KHIÊM NHƯỜNG
27.2Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mùa Chay
Is 1:10,16-20; Tv 50:8-9,16-17,21,23; Mt 23:1-12
KHIÊM NHƯỜNG
Nói đến việc giữ chay, có lẽ bên Công Giáo giữ chay tương đối ít! Các tôn giáo khác họ giữ chay nhiều khi cả tháng, hay có người giữ chay cả cuộc đời!
Luật của chúng ta chỉ buộc giữ chay có hai ngày: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng biết bao người đã so đo, tính toán thiệt hơn, coi việc giữ chay là chuyện nặng nề, mệt nhọc… Sống đạo như vậy là hình thức, là cái vỏ, còn trong thực tế không có gì cả! Chúng ta trung thành từng chi tiết nhỏ của luật, nhưng không hề có chút tâm tình hay có hồn trong đó!
Vì thế, nhiều người tham gia rất nhiều đoàn thể, lễ hội, nhưng điều quan trọng là sống bác ái, yêu thương, nhân hậu và công bằng thì họ lại không hề mảy may quan tâm!
Trong cuộc sống hàng ngày, người Ki-tô hữu thường xuyên bị cám dỗ tôn thờ Thiên Chúa một cách hình thức, giả tạo còn trong lòng trí thì ở xa Ngài; các tín hữu còn bị cám dỗ bằng lòng với việc giữ đạo cách tối thiểu chỉ để lương tâm cảm thấy yên ổn…
Chúa Giê-su nói về những người biệt phái và luật sĩ. Họ nói nhiều nhưng làm ít hoặc chẳng làm gì hết; họ nói những lời tốt lành nhưng lại làm những điều xấu xa; họ lo chăm chút dáng vẻ bề ngoài cho người ta thấy mình đạo đức mẫu mực nhưng lòng họ thì hám danh, thích phô trương và tham lam.
Chúa Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Ngài: Những gì họ nói, đều là nói lời Thánh kinh, nên hãy nghe theo. Nhưng những việc họ làm thì mâu thuẫn với những lời họ dạy, cho nên đừng bắt chước những việc họ làm.
Qua đó, Chúa Giê-su nhắn nhủ những ai có trách nhiệm dạy bảo người khác phải sống và thực hành giống như những điều mình nói, với thái độ khiêm tốn và tận tình phục vụ (x. Mt. 23,11-12).
Chúa Giêsu vạch mặt chỉ tên những người Pharisêu giả hình. Họ thuộc hạng phô trương, hình thức, khoe mẽ. Họ giữ luật từng chi tiết, nhưng đời sống của họ thì không hề có chút tình thương nào cả! Ngài nói: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào; họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”. Và Đức Giêsu cảnh báo: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.
Chúa cảnh cáo là tội ích kỷ tự cao, chỉ sống cho mình, mình là hơn hết. Cái tôi lúc nào cũng to tướng kềnh càng. Khi cầu nguyện đứng phơi ra phố xá (Mt 6,1-6.16-18), ăn chay thì rầu rĩ làm bộ đói lòng, mặc áo xúng xính tua rua. Đi tiệc ngồi chỗ nhất (c.1-12), ở hội đường, ngồi vào ghế danh dự. Tất cả tố cáo một tâm hồn tự cao quá mức.
Nói tới tự cao hay kiêu ngạo, có lẽ trong lòng chúng ta cho rằng: cái này thì có lẽ mình không có, hay nếu có thì cũng chỉ sơ sơ chút ít vậy. Ước chi lời đó đúng sự thật. Nhưng biết đâu, chính sự không nhận biết mình kiêu ngạo lại là dấu mình kiêu ngạo. Kiêu ngạo là yêu mình quá độ, thích coi mình hơn kẻ khác. Kiêu ngạo là phóng đại sự quan trọng của mình và coi mình nhưj một thứ trung tâm, là rốn vũ trụ, là thước đo cho mọi người phải kính nể tuân phục.
Nguyên chất kiêu ngạo là thế nhưng nó mặc nhiều hiểu áo khác nhau. Chẳng hạn xét đoán xấu cho ai gọi là lỗi điều răn thứ VIII hay V về công bằng bác ái, nhưng đầu mối cũng là kiêu ngạo, vì thực ra xét đoán ai là tự đặt mình lên trên kẻ bị xét đoán, tự đặt mình lên trên họ. Rồi chẳng hạn khinh dể, nói hành, rỉ tai, bắn xấu, bới xấu kẻ khác… vì khi làm như thế là ta muốn họ phải sút kém, phải gặp cảnh bèo hết nước cúi lạy mà cắn cỏ xin thua. Có thể nói hầu hết các tội và các nết xấu đều phát sinh bởi kiêu ngạo hay ít ra có liên hiệp với kiêu ngạo.
Kiêu ngạo không những có một phạm vi rộng lớn trong các tội mà nó còn có một đặc điểm riêng mà chỉ mình nó mới có. Đó là nó dám lẻn vào cả những việc lành phúc đức. Đi nhà thờ, rước lễ, bố thí… là những việc lành. Nhưng không khéo những việc ấy trở nên vô ích. Ở đảo Bahur người ta tìm được viên hồng ngọc to và chiếu sáng tuyệt trần. Cả dân làng chài đó vui mừng. Nhưng rồi một hôm đến xem chỉ còn một khối bụi vì một con sâu đã đục khoét làm hư hỏng hết. Con sâu kiêu ngạo. Biết bao việc lành bác ái truyền giáo đã bị hư hỏng vì Kiêu ngạo.
Khiêm nhường để hiểu rằng phẩm trật và quyền bính chỉ là khí cụ để phục vụ anh chị em mình tốt hơn, là cách thế để trở nên giống Đức Kitô hơn.
Khiêm nhường chính là nhân tố kiến tạo sự hiệp nhất trong Giáo hội – nhiệm thể Chúa Kitô – giúp mọi người thoát khỏi cám dỗ về chia rẽ, cám dỗ về tranh chấp quyền lợi, cám dỗ về danh vọng quyền lực, và luôn coi trọng người khác hơn mình…(x. Pl 2,1-5)
Khiêm nhường là biết chấp nhận sự thật. Cho dù chấp nhận sự thật là điều rất khó thực hiện. Vì sự thật đòi hỏi mỗi người phải suy xét lại cách sống của mình, và đòi hỏi lựa chọn một cách sống mới, tích cực hơn cho bản thân người biết khiêm nhường.
Chúng ta đang sống trong những tuần đầu của Mùa Chay, mỗi người Kitô hữu được mời gọi hãy hoán cải để nhận ra sự kiêu ngạo, khoe khoang, hình thức bấy lâu nay. Từ đó, hãy lo sám hối và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đồng thời biết khiêm tốn để Lời Chúa được thấm nhập vào trong tâm hồn của mình, ngõ hầu chúng ta sẽ trở thành người có Chúa và loan truyền Chúa cho anh chị em mình bằng chính đời sống khiêm tốn, phục vụ.
Khiêm nhường giúp mỗi người thành thật hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa, và trước mặt anh chị em mình là hình ảnh Thiên Chúa; hoặc đang là người đại diện Thiên Chúa…để từ đó biết tôn trọng người khác hơn chính bản thân mình.
Hiện nay, có nhiều người mắc hội chứng sao, hội chứng nổi tiếng. Họ không ngại dùng bất cứ chiêu trò nào, kể cả những việc gây sốc, tạo xì-căng-đan để gây chú ý, để được nổi trội, để được nổi tiếng…
Còn lối sống của người Kitô hữu thì sao ? Có dám đi ngược lại lối sống như hiện nay không ? Có dám sống như Chúa Giêsu dạy: Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai sống khiêm hạ thì sẽ được tôn vinh hay không ?
Chúa Giêsu đã đưa ra lối sống đẹp mà chính Người là mẫu gương cho chúng ta qua chính cuộc sống của Ngài: sống khiêm nhường và hiền hậu (Mt 11,29); nêu gương tự hạ mình trong mầu nhiệm nhập thể, chấp nhận sống như phàm nhân, và chết tủi nhục (Pl 2,6-8)…
Đối lập với xã hội hôm nay, người ta mải lo thâu tóm của cải và quyền lực để khẳng định mình quan trọng và tìm cách cai trị người khác; thì Đức Giêsu đang mời gọi chúng ta làm chứng nhân cho Ngài bằng đời sống thánh thiện, vui tươi và tinh thần khiêm tốn phục vụ âm thầm như muối, như men giữa lòng đời.