Khiêm hạ
26.8 Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mươi Mùa Quanh Năm
R 2:1-3,8-11; Tv 128:1-2,3,4,5; Mt 23:1-12
Khiêm hạ
Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người luật sĩ và biệt phải giả hình. Họ là những người nói nhiều làm ít, mồm miệng đỡ chân tay, nói hay nhưng làm dở. Họ lo tô vẽ dáng bề ngoài cho đạo đức mẫu mực nhưng lòng họ thì hám danh, phô trương và tham lam. Chúa phân biệt rõ hai phương diện: những gì họ nói thì đều là nói Lời Chúa, nên hãy nghe theo; nhưng những việc họ làm thì mâu thuẫn với những lời họ giảng dạy, cho nên đừng bắt chước.
Luật sĩ và biệt phái tượng trưng cho quyền bính trong dân. Họ có bổn phận phải giảng dạy dân chúng và người dân có nghĩa vụ tuân giữ những lời họ giảng dạy. Thế nhưng nhiều lần họ đã bị Đức Giêsu khiển trách, chỉ vì họ tự cho mình là tài giỏi, đạo đức, từ đó họ phê bình chỉ trích lên án người khác; làm gì họ cũng muốn cho người khác thấy và khen ngợi; họ ham muốn danh vọng chức quyền, luôn luôn lên mặt dạy đời, nhất là họ nói mà không làm.
Tuy thế, Chúa vẫn khuyên chúng ta tôn trọng họ vì họ có nghĩa vụ giảng dạy, và hãy thực hiện những lời họ giảng dạy. Vì thế Chúa phán: “Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ!”
“Các ngươi chất lên vai kẻ khác những gánh nặng…”
Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bên ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Phải chăng chỉ những luật sĩ và biệt phái thời xưa mới kiêu căng giả hình ? Phải chăng thời nay không còn hạng người đó nữa ? Nhan nhản trước mắt chúng ta: biết bao người ngoài miệng rêu rao là vị nhân vị nghĩa, mà kỳ thực, họ tham lam, ích kỷ, tự tôn, lợi dụng thế lực để bóc lột người khác; họ lường gạt xảo trá không những đối với con người mà cả với Chúa nữa.
Trong vô số những biểu hiện của căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài, Đức Giê-su đặc biệt chú ý đến cách xưng hô; và dường như Ngài đặt những cách xưng hô bình thường của chúng ta thành vấn đề, vì chúng ta vẫn gọi người khác và người khác cũng vẫn gọi chúng ta là “thầy”, là “bà thầy” là “cha”, là “đức cha”, là “bề trên thứ cấp” hay “bề trên thượng cấp”… ; và những cách xưng hô tương đương đối với phái nữ.
Bởi lẽ, cách xưng hô diễn tả tương quan và những cách xưng hô như thế rất dễ làm cho tương quan của chúng ta trở thành lệch lạc, nghĩa là chúng ta có thể tự biến mình hay người khác thành thần linh, thành một thứ tuyệt đối hay không thể không có, thành trung tâm, thành mẫu mực, thành điểm qui chiếu mà mọi người phải hướng về. Bệnh vẻ bề ngoài ở dạng này có thể nó là nghiêm trọng nhất.
Như thế, rốt cuộc Chúa Giêsu không muốn chúng ta thay đổi cách xưng hô, cho dù đã có những thay đổi thực sự về cách xưng hô theo hướng tương quan huynh đệ của Tin Mừng, nhất là sau Công Đồng Vatinanô II, và chắc chắn đã có ảnh hưởng trên cách chúng ta tương quan với nhau.
Bởi vì, xét cho cùng, cách xưng hô vẫn dừng lại ở bên ngoài. Nhưng, sâu xa hơn nhiều vẻ bề ngoài, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thay đổi cách chúng ta sống với nhau, ứng xử với nhau: dù chúng ta là ai, có chức vụ gì hay ở độ tuổi nào, tất cả chúng ta đều có một Cha, một vị Thầy, đồng thời là vị Lãnh Đạo, và do đó, chúng ta là anh chị em của nhau trong Chúa. Đó mới là Sự Thật và chúng ta được mời gọi sống theo Sự Thật này, theo khuôn mẫu của chính Chúa Giê-su.
Cuộc sống hôm nay, người người phải đương đầu với một thách đố và hoang mang rất lớn là “đồ giả”. Nhiều sự vật, với một cái võ bọc thật đẹp đẽ bắt mắt che đậy cái không thật chất bên trong của rất nhiều sự vật: bằng giả, thuốc giả, thức ăn giả, người giả…Đời sống nội tâm cũng thế, tâm hồn trống rỗng, không có chiều sâu, kinh nghiệm sống thiêng liêng hời hợt, người ta thường tìm cách khỏa lấp những yếu kém nội tâm của mình bằng những lối sống giả hình, bằng những lời nói khoác lác phô trương. Thường vì thiếu tự tin và không đủ khẳng định thực chất bên trong, người ta thường có khuynh hướng tạo một lớp võ đạo mạo bên ngoài:“ làm cốt để cho người ta thấy, nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, thích ngồi chỗ nhất ưa bái chào…”
Sống giả hình là tự đánh mất dần nhân cách là mình, và sống vong thân vì không tự tin thể hiện là chính mình, mà chỉ sống gượng và che đậy chính mình và như thế đánh mất niềm tin, sự quý trọng của mọi người dành cho mình. Sống giả hình không chỉ làm ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn làm lẫn lộn những giá trị đạo đức, khiến cho thật giả bất phân, làm suy đồi văn hóa xã hội và gây nhiều hậu quả khôn lường khác.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người đặc biệt là hàng tư tế. Hàng tư tế là ai? là những lý thuyết gia về Thiên Chúa hay là những người sống kinh nghiệm của Thiên Chúa nếu không chỉ là “thùng rỗng kêu to”! là những người được trao quyền bính, liệu rằng quyền bính được trao ban là để phục vụ hay để người khác phục vụ mình?