Khiêm nhường
30 25 X Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên.
(Tr) Lễ Đức Mẹ ngày thứ Bảy.
Rm 11,1-2a.11-12.25-29; Lc 14,1.7-11.
Khiêm nhường
Trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại việc Chúa Giêsu nhân dịp dự bữa tiệc tại nhà một người biệt phái và quan sát thấy người ta tranh dành nhau chỗ nhất- đã dùng dụ ngôn để dạy bài học về sự khiêm nhường.
Khi kể dụ ngôn như thế, Chúa Giêsu không có ý đưa ra bài học về phép lịch sự, nhưng Ngài chỉ muốn nhân cơ hội này lập lại bài học khiêm nhường mà Ngài thường xuyên giảng dạy: “những kẻ bé mọn sẽ trở nên cao trọng”, “nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, anh em sẽ không được vào Nước Trời”…
Chắc hẳn khi viết đoạn Tin Mừng này, Luca đã liên tưởng đến những cộng đoàn phụng vụ, trong đó khi người ta tụ họp lại, những vấn đề về giai cấp, giàu nghèo đã nảy sinh. Chính thánh Giacôbê cũng đã gặp vấn đề đó trong cộng đoàn của mình (Gc 2, 2-3).
Đó là một thực tế không chỉ xảy ra trong xã hội Do Thái, thời Chúa Giêsu, trong cộng đoàn tín hữu sơ khai, mà còn xảy ra trong xã hội và trong cộng đoàn Kitô hữu hôm nay.
Chúng ta không phủ nhận giá trị của những cách tổ chức, sắp đặt sao cho đúng người, đúng chỗ; nhưng điều quan trọng là mỗi người hãy biết cư xử đúng danh phận, nhất là biết khiêm nhường. Hơn nữa, danh phận, phẩm giá của một người không thể do thái độ chủ quan định đoạt mà là do thái độ trân trọng của cộng đoàn, đặc biệt là sự thẩm định của người chủ tiệc.
Chính thái độ trịnh thượng, vượt trên danh phận, ngồi sai vị trí, mới làm cho người ta phải bẽ mặt khi có người danh phận cao hơn xuất hiện.
Chúa Giêsu liền nói với họ về hành vi này qua dụ ngôn “ Khi anh được mời đi ăn cưới, đừng ngồi vào cỗ nhất”. Ngài nói rõ lý do “Kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời” (8). Ở đây chúng ta đừng lầm tưởng Ngài dạy bài học khiêm tốn, nhưng nói đúng hơn là bài học phải nhận ra thân phận của mình và đáng giá mình cho đúng mức. Đừng ảo tưởng cho rằng : mình là người lớn nhất, được trọng vọng nhất ở đây mà vội ngồi vào chỗ nhất, nhưng vẫn có người sáng giá hơn, cao trọng hơn, bề thế hơn được mời, mà họ chưa đến thì sao?
Không những anh ta đã chọn chỗ nhất khi chẳng suy tính kỹ càng, mà lại cứ ngồi ỳ ra đó, đến nỗi chủ nhà phải đến nói với anh ta rằng “Xin nhường chỗ cho vị này” và Chúa nói thẳng hậu quả sau đó là “Anh sẽ phải xấu hổ mà ngồi vào chỗ cuối” (9). Đầu thế kỷ II, có một kinh sư đã đưa ra qui luật hành xử về vấn đề này như vầy : Bạn hãy ngồi thấp hơn chỗ xứng hợp với bạn hai hoặc ba ghế và đợi người ta nói với bạn “ Xin mời lên trên”, chứ đừng ngồi chỗ trên ngay, vì khi ấy có thể người ta nói với bạn “Xin mời xuống”. Vậy tốt hơn hãy để người ta nói với bạn “Mời lên trên” hơn là “Mời xuống!”. Có lẽ vị kinh sư này đã thấm nhuần bài học của Chúa Giê-su hôm nay “Khi được mời thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để người đã mời anh đến nói với anh rằng: xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh được vinh dự trước mặt mọi ngừơi đồng bàn (10).
Nhận xét của Chúa Giêsu được rút ra từ một thực tế dễ hiểu : những cử chỉ tôn kính có giá trị là những cử chỉ người khác làm cho ta, chứ không do ta tự làm cho mình. Tốt hơn là nên đề phòng những việc bất ngờ xảy ra, nếu không ta sẽ phải chuốc lấy hậu quả là sự nhục nhã ê chề do bởi tính tự phụ.
“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên”(11). Với hai động từ thụ động: “bị hạ xuống”, “được tôn lên”, ý nói rằng chính Thiên Chúa mới là tác giả của việc hạ xuống và nâng lên này. Chỉ duy mình Thiên Chúa mới ban vinh quang đích thực, danh dự chân chính cho những ai thành tâm, khiêm tốn tìm kiếm và mong được vào vương quốc của Ngài.
Khiêm nhường, tự hạ không chỉ là cách sống, là lời giảng dạy thường xuyên của Chúa Giêsu và còn là giáo huấn được các Tông đồ, môn đệ Chúa, thường xuyên nhắn nhủ. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê, tóm tắt cuộc đời khiêm nhường, tự hạ của Chúa Giêsu như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ” (Pl 2, 6-8).
Trong cuộc đời người ki-tô hữu, kể cả những người sống trong đời thánh hiến, tất cả đều mang tâm trạng tốt lành ban đầu là: phục vụ Thiên Chúa và con người trong khiêm tốn. Nhưng theo giòng thời gian, tư tưởng ấy bị mai một. Chúng ta tìm mọi cách để tôn cái tôi của mình, muốn người khác biết đến công trạng của mình đã hy sinh cho việc chung hoặc qui về lợi nhuận cho bản thân, cho gia đình, cho tổ chức của mình, như : gắn bảng tên tại chỗ quả chuông hay tượng đài Đức Mẹ vì đã bỏ tiền dâng cúng; tự hào và kể công khi phục vụ trong chức vụ Ban Hành Giáo hai, ba nhiệm kỳ và đòi hỏi phải được giáo xứ, cha xứ ưu ái hay đền ơn đáp nghĩa. Hội đoàn của tôi phải cờ quạt, rước sách, tổ chức lễ thật to, mời cha này, sơ kia… để nở mặt nở mày. Với các linh mục tu sĩ: tôi đã rửa tội cho hàng trăm người, xây được vài nhà thờ, đền đài, thậm chí là nghĩa trang…
Hơn nữa là việc tổ chức các cuộc lễ hội thật hoành tráng, tiêu phí thật nhiều, thậm chí nhà thờ này phải to hơn, cao hơn nhà thờ nọ, mà quên mất tinh thần loan báo Tin Mừng đã chẳng đi vào lòng người được bao nhiêu? …Hay những dịp lễ truyền chức, tạ ơn, khấn dòng phải đưa lên Internet hay You tube để rao giảng Tin Mừng hay để “cái tôi” của nhóm tôi, của dòng tu tôi, của giáo xứ, giáo phận tôi được biết tới? Vì thế, chúng ta luôn tự hào và tìm kiếm sự kính trọng, lòng biết ơn và sự tán thưởng của người đời mà quên rằng: mình đã được thưởng công rồi và Thiên Chúa sẽ chẳng còn chỗ để thưởng công cho tâm hồn và cho cuộc đời chúng ta.
Với đời sống khiêm nhường như thế, Chính Ngài được Chúa Cha tôn vinh: “Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 9).