Khiêm nhường và hiền hậu
04 28 Tr Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên.
Thánh Phan-xi-cô thành At-si-si, lễ nhớ.
Gn 1,1-2,1.11; Lc 10,25-37.
Khiêm nhường và hiền hậu
Thánh Phanxicô Assisi là một người nghèo hèn nhưng đã làm bàng hoàng và phấn chấn Giáo Hội, bởi ngài sống sát với phúc âm -không trong ý nghĩa cực đoan, nhưng thực sự sống theo những gì Chúa Giêsu Kitô đã nói và hành động, một cách vui vẻ, không giới hạn và không một chút tự tôn.
Cơn trọng bệnh đã giúp chàng thanh niên Phanxicô nhận ra sự trống rỗng của một đời sống vui nhộn, khi còn là người lãnh đạo nhóm trẻ ở Assisi. Sự cầu nguyện – thật lâu giờ và thật kham khổ – đã giúp ngài trút bỏ mọi sự để theo gương Ðức Kitô, đến độ ngài đã ôm lấy một người cùi mà ngài gặp trên đường. Ðiều đó, nói lên sự tuân phục những gì ngài được thụ khải trong khi cầu nguyện: “Phanxicô! Mọi sự con yêu quý và khao khát qua thân xác, thì đó chính là điều con phải khinh miệt và ghét bỏ, nếu con muốn biết ý định của Thầy. Và khi con bắt đầu thi hành điều này, tất cả những gì đối với con dường như ngọt ngào và đáng yêu, sẽ trở nên quá quắt và cay đắng, nhưng tất cả những gì mà con thường hay tránh né sẽ trở nên thật ngọt ngào và cực kỳ vui sướng”.
Từ thánh giá trong một nguyện đường bỏ hoang ở San Damiano, Ðức Kitô nói với ngài, “Phanxicô, hãy đi xây dựng nhà của Thầy, vì nó đã gần sụp đổ”. Phanxicô trở nên một người hoàn toàn khó nghèo và là người lao động thấp hèn.
Chắc chắn, ngài đã nghi ngờ ý nghĩa sâu xa của câu “xây dựng nhà của Thầy”. Nhưng ngài không bằng lòng chấp nhận việc đi xin từng cục gạch về xây lại nguyện đường hoang phế ấy. Ngài từ bỏ tất cả những gì ngài có, ngay cả đống quần áo ngài cũng trao lại cho cha của mình (là người đòi Phanxicô bồi thường những gì ngài đã cho người nghèo), để ngài hoàn toàn thuộc về “Cha trên trời”. Thời gian ấy, ngài bị coi là một người đạo đức “gàn dở”, ngài đi ăn xin từng nhà khiến các bạn cũ phải buồn rầu và ghê tởm, và bị những người thiếu suy nghĩ nhạo cười.
Nhưng sự thực dần tỏ lộ. Người ta bắt đầu nhận ra rằng, con người này đang cố gắng trở nên một Kitô hữu đích thực. Ngài thực sự tin vào điều Ðức Kitô dạy: “Hãy đi công bố nước Trời! Ðừng mang theo vàng bạc, tiền của trong túi, đừng mang theo bao bị, giầy dép, gậy gộc” (Lc 9, 1-3).
Quy luật đầu tiên của Phanxicô cho những người muốn theo ngài, là thu lượm tất cả những văn bản của Phúc Âm. Ngài không có ý thành lập một dòng tu, nhưng một khi tu hội thành hình, ngài đã bảo vệ và chấp nhận mọi hình thức tổ chức hợp lý cần thiết. Sự tận tụy và tuyệt đối trung thành với Giáo Hội của ngài, quả thật là tấm gương sáng trong một thời đại mà nhiều phong trào cải cách dường như muốn phá vỡ sự hợp nhất của Giáo Hội.
Ngài bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện, và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tầu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.
Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi), ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương thực sự của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.
Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, “Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần”. Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Chúa Giêsu Kitô.
Cuộc sống trần gian của mỗi người, nếu kéo dài thì cũng chỉ hơn trăm năm. Trong đó, từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời, sự đau khổ và vất vả không lúc nào ngưng nghỉ theo đuổi chúng ta. Cho nên, người ta thường nói: đời là bể khổ; ca dao tục ngữ có câu: gánh khổ mà đổ lên non, cong lưng mà chạy, khổ càng chạy theo; hoặc như trong kinh Lạy Nữ Vương: đời là thung lũng nước mắt.
Sống ở đời có nhiều gánh nặng kèm theo sự vất vả với các gánh nặng: bản thân, gia đình và xã hội. Các gánh nặng này không phân biệt một ai: tuổi tác, giới tính, địa vị, giàu nghèo hay đời sống theo ơn gọi.
Trong đời thường, ta thấy con người cảm nhận và đối diện với sự đau khổ thì tùy theo sự nhận thức của mỗi người để rồi chấp nhận sự đau khổ. Có cái khổ, con người rất thấu hiểu, nhưng vẫn muốn lao vào bằng mọi giá, đó là cái khổ vì yêu: yêu thì khổ, không yêu thì lỗ. Thà chịu khổ, chứ nhất quyết là không chịu thua lỗ.
Với Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi: “Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). Đó là còn là một lời nhắn nhủ, một lời khích lệ đầy phấn khởi mà Chúa Giêsu muốn nói với từng người chúng ta.
Nhìn vào thực tại của cuộc sống, khi chúng ta gặp phải “khó nhọc và gánh nặng”, thường là cậy dựa vào sức mình. Nếu chẳng may bị thất bại thì buông xuôi, thất vọng: bỏ cả việc đạo đức và tự đánh mất niềm tin.
Khi nhìn lại cuộc đời. mỗi chúng ta chắc chắn đã có những cảm nghiệm cho riêng mình về cuộc sống hiện tại. Bây giờ hãy nhìn lại:
Khi gặp phải “khó nhọc và gánh nặng”, thì chúng ta có chạy đến với Chúa không? Hoặc là chúng ta có đến với Chúa đó, nhưng đến bằng thái độ, tâm trạng và phong cách nào?
Và rồi mỗi chúng ta cần và xác tín rằng rất cần chạy đến với Chúa nhiều hơn, nhưng nên nhớ rằng, Chúa Giêsu mời gọi: “Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi”, chứ Người không nói: Người sẽ cất gánh nặng cho chúng ta.
Như thế, chúng ta phải có sự nỗ lực, phải cố gắng làm việc bằng sự tích cực và thiện chí. Nhờ đó, Chúa sẽ thêm sức để chúng ta vươn tới mục đích. Nên nhớ rằng, đừng bao giờ ngồi đó mà than thân trách phận, hoặc chỉ cầu xin cách thụ động là đủ.
Khi chúng ta sống trong ơn nghĩa với Chúa, mà gặp phải “khó nhọc và gánh nặng”, chúng ta có cảm nghiệm được sự “êm ái và nhẹ nhàng” hay không? Nếu không, thì tại sao? Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta hãy điều chỉnh, hãy thực hành và cùng nhau chia sẻ những cảm nghiệm của mình.
Chúa Giêsu không đòi chúng ta làm những điều quá sức, Ngài chỉ muốn chúng ta hãy đến với Ngài: Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến, ta sẽ nâng đỡ, bổ sức cho. Ngài muốn chúng ta gắn bó với Ngài dù lúc vui hay lúc buồn, dù thành công hay thất bại. Ngài muốn chúng ta thường xuyên trò chuyện, tâm sự với Ngài qua việc đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày. Ngài muốn chúng ta sống theo Tin Mừng của Ngài, qua giới luật của Ngài, vì Ngài không thể đành lòng nhìn chúng ta đi vào con đường chết chóc, bất hạnh. Sau cùng, Ngài muốn chúng ta để cho Ngài đi vào trong tâm hồn qua việc Ngài mời gọi chúng ta đón rước Ngài mỗi ngày. Ngài sẽ là lương thực nuôi sống và bồi bổ cho cuộc đời chúng ta và bảo đảm cho chúng ta được hành phúc đời đời.
Chính nơi Bí tích Giải tội, chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu tha thứ của Chúa, đụng chạm được trái tim nhân từ của một người cha ; và nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự nâng đỡ của một người mẹ, sự an ủi gần gũi của một người bạn. Xin cho chúng ta luôn tin tưởng đến với Chúa để biết rằng mình được Chúa yêu thương. Amen