KHIÊM TỐN – ĐỪNG TRANH LUẬN
Thứ Bảy Thánh Justin, Tđ
Gđt 63:2,3-4,5-6; Mc 11:27-33
KHIÊM TỐN – ĐỪNG TRANH LUẬN
Vào năm 1874, vị thánh tử đạo này lần đầu tiên được đưa vào lịch Giáo triều Rôma. Từ nay, lễ nhớ ngài được mừng cùng ngày với các Giáo hội Byzantin và Maronite.
Justinô sinh tại Flavia Neapolis (Naplouse, vùng Samari) vào đầu thế kỷ II, dòng dõi ngoại đạo và có lẽ gốc Rôma. Niềm khao khát học hỏi thúc đẩy ngài đến với nhiều trường phái triết học (như trường phái khắc kỷ, phái tiêu dao -Péripatéticien, phái Pythagore, Platon). Vì thế ngài đã gặp tại Êphêsô một nhà hiền triết. Ông khuyên ngài nên nghiên cứu Cựu Ước và trách ngài: “Bạn yêu thích nghệ thuật hùng biện. Nhưng chắc chắn bạn không phải là người yêu thích hành động và công lý” (Đối thoại với Tryphon, người Do Thái, 3,3).
Sau khi gia nhập Kitô giáo, khoảng năm 130, ngài đi Rôma. Tại đây, ngài mở một trường học khá nổi tiếng, và trong đám thính giả có Tatien, sau này là Giáo phụ hộ giáo. Chúng ta chỉ giữ lại được ba trong tám tác phẩm của ngài: hai quyển Minh Giáo và tập Đối thoại với Tryphon là tác phẩm lưu giữ các cuộc thảo luận với người Do Thái này.
Về cái chết của ngài, chúng ta chỉ biết qua hạnh sử kể lại cuộc tử đạo của ngài: ngài bị Crescent, triết gia phái Khuyển Nho (Cynigne) tố cáo, và bị chém đầu với sáu môn đệ khác khoảng năm 165, dưới thời tổng trấn Junius Rusticus. “Như thế các thánh tử đạo … đã dùng cái chết anh dũng của mình để tuyên xưng Đấng Cứu độ của chúng ta”
Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, nhóm thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã mở đầu cuộc “đối thoại” bằng lời chất vấn: “Ông lấy quyền gì mà làm điều đó?”. Họ chất vấn về việc Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Dường như Chúa Giêsu “thiếu thiện chí đối thoại” khi Người không chịu trả lời họ nếu họ không trả lời vấn nạn của Người trước đã: “Phép rửa của Gioan do Thiên Chúa hay do người ta?”. Trả lời cho câu hỏi này là điều kiện dẫn đến câu trả lời kia. Những người Do Thái biết điều đó nên họ mới thực sự là thiếu thiện chí khi họ lập kế hoãn binh, lảng tránh câu trả lời của chân lý bằng cách trả lời “không biết”. Sự thiếu thiện chí ấy, một ngày kia sẽ lộ diện thành một thứ “lý kẻ mạnh”: thượng tế Caipha sẽ xé áo mình, nhân danh Thiên Chúa để kết án tử hình Đức Giêsu.
Chúng ta chứng kiến một cảnh đối thoại, nhưng thật ra đó chỉ là một cách gài bẫy để bắt bẻ Chúa: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” Chúa Giêsu nhận thấy thái độ không thành thật của họ nên Ngài hỏi vặn lại: “Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta?” Cách thức trả lời của những kẻ chống đối của Chúa cho thấy họ đã tìm ra giải đáp cho câu hỏi họ đặt ra. Họ không thể chối cãi sự kiện phép rửa của Gioan là từ Trời, do quyền của một vị Tiên tri. So sánh phép rửa của Gioan với những việc làm và những phép lạ của Chúa Giêsu mà họ đã chứng kiến, thì chắc chắn những phép lạ của Chúa hơn phép rửa của Gioan. Do đó, theo lý luận nghiêm chỉnh và và thành thật, những kẻ chống đối Chúa phải biết Chúa đã lấy quyền từ đâu để làm các điều ấy.
Ai tránh né đối diện với sự thật, bóp méo và vặn cong sự thật sẽ phải lâm vào tình trạng vô vọng, phải chịu ngậm miệng mà không thốt được lời nào. Người dám đối diện với chân lý, có thể sẽ phải xấu hổ tự nhận rằng mình sai hoặc có thể phải đứng ra làm chứng cho sự thật, nhưng ít ra tương lai người ấy cũng còn xán lạn, vững mạnh. Kẻ không dám đối diện với chân lý sẽ chẳng còn gì khác hơn là cứ ngày càng chìm sâu hơn vào một tình trạng khiến kẻ ấy phải gặt lấy tuyệt vọng và chịu bó tay chẳng xoay trở gì được.
Khi suy tư về điều này, chúng ta cũng nhận ra bài học cho đời sống đức tin của mình: Để đối thoại chẳng những phải tôn trọng người đối thoại mà còn phải tôn trọng chân lý. Có phải trong gia đình mình, trong cộng đoàn của mình có những sự căng thẳng, xào xáo, đổ vỡ là vì các thành viên cũng đang thiếu tôn trọng lẫn nhau, thiếu tôn trọng chân lý, và đang dùng “lý của kẻ mạnh”?
Mỗi chúng ta hãy đấm ngực mà xét lại bản thân mình, để biết loại bỏ những lời nói, cử chỉ nóng giận, khiếm nhã và thể hiện tinh thần tôn trọng, lắng nghe đối với mọi người nhất là những người nhỏ bé, yếu đuối.
Tinh thần chân thành và đối thoại vốn là tinh thần của Phúc Âm. Là con người hiếu hòa, Chúa Giêsu cũng tỏ ra chân thành và thích đối thoại. Tuy nhiên, khi những người đối thoại với Ngài tỏ ra gian manh, thì Chúa Giêsu lại giữ thái độ yên lặng, như khi Ngài đứng trước Caipha, Hêrôđê, Philatô. Nhưng trường hợp những kẻ đối thoại bắt bẻ điều gì, thì Chúa lại chứng tỏ sự trổi vượt của Ngài. Ngài cũng đáp lại bằng một phương thế khác, khi những người đối thoại muốn gây áp lực để buộc Chúa phải trả lời, như khi họ hỏi Chúa có nên nộp thuế cho Hoàng đế César không hoặc có nên ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình không?
Như thế, câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta?” là câu hỏi để đánh thức lương tâm và kêu gọi đến sự thành thật nơi những kẻ chống đối Ngài. Chỉ những ai chấp nhận đi theo con đường sự thật với lòng chân thành, người đó mới vào được Nước Chúa và được cứu rỗi. Để có thể vào Nước Chúa, những kẻ chất vấn Chúa trong Tin Mừng hôm nay, cần phải canh tân đời sống, cần phải có lòng chân thành, lương tâm ngay chính và tinh thần phục thiện.
Chúng ta hãy nhìn về cuộc sống của mình và xét xem chúng ta đã sống thế nào? Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta nhận biết sự thật, khiêm tốn đón nhận và sống sự thật của Chúa cho đến cùng.