Khi Thánh Thần Chân Lý đến
8.6Thứ Tư trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh
Cv 17:15,2218; Tv 148:1-2,11-12,12-14,14; Ga 16:12-15
Khi Thánh Thần Chân Lý đến
“Ta còn nhiều điều phải nói với các con” (c.12)
Chúng ta hiểu câu nói đó như thế nào ? Chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã nói tất cả những gì là giáo lý của ơn cứu rỗi. Không ai thêm hay bớt một dấu phẩy nào vào đó nữa. Vì thế Chúa Giêsu được gọi là Đấng mạc khải hoàn hảo của Thiên Chúa Cha, cho nên không có chuyện gọi là “mạc khải của Thánh Thần”. Tất cả mọi mạc khải đều bởi Chúa Giêsu vì Ngài là “Ngôi Lời của Thiên Chúa” (Gio 1,1.14), là Đấng duy nhất thấy được Thiên Chúa Cha và có quyền “cắt nghĩa” về Thiên Chúa Cha (1,18). Nhưng chân lý mạc khải đó sẽ được hiểu dần trong tinh thần và trong chân lý. Khi hứa ban Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã nói: ”Chính Người sẽ dạy các ngươi mọi sự, sẽ nhắc nhở các ngươi mọi điều mà TA đã nói với các ngươi” (14,26).
Đứng trước một chân, thiện, mỹ không dễ gì mà chúng ta lĩnh hội thẩm thấu ngay được. Một bản văn hay mấy mà đưa cho một em bé tiểu học đọc, thì làm sao nó hiểu được cái hay của văn chương. Cho nên phải được học hỏi từ từ. Chính thánh Phaolô Cũng từng ví chúng ta trên lãnh vực siêu nhiên như em bé buổi đầu ăn sữa mẹ, rồi ăn cơm mớm… thịt (1C 3,1).
Để hiểu được một chân lý mạc khải cũng phải dần dần hoặc trong lịch sử đời mỗi người hoặc trong lịch sử nhân loại. Chẳng hạn tín điều về Đức Mẹ hồn xác lên trời mãi tới năm 1950 mới được định tín. Thật ra đây không phải là một giáo lý của Chúa Thánh Thần. Chân lý này đã bao hàm trong kinh thánh, Thánh truyền và trải qua những thế hệ. Chúa Thánh Thần thúc đẩy soi sáng để đi tới quyết định dứt khoát một điều phải tin. Đó là việc của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta nên biết rằng tất cả mọi chân lý của Chúa Giêsu cũng đều bởi Thiên Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần cũng múc nguồn từ đó. Cho nên tất cả chỉ là một người mà ra. Chính Chúa Giêsu đã từng quả quyết Ngài không nói gì, là gì nếu không nhận được bởi Thiên Chúa Cha (Ga 717. 8,26-40. 12,49. 14.10). Cũng thế Chúa Thánh Thần chỉ giảng dạy những gì nghe nhận được từ Ngôi Cha và Ngôi Con (Gio 15,26). Vai trò của Chúa Thánh Thần là làm sáng tỏ chân lý, khai thông trí hiểu và mở rộng con tim vươn tới sự thật của tình yêu chân lý. Từ đó Chúa Thánh Thần được gọi là “Thần chân lý”, “Thần của sự thật”.
Chúa Thánh Thần không phải là một thầy giáo. Nhưng đúng ra là một người nhắc nhớ, một người giải thích chân lý của một bậc thầy là Chúa Giêsu. Ngài không nói với uy quyền riêng mình như kiểu Chúa Giêsu (Ga 3,32,7,16,17. 8,26-28,12-14.15,15), nhưng chỉ là một Đấng mạc khải của Thiên Chúa Cha và làm vinh danh Ngài (Ga 12,28.14,13. 15,8. 17,4-6).
Chúa Thánh Thần còn là một vai trò nữa, ngoài việc nhắc nhở các tông đồ, Ngài còn một nhiệm vụ là soi sáng áp dụng chân lý vào hoàn cảnh sống của từng thời đại để hiểu và sống chân lý mà đạt tới cùng đích nước trời. Cho nên chúng ta thấy những biến cố đời Chúa như núi Sọ, Phục sinh, lên trời không phải chỉ là một sự kiện lịch sử như bao sự kiện khác. nhưng trái lại một sự kiện đã xảy ra cả hai ngàn năm, nhưng hôm nay âm hưởng của những sự kiện đó vẫn như mới xảy ra nơi mỗi tâm hồn. Đó là việc làm của Chúa Thánh Thần.
Cho nên khi nói Chúa Thánh Thần sẽ làm cho tín hữu Chúa thành những tiên tri không phải để tiên đoán thời tiết, nói tiên tri đâu… Nhưng là để họ khám phá ra ý định của Thiên Chúa trong mỗi hoàn cảnh sống. Giúp họ biết đọc những dấu hiện của thời mình sống để mà sống đúng thánh ý Thiên Chúa. Chị Samaria bên bờ giếng nước thường đã đọc được ý nghĩ sâu của nước Trường sinh (Ga 4,25).
Có hai cái khó khăn làm mờ vai trò Chúa Thánh Thần trong đời sống con người chúng ta là lý trí cằn cỗi và con tim khô cạn. Trí khôn của chúng ta không còn muốn suy tư tìm tòi vết tích của Chúa nữa. Con tim thì khô cạn tình yêu, đem tình yêu đáng lẽ phải dành cho Chúa đi biếu không đâu đâu. Chúng ta cần cầu xin Chúa Thánh Thần sửa đổi lại mọi sự trong ngoài để hiểu được Ngài và chân lý hằng sống của Ngài.
Chúa Giêsu hứa rằng chúng ta sẽ được dẫn đưa vào chân lý trọn vẹn. Phải chăng như thế có nghĩa là chúng ta sẽ biết được mọi bí ẩn của vũ trụ, là chúng ta sẽ có được một kiến thức bách khoa và không có gì nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta trong những thứ đang hiện hữu và cách vận hành của chúng? Tôi không nghĩ như vậy. Phúc âm hôm nay đưa chúng ta vào một chiều kích khác: chân lý trọn vẹn, ấy là một ai đó, một Đấng.
Chân lý trong Kitô giáo là một Đấng đã làm chứng rằng Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Chúa Giêsu làm chứng rằng cuộc sống chúng ta được tiền định để trở nên vĩnh cửu, vượt qua cái chết. Qua bản thân mình, Ngài làm chứng rằng phương cách để biến một cuộc sống có thể bị hủy hoại thành một cuộc sống vĩnh cửu là dâng hiến mạng sống mình cho người khác.
Trong Kitô giáo, ta tin vào một Đấng, và Đấng ấy nói thật. Chứng từ Ngài thì chân thật. Ta không tin vào những nguyên tắc, những mầu nhiệm: những chân lý: ta tin vào một Đấng. Mặc khải của Thiên Chúa cho biết về một Đấng đang hành động một cách nhân từ đối với con người.
Chúng ta đã quá coi trọng những công thức đến độ tin rằng mình có đức tin khi chấp nhận những công thức, những tín điều. Nhưng chúng ta không bao giờ chạm đến được Đấng mà các nhà thần học đã chôn vùi dưới trăm ngàn từ ngữ.
Trong Thánh lễ, chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì đã cho chúng ta đạt đến đức tin. và hãy cảm tạ Người vì đã ban cho chúng ta Thánh Thần, Đấng tiếp tục mặc khải cho chúng ta điều kỳ diệu là Chúa Giêsu Kitô, Đấng chân thật mà chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy và tín thác vào Ngài.