Kho Tàng Quí Giá
28 19 X Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên.
Thánh Giu-se Men-ki-o Ga-xi-a Sam-pe-đơ-rô Xuyên (Melchior Garcia Sampedro), Giám mục (U1858), Tử đạo.
Xh 34,29-35; Mt 13,44-46.
Kho Tàng Quí Giá
Có câu chuyện vui như sau: Có hai bố con nọ được nhà vua trao cho một mảnh ruộng để cày cấy mà sinh sống. Một hôm đang cuốc xới trên thửa mộng, ông bô cuốc phải một vật cứng, khi khám phá ra thì đó là một cái cối giã bằng vàng và một cái chày. Ông quyết định đem nộp lại cho nhà vua, vì lòng thật thà và nghĩ rằng ruộng đất này là của nhà vua ban cho. Nhưng cô con gái thì khôn ngoan hơn nói với cha rằng: “Cha đừng nộp cho nhà vua, kẻo nhà vua sẽ đòi cả cái chày nữa”.
Quả thật, đúng như dự tính của cô gái, nhà vua đòi cái chày thì ông trả lời: “Không có, vì chì có bấy nhiêu”. Nhà vua không tin và bắt ông giam vào ngục. Khi nghe biết sự khôn ngoan của cô gái, nhà vua cưới cô làm vợ. Nhưng sống trong một thời gian, không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhà vua nói với hoàng hậu: “Trong 24 giờ nữa cô phải rời khỏi đây và cô có thể mang theo cái gì mà cô thấy quí nhất!”. Cô gái nghĩ dễ thôi, vì là hoàng hậu rồi, nên mới nói với các quan cận thần hầu rượu cho vua uống say rồi lấy vải quấn lại và mang theo về nhà quê.
Tỉnh dậy, nhà vua ngạc nhiên vì không phải mình ở đền vua mà là nhà tranh vách đất nghèo nàn. Nhà vua hỏi tại sao? Hoàng hậu cười đáp: -Vì vua đã cho phép mang cái gì quí nhất thì tôi đã mang theo ông đó.
Đó chỉ là cái khôn ngoan thế gian mà thôi, nhưng luật pháp Chúa mới là sự khôn ngoan của Nước Trời. Hai dụ ngôn ta vừa nghe có cùng một ý nghĩa: Nước Trời rất quý giá nên đáng cho người ta bán tất cả để đổi lấy. Nước Trời quý hơn tất cả, bởi chỉ có Nước Trời mới tồn tại vĩnh viễn, còn mọi giá trị khác, dù là đức vua có quý giá mấy thì rồi cũng sẽ hư mất. Vì “lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì?”.
Trong Tin Mừng hôm nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần như nhau, một lần nữa, Chúa Giêsu muốn đề ra cái nghịch lý ấy: vì Nước Trời, con người phải bán đi tất cả, phải chấp nhận mất tất cả. Thế nhưng Nước Trời là gì? Chúa Giêsu xem ra đã không mất giờ và dài dòng trong những lý thuyết khô khan. Với các môn đệ, Ngài nói như một mệnh lệnh: “Hãy theo Ta” và họ đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Với người thanh niên giàu có, Ngài mời gọi: “Hãy về bán tất cả tài sản, phân phát cho người nghèo, và trở lại đi theo Ta”.
Hãy đi theo Ngài, vì Ngài là tất cả. Hãy đánh đổi mọi sự để được sống với Ngài. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời: nơi Ngài, con người tìm được kho tàng quí giá nhất; nơi Ngài, con người được sống và sống sung mãn. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào”. Các môn đệ được kêu gọi trước tiên để sống với Ngài. Ðược sống với Ngài, đi theo Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống, đó là nội dung đích thực của tư cách làm môn đệ.
Kitô giáo do đó thiết yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát.
Dù sống trong hoàn cảnh nào, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Kitô cũng đều cảm nghiệm được lời tiên báo của Ngài: “Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ”. Không bị bách hại công khai, thì cũng bị chống đối hay loại trừ, đó là số phận của người Kitô hữu.
Thánh Augustino sau bao phen đam mê lạc thú, nhưng cuối cùng cũng đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, linh hồn con khắc khoải sao xuyến cho đến khi con tìm được Chúa”! Và tìm được Chúa như lời thánh Têrêsa Avila nói: -Chỉ có Chúa mới là giá trị tuyệt đối cho mọi cuộc tìm kiếm và một mình Chúa là quá đủ rồi.
Chúa Giêsu khéo léo mượn hình ảnh kho báu và viên ngọc quý, vốn là những gì ai cũng muốn có, để hướng đến một kho báu, một viên ngọc quý giá khác, đó là chính Chúa. Thật vậy, Chúa là kho báu, là viên ngọc quý mà mọi người đều choáng ngợp, và tìm mọi cách “chiếm hữu” cho được. Mọi sự trên trần gian này sánh với Chúa đều vô nghĩa. Các tông đồ đã nhận ra Chúa là tất cả, nên đã sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà đi theo. Các tu sĩ cũng vậy, một khi cảm nhận chỗ đứng tất yếu của Chúa trong cuộc đời mình, đã không thể làm gì khác hơn là rũ bỏ mọi sự để hoàn toàn sống cho Chúa, thuộc trọn về Chúa. Đây cũng là cảm nhận của những ai sau một thời gian đánh mất Chúa, lại tìm được Ngài qua ơn trở lại, như thánh Phaolô, Augustinô, Charles de Foucauld…
Cuộc đời chúng ta cần thiết đó là Chúa Giêsu, kho tàng mà chúng ta tìm kiếm đó là Nước Trời. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sông; để dù khi ăn, khi uống, hay làm bất cứ việc gì, luôn để tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phân đấu, mất mát.