KHIÊM NHƯỜNG NHƯ THÁNH PHANXICO
4.10 Thứ Sáu Thánh Phanxicô thành Assisi, Tu Sĩ
G 38:1,12-21; Tv 139:1-3,78,9-10,13-14; Lc 10:13-16
KHIÊM NHƯỜNG NHƯ THÁNH PHANXICO
Đức Giêsu ca tụng đường lối của Cha, Ngài mặc khải cho những người bé mọn. Những người “khôn ngoan thông thái” thường tự mãn cậy sức mình, nghĩ mình đã ngon cơm, lấy mình làm đủ đầy không cần người khác, “Tôi không như người thu thuế kia…” Một khi con người tự mãn vì sức riêng, cảm thấy đủ khôn ngoan hiểu biết, đủ nhân đức, đóng kín cửa lòng thì đâu cần đến Đấng Cứu Độ? Các ông Kinh sư và Pharisêu ngày xưa như những chuyên viên Kinh Thánh, mà chẳng nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ đấy thôi!
Còn những “người hèn mọn” là người khiêm nhường thật, biết làm nhỏ đi cái tôi, nhận thấy thực trạng thế giá thật của mình. Đức Maria, người Nữ Tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa; bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng; các môn đệ ít học… Thánh Phanxicô Assisi ta mừng kính hôm nay, thánh Đa Minh, thánh Têrêsa Hài Đồng dám buông mình trong tay nhân lành Chúa… Tất cả đều sẵn sàng mở rộng lòng mình, đón Chúa vào cuộc đời mình, phó thác tin tưởng, cậy dựa hoàn toàn nơi Chúa và lấy Chúa là niềm vui hạnh phúc ngập tràn của lòng mình. Càng mở rộng lòng ra, ta càng đón nhận được ơn mặc khải của Chúa, càng thấy và “biết” nhiều hơn, trong khi những người “thông thái” có khi “trố mắt” nhìn mà chẳng thấy chi, lắng tai mà không nghe được gì. “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” “Biết” ở đây là cái biết bên trong, biết bằng con tim chứ không phải thông hiểu kiến thức hay biết bề ngoài. Biết rõ và cảm nhận được trong tình yêu tha thiết và lòng muốn khát khao.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” Đức Giêsu mời gọi tất cả những ai đời nhọc nhằn khốn khó hãy đến với Người, để tâm hồn được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hai nguồn mạch cung cấp sự nghỉ ngơi dưỡng sức này là Lời Chúa và Thánh Thể. Nếu ta biết khát khao tìm đến và “ở lại” sẽ tìm được sự an dưỡng thực sự. Mọi gánh nặng sẽ trở nên nhẹ nhàng vì lòng yêu mến. Khi yêu người ta quên cả đớn đau, không lấy làm khó nhọc nặng nề nữa dù phải trải qua khó khăn vất vả. Hãy ở lại trong Chúa mà kín múc tình yêu, vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Phanxicô Assisi, ngài đã chọn cuộc sống hèn mọn, khó nghèo và trở nên hình ảnh sống động của Chúa, Đấng luôn mặc khải cho những người bé mọn. Ngài là mẫu gương khiêm nhu thanh thoát, sống quên mình, mà Chúa đã dùng để diễn tả tinh thần của các mối phúc. Đức Thánh Cha Phanxicô khi vừa nhận chức, ngài đã chọn danh hiệu Phanxicô, vì ngài rất ngưỡng mộ gương thánh thiện và lối sống nghèo khó của thánh nhân. Xin Chúa cho chúng con biết sống đơn sơ, phó thác và hiền hòa, noi theo gương thánh nhân mà thiết tha gắn bó, hăm hở bước theo Chúa với lòng chan chứa an vui và đầy tràn tình yêu mến.
Chúng ta đã từng biết thánh Phanxicô Assisi là mẫu gương sống động về phương thức tốt nhất canh tân Giáo hội là sống thánh thiện, hệ tại sự can đảm trở về Tin Mừng và phải bắt đầu từ chính mình. Trong bài suy niệm này tôi muốn suy tư thêm về một phương diện trở về Tin Mừng, về một nhân đức của thánh Phanxicô. Theo Dante Alighieri, tất cả vinh quang của thánh Phanxicô tùy thuộc việc ‘Ngài hạ mình nên bé nhỏ’, chính là khiêm nhường. Nhưng sự khiêm nhường của thánh Phanxicô hệ tại điều gì?
Trong các ngôn ngữ Thánh Kinh như Do thái, Hy lạp, La tinh và Anh văn, ‘khiêm nhường’ có hai ý nghĩa nền tảng: nghĩa khách quan cho thấy sự hạ mình, bé nhỏ hay nghèo nàn và nghĩa chủ quan cho thấy sự cảm nhận tình trạng bé nhỏ của mình. Chúng ta hiểu nhân đức khiêm nhường theo nghĩa chủ quan.
Trong lời Magnificat Đức Mẹ Maria nói: ‘Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới’, Mẹ thưa sự khiêm nhường theo nghĩa khách quan, chứ không theo nghĩa chủ quan. Do đó rất thích hợp từ ngữ được dùng trong nhiều ngôn ngữ là ‘phận hèn mọn’, chứ không là khiêm nhường. Hơn nữa ai cũng thấy rằng một khi Đức Maria ca ngợi sự khiêm nhường của mình và cho rằng Thiên Chúa chọn mình thì chính việc ấy tiêu hủy sự khiêm nhường của Mẹ. Và tạm thời giả như Đức Maria không nhìn nhận nơi mình nhân đức nào khác ngoài sự khiêm nhường như thể Mẹ đề cao mình thì chính việc ấy lại không phải là sai lầm trầm trọng về nhân đức ấy sao?
Nhân đức khiêm nhường có sắc thái đặc biệt: nó có nơi người nghĩ mình không có, và không có nơi người nghĩ mình có. Chỉ một mình Chúa Giêsu có thể công bố mình ‘có lòng khiêm nhường’ và thật sự là như vậy. Chúng ta sẽ thấy đó là đặc tính duy nhất của đức khiêm nhường nơi Thiên Chúa – làm Người. Vậy Đức Maria không có đức khiêm nhường sao? Mẹ chắc chắn là người khiêm nhường, khiêm nhường sâu thẳm, nhưng chỉ Thiên Chúa biết, còn Mẹ thì không biết. Thực sự rõ ràng điều ấy làm nên giá trị tuyệt vời của đức khiêm nhường: đó là hương thơm đức khiêm nhường chỉ được đón nhận từ Chúa, chứ không từ người đang tỏa lan hương thơm ấy. Thánh Bênađô viết: ‘Người khiêm nhường thật muốn mình được coi là thấp hèn, chứ không muốn được tuyên bố là khiêm nhường’.
Lòng khiêm nhường của thánh Phanxicô thuộc hướng ấy. Trong nhãn quan này, tập Những Bông Hoa Nhỏ đề cập tới một giai đoạn có ý nghĩa và trong cốt lõi của nó, thực sự mang tính lịch sử.
“Một lần kia khi thánh Phanxicô trở về từ cánh rừng sau khi cầu nguyện, trên đường, người anh em Masseo muốn thử xem ngài khiêm nhường thế nào, nên vừa gặp ngài, Masseo hỏi giọng như khiêu khích: ‘Tại sao theo, tại sao theo, tại sao theo?’ Thánh Phanxicô đáp: ‘Bạn muốn nói gì vậy?’ Masseo nói: ‘Con nói tại sao cả thế giới theo thầy, và xem chừng ai cũng muốn trông thấy thầy, nghe thầy, và vâng theo thầy? Thầy không phải là người có thân hình đẹp đẽ, không giỏi giang, không quyền quí, vậy tại sao ai cũng muốn theo thầy?’ Nghe vậy, thánh Phanxicô quay sang Masseo, rất vui tươi nói: ‘Bạn muốn biết tại sao, muốn biết tại sao, muốn biết tại sao cả thế giới theo thầy? Điều ấy dạy tôi rằng ánh mắt cực thánh của Chúa không nhìn thấy giữa các tội nhân một ai thấp hèn, khốn khó hay tội lỗi nặng nề hơn tôi’.
Lòng khiêm nhường của thánh Phanxicô được tỏ lộ từ hai nguồn, từ tính chất thần học và từ tính chất Kitô học. Ta cùng tập trung vào nguồn thứ nhất. Chúng ta nhận thấy trong Kinh Thánh những hành vi khiêm nhường không đến từ con người, từ sự coi mình khốn cùng hay tội lỗi, nhưng duy nhất từ Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người. Tỉ như tiếng Tiên Tri Isaia thốt lên, ‘Tôi là người môi miệng ô uế’ khi bất ngờ chứng kiến sự tỏ hiện vinh quang và thánh thiện của Thiên Chúa trong thánh điện (Is 6, 5); cũng tựa như thánh Phêrô thưa lên Chúa Giêsu sau mẻ cá lạ lùng: ‘Xin Thầy xa con, vì con là kẻ tội lỗi’ (Lc 5n8)
Chúng ta đang đi vào điểm cốt lõi của khiêm nhường, tình trạng mà tạo vật ý thức về mình đứng trước Thiên Chúa đang hiện diện. Khi người ta đo đạc mình với bản thân, với người khác hay với nhân quần xã hội, người ta chẳng bao giờ có được ý tưởng chính xác mình là ai vì thiếu chuẩn mực. Triết gia Kierkegaard viết: ‘Quả là một dấu ấn vô biên khắc ghi trong chủ thể vào lúc người ấy lấy Chúa làm chuẩn mực!’Thánh Phanxicô khiêm nhường trong tính chất này cách đặc biệt. Một lời ngài rất thường lặp lại: ‘Trước Thiên Chúa, con người có là chi, có chăng là có đó và chẳng có gì hơn nữa