KHIÊM TỐN NHẬN MÌNH LÀ ĐẦY TỚ VÔ DỤNG
Thứ Ba trong tuần thứ Ba Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
Kn 2:23-3; Tv 34:2-3,16-17,18-19; Lc 17:7-10
KHIÊM TỐN NHẬN MÌNH LÀ ĐẦY TỚ VÔ DỤNG
Trong thế giới ngày nay, chúng ta nhận thấy hình ảnh Đức Thánh cha Phanxicô rất thân thương và gần gũi. Nhân loại ca ngợi ngài không phải ở khả năng tri thức vượt trội, cũng không phải vì những triết thuyết cao siêu, hay uy tín vốn được gắn với tước vị Giáo hoàng từ bao đời…! Nhưng người ta kính nể vì Đức Giáo hoàng là một con người bình dân. Ngài sẵn sàng xuống đường để ôm hôn một người dị tật, lắng nghe một em bé đang muốn tâm sự. Ngài cũng khước từ những điều sang trọng cần có đối với một vị lãnh tụ tinh thần của Giáo hội. Ngài cũng không ngần ngại đứng xếp hàng để nhận cơm tại một quán ăn và cũng không có khoảng cách khi cùng ngồi ăn với những công nhân sửa ống nước tại Vatican. Ngài còn là một người sống tinh thần nghèo khó khi lựa chọn những phương tiện đơn giản nhất, hoặc công cộng để di chuyển…
Mẫu gương đó cũng thấm nhuần tinh thần phục vụ đích thực mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong Tin mừng hôm nay: “Sau khi chu toàn phận vụ, các con hãy tự nhận mình là những đầy tớ vô dụng”.
Trang Tin Mừng hôm nay nếu thoảng nghe qua, chúng ta có cảm nghĩ là phi lý, ngược ngạo với lối sống thực tế của chúng ta, đâu ai mà chủ lại đi phục vụ cho đầy tới, chỉ có đầy tớ mới là người phải phục vụ cho chủ.
Nhưng nếu dừng lại ít phút và quy hướng về Thiên Chúa thì chúng ta đồng ý với những lời trong trang Tin Mừng vừa nghe.
Đối với con người thì phi lý, nhưng đối với Thiên Chúa thì lại có lý. Vì có lần Chúa Giêsu đã nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”.
Chúa Giêsu không dạy chúng ta bằng những lời nói suông, trống rỗng nhưng chính Người là mẫu gương để cho chúng ta noi theo. Người là Chúa mà còn hạ mình để phục vụ chúng ta: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.
Bên cạnh đó, thánh Phaolô đã xác tín: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.
Khi dạy các môn đệ, cũng như chúng ta như thế, Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ chúng ta hay xem nhẹ việc chúng ta làm, nhưng Người muốn giúp chúng ta – qua con đường phục vụ vô vị lợi với tất cả tinh thần trách nhiệm và khiêm tốn – sẽ được Thiên Chúa ban dồi dào hồng ân gấp bội.
Vì thế, chúng ta hãy cố gắng sống tốt đúng với tư cách là môn đệ của Chúa. Luôn noi gương Chúa đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ. Luôn yêu mến đời sống đơn giản vì ích lợi cho mình và người khác. Luôn chu toàn bổn phận của mình trong tư cách là người tôi tớ.
Hình ảnh những con người phục vụ đó đang hiện diện ngay tại nơi các giáo xứ. Chúng ta cũng nhận thấy nhiều gương phục vụ âm thầm và khiêm tốn. Tu sĩ, ban hành giáo, quý chức các hội đoàn, các anh chị giáo lý viên, ca viên… phục vụ giáo xứ mà không nhận một đồng tiền lương. Có thể họ còn gặp phải nhiều khó khăn, hiểu lầm, trách móc; tuy nhiên, Chúa ban cho lòng họ chan chứa niềm vui vì vinh dự được trở nên “đầy tớ”. Bởi vậy, vô dụng không phải là không làm được việc gì nhưng là làm việc cách cần mẫn mà không khoe khoang kể công.
Chúng ta là những người môn đệ của Chúa, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu để phục vụ anh em lẫn nhau. Như vợ chồng chăm sóc con cái với trách nhiệm làm cha làm mẹ; vợ chồng phục vụ yêu thương nhau với trách nhiệm làm vợ làm chồng; con cái chăm sóc cha mẹ vì đó là bổn phận và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ mình; những ai đang làm việc thì hãy làm với tư cách là người môn đệ của Chúa, làm với tâm tình phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa giống như Lời Chúa đã nói: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.
Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trong xã hội Do Thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân. Giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ cách vô vị lợi.
Đối với người tín hữu, qua sứ điệp Tin Mừng hôm nay, Chúa khuyên bảo chúng ta hãy có tâm hồn khiêm nhường và khó nghèo, đồng thời phải có tinh thần vị tha vô vị lợi, vì đã lãnh nhưng không thì phải cho nhưng không. Đồng thời phải luôn tâm niệm rằng: “chúng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng”. Đó là tinh thần của người làm việc tông đồ, và đó cũng là tinh thần của những người làm mọi việc vì vinh danh Thiên Chúa.