nhiên trở nên người công chính. Và như vậy, chỉ có họ là công chính, là người thuộc về Thiên Chúa, người được Thiên Chúa yêu thương.
Soi mói: Họ nhìn những ai không tuân giữ luật lệ theo kiểu của họ bằng cặp mắt khinh dễ, miệt thị. Và vì mang sẵn một não trạng tự tôn về mình, họ luôn dò xét người bên cạnh, thậm chí lên án và loại trừ anh chị em xung quanh.
Ý nghĩa của lề luật và tinh thần giữ luật mà Chúa Giêsu đòi hỏi phải là con đường dẫn người ta đến tình yêu, đến hiệp thông và đỡ nâng nhau.
Vì thế, sự bất cập trong lề luật mà những luật sĩ trong đạo Do Thái thể hiện, đòi phải được kiện toàn. Chúa Giêsu là Đấng làm cho lề luật được hoàn bị. Người muốn chúng ta hiểu rằng, chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể giữ trọn vẹn lề luật và nên công chính. Chính trong ơn Chúa, mà con người phải yêu thương nhau, phải đón nhận và hy sinh cho nhau. Dù là luật nào đi nữa, họ phải luôn nêu cao tinh thần bác ái.
Chúa Giêsu mặc cho tinh thần giữ luật chiếc áo của tình yêu, để từ nay, ai biết giữ luật, người đó phải biết yêu thương. Yêu thương là cốt lõi của mọi lề luật.
Trong câu chuyện bên trên, với thái độ điềm tỉnh nhưng cương quyết, vị tu sĩ già đã dạy ông vua hóng hách bài học của sự yêu thương và tôn trọng người đối diện với mình.
Chúng ta cần sống tinh thần luật như thái độ khôn ngoan của vị tu sĩ trong câu truyện, đừng nhìn người khác bằng cặp mắt chỉ thích đánh giá, thích soi mói, khinh thị như các luật sĩ trong Tin Mừng, hay như nhân vật nhà vua trong câu chuyện.
Là người tín hữu tin và bước đi theo Chúa Ki-tô, chúng ta cũng được mời gọi kiện toàn lề luật nơi đời sống mỗi người. Không phải là viết ra những điều luật mới, mà là nội tâm hóa và làm cho những điều luật, nhất là luật yêu thương mà Chúa Giê-su truyền dạy được trở thành lối sống và phương cách ứng xử của chúng ta. Chúa Giê-su đã chỉ ra những cách sống yêu thương hết sức cụ thể như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, thăm người đau yếu, cầu nguyện cho người ngược đãi, hoặc yêu thương cả kẻ thù… Ngài cũng mời gọi thực hành từ những điều nhỏ nhất, với những người bé nhỏ nhất, như cho họ một ly nước lã cũng làm cho chính Chúa rồi. Lạy Chúa Giê-su, Thánh Phao-lô đã dạy chúng con: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10), xin giúp chúng con biết cụ thể hoá mọi điều Chúa dạy bằng hành động yêu thương bác ái đối với hết mọi người chúng con gặp gỡ trong đời sống hằng ngày.
Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: hãy biết giữ luật trong lòng mến. Trung thành yêu mến luật vì nơi đó Thiên Chúa tỏ bày thánh ý của Ngài. Tuy nhiên, giữa việc giữ luật và đời sống phải đi đôi với nhau. Không thể sống theo kiểu “ngôn hành bất nhất” như Luật Sĩ và Pharisêu, vì họ dùng luật của Chúa để triệt hạ nhau khi luật của Chúa đã bị bóp méo.