KHIÊM TỐN XIN CHÚA CHỮA LÀNH
30.5 Thứ Năm trong tuần thứ Tám Mùa Quanh Năm
Pr 2:2-5,9-12; Tv 100:2,3,4,5; Mc 10:46-52
KHIÊM TỐN XIN CHÚA CHỮA LÀNH
Thời Chúa Giêsu y khoa chưa phát triển, những bệnh tật về mắt ở thời đó thật là bi thảm, hy vọng chữa khỏi thực tế coi như không có. Người mù chẳng có cách thế phục hồi và sớm muộn phải lâm vào số phận những người đi ăn xin. Việc chữa khỏi mù thời ấy hầu như mang tính chất một cuộc cải tử hoàn sinh. Người ta coi những người mù và phong hủi là những “đại diện ưu tiên” của nỗi khốn khổ của con người.
Trong mọi tập tục tôn giáo, thể thức chữa trị tật nguyền này đóng một vai trò quan trọng. Ở thời Chúa Giêsu, người ta coi đó là dấu chỉ thiên sai. Chẳng thế mà khi người ta hỏi Người có phải thật là Đấng Mêsia không, thì Người đã trưng dẫn việc Người chữa lành những người mù dể làm bằng chứng.
Thánh Marcô thuật lại cho chúng ta việc Đức Giêsu chữa người mù từ mới sinh tại cổng thành Giêricô. Lời kêu van của người mù: “Lạy Con vua Đavít, xin thương xót tôi”, cho thấy dân chúng tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Đấng khôi phục và giải phóng dân tộc. Nhưng khi Đức Giêsu chữa lành cho người mù được sáng mắt, Ngài muốn hướng người ta về sứ mạng đích thực của Ngài là cứu độ muôn dân. Ngài đến để giải thoát nhân loại khỏi đau khổ và tối tăm của sự dữ. Như thế, tin vào Đức Giêsu, con người mới được ánh sáng, được giải phóng và được tự do làm con Thiên Chúa.
Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Nhờ cặp mắt chúng ta có thể nhận biết và tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chúng ta có thể nhìn thấy mọi người, mọi vật. Có những người mù từ thuở mới sinh, hay bị mù do tai nạn, bệnh tật. Họ giống như ngọn đèn bị tắt, suốt đời phải chịu lần mò trong bóng tối, không còn được hưởng ánh sáng mặt trời và những vẻ đẹp của thế tới sự sáng, họ phải buồn phiền khổ cực biết bao. Vì thế, anh mù thành Giêricô hôm nay đang phải ở trong tình trạng đó, anh đau khổ nên anh đã phải tha thiết xin Chúa giúp đỡ: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương xót tôi”.
Hôm nay, nghe biết Đức Giêsu đi qua, anh mù kêu xin Chúa cứu chữa, người ta cấm anh, anh càng kêu lớn hơn. Anh không xin tiền, xin gạo, xin bánh như mọi khi, nhưng xin được xem thấy. Khi nghe tiếng Đức Giêsu gọi, anh vội vàng vứt áo choàng, nhảy chồm về phía Chúa. Lời kêu xin và thái độ của anh chứng tỏ anh tin tưởng sâu xa mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa, chính vì niềm tin này Đức Giêsu đã cứu chữa anh, và khi được sáng mắt anh đã đi theo Chúa.
Mắt là cảm hứng cho thi sĩ làm thơ, cho nhạc sĩ viết nên cung nhạc. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương và nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng đẹp. Trái lại khi nói về mắt, Phúc âm lại nói về đôi mắt mù. Mù đôi mắt thân xác đã bất hạnh, còn mù đôi mắt tâm hồn lại là một bất hạnh lớn. Mù đôi mắt tâm hồn là “mù” mà không chấp nhận mình “mù”, vì nghĩ rằng mình vẫn sáng suốt để nhìn ra Chúa. Nhưng đâu ngờ, đàng sau đôi mắt ấy, có thể chỉ là một màn đêm lạnh lẽo. Một tâm hồn trống trải, buồn tênh. Chẳng buồn nghe và thực thi Lời Chúa nữa.
Ngày nay trên thế giới số người mù về thể xác có lẽ suy giảm đi đôi chút, nhưng ai dám nói số người mù về tinh thần đã giảm đi? Số người “thấy mà xem chẳng thấy” (kinh cám ơn rước lễ xưa) thì rất nhiều. Người ta biết mọi cái trên thế giới, kể cả cung trăng, một số hành tinh và một vài vì sao, nhưng có cái gần nhất người ta lại không thấy, đó là cái “tôi” của mình, là con người của mình, là bản thân mình.
Nói chi đến thực tại siêu nhiên, người ta mù tịt trước những vấn đề thiêng liêng. Anh mù Bartimê đã nhìn ra Đức Giêsu là ai, là Đấng Cứu Thế trong khi đám đông chưa nhìn ra con người thật của Ngài. Họ có con mắt sáng, nhưng lòng họ vẫn còn u tối. Họ cần được Chúa soi sáng cho họ để họ nhìn ra chân lý.
Anh mù đến với Chúa bằng chính thực tại đau thương của mình và trông cậy vào tình thương của Chúa: “Lạy con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi”. Ðây là lời cầu xin của một tâm hồn khiêm tốn và tin tưởng, như Chúa Giêsu đã ghi nhận sau khi chữa lành anh: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Ðức tin nơi anh mù đã giúp anh vượt qua thử thách, người ta càng ngăn cản anh, anh càng kêu to hơn cho đến khi được Chúa nghe thấy và cho gọi anh lại.
Còn chúng ta, những người sáng mắt thì sao? Không những chúng ta phải cảm tạ Chúa, phải quí trọng giữ gìn, bảo vệ tâm hồn nữa. Nếu chúng ta đã lỡ để cho tâm hồn không còn trong sáng vì nhìn xem những hình ảnh xấu… thì chúng ta hãy bắt chước anh Bartimê cương quyết, can đảm và dứt khoát ném áo choàng, đến với Chúa Giêsu trong phép Giải tội để xin Ngài chữa lành, lấy lại ánh sáng tươi đẹp cho đôi mắt.
Liệu chúng ta có đủ khiêm tốn, kiên trì chờ đợi gặp Chúa không? Chúng ta có ý thức mình cần đến ơn Chúa, cần đến tình yêu và sự tha thứ của Chúa không? Như anh mù, chúng ta hãy thưa: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta nhìn thấy những kỳ công Chúa đã và đang thực hiện trong lịch sử nhân loại và trong chính đời sống chúng ta, để chúng ta trở thành bài ca tôn vinh Chúa luôn mãi.